Cảm Xúc Giận Dữ


Những người không có Chúa trong đời sống họ thường không cảm thấy khó chịu khi cảm thấy cơn giận nổi lên. Họ  nghĩ  rằng  đó  là  cách  để  giải  quyết  nan  đề  hay  để báo thù điều mà người đó muốn. Còn cơ đốc nhân thì sẽ thấy khó chịu mỗi khi giận dữ và thậm chí thấy bối rối về chuyện này. Là những người theo Chúa, cơ đốc nhân thường nghĩ rằng làm tín đồ thì không nên giận. Do đó chúng ta thường cảm thấy có tội khi chúng ta từng trải cảm xúc giận dữ. Chúng ta thắc mắc tại sao chúng ta lại giận trong khi đó là điều chúng ta không muốn làm. 


Tôi  là  người  siêng  năng  học  Lời  Chúa  suốt  ba  mươi lăm năm và tôi đảm bảo với bạn rằng tôi không muốn nổi giận. Tôi đã hợp tác miệt mài với Thánh Linh trong nhiều  năm  để  học  cách  chiến  thắng  cơn  giận  và  kiểm soát cơn giận. Tôi là người chuộng bình an và ước ao có sự hiệp ý trong mọi mối quan hệ. Tôi rất ghét sự xung đột! Tuy nhiên mới đây tôi đâm ra giận dữ lâu đến độ mà tôi vẫn còn nhớ.


Cảm xúc có thể bộc phát rất nhanh. Chúng ta không thể mong là chúng ta không có cảm xúc, nhưng chúng ta mong là cảm xúc không cai trị chúng ta. Lời Chúa không hề nói cảm thấy giận dữ là tội. Nhưng nó sẽ biến thành lối  cư  xử  tội  lỗi  khi  mà  chúng  ta  không  kiểm  soát  nó đúng cách hoặc khi mà chúng ta “đùa giỡn” với nó. Sứ đồ Phaolô dạy rằng chúng ta đừng có giận cho đến khi mặt trời lặn (Êph 4:26-27). Điều này cho thấy rằng người ta chắc  chắn  kinh  nghiệm  cảm  xúc  giận  dữ,  nhưng  trong một thời gian ngắn họ có khả năng cho nó vơi đi. Đối với tôi chuyện này cần sự cầu nguyện và cần quyết tâm sống vượt trên những gì tôi cảm thấy.Cách đây không lâu tôi nói chuyện với dì tôi qua điện thoại. Nhà tôi và tôi đã giúp đỡ tài chánh cho dì suốt nhiều năm qua vì dì goá bụa và thu nhập của dì không đủ để sống. 

Tôi là người chịu trách nhiệm về pháp lý cho dì nên mỗi khi dì cần khám bệnh thì bệnh viện gọi cho tôi để lo trong trường hợp khẩn cấp. Tôi muốn thêm con gái tôi vào danh sách những có thẩm quyền đưa ra quyết định thay cho dì trừ khi tôi đi xa mà dì lại cần lo thủ tục khám bệnh. Tôi gởi con gái tôi đến nhà dì cầm theo tờ giấy để dì ký tên nhưng dì lại cố chấp và không chịu ký. Khi con gái tôi kể lại chuyện này với tôi, tôi lập tức nổi giận đến độ tôi tưởng chừng tôi sẽ nổ tung lên. Tôi mong là dì tôi tin tưởng tôi và làm những gì tôi yêu cầu, nên tôi gọi cho dì và nói hết đầu đuôi, nhắc cho dì nhớ lại mọi điều tôi đã giúp dì và tôi không ưa cách hành xử ích kỷ của dì. Cả hai dì cháu đều nổi giận và nói nhiều điều đáng lý không nên nói.

Thành  thật  mà  nói,  lúc  đó  tôi  cảm  thấy  mình  đúng khi tôi giận và đó là lỗi lầm. Biện minh cho cơn giận 
cho phép tôi cứ giận suốt ba ngày trong khi tôi chờ dì tôi gọi điện cho tôi và xin lỗi, nhưng dì lại không hề xin lỗi. Suốt ba ngày đó tôi kể cho một số người trong gia đình tôi nghe và cũng kể cho một người bạn nghe hết về chuyện này, than vãn rằng bà dì này quá là ích kỷ. Dĩ nhiên, đó cũng là lỗi lầm vì Lời Chúa dạy chúng ta không nên làm bất cứ việc gì hại đến thanh danh người khác, cũng không nên nói xấu hay nói hành người ta. Mỗi lần tôi kể ra chuyện này, tôi lại càng giận thêm và càng đổ “dầu vào lửa.” Tôi nói thật rằng tôi nhớ là tôi không có giận lâu như thế trong nhiều năm rồi.

Chuyện gì xảy ra vậy? Trước hết, tôi quá mệt mỏi khi chuyện này phát sinh; bây giờ tôi nhận ra rằng tôi đã hành xử vội vàng khi tôi đưa ra yêu cầu. Vì tôi mệt mỏi nên tôi không để thì giờ giải thích chuyện của tôi cho dì tôi nên tôi đã mở cửa cho sự lộn xộn. Tôi lúc đó không chỉ mệt mỏi mà tôi còn phải xử lý nhiều nhu cầu cấp bách cho dì tôi nên tôi cảm thấy bị áp lực và tìm cách làm giảm nhẹ công việc cho tôi. Vào sáng ngày thứ tư sau chuyện đó, tôi nhận ra rằng cơn giận mà tôi cảm nhận đã ngăn trở tôi gần gũi Chúa và ngăn trở tôi không thể học Lời Chúa được. Tôi cứ nghĩ về chuyện này và không thể loại bỏ khỏi tâm trí tôi. Điều này  thật  đúng  với  tôi  cho  đến  khi  tôi  phải  giải  quyết những vấn đề khó khăn này. Tôi bắt đầu cảm thấy Chúa muốn tôi gọi cho dì và xin lỗi, nhưng phải nhìn nhận rằng tôi quả là không muốn làm chút nào. 

Tôi càng mở lòng ra với Chúa, tôi càng hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của dì tôi. Bà đã tám mươi bốn tuổi rồi và hầu như việc lệ thuộc người khác là chuyện dễ hiểu thôi. Theo quan điểm của dì, bà có lẽ hơi ngạc nhiên khi nhiều biến cố thay đổi. Nên lúc đó tôi vội gởi giấy tờ yêu cầu dì ký tên liên quan đến tình trạng sức khoẻ của dì rồi đưa cho con gái tôi phòng khi tôi đi xa nhưng lại không giải thích ý định của tôi. Sau khi chờ vài giờ đồng hồ do dự không muốn gọi, cuối cùng tôi gọi điện và nói với dì là tôi xin lỗi vì đã nổi giận với dì. Thật ngạc nhiên, bà cũng nói lời xin lỗi tôi rằng bà đã hành xử không hay vì bà lúc đó cũng bối rối. Trong vòng hai phút toàn bộ sự việc đã được giải quyết và tôi có bình an trở lại, dì tôi cũng vậy. Sau  chuyện  đó  tôi  nhận  ra  rằng  tôi  có  thể  xử  lý  sự việc và khôn khéo nghĩ tới cảm nhận của dì hơn nữa. Tôi thành thật ăn năn trước mặt Chúa, không chỉ là chuyện cứ giận mãi đến ba ngày mà còn nói xấu chuyện này cho người khác.

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện này với bạn để chỉ cho thấy rằng giận dữ có thể đến rất nhanh và cho dù chúng ta là “cơ đốc nhân” bao lâu đi nữa, chúng ta không bao giờ miễn khỏi cám dỗ nổi giận. Tôi buồn vì đã giận suốt ba ngày, nhưng tôi vui là tôi không để cơn giận đó thành rễ đắng trong đời sống tôi và cứ đầu độc tâm hồn tôi thêm nữa. Chúa  thì  chậm  giận  và  chúng  ta  cũng  nên  như  thế. Ngài kiềm chế cơn thạnh nộ, tức là Ngài tự chủ được. Chúa thường bỏ qua cơn giận và không nổi cơn thạnh nộ (Thi 78:38). “Bỏ qua” cơn giận tức là Ngài kiểm soát nó. Hãy nhớ sự tự chủ là trái của Thánh Linh. Nó là một khía cạnh thuộc bản tính của Chúa mà Ngài chia sẻ cho chúng ta. Nhiều lần trong Kinh Thánh chúng ta thấy khi con người chọc giận Chúa thì Ngài kiềm chế lại. Trong trường hợp với dì tôi, tôi phải mất bốn ngày mới kiềm chế bản thân và tôi không hãnh diện về chuyện này. Chúng ta nên ước ao ngày càng giống Chúa hơn trong cách cư xử của chúng ta. Đây là một tấm gương mà chúng ta nên noi theo: Tại Ai-cập tổ tiên chúng tôi đã không nhận thấy các phép lạ của Ngài; không nhớ đến tình yêu thương dồi dào của Ngài, nhưng họ đã nổi loạn bên bờ biển, tức là biển Đỏ. Nhưng Ngài đã vì danh Ngài giải cứu họ để bày tỏ quyền năng Ngài. Thi Thiên 106:7-8

Dù  dân  Y-sơ-ra-ên  nổi  loạn  và  đáng  chịu  hình  phạt nhưng Chúa đã tha thứ cho họ và bày tỏ lòng nhân từ thương xót theo đúng bản chất của Ngài. Nói cách khác, Chúa là tình thương, và tình thương của Ngài không phải là điều gì đó mà Ngài “hồi bật hồi tắc.” Ngài lúc nào cũng như vậy và Ngài không bao giờ cho phép cách cư xử của con người thay đổi Ngài. Tôi đã cho phép cách cư xử của dì tôi thay đổi tôi trong chốc lát, nhưng tôi đã để thì giờ suy nghĩ trước khi phản ứng nên toàn bộ vấn đề đã được thay đổi. Tôi đã phản ứng theo cảm xúc của tôi thay vì hành động theo Lời Chúa và noi theo gương của Ngài. Rất nhiều năm trong đời sống tôi, tôi đã làm điều tương tự trong nhiều tình huống. Lúc đó hầu như tôi giận mỗi ngày cho đến khi tôi chịu để Chúa thay đổi tôi.Trong chương tới tôi sẽ bàn đến cách nhà tôi đã sửa sai lối cư xử xấu của tôi nhưng không bao giờ đối xử tệ với tôi. Tính tình ổn định của nhà tôi và việc anh liên tục bày tỏ tình yêu với tôi là một trong những lý do chính mà tôi ước ao thay đổi cách cư xử xấu của tôi. Nếu nhà tôi mà đâm ra giận dữ, la hét, lạm dụng và doạ bỏ tôi thì chắc có lẽ tôi không được thay đổi gì cả. Trong đời sống tôi, tôi đã rơi 
vào chỗ rất cần nhìn thấy tình yêu thể hiện bằng hành động và nhà tôi đã bày tỏ điều đó cho tôi.

Đôi khi không đủ lời để diễn tả. Nói những lời lẽ yêu thương thì thường thấy nhan nhản trong xã hội. Cha tôi người đã lạm dụng tôi về tình dục cũng nói là thương tôi. Mẹ tôi người đã bỏ tôi cũng nói là thương tôi. Bạn bè những người đã nói dối với tôi cũng nói là thương tôi, nên đối với tôi những lời nói này lúc đó thật vô nghĩa. Nhà tôi không chỉ nói là yêu tôi mà anh còn bày tỏ loại tình yêu mà Chúa đã ban cho người khác qua chúng ta. Đó chính là tình yêu của Ngài!