Cảm xúc giận dữ - Đừng Phí Năng Lực Cảm Xúc Vào Cơn Giận

Giận rất mất sức. Bạn có để ý là bạn thấy mệt sau khi nổi giận không? Tôi thấy vậy. Ở tuổi tôi bây giờ tôi rốt cuộc đã nhận ra rằng tôi không còn nhiều thời gian trong đời để mà phí phạm nữa. Giận thật là phí phạm và không hề mang lại ích lợi nào cả trừ khi đó là giận đúng, và đó là đề tài khác sẽ nói ở chương sau. Tôi học được rằng một khi tôi nổi giận thì tôi mất một thời gian mới bình tĩnh lại được, nên cuối cùng tôi nhận ra rằng tốt hơn là dùng năng lực để kiểm soát cơn giận ngay từ đầu hơn là phí hết năng lực cho cơn giận rồi sau đó cố lấy lại bình tĩnh. Đây là lời khuyên hay: Nếu bạn không đồng ý với ai, hãy phó người đó vào tay Chúa. Xin Ngài bày tỏ ai đúng và ai sai, và sẵn sàng đối diện sự thật nếu Ngài phán bạn sai.


Rất  nhiều  năm  tôi  đã  phí  sức  khi  cãi  lại  nhà  tôi  về những chuyện vụn vặt mà không mang lại sự thay đổi thật sự, ngoại trừ chuyện là tôi muốn cho mình là đúng. Nhưng tình yêu thương là từ bỏ cái quyền cho mình là đúng (1Cô 13:5). Cho mình là đúng không phải lúc nào cũng đúng! Sức mà chúng ta bỏ ra để chứng minh mình đúng thật ra là phí sức. Dù khi tôi cãi với nhà tôi một hồi lâu đến nỗi khiến cho anh phải thốt lên, “Thôi em đúng,” tôi vẫn chưa chịu thua, vì tôi đã làm Chúa buồn qua cách cư xử của tôi và không làm gương tốt cho những người xung quanh. Bình an thì thêm sức cho chúng ta, còn giận dữ làm cho chúng ta  mất  sức.  Chúng  ta  hãy chọn và đeo đuổi bình an với Chúa, với bản thân và với người khác. Đừng lấy ác trả ác hoặc rủa sả trả rủa sả, nhưng ngược lại, hãy chúc phước, vì việc này mà anh chị em được kêu gọi, nhân đó anh chị em có thể được hưởng phúc lành.  Vì: “Ai yêu sự sống và muốn thấy những ngày lành phải giữ lưỡi mình khỏi điều ác và môi mình khỏi lời giả dối. Phải tránh điều dữ và làm điều lành, hãy tìm kiếm hoà bình và đeo đuổi nó" 1Phierơ 3:10-11

Tôi mong là bạn để thì giờ đọc câu Kinh Thánh trên. Câu này giúp tôi thấy được rằng tôi không chỉ cầu xin bình an (hoà thuận) mà tôi còn phải hết lòng tìm kiếm và đeo đuổi nó. Tôi phải sẵn sàng chấn chỉnh lại và thích nghi  với  người  khác để có được bình  an.  Tôi cũng sẵn sàng hạ mình như tôi đã làm khi gọi cho dì tôi xin lỗi nếu tôi thật sự muốn có bình an. Có bình an nào mà đáng giá với bạn? Nếu bạn không thấy nó vô cùng giá trị thì bạn sẽ không làm những gì cần thiết để có được bình an. Kiểm soát cơn giận và học tha thứ cách độ lượng và mau chóng là cách để duy trì bình an. Nhưng lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh ước muốn riêng, đặc biệt là muốn cho mình là đúng, là cách để mỗi ngày hưởng được bình an mà Đức Chúa Trời đã cung ứng trong Chúa Giê-su. Tôi đã khám phá ra rằng Chúa biện minh cho tôi còn tốt hơn là tôi tự biện minh cho mình. Hãy để Chúa làm Chúa trong cuộc đời bạn thì bạn sẽ hưởng bình an dư dật. 

Cảm xúc giận dữ không cần phải kiểm soát bạn. Nó lúc nào cũng tìm cơ hội để “nhe cái nanh vuốt” của nó ra nhưng nhờ sự hướng dẫn của Thánh Linh, sự cầu nguyện và tiết độ mà chúng ta không đầu hàng nó. Lời Chúa nói rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta khả năng để cai trị trước mặt kẻ thù và theo tôi biết, giận dữ là kẻ thù trong đời sống tôi mà tôi không thể đầu hàng nó. Hãy làm ơn cho bản thân . . . hãy để cơn giận qua đi, hãy kiềm chế nó để bạn hưởng được bình an của Chúa.