TÂM TRẠNG BẤT ỔN


Chống lại sự nản lòng trầm trọng

Đó là một cú sốc. Lần đầu tiên nhìn những bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm sức khỏe tinh thần Quốc gia là một kinh nghiệm thật nặng nề. Nó làm tim tôi đau nhói và gan ruột tôi bồn chồn.

Như một cái máy, tôi theo sau cô y tá bước vào trung tâm. Trong phòng cấp cứu, chúng tôi đến bên một phụ nữ đang nằm co người trên chiếc ghế, hai tay bưng lấy đôi mắt. Khi bà ngẩng lên trả lời những câu hỏi của bác sĩ, để lộ mái tóc từ lâu chưa gội cùng gương mặt xanh xao. Những quầng thâm đen dưới đôi mắt sưng đỏ là bằng cớ đầy đủ hơn về một chấn thương tâm lý trầm trọng. Bà chỉ nói vài lời rồi trở về tư thế trước đó, la khóc trong những tiếng nấc, trong sự run rẩy của cơ thể đã kiệt sức.


Tôi đã đọc những quyển sách nói về sự chán nản, đã trải qua những giây phút êm ái, nhưng chưa hề được chuẩn bị đối diện với sự khủng hoảng mà mình đã gặp lúc đó. Sau nầy, tôi biết rằng thậm chí những bệnh nhân chán nản nhất cũng có thể được hồi phục. Khi người y tá dẫn tôi ra khỏi khu cấp cứu, chúng tôi vào một khu khác. Tại đó, tôi thấy những bệnh nhân bước đầu thoát khỏi trạng thái chán nản trầm trọng.

Tình trạng của những bệnh nhân trong khu nầy cho thấy có sáng sủa hơn người phụ nữ tại phòng cấp cứu. Sau nầy cô y tá cho tôi biết bệnh nhân mà tôi gặp đầu tiên đã không ăn uống trong nhiều ngày trước khi bà ta được tiếp nhận. Tuy nhiên, sự tối tăm tuyệt vọng của những bệnh nhân nầy đã bắt đầu vượt ra ngoài khả năng chữa trị thông thường. Tại đây không có ai khóc hay cười. Tâm trạng của họ thường được mô tả như là sự trầm cảm vì căn bản họ là những kẻ không hoạt động, ngoại trừ thỉnh thoảng xê dịch. Họ bén rễ đôi chân mình cách nặng nhọc khi bước đi.

Giai đoạn cuối trước khi hồi phục, bệnh nhân được chuyển đến khu vực riêng dành cho người cơ bản khỏe mạnh. Bầu không khí tại đây kích thích sự hoạt động, sự trầm cảm bị đẩy lùi thêm một bước, và gương mặt bệnh nhân có vẻ rạng rỡ hẳn lên. Khi rời khỏi trung tâm, tôi mong muốn dự phần vào công tác mà mình đã chứng kiến. Tôi bám chặt vào những lời hứa chữa lành mà mình biết.

THẾ NÀO LÀ SỰ CHÁN NẢN?

Những người chán nản có thể nhận được sự an ủi từ sự thật là họ có khả năng hồi phục. Nhưng đối với nhiều người, sự tuyệt vọng trên một phương diện nào đó cứ liên tục là kẻ thù trong cuộc sống mình. Giống như bất kỳ một căn bệnh nào đó, sự chán nản luôn tấn công vào điểm yếu, dễ làm tổn thương chúng ta. Điển hình là một số người trong chúng ta thường khao khát được tôn trọng.

Một người nhạy cảm như vua Đavít đã khốn khổ trong sự nản lòng. Trong giờ phút tăm tối ông đã cầu nguyện rằng: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi! Xin cứu tôi, vì những nước đã thấu đến linh hồn tôi. Tôi lún trong bùn sâu, nơi không đụng cẳng. Tôi bị chìm trong nước sâu, dòng nước ngập tôi. Tôi la mệt, cuống họng tôi khô. Mắt tôi hao mòn khi trông đợi Đức Chúa Trời tôi”. Kinh thánh miêu tả Đavít và những người giống như ông trong nhân tính của họ. Trong đau đớn nản lòng, họ cũng cảm thấy buồn khổ, yếu đuối, cô độc và đau đớn.

Ngày nay Cơ Đốc nhân cũng không được miễn trừ khỏi sự chán nản. Một số Cơ Đốc nhân ao ước được giống Chúa trong tình yêu thương và lẽ thật, đã mở cánh cửa đời sống cho những người khác nhìn vào và học hỏi về cuộc chiến chống lại sự chán nản. Như  Lynthia Swindoll, người phát thanh điều hành chương trình phát thanh Cơ đốc “Đời sống sâu nhiệm” mô tả chán nản như là “người bạn thường xuyên bên tôi” trong phần mở đầu quyển sách bàn về nỗi chán nản. Cô đã chia sẻ thật ngọt ngào về những tranh chiến và đắc thắng của mình.

“Thật khó mà tin rằng cuộc đời tôi thật đen tối trong nỗi chán nản kéo dài 15 năm”, Swindoll kể lại, “Chán nản, đen tối… như chìm trong sự tang chế kéo dài. Sự cô đơn không thể diễn tả được. Mất đức tin nơi Đức Chúa Trời, thất vọng trong hoàn cảnh sống, mang mặc cảm bị bỏ rơi, vô giá trị, không được yêu thương… Nỗi đau khổ thật kinh khủng”.

Khi một phụ nữ tuyệt vọng chia xẻ những điều sâu sắc như thế trong tâm hồn, những người gần gũi với họ thường không biết chắc phải đáp ứng như thế nào. Gia đình và bạn hữu có thể bị xem thường khi một người thân của họ nói như vậy. Thật ra, áp lực của những cảm xúc tiêu cực đã che phủ tầm nhìn của người đang tuyệt vọng. Sự bức bối nầy thường khiến họ khép kín lòng đối với gia đình và bạn hữu mình.

Một tín đồ đã gọi điện thoại cho tôi đang khi bị cơn tuyệt vọng hành hạ. Bà khóc lóc và nói rằng muốn ly dị với chồng. Đây là lần đầu tiên tôi tâm tình với mọt phụ nữ mà lúc bình thường rất ít khi bộc lộ về cuộc sống riêng tư. Trong dòng nước mắt, bà nói: “Tôi cảm thấy thật khổ sở vì Bert. Tôi không thể sống với anh ấy được nữa. Anh ấy làm tôi vô cùng sợ hãi. Tôi  phải làm sao đây?”

Một thời gian sau, chồng bà gọi điện thoại yêu cầu tôi cầu nguyện. Ông cho biết cuộc sống chung của họ trước kia vốn tốt đẹp, nhưng vợ ông đã lâm vào sự thất vọng, u sầu, và những cảm xúc kinh khủng đó tác động thường xuyên lên ông ta. Ông hiểu được những cảm xúc khi bà bị rơi vào trạng thái nầy, nhưng thật khó mà chịu đựng và sự tổn thương đã xảy ra. Ông mong ước vợ mình được hưng phấn hơn. Ông cảm thấy mình bị cuốn vào vòng chán nản của vợ.

NGUYÊN NHÂN THỂ CHẤT CỦA SỰ CHÁN NẢN.

Có lẽ bạn đang chiến đấu với những cơn sóng chán nản. Có thể bạn hiểu lầm những căn nguyên của nó. Tôi xin đưa ra một nhận định. Tinh thần chán nản không chỉ là kết quả của tội lỗi hoặc sự thương hại mặc dù chúng cũng có thể liên quan đến. Trong quyển  “Sự chán nản” của Don Baker, thành viên của Hội tâm lý học, viết ra như sau: “Sự chán nản… có một nguyên nhân. Nó không phải là hậu quả bởi sự trừng phạt của thần linh huyền bí. Đây là căn bệnh đến từ áp lực xã hội hoặc sinh học phức tạp, tác động một cách bất lợi trên sức khỏe của bạn. Chúng ta cần khám phá những tác động đó. Chúng có thể tiềm ẩn, hoặc phát lộ, có thể thuộc thể xác hay tinh thần, có thật hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, vì thế, khi nhận định rõ thì bạn sẽ hồi phục”.

Tra tìm căn nguyên, có thể làm giảm đi những lầm lẫn trong suy nghĩ, xóa đi nỗi buồn tủi của người bị nản lòng và giúp mỗi chúng ta xử lý thích hợp với sự chán nản của mình.

Có một điều chúng ta cần phải hiểu: “Tâm trạng buồn bã hoặc cô đơn là điều bình thường, Tất cả mọi người đều trải qua”.

Hết thảy chúng ta đều mang dấu ấn của tội lỗi. Từ đó, nảy sinh ra những khiếm khuyết. Một trong những khiếm khuyết là chức năng sinh hóa trong não bộ không hoạt động tốt, đã góp phần gây ra sự chán nản, tuyệt vọng. Trong trường hợp nầy, chấp nhận sự thật của việc mất cân bằng sinh hóa là bước đầu tiên dẫn đến chiến thắng nỗi chán nản.

Tuy nhiên, cũng cần phải xác định những trường hợp thuộc tính đa cảm. Khuynh hướng nầy được xem như là sự yếu đuối về khí chất hoặc một tâm tính dễ xúc động.

Trong bất cứ trường hợp nào, thừa nhận nan đề của sự chán nản tốt hơn là giấu kín hoăc né tránh. Đây là khởi điểm để chế ngự nó.

Có những nguyên nhân gây chán nản thuộc thể chất khác. Mỗi phụ nữ chúng ta từng có cùng một loại chán nản tại những thời điểm nhất định bởi những chuyển biến sinh hóa trong cơ thể. Nhà y học trứ danh Hyppocrates vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, đã mô tả điều nầy khi ông nghiên cứu sự buồn bã bất thường của một phụ nữ sau khi sinh con, mà ngày nay chúng ta gọi đó là “thời kỳ hậu sản”.

Chính tôi cũng có triệu chứng như vậy khi sanh Brenda, con đầu lòng của chúng tôi. Tôi nhớ mình đã bật khóc hai hôm sau khi trở về nhà, hết thảy chỉ vì câu nói của Dave: “Chào một buổi sáng tốt lành”. Và tôi nói: “Em chẳng thấy một điều tốt lành nào cả”.

Tôi bật khóc bởi những nỗi buồn nội tâm. Cơn khóc không kéo dài lâu, nhưng lý trí tôi dường như biến mất vào lúc đó. Những bác sĩ chuyên gia cho biết lượng estrogens hạ thấp khi sinh con và lượng Progesterone hầu như không còn tồn tại - một sự suy giảm đột ngột từ mức độ cao mà cơ thể chúng ta duy trì trong suốt thời kỳ mang thai. Nước mắt và nổi buồn có mối liên quan đến tiến trình tái thăng bằng của cơ thể sau khi sinh con. Nhưng đang khi bạn trải qua sự u sầu, những lời giải thích chỉ giúp bạn hiểu đây là điều bình thường. Chúng không giúp ích gì nhiều cho bạn trong việc tự chủ được những cảm xúc.

Điều nầy cũng đúng đối với sự căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt, thường được gọi là PMS. Có sự giảm lượng Progesterone trong cơ thể người nữ trước kỳ kinh nguyệt độ 4 hoặc 5 ngày. Sự suy giảm nầy đem đến những biến đổi tâm lý mà hầu hết chúng ta đều nhận thấy trong mỗi tháng.

Mãn kinh là thời kỳ chuyển tiếp khó khăn của  phụ nữ. Margarret Mead ví sánh thời kỳ mãn kinh như là việc “đóng kín những cánh cổng”. Quá trình đóng kín liên quan đến sự tụt giảm kích thích tố. Điều nầy diễn ra một thời gian khá lâu để cơ thể dần dần thích nghi với sự thay đổi. Trong suốt quá trình nầy, một số phụ nữ lâm vào tình trạng chán nản không phải bởi sự thay đổi số lượng kích thích tố mà là cảm giác mất mát – Sự mất đi tuổi xuân cùng sự quyến rũ về giới tính và khả năng sinh sản.

KHI NỖI ĐAU KHỔ KÉO DÀI.

Sự mất mát trong bất cứ hình thức nào, thường là nguyên nhân của sự nản lòng. Đặc biệt là nỗi đau khi có người thân yêu qua đời.

Một người bạn đã gọi điện thoại cho tôi ngay khuya thứ tư để báo tin về cái chết đột ngột của chồng bà. Người vừa trở nên goá bụa nhớ lại lần tạm biệt nồng ấm và yêu thương mà chồng bà biểu lộ khi chia tay buổi sáng hôm đó. Trước khi cất cánh trong ngày nắng ấm, quang đãng của tháng 10, ông đã nói với bà qua điện thoại lần cuối cùng: “Anh sẽ về nhà ăn cơm tối”… Thay vào đó là tin báo về chiếc máy bay rơi và cái chết của ông. Đang khi những kỷ niệm êm đềm với người chồng yêu dấu vẫn còn in đậm trong trí, bà đã điện thoại cho tôi: “Bạn và Dave có thể đến Dallas được không? Tôi mong Dave cử hành lễ tang”.

Sau khi gác máy, tôi nằm lăn ra giường, tái hiện những ký ức về bạn tôi và chồng bà ấy. Tôi cầu xin Cha trên trời yên ủi một con cái yêu dấu của Ngài. Tôi đã hầu như ngủ thiếp đi khi điện thoại reo lên lần nữa. Từ đầu dây bên kia, tôi nghe giọng nói đầy nước mắt của người em gái ở thành phố Salt Lake báo tin về cháu gái còn thiếu niên là Sonia vừa chết cách đây một tiếng đồng hồ trong một tai nạn giao thông.

Ban đầu, tôi không thể thốt lên lời nào, tôi không cầu nguyện mà chỉ lẩm bẩm vài điều. Cú sốc đem đến một vết cắt sâu trong nội tâm mà chỉ có thể bộc lộ bằng sự than khóc.

Khó có thể bình tĩnh để nghe kể chi tiết về tai nạn, và tai tôi chỉ có thể nghe tiếng khóc nấc của người em rể đang đứng bên cạnh.

Nỗi đau quá lớn, tôi quá xúc động khi nghĩ đến sự khắng khít, đầy yêu thương mà người em rể của tôi dành cho con gái duy nhất của mình. Cô bé thường chuẩn bị bữa điểm tâm sáng và ủi quần áo cho cha đi làm. Tôi hồi tưởng lại nụ cười của cháu mỗi khi đùa giỡn với cha. Tiếng cười khúc khích của cháu luôn là niềm an ủi lớn lao đối với cha.

Em gái tôi tiếp tục kể lể, khóc lóc và hồi tưởng lại. Nỗi đau lớn nhất của cô ấy dường như tập trung vào những ngày sắp đến: “Sẽ không có những ngày ở giảng đường đại học, không có đám cưới hạnh phúc, không có những đứa cháu gái do con gái của tôi sinh ra”. Em gái tôi nói trong tiếng nghẹn ngào. Khi gác máy, tôi cố chấp nhận sự thật: Sonia đã ra đi. Cuộc sống, niềm vui, hạnh phúc của vợ chồng em gái tôi tạm thời không còn nữa.

Tôi đem theo cuốn Kinh thánh trong chuyến bay tới Salt Lake. Con gái Debbie và tôi chăm chú đọc để tìm kiếm sự an ủi trong đó. Nguồn bình an của chúng tôi đến từ lời phán của Chúa Jêsus: “Ta là sự sống lại và sự sống, kẻ nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dù đã chết rồi”. (Giăng 11:25).

Đây là sự bảo đảm cho chúng tôi rằng đức tin nơi Chúa Jêsus đã cứu linh hồn cháu. Đang khi chúng ta than khóc bên thân xác đã chết của Sonia, thì linh hồn cháu đang sống vui mừng trên thiên đàng vì tin nhận Chúa Jêsus. Đang khi tra xem Kinh thánh, chúng tôi thấy một câu đập vào mắt mình: “Đi đến nhà tang chế hơn là nhà yến tiệc, vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người, và người sống để vào lòng” (Tr 7:2). Vài năm trước đây, chúng tôi đã đến nhà của Sonia để cùng vui hưởng những giây phút của những cuộc lễ hội. Hai gia đình chúng tôi đã trượt tuyết và ngồi trên xe trượt trong suốt mùa giáng sinh. Khi tôi và Debbie nhớ lại những kỷ niệm đó, chúng tôi học biết được lẽ thật của sách truyền đạo. Việc dự buổi tang chế đã biến đổi hướng đi trong đời sống của Debbie. Cháu đã ngẫm nghĩ nhiều về mục đích của đời mình.

Chúng tôi đã trải qua những ngày tại Salt Lake trong sự thương tiếc. Tôi hoàn toàn thấu hiểu được nỗi đau của em gái tôi, chồng và con trai cô ấy, với tấm lòng quặn thắt của mình. Một câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi: Liệu vết thương lòng của họ, hay của người bạn góa phụ của tôi tại Dallas có được chữa lành không?

THỜI ĐIỂM VÀ CẢM XÚC ĐƯỢC CHỮA LÀNH.

Nỗi sầu khổ là một gánh nặng nội tâm. Nếu bạn đã trải qua, ắt hiểu điều tôi muốn nói. Toàn bộ cơ thể bạn tác động ngược lại với những cảm xúc và chỉ lấy lại được sự thăng bằng qua nước mắt với sự thổn thức: Ápraham biểu lộ sự đau buồn khi chịu tang vợ mình là Sara qua những dòng nước mắt (Sáng thế ký 23:2).

Sự chữa lành cần có thời gian. Thời kỳ sau khi người thân qua đời rất cần thiết. Các nhà tâm lý học cho rằng phần lớn những góa phụ thường phải trải qua một năm đau khổ để sau đó bắt đầu thích nghi với cuộc sống mới. Đối với cha mẹ có con qua đời, thì cần một thời gian lâu hơn: 18 tháng.

Đau khổ là một quá trình nội tâm dẫn đến sự chữa lành cảm xúc. Một số nền văn hóa xem việc than khóc, cắt tóc, xé quần áo, như là một phần của quá trình nầy. Đau khổ giống như một vết thương có mục đích của cơ thể. Tuôn chảy nước mắt và để người khác yên ủi đưa chúng ta vào bước khởi đầu. Điều nầy là cần thiết, nhưng không phải luôn luôn được chấp nhận trong nền văn hóa của chúng ta.

Khi cảm xúc giận dữ xâm chiếm, chúng ta phải điều chỉnh chúng theo đúng hướng – nhưng vẫn bám chặt lấy Đức Chúa Trời, vì Ngài là nguồn của tình yêu và chữa lành những tâm hồn tan vỡ. Không nên chuyển sự giận dữ vào chính mình, vì như thế là tự hủy hoại, dẫn đến cay đắng và thù ghét, phá hoại mối quan hệ của chúng ta với người khác. Thay vào đó, sự giận dữ của chúng ta phải được dùng để chống trả tội lỗi. Kinh thánh chép: “Hãy gớm sự dữ” (Rô-ma 12:9). Tôi đã học được điều nầy khi đứng trước sự qua đời của cháu gái tôi.

Em gái tôi đến thăm chúng tôi hai tháng sau khi Sonia qua đời. Chúng tôi đi bộ dọc theo bãi biển gần nhà. Trong tiếng gầm rít của gió, cô tâm sự về những kỷ niệm, tình thương dành cho Sonia và cái chết của cháu. Sau đó, những cơn gió lớn nổi lên khiến chúng tôi đứng sát bên nhau. Biển động. Chúng tôi dừng lại và nói với nhau về những đau khổ còn đọng lại trong tâm hồn, khi cái chết đến với Sonia lúc cháu còn quá trẻ.

Điều nầy xảy ra có phải là do ý Chúa? Có phải Ngài định cho chúng ta phải chịu sự đau khổ nầy? Khi suy gẫm Kinh thánh, chúng ta sẽ nhớ lại rằng: “Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống…  Trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào” (Giăng 1:17). Nhưng chúng ta cũng cần nhận biết mình đang sống trong một thế giới bị ô nhiễm bởi tội lỗi. Bệnh tật, sự chết đầy dẫy vì tội lỗi đã bước vào thế gian. Đức Chúa Trời tối cao đặt thế giới mà Ngài tạo ra theo những quy luật bất di bất dịch. Cả người công bình và người gian ác đều sống dưới quy luật nầy, đều khốn khổ  do hậu quả của tội lỗi. Đôi khi Đức Chúa Trời can thiệp vào cách lạ lùng; khi khác, với bản tính yêu thương và khôn ngoan, Ngài cho phép những sự kiện nào đó xảy ra, và không ai hiểu lý do tại sao.

Chúng ta nói về Tin lành. Điều Đức Chúa Jêsus dạy các môn đồ trở nên rõ ràng cho chúng ta ngày nay: “Hiện nay các ngươi chẳng biết các sự Ta làm, nhưng về sau sẽ biết” (Gi 13:7). Chúa muốn chúng ta tin cậy Ngài trong mọi hoàn cảnh. Ngài muốn chúng ta nhận biết rằng bất cứ điều gì Ngài cho phép xảy ra là ích lợi theo sự nhân từ của Ngài.

Nhận thức Chúa Jêsus cảm thông và quan tâm  đến mình, giúp chúng ta thoát khỏi sự nản lòng. Chúa Jêsus “cũng đau lòng cảm động” (11:33) khi thấy Mari và những  người  đi cùng đều khóc. Nhìn những người mình yêu đang đau khổ dưới quyền lực của sự chết, Chúa Jêsus “đã khóc” (11:35). Sau đó, Ngài  yên ủi Mari và Mathê. Chính Ngài cũng đau buồn khi chúng ta bị tổn thương. Ngài là người “từng trải sự đau đớn và buồn khổ” (Ê-sai 53:3).

Tôi và em gái nhắc đến Sonia cho đến khi mặt trời bắt đầu lặn. Chúng tôi tận hưởng bầu không khí trong lành của tháng 12. Tấm lòng nặng trĩu của em gái tôi đã vơi đi khi nhớ đến biết bao điều mà Chúa Jêsus đã làm trong sự đau buồn của riêng mình. Cô đã tươi tỉnh trở lại khi biết Chúa Jêsus sẽ cứ tiếp tục là niềm an ủi và hy vọng của mình trong tương lai.

Những nhà tâm lý cho biết chúng ta không thể né tránh khỏi những cảm xúc đau buồn. Nhiều người khi gặp sự buồn khổ đã tìm đến hoặc gia tăng việc hút thuốc lá, thuốc an thần hay rượu để mong vơi đi nỗi đau đớn và tuyệt vọng.

Kinh thánh cung cấp một phương cách thích ứng để đứng vững trong tình huống bi quan hoặc để giảm thiểu nỗi đau thể xác. Đavít đã kiêng ăn trong bảy ngày với những đêm nằm đất khi con ông bị bệnh. Sau đó, khi được báo tin con mình đã chết, “Đavít đã chờ dậy khỏi đất, tắm mình, xức dầu thơm và thay quần áo, rồi người đi vào đền của Đức Giê Hô Va và thờ lạy Ngài. Đoạn người trở về cung, truyền dọn vật thực cho mình, và người ăn”. (II Sa-mu-ên 12:20). Khi những tôi tớ hỏi về hành động của Đavít, ông trả lời rằng: “Ta có thể làm cho nó trở lại được ư? Ta sẽ đi đến nó, nhưng nó không trở lại cùng ta” (12:23).

Vua Đavít hoàn toàn bất lực, không thể chữa lành cho con trai yêu dấu của mình. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng, Đavít đến cùng Đức Chúa Trời. Ông tin vào quyền năng chữa lành của Ngài, nhưng cũng tin vào sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời khi quyết định số phận của con trai mình. Ông bày tỏ lòng khiêm nhường, hạ mình nương dựa vào Đức Chúa Trời khi cầu nguyện và chờ đợi sự đáp ứng của Ngài.

Khi con trai chết thì trách nhiệm của Đavít chấm dứt. Ông đã làm hết sức của mình. Mặc dù lời cầu xin bị từ khước, đức tin của ông vẫn không thay đổi. Chấp nhận, thuận phục ý muốn Chúa như vua Đavít sẽ giúp chúng ta được chữa lành cảm xúc đau khổ.

NHỮNG MẤT MÁT KHÁC.

Sự chết không phải là nguyên nhân duy nhất gây nên sự suy sụp tinh thần. Sự từ chối cũng gây nên cảm giác mất mát. Trẻ con có thể có cảm giác bị bỏ rơi từ phía bà mẹ. Nếu mẹ bạn không quan tâm, không đối xử tốt với bạn, bạn sẽ cảm thấy rằng mình không được yêu thương. Mẹ chính là người nắn đúc nên những cảm xúc của đứa trẻ. Nếu bà không đáp ứng những cảm xúc phát sinh từ nhu cầu của chúng, đứa trẻ sẽ nẩy sinh mặc cảm tự ti, ngày càng cảm thấy thù ghét và bất cần đối với người khác. Nếu đó là sự mất mát tình cảm mẹ con, nó sẽ tác động đến những mối quan hệ tình cảm khác và gây nên sự suy sụp tinh thần.

Mất việc làm hoặc thất bại trong công việc, cũng đẩy chúng ta ra khỏi cảm giác an toàn và khiến chúng ta trượt dài trong sự nản lòng. Sự mất đi một phần thân thể có thể đem lại nỗi đau sâu xa. Sự đổ vỡ trong hôn nhân, trong những quan hệ tình cảm, cũng tạo nên cảm giác mất mát.

Sự đổ vỡ về mặt quan hệ xã hội là một trong những  lý do thường thấy dẫn đến sự bi quan của phụ nữ. Hầu hết chúng ta cần được dạy dỗ để hiểu biết rõ ràng về chính mình đối với các mối quan hệ, vì hành vi của chúng ta đều mang tính tự phát. Vì vậy những mối quan hệ trong tình trạng xấu có thể gây nguy hại trên chúng ta như là sự chết. Maggic Scarf, một chuyên gia về chứng bệnh trầm cảm của phụ nữ, nói rằng: “Sự chán nản do những đám mây đen bi quan tích tụ lại đưa đến, tạo ra trong tâm trí hình ảnh chia ly và chết chóc. Đây là một quá trình chuyển tiếp trong đời sống để dứt bỏ một tình cảm sâu đậm hoặc mối quan hệ hôn nhân bị rạn nứt và ngày càng xấu đi”.

Tôi nhớ rất rõ về từng trải của mình đối với việc “tình cảm bị mất mát”. Chúng tôi chất lên chiếc xe tải nhỏ những vật dụng của hai cô con gái, bao gồm quần áo, xe đạp, máy cassette và những thứ cần thiết khác để đưa chúng, một đứa 18 tuổi, đứa kia 12 tuổi đến trường học. Chúng tôi chuyển xuống xe phân nửa đồ đạc cho Debbie tại một trường đại học, phân nửa còn lại cho Brenda tại một trường khác. Bảy giờ đồng hồ trong xe trên đường trở về nhà, chúng tôi có một cảm giác khác lạ, một cảm giác trống vắng trong lòng và thật không dễ chịu chút nào.

Rời xa hai con, đối với tôi giống như là cắt bỏ hai cánh tay mình. Khi ngẫm nghĩ quá khứ và tương lai, lòng tôi cảm thấy bồi hồi. Tôi ngã người trên ghế xe và ước mong những tia nắng mặt trời sẽ chữa lành nỗi đau của mình, nhưng nó chỉ khiến tôi nghĩ về những ngày đầm ấm đã qua.

Khi về đến nhà, căn nhà thật trống vắng và yên lặng. Khi nhìn vào phòng ngủ của các con, tim tôi lại đau nhói. Từ những vật dụng cho đến người, đều không còn hiện diện nữa. Đang khi tắm dưới vòi sen, nước mắt tôi tuôn chảy hòa với dòng nước. Tôi nhớ giọng nói trong trẻo và tiếng cười khúc khích của chúng khi tắm dưới vòi sen nầy cách đây không lâu.

Trằn trọc suốt đêm, tôi cảm thấy cuộc đời dường như mất hết ý nghĩa và mình không thể nào tìm lại được niềm hạnh phúc. Nhắm nghiền đôi mắt, tôi hồi tưởng trong tiếc nuối: Khi chúng mới chào đời, những trò chơi tưởng tượng của chúng trong lứa tuổi mẫu giáo, việc học tại trường, và những kỷ niệm sinh nhật của chúng, về tuổi thiếu niên, sự lớn nhanh của chúng trong những năm trung học… Cuộc sống dường như tràn ngập sự cám dỗ, ảnh hưởng đến các con tôi khiến chúng không vâng phục cha mẹ và phạm những luật lệ một cách khôn khéo. Tóc dài, nhạc rock, ma túy, và váy ngắn tràn ngập trong xã hội, lôi kéo con em chúng ta.

Tâm trí tôi lại hướng đến những năm gần đây nhiều hơn. Tôi thấy cuộc sống mình hoàn toàn gắn liền với việc chăm sóc các con. Tôi đã bị cuốn theo thời gian biểu của chúng để có thể hướng dẫn, dạy dỗ và đáp ứng nhu cầu của chúng – từ sáng sớm đến lúc lái xe đưa chúng đến trường, cho đến giờ ngủ tối khi mọi công việc đã hoàn tất.

Sau một vài giờ, tôi đã ngừng khóc và rút ra được vài điều. Trạng thái xúc cảm của người mẹ đã lên đến cao điểm với những sai lầm (tôi đã có những  cảm xúc sai lầm). Tôi cảm ơn Chúa vì đã làm hết trách nhiệm đối với các con khi chúng còn nhỏ. Những kỷ niệm tốt đẹp sẽ luôn sưởi ấm lòng tôi. Tôi tự nhủ “Hôm nay bắt đầu một giai đoạn mới đối với các con tôi – và chính tôi. Khi chúng tự bay nhảy, tôi cần phải mở rộng cửa và khích lệ chúng”, rồi tôi ngủ thiếp đi.

Khi mặt trời lên cao vào buổi sáng hôm sau, tôi nhận ra rằng các con tôi chỉ vừa mới bắt đầu, và tôi cũng bắt đầu vượt qua. Trong năm đó, tôi khởi sự công việc tư vấn ngoài giờ. Tôi đã học chuyên ngành trước đó, nhưng chưa bao giờ thực hành như là một nghề thật thụ.

Tôi có hai mối bận tâm khi trở lại với công việc. Trước hết, tôi tự hỏi không biết mình có đủ trình độ để làm công việc tư vấn sau 13 năm ra trường? Thứ hai, liệu tôi có được ủng hộ khi thay đổi thời khóa biểu lâu nay của gia đình không? Chồng tôi và đứa con trai 13 tuổi phải tự lo bữa ăn tối vào những ngày thứ năm vì công việc trị liệu kéo dài đến 9 giờ tối. Ban đầu,đây là những bận tâm chính. Sau cùng, chồng tôi chỉ đòi hỏi một sự thích ứng giữa ba người chúng tôi.

Trở lại với công việc là phương thuốc hiệu nghiệm đối với tôi. Nó giúp tôi vượt lên khi hầu như bị chìm đắm trong cô đơn, trong nỗi đau vì “mất đi” con gái mình. Chân thành mà nói, khuynh hướng trong tôi là muốn chồng quan tâm hơn hoặc chú ý đặc biệt hơn đến sinh hoạt của con trai chúng tôi. Vũ khí hiệu quả để chống lại sự yếu đuối là làm chủ chính mình. Nó giúp tôi vượt qua sự nản lòng, bảo vệ mối quan hệ của chúng tôi.

Kinh thánh chỉ ra cách quân bình giữa sự độc lập và phụ thuộc trong mỗi chúng ta: “Ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy” (Ga-la-ti 6:5), và “Hãy manh lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ” (6:2). Điều nầy cần được bày tỏ bằng hành động. Một vài người trong chúng ta cần nỗ lực để thoát khỏi sự lệ thuộc vào gia đình. Số khác cần tỉnh táo trước quan điểm sống chỉ cho riêng mình.

Mất tự chủ. Bạn cần tự hỏi, tôi có đang chỉ sống cho riêng mình chăng? Tôi có thờ ơ với những trách nhiệm tối thiểu trong việc chăm sóc gia đình, căn nhà mình hoặc trong việc rèn tập những ân tứ thuộc linh?

Khi một phụ nữ chỉ chú tâm vào nghề nghiệp và theo đuổi những ham muốn của riêng mình thì người đó có thể giảm sút sự quan tâm đến những lãnh vực khác của cuộc sống, là điều cô ta sẽ không làm tròn. Cô ta sẽ cảm thấy có lỗi khi bỏ bê những trách nhiệm trong gia đình và chỉ dành thì giờ cho công việc.

Một người mẹ 23 tuổi đã nói với tôi rằng, thật chán nản khi nghĩ đến lối sống không quân bình của mẹ mình. Marlene đã lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn. Mẹ của cô suốt ngày lo bươn chải kiếm sống,  hầu như bỏ bê cô. Marlene kể lại: “Khi còn mẫu giáo, mẹ tôi đã bỏ tôi suốt ngày một mình mà không có gì để ăn. Tôi nhớ rõ những cơn đói cồn cào và nỗi thất vọng khi không thể với được tới cánh cửa tủ lạnh. Tôi  ngồi trên nền nhà bề bộn và la khóc. Khi nhìn lên, tôi thấy những chồng bát đĩa dơ bẩn khiến tôi càng thêm thất vọng vì mình quá thấp, không thể với tới bồn rửa chén để rửa sạch chúng”.

Nỗi buồn tạm lắng xuống khi cô đủ tuổi để tự lo cho mình, nhưng những cảm giác chán nản đã trở lại khi cô phải đối diện với những trách nhiệm đầy ắp trong nhà. Trong tiếng thút thít, cô phân trần: “Khi những chồng bát đĩa dơ đặt cao trong bồn rửa chén, thì sự chán nản dấy lên trong tôi. Tôi đi vào phòng ngủ, đắp chăn lên mặt và khóc”.

Những từng trải thời thơ ấu của Marlene đã khắc sâu vào trí và lòng của cô. Thật khó cho người phụ nữ trẻ nầy có thể phân biệt rõ hoàn cảnh hiện tại với ấn tượng không tốt lúc còn thơ ấu. Ngày nay cô đã trưởng thành để có thể dọn sạch những bát đĩa dơ và nhận biết đây là phần việc của mình. Điều Marlene cần nhận thức là mình có thể vượt qua sự chán nản bằng cách duy trì sự tự chủ. Cô có thể phát triển phong cách ứng xử mới bằng sự lạc quan, vui vẻ.

Trốn chạy chán nản không phải là cách điều trị, cũng như không có loại thuốc nào có thể chữa lành chúng ta khỏi cảm xúc chán nản. Thuốc an thần có thể giúp chúng ta chữa trị sự mất cân bằng sinh hoá trong hệ thần kinh và suy sụp thể chất, nhưng lại thất bại trong việc giải quyết những nan đề thuộc lãnh vực tinh thần. Khi một phụ nữ  không có sự hòa hợp trong hôn nhân sẽ thực sự trở nên căng thẳng. Người đó có thể cắt đứt triệu chứng nầy bằng cách uống một viên thuốc và cảm thấy dễ chịu tạm thời, nhưng mối quan hệ không hề được cải thiện, và sự chán chường càng thêm sâu sắc.

Có những phương cách tốt để xử lý xung đột - Áp dụng liệu pháp tinh thần như của Marlene tốt hơn là sử dụng thuốc và phớt lờ hoàn cảnh. Marlene có thể thấy được những bổn phận trong hoàn cảnh của cô bằng cách tự hỏi rằng: “Những công việc nhà cần làm là gì? Tôi nên thích nghi như thế nào để làm tốt việc nội trợ?”

Điều nầy đem đến sự can đảm khi đứng trước trách nhiệm. Tiến hành những công việc ưu tiên cấp thiết cho gia đình, vượt trên việc giặc giũ và rửa bát đĩa, đoạn tuyệt khỏi những viên thuốc an thần và sự tự kỷ.

NHỮNG NGUY CƠ CỦA TÍNH CẦU TOÀN.

Sự chán nản thường được gắn liền với tính cầu toàn. Có phải bạn đang nỗ lực đạt đến một mục tiêu khó thực hiện? Những mục tiêu của bạn – một căn nhà, một nghề nghiệp, những  đứa con và cuộc sống hoàn hảo – được đặt quá cao?

Tính cầu toàn khác với sự hướng đến một mức độ cao hơn trong công việc, là điều nằm trong tầm tay của chúng ta. Sự chán nản xuất hiện khi có khoảng cách quá lớn giữa mục tiêu đặt ra và hiện thực, giữa những điều chúng ta ước muốn và có thể đạt được trong thực tế. Khi tiêu chuẩn đặt ra không thực hiện được, người cầu toàn thường đổ lỗi cho chính mình và mang mặc cảm thất bại.

Mỗi chúng ta thích thú khi đi chân trần trên tấm thảm sạch, bước vào căn nhà láng bóng, hoặc được thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn với những bình hoa tươi lấy từ khu vườn nhà mình. Nhưng không phải mọi ngày của chúng ta  đều như vậy, vì đây là điều không thực tế trừ khi chúng ta có những người giúp việc hoặc đặt nó lên hàng ưu tiên trong cuộc sống.

Một phụ nữ có khiếu thẩm mỹ, thường xem trọng và dành thì giờ để trang hoàng ngôi nhà mình, cô có bị buộc phải làm điều nầy không? Chắc chắn là không. Cô có thể vẫn được đánh giá tốt mà không  cần đến việc căn nhà cô có sạch bóng hay không.

Julie, một người mẹ trẻ 25 tuổi, là người thích sự cầu toàn, nhưng không ai biết về tính cách đó của cô. Căn nhà cô thường bề bộn với những đứa trẻ bẩn thỉu. Khi còn ở trung học, cô được nhiều người biết đến nhờ cá tính thu hút, đời sống đạo đức, học giỏi và được xem là người phụ nữ thành công.

Trong những năm đó, cô luôn nỗ lực và cảm thấy tự tin vì được các bạn cùng nhóm chấp nhận. Sau năm thứ nhất của đại học, cô hạnh phúc kết hôn với người bạn trai học cùng trường trung học, vừa mới tốt nghiệp đại học. Trong vòng một năm, cô bắt đầu bị suy sụp tinh thần. Trong nỗ lực làm vừa lòng chồng và mẹ chồng của mình, cô cố sức giữ cho căn nhà luôn hoàn hảo, và tỏ ra cô là người vợ đảm đang.

Cô kể lại: “Tôi càng sa sút khi những đứa con được sinh ra năm một. Lòng tôi đầy sự chán nản đến nỗi không còn muốn làm bất cứ điều gì. Nằm trên giường cho đến 12 giờ trưa, tôi lắng nghe tiếng khóc của những đứa trẻ vì tả lót chúng bị ướt. Tôi mong chồng mau về nhà, nấu bữa ăn trưa và chăm sóc các con nhỏ. Tôi nhận ra rằng việc nội trợ là một mớ hỗn độn: Quần áo dơ vung vãi khắp nơi, soong nồi chưa rửa chất đầy trong bồn rửa chén… Lúc đó, tôi không còn hứng thú để làm gì cả. Khi nhận ra nguyên nhân suy sụp tinh thần của mình, cô nói rằng: “Tôi đã xem người đàn bà trong châm ngôn đoạn 31 như là một chuẩn mực cho mình. Khi tôi cố bắt chước bà ta xử lý hoàn hảo mọi việc trong nhà, tôi cảm thấy mình kém thiếu và thất bại trong vai trò người nội trợ, người vợ và người mẹ. Từ đó tôi không còn muốn làm gì nữa. Nếu không thể cọ rửa sáng bóng những chiếc nồi thì tôi sẽ không hề đá động đến chúng.

Thay vì rút ra những nguyên tắc sống từ người phụ nữ trong châm ngôn 31, Julie đã phác họa cho mình hình ảnh một phụ nữ siêu đẳng. Cô hình dung mình là người phụ nữ lý tưởng, có thể đạt được những phẩm chất tốt đẹp trong phút chốc. Cảm xúc hài lòng hoặc thất vọng trong cô tùy thuộc vào sự thành công hay thất bại khi đặt mình sống theo tiêu chuẩn lý tưởng đó.

Một người cầu toàn thường đem những tiêu chuẩn cao vào đời sống tin kính của mình, hậu quả là dễ lâm vào mặc cảm thất bại. Làm chứng, cầu nguyện và yêu thương là phong cách sống của người nữ Cơ đốc, nhưng đối với người cầu toàn, luôn chìm đắm trong mặc cảm phạm tội vì mình chưa thực hiện được, chưa hoàn thành được những công tác lớn lao. Cô thường có một bản danh sách dài liệt kê những việc phải làm.

Mang theo hành lý của “bổn phận”, cô xem xét mọi việc theo chuẩn mực của Đức Chúa Trời. Qua cái nhìn xác thịt của cha hoặc mẹ, luôn chú tâm để chỉ ra những lỗi lầm của cô thì cũng có một tiếng nói từ trên cao vang vọng trong cô để khiển trách, hoặc nói rằng: “Ngươi có thể sống tốt hơn và cần phải làm nhiều hơn thế nữa”.

Nhận thức được tình trạng bất toàn, đầy khuyết điểm của mình đối với sự toàn vẹn của Chúa Jêsus là bước đầu tiên mà một người Cơ đốc cần hiểu thấu. Điều nầy trong Giăng đoạn 4 đã đề cập đến. Chúa Jêsus gặp một người đàn bà có năm đời chồng và hiện đang chung sống với một người đàn ông khác. Ngài đã dạy dỗ người đàn bà nầy khi nói lên sự thật trong cuộc đời bà, nhưng không hề bỏ qua tội lỗi của bà. Qua cuộc tiếp xúc nầy, người đàn bà đã nhận biết Chúa Jêsus cảm thông và thương xót mình.

Bây giờ bạn hãy đặt đời sống mình trong Chúa Jêsus, hãy nghĩ đến sự bao dung, chân thật, thành tín  của Đấng Christ, là Đấng yêu bạn hơn bất cứ tình yêu nào mà bạn có trên đất nầy. Hãy bước đi với Chúa Jêsus trong sự bình an, vui thỏa, trên con đường hẹp dưới bầu trời đầy ánh nắng. Hãy thưa với Ngài về chính mình, về những nan đề cùng những ước vọng. Hãy xưng tọi kiêu ngạo với Chúa khi muốn chứng tỏ mình tốt hơn người khác, cùng sự ganh tị còn tồn tại bên trong bạn.

Hãy lắng lòng trong ít phút, xưng ra tội lỗi mình, với lòng tin quyết rằng mình được tha thứ. Hãy nghĩ đến tội lỗi được cất đi khỏi bạn như những viên sỏi rơi xuống vực sâu.

Lời cầu nguyện xưng tội là bước tiên quyết để tin cậy Chúa Jêsus như là Đấng Cứu Thế của đời sống mình, và thiết lập mối tương giao với Ngài, hoặc đây là bước cất đi sự ngăn trở khiến bạn cảm thấy xa cách Chúa.  IGi 1:7 chép:“ Nếu chúng ta đi trong sự sáng, cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta”. Hiện giờ, Ngài tha thứ cho bạn, và bạn cũng cần tin rằng Ngài cũng sẽ tẩy sạch tội lỗi của bạn trong tương lai.

Sau cùng, hãy lắng nghe lời nài khuyên của Chúa Jêsus  để có thể bước đi trong mối tương giao với Ngài : “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường, nên hãy  gánh lấy ách của Ta và học theo Ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách Ta dễ  chịu và gánh Ta nhẹ nhàng” (Mat 11:28-30). Nếu bạn cảm thấy mệt nhọc khi cố sống theo những đòi hỏi của Kinh luật, Chúa Jêsus luôn rộng lòng tiếp đón bạn. Ngài phán rằng: “Hãy đến cùng Ta và ở trong sự yêu thương Ta, và chính Ta, một người thầy mềm mại, kiên nhẫn, sẽ ở gần bên con để giúp con trở nên giống như Ta”.

XỬ LÝ MẶC CẢM PHẠM TỘI.

Mặc cảm phạm tội là một trong những yếu tố chính dẫn đến sự chán nản. Bạn có thể có hoặc không có mặc cảm phạm tội. Nếu mặc cảm phạm tội của bạn liên quan đến sự bất tuân luật pháp Đức Chúa Trời trong hành động hoặc thái độ, thì đây là điều xác thực: Nếu cảm xúc bạn không quan hệ gì  đến sự vi phạm lời Kinh thánh nhưng đến từ sự tự kết án mình thì bạn đang ở trong mặc cảm sai lầm về tội lỗi. Chúng ta có thể bắt đầu giải quyết những xung đột trong lòng khi có thể phân biệt được giữa mặc cảm phạm tội có thật và không có thật.

Nếu chúng ta từ bỏ tội lỗi và cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ thì chúng ta khởi sự được chữa lành. Vua  Đavít là điển hình về một con người kinh nghiệm sự chữa lành khỏi gánh nặng tội lỗi. Hãy lắng nghe lời xưng tội của ông sau khi phạm tội tà dâm: “Khi tôi nín lặng, các xương cốt tôi tiêu tán và tôi rên xiết trọn ngày. Vì ngày đêm tay Chúa đè nặng trên tôi. Nước bổ thân tôi như  khô hạn mùa hè. Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu giếm gian ác tôi. Tôi nói: Tôi sẽ xưng các vi phạm tôi cùng Đức Giêhôva, còn Chúa tha tội ác của tôi” (Thi thiên 32:3-5).

Tội lỗi phân rẽ chúng ta khỏi Đức Chúa Trời và những người khác. Nó khuấy động tâm trí và cướp đi sự bình an trong chúng ta. Với tình yêu không hề thay đổi, Đức Chúa Trời chờ đợi chúng ta quay về với Ngài. Tại sao phải như vậy? Bên cạnh sự kiêu ngạo và ý tưởng lầm lạc, chúng ta bị cám dỗ giải quyết mặc cảm phạm tội theo cách riêng mình. Chúng ta cố che giấu tội lỗi, hợp lý hóa và phủ nhận sự hiện diện của tội lỗi, đổ trách nhiệm cho người khác và hoàn cảnh, hoặc trừng phạt chính mình.

Lucille, một phụ nữ trung niên, hầu như rất ít gần gũi trong mối quan hệ với chồng. Trong dịp làm việc thường xuyên với một người đàn ông khá thành công đã ly dị vợ, bà cảm thấy bị ông ta cuốn hút và ở trong trạng thái lâng lâng vui sướng của mối tình thầm kín. Nhưng sự say đắm trong tình yêu của bà bị mặc cảm phạm tội làm phân tán. Bà biết mình không chung thủy với chồng và vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời.

Chính lúc đó, người yêu của Lucille đã tìm đến với một phụ nữ khác. Tất cả những gì còn lại trong bà là ý tưởng muốn chết và sự dằn vặt của mặc cảm tội lỗi. Bà khốn khổ vì bị bỏ rơi. Bà đã trốn chạy khỏi Đức Chúa Trời vì xấu hổ, lìa khỏi nguồn năng lực giúp  đỡ mình. Trong tận cùng tuyệt vọng, bà đã tìm cách tự tử. Một chai thuốc ngủ dường như là giải pháp! Một vài người bạn trong Chúa đã phát hiện bà hôn mê bên tay lái xe hơi và nhanh chóng cứu sống bà.

Đây là một bước ngoặc dẫn đến sự chữa lành. Sự hồi phục của Lucille xảy ra chậm chạp và đầy đau khổ. Vài tháng sau đó, bà đã gặp Chúa và cầu xin Chúa tha thứ, thậm chí bà cũng xin được chồng mình tha thứ.

Đức Chúa Trời mong muốn lẽ thật ở trong lòng chúng ta. Khi chúng ta phô bày tội lỗi trước lẽ thật thì sự suy sụp tinh thần có thể vơi nhẹ đi, niềm vui của sự giải thoát sẽ đến (51:6,12). Đức Chúa Trời của tình yêu luôn chờ đợi để giải cứu chúng ta. Ngài hứa tha thứ khi chúng ta xưng tội mình (I Giăng 1:9).

Dù tấm lòng chúng ta đã chai cứng do tội ngoại tình hoặc trong mối quan hệ bất chính với người khác, Đức Chúa Trời vẫn thương xót chúng ta. Ngài tha thứ khi chúng ta trở về cùng Ngài và khiến lòng cứng cỏi của chúng ta tan vỡ. Ngài biến đổi sự suy sụp tinh thần và hoàn cảnh tăm tối trở nên tươi sáng như ánh mặt trời sau cơn mưa.

SỰ TUYỆT VỌNG: GIẢI PHÁP TÍCH CỰC.

Hai phụ nữ cùng tuổi, chọn phương pháp tích cực để đẩy lùi tuyệt vọng. Cả hai đều là Cơ Đốc nhân – một người tin Chúa từ nhỏ, người kia tin Chúa chỉ cách đây vài năm. Cả hai đều có con ở tuổi thiếu niên, đều có chồng là bác sĩ, và cùng mắc chứng bệnh ung thư. Cả hai quyết định liên lạc với nhau khi căn bệnh trở nên trầm trọng. Kết quả là họ càng gắn bó với nhau trong tình bạn thật đặc biệt.

Ai có thể cảm thông với một người đang mắc bệnh nan y, đang ở trong tâm trạng nặng trĩu khi nhìn về tương lai hơn là người cùng cảnh ngộ?

Vào mỗi thứ hai hằng tuần, họ luân phiên tiếp đãi nhau tại nhà mình. Thay vì phàn nàn, đau buồn cho số phận, họ đã cùng nhau chia xẻ những đoạn Kinh thánh sâu nhiệm, cầu nguyện và ngợi khen Đức Chúa Trời. Trong những thì giờ thờ phượng Chúa, họ quyết định sống vượt trên nan đề cách mạnh mẽ. Ngồi trên hai chiếc ghế khác nhau trong cùng căn phòng, họ viết thư cho các con của mình. Mỗi lá thư chứa đựng những ký ức của  họ dành cho con, những kinh nghiệm trong cuộc đời và những lời lẽ đầy yêu thương. Chúng được đặt trong một ngăn tủ và chỉ được mở ra khi những đứa trẻ đến tuổi trưởng thành và mẹ chúng không còn sống trên đời nầy nữa. Người mẹ có con gái nhỏ đã viết ra cảm tưởng của bà khi 13 tuổi và chia sẻ rằng  Cô-lô-se 3:23 đã giúp ích cho bà như thế nào.

Tình bạn đã khiến cho hai người phụ nữ  nầy cất đi hoàn cảnh tăm tối tuyệt vọng. Họ quên đi chính mình và hướng về Đức Chúa Trời, về các con và quan tâm lẫn nhau. Họ thật sự đã chuẩn bị cho tương lai khi xây dựng cơ nghiệp trên đất và cả trên trời.

Ngày nay, đôi mắt một người đã nhòa lệ vì thương tiếc bạn mình. Bạn bà đang ở thiên đàng. Tình bạn của họ đã tăng trưởng khi trở nên giống Chúa Jêsus. Nhưng một người vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình, còn người  kia đã xong cuộc hành trình và đang ở với Chúa trên thiên đàng (II Cô-rinh-tô 5:8).

KIỂM TRA NGUỒN NĂNG LỰC MÌNH.

Chúng ta cần dò tìm những nguyên nhân của sự chán nản hầu có thể chọn chìa khóa để xử lý chúng, giúp đỡ những người trong tình trạng bất ổn về tâm trí. Tôi có thể được hồi phục là điều chúng ta cần tâm niệm khi suy sụp tinh thần. Dành thời gian đến với Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta thoát khỏi sự chán nản.

Đối với những ai đã và đang chìm đắm trong sự chán nản, cần những phương cách ngăn chận. Tâm lý trị liệu hồi phục tâm thần có thể giúp bạn ngăn chận những vấn đề trầm trọng, nhưng sự giúp đỡ lớn lao và trọn vẹn nhất cho chúng ta là mối tương giao với Chúa Jêsus. Khi sự cô đơn hoàn toàn xâm chiếm tâm trí và chúng ta cảm thấy không thể đến với Đức Chúa Trời, thì Chúa Jêsus vẫn cảm thông chúng ta. Thật là một niềm an ủi lớn lao! Ngài luôn yêu thương và chăm sóc chúng ta. Ngài luôn ước mong và chờ đợi chúng ta đến với Ngài.

Mỗi chúng ta có thể dành thì giờ nhất định để xem xét về những nguồn trợ giúp trong bảng khảo sát sau, những chi tiết gợi ý rất hữu ích nếu bạn có khí chất hướng nội – đa cảm, trầm tư, dễ buồn bã, cầu toàn. Hãy tìm kiếm chính mình trước khi bị sự chán nản xâm nhập. Hãy làm theo những lời đề nghị để ngăn chận sự tác hại của nó.

Bảng tham khảo:  Loại trừ sự chán nản.

Tăng cường sức mạnh thể chất:

1. Thuờng xuyên kiểm tra sức khỏe.

2. Có chế độ ăn uống thích hợp.

3. Ngủ nghỉ đúng giờ.

4. Tập thể dục đều đặn ít nhất ba lần trong tuần.

5. Nhận biết những biến động của cơ thể trong chu kỳ kinh nguyệt, sau khi sinh con, hoặc thời kỳ mãn kinh.

6. Cảnh giác để sẵn sàng đối phó với sự chán nản trầm trọng.

Tăng cường sức mạnh tinh thần:

1. Nhận biết giá trị mình trước mặt Đức Chúa Trời.

2. Nhận biết sức mạnh bản thân, chấp nhận sự bất toàn của mình.

3. Sẵn sàng đối diện nan đề.

4. Nỗ lực làm việc để đạt được mục tiêu thực tế không quá sức mình, để hình thành lòng tự tin.

5. Chú tâm đến hành vi của mình chứ không chỉ chú tâm đến cảm xúc. Cảm xúc không nói lên được đúng hoặc sai, chỉ có thái độ của chúng ta đúng hay sai mà thôi.

6. Học cách chăm sóc bản thân; đừng dựa dẫm vào người  khác.

7. Dành thì giờ cho gia đình và bạn hữu, làm điều  ích lợi cho họ.

8. Thẳng thắn, không e ngại nói ra những ý kiến, cảm xúc và ước muốn của mình.

9. Phải biết nói không.

10. Lên kế hoạch mỗi ngày bao gồm công việc, nghỉ ngơi và thờ phượng.

11. Huýt sáo đang khi làm việc.

Tăng cường sức mạnh tâm linh.

1.Tìm gặp Đức Chúa Trời thông qua mối tương giao với Đức Chúa Jêsus Christ là Con Đức Chúa Trời (Giăng 1:12).

2. Tìm kiếm sự tha thứ mà bạn đã phạm với Đức Chúa Trời và người khác. Học theo cách Đavít xưng tội với Đức Chúa Trời (Thi thiên 32:1-11).

3. Tin cậy vào tình yêu và sự chữa lành từ nơi Đức Chúa Trời (147:3).

4. Tăng thêm thời giờ tĩnh nguyện với Đức Chúa Trời, nhờ đó Ngài sẽ ban cho bạn tầm nhìn thuộc linh như đã ban cho Đavít (73:17).

5. Bộc lộ sự giận dữ và cay đắng bằng cách viết chúng lên tờ giấy, kể cho một người đáng tin cậy hoặc bày tỏ điều đó với Đức Chúa Trời. có thể theo gương mẫu của Anne (I Sa-mu-ên 1:10).

6. Loại trừ lối suy nghĩ tiêu cực là điều thường dẫn đến sự chán nản. Một phản ứng tiêu cực đối với con người hoặc hoàn cảnh, có thể dẫn đến sự suy sụp đời sống thuộc linh. Đây là điều đã từng xảy ra với Giôna là người hay phàn nàn, oán trách đến nỗi muốn chết (Giô-na 4:3-9).

7. Suy gẫm lời Chúa. Thay những ý nghĩ tiêu cực bằng lời hứa của Ngài, bao gồm những câu Kinh thánh trong trang 88.

8. Nghiên cứu phương cách mà Đức Chúa Trời đã giúp Êli thắng hơn sự chán nản (I CácVua 19:1-15).

9. Kêu cầu sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời khi trách nhiệm dường như quá nặng, như Môise đã làm khi đứng trước trách nhiệm quá lớn lao (Dân-số-ký 11:14).

10. Cảm tạ Chúa về những ơn phước Ngài ban. Đây là sự chữa lành hữu hiệu gánh nặng tâm linh. Tôn thờ Ngài giống như Mary : “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi”.

11. Ngợi khen Chúa bằng những bài thánh ca có ý nghĩa: “Chẳng có ai chăm sóc tôi tốt hơn Chúa Jêsus”.

12. Cần có một người bạn gần gũi, chia xẻ, tâm tình, để vượt qua sự cô đơn và chán nản.

Những lời hứa của Đức Chúa Trời khi bạn đối diện với sự nản lòng:

 Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào, vì Chúa ở cùng tôi (Thi thiên 23:4).

 Cầu xin Đức Chúa Trời của sự trông cậy, làm cho anh em đầy dẫy mọi điều vui vẻ và bình an trong đức tin (Rô-ma 15:13).

 Ta đã xóa phạm tội ngươi như mây đậm và  tội lỗi ngươi như đám mây (Ê-sai 44:22).

 Vậy, hãy tin cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra (Hê-bơ-rơ 13:15).

 Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ nhưng không đến bỏ; bị đánh đập nhưng không đến chết mất (II Cô-rinh-tô 4:8-9).