7 Bước Phục Hồi Những Mối Quan Hệ Gãy Đổ Qua Kinh Thánh

Mọi mối quan hệ đều đáng được phục hồi

Sống trên đời là để học cách yêu thương, và Đức Chúa Trời muốn chúng ta nhận ra giá trị của các mối quan hệ và cố gắng duy trì những mối quan hệ đó thay vì chúng ta lãng tránh mỗi khi có sự rạn nứt do bất hoà, bị tổn thương hay mâu thuẫn. 

Thật vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mục vụ phục hồi các mối quan hệ. Chúng ta sẽ tìm thấy Kinh Thánh Tân Ước đưa ra rất nhiều sự dạy dỗ để chúng ta biết sống hoà hợp với nhau. Phao-lô viết rằng; “Vậy, nếu trong Đấng Christ có sự khích lệ nào, nếu trong tình yêu thương có sự an ủi nào, nếu trong Thánh Linh có sự thông công nào, nếu có lòng yêu thương và cảm thông thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm trí, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn (Phi-líp 2:1-2). Phao-lô dạy chúng ta rằng chúng ta có thể sống hoà thuận với những người khác là một dấu hiệu chứng tỏ sự trưởng thành thuộc linh.

Bởi vì Đấng Christ muốn gia đình của Ngài được biết đến vì tình yêu của chúng ta dành cho nhau, nên những mối thông công bị gãy đổ là một bằng chứng nhục nhã trước những người chưa tin Chúa. Đây chính là lý do vì sao Phao-lô cảm thấy bối rối khi những tín hữu trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô lập bè đảng và thậm chí còn đưa nhau ra toà. Ông viết, “Tôi nói thế làm cho anh em hổ thẹn. Ấy vậy, trong vòng anh em chẳng có một kẻ khôn ngoan nào phân xử được giữa anh em mình hay sao?” (I Cô-rinh-tô 6:5). Ông cảm thấy đau buồn khi không một ai trong Hội Thánh trình độ thuộc linh đủ lớn mạnh để có thể giải quyết mâu thuẫn cách ổn thoả. Trong lá thư tương tự, ông nói, “chớ phân rẽ nhau, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau.” (I Cô-rinh-tô 1:10).

Nếu bạn muốn cuộc đời mình được Đức Chúa Trời chúc phước và bạn muốn mọi người biết mình là con cái của Đức Chúa Trời, thì bạn phải học cách trở thành một người giảng hoà. Chúa Jêsus phán, “Phước cho những kẻ làm cho người hoà thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 5:9). Hãy lưu ý Chúa Jêsus không phán rằng, “Phước cho những kẻ yêu chuộng hoà bình,” bởi ai cũng yêu hoà bình cả. Ngài cũng khôngphán rằng, “Phước thay cho người hoà thuận.” Nhưng Chúa Jêsus phán, “Phước cho những kẻ làm cho người hoà thuận”-tức là những người chủ động tìm cách để giải quyết mâu thuẫn. Người giảng hoà rất hiếm bởi giảng hoà là một công việc rất khó thực hiện. Bởi vì bạn được tạo dựng để trở thành một phần trong gia đình Đức Chúa Trời, nên công tác giảng hoà là một trong những kỹ năng quan trọng nhất bạn có thể phát huy. Nhưng không may thay, đa phần trong chúng ta không bao giờ được dạy cách giải quyết mâu thuẫn như thế nào. 

Giảng hoà không phải là tránh mâu thuẫn. Lánh mặt khỏi nan đề, giả vờ như nó không tồn tại, hay là không dám nói về nó đều là hèn nhát. Chúa Jêsus, Hoàng Vương Hoà bình, không bao giờ e dè khi phải đối diện với mâu thuẫn. Đôi khi Ngài còn để mâu thuẫn xảy đến vì lợi ích của con người. Đôi lúc chúng ta cần tạo ra mâu thuẫn, và đôi lúc cần phải giải quyết mâu thuẫn. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu nguyện để Đức Thánh Linh luôn hướng dẫn chúng ta trong mọi lúc. Giảng hoà không phải là nhân nhượng. Luôn nhượng bộ, hành xử như một người bị chà đạp và để người khác luôn bóp chẹt bạn không phải là những gì Chúa Jêsus dạy. Trong nhiều phương diện Ngài đã không chịu thoái lui, nhưng đứng nơi chỗ mình mà chống nghịch lại tội lỗi.

Làm thế nào để phục hồi mối quan hệ. 7 bước cơ bản để phục hồi sự thông công theo tinh thần Kinh Thánh

1. Nói chuyện với Chúa trước khi nói chuyện với con người. 
Hãy thảo luận nan đề với Đức Chúa Trời. Nếu bạn cầu nguyện trình dâng mâu thuẫn đó lên Đức Chúa Trời trước khi kể lể với một người bạn, thì bạn sẽ thường xuyên khám phá ra rằng hoặc là Đức Chúa Trời sẽ thay đổi tấm lòng của bạn hoặc là Ngài sẽ thay đổi người kia mà không cần sự trợ giúp của bạn. Tất cả những mối quan hệ của bạn sẽ tốt đẹp hơn nếu bạn dành thêm thời gian cầu nguyện cho những mối quan hệ đó.

Như Đa-vít đã nói trong sách Thi Thiên, hãy thưa với Ngài cách thẳng thắn trong khi cầu nguyện. Hãy kể với Chúa những nỗi thất vọng của mình. Hãy khóc than với Ngài. Ngài không hề ngạc nhiên hay khó chịu vì cớ bạn giận dữ, đau đớn, không tự tin, hay là những cảm xúc khác. Vì thế hãy kể cho Ngài cảm xúc của bạn một cách chi tiết.

Hầu hết mâu thuẫn đều khởi nguồn từ những nhu cầu không được đáp ứng. Một số những nhu cầu này chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể đáp ứng được mà thôi. Khi bạn mong đợi một người nào đó – một người bạn, người phối ngẫu, một mục sư, hay là những thành viên trong gia đình – đáp ứng một nhu cầu mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể hoàn thành, thì bạn đang tự đem đến cho mình sự thất vọng và cay đắng. Không ai có thể đáp ứng được tất cả những nhu cầu của bạn ngoại trừ Đức Chúa Trời.

Sứ đồ Giăng lưu ý chúng ta rằng phần nhiều mâu thuẫn trong chúng ta xuất hiện là do không cầu nguyện: “Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến?... Anh em tham muốn mà chẳng được chi… Anh em chẳng được chi, vì không cầu xin.” (Gia-cơ 4:1-2). Thay vì tìm kiếm Chúa, chúng ta lại nhìn vào người khác để tìm kiếm hạnh phúc và sau đó lại tức giận khi họ quên chúng ta. Đức Chúa Trời phán rằng, “Tại sao ngươi không đến cùng ta trước?”

2. Luôn là người chủ động. 
Vấn đề bạn là người có lỗi hay không không quan trọng. Đức Chúa Trời mong muốn bạn tiến bước đầu tiên. Đừng chờ đợi phía kia. Hãy đến với họ trước. Phục hồi mối quan hệ gãy đổ vô cùng quan trọng đến nỗi Chúa Jêsus truyền lệnh rằng việc giảng hoà được ưu tiên hơn là sự thờ phượng nữa. Ngài phán, “Nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hoà với anh em trước đã, rồi hãy đến dâng của lễ.” (Ma-thi-ơ 5:23-24).

Khi mối thông công đang căng thẳng hoặc đổ vỡ, thì hãy sắp xếp một buổi giảng hoà ngay lập tức. Đừng chần chừ, lần lữa hay hứa rằng, “Tôi sẽ làm vào một ngày nào đó.” Hãy sắp xếp một cuộc gặp gỡ mặt đối mặt càng sớm càng tốt. Sự trì hoãn chỉ càng gia tăng sự tức giận và khiến tình hình tồi tệ hơn mà thôi. Đối với mâu thuẫn, thời gian không chữa lành được; nó chỉ khiến vết thương mưng mủ mà thôi.

Nhanh chóng hành động cũng giúp thuộc linh của bạn ít bị huỷ hoại. Kinh Thánh nói rằng, tội lỗi, trong đó có mâu thuẫn chưa được giải quyết, sẽ ngăn trở mối thông công của chúng ta với Đức Chúa Trời và khiến lời cầu nguyện chúng ta không được đáp trả, bên cạnh đó còn khiến chúng ta thêm đau khổ nữa. Bạn của Gióp nhắc ông rằng, “Vì nỗi sầu thảm giết người ngu muội” (Gióp 5:2) và “Ông nổi giận bèn xẻ rạch mình.” (Gióp 18:4).

Buổi hoà giải có thành công hay chăng thường tuỳ thuộc rất nhiều vào thời gian và địa điểm có thích hợp hay không. Đừng gặp khi một trong hai cảm thấy mệt mỏi, đang vội vã hay có thể bị cắt ngang. Thời điểm thích hợp nhất đó là khi cả hai cảm thấy thoải mái nhất.

3. Hãy thông cảm với cảm giác của họ.
Hãy dùng lỗ tai nhiều hơn dùng miệng.

Trước khi bạn cố gắng để giải quyết bất cứ sự bất hoà nào trước tiên bạn cũng phải lắng nghe cảm giác của người ta. Phao-lô khuyên chúng ta phải, “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.” (Phi-líp 2:4). Trong tiếng Hy-lạp, từ “chăm” là “skopos”, bởi đó chúng ta có từ telescope và microscope. Nó có nghĩa là chú ý thật kỹ! Hãy tập chú vào cảm xúc của họ, chứ không phải vào sự việc. Hãy bắt đầu bằng sự cảm thông, chứ không phải phương pháp giải quyết.

Trước tiên đừng cố ngăn cản người ta nói về cảm xúc của mình. Chỉ hãy lắng nghe và để họ thổ lộ cảm xúc mà không cần phải dè chừng. Hãy cho bạn biết rằng bạn hiểu họ ngay cả khi bạn không đồng ý. Những cảm xúc không phải lúc nào cũng đúng hay hợp lý. Thật vậy, sự oán giận khiến chúng ta suy nghĩ và hành động cách ngu ngốc. Đa-vít thừa nhận rằng, “Khi lòng tôi chua xót, và dạ tôi xôn xao, thì bấy giờ tôi ở ngu muội, chẳng hiểu biết gì. Trước mặt Chúa tôi ở khác nào một thú vật vậy.” (Thi Thiên 73:21-22). Tất cả chúng ta đều hành xử cách tồi tệ khi bị tổn thương.

Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết rằng, “Sự khôn ngoan của người khiến cho người chậm nóng giận; Và người lấy làm danh dự mà bỏ qua tội phạm.” (Châm ngôn 19:11). Sự nhịn nhục đến từ sự khôn ngoan, và sự khôn ngoan đến từ sự lắng nghe người khác. Hành động lắng nghe nói lên rằng, “Tôi trân trọng ý kiến của anh, tôi quan tâm đến mối quan hệ của chúng ta, và bạn quan trọng đối với tôi.” Câu sáo ngữ sau đây rất đúng: Người ta không quan tâm đến những gì chúng ta biết cho đến khi họ biết chúng ta quan tâm.

Để phục hồi mối thông công “chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình. Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân cận mình, đặng làm điều ích và nên gương tốt.” (Rô-ma 15:2). Nhịn nhục quan tâm đến cơn giận của người khác là một sự hi sinh, nhất là khi cơn giận đó không có cơ sở. Nhưng hãy nhớ rằng, đây là những gì Chúa Jêsus đã làm cho bạn. Ngài cam chịu những cơn giận vô lý và ác ý để cứu bạn. “Vì Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình, như có chép rằng: Lời của những kẻ nguyền rủa Chúa đã đổ trên mình tôi.” (Rô-ma 15:3)

4. Hãy xưng nhận phần lỗi của bạn trong mâu thuẫn đó. 
Nếu bạn thật sự nghiêm túc muốn phục hồi một mối quan hệ, thì bạn nên bắt đầu bằng việc thừa nhận những lỗi lầm hoặc tội lỗi của chính mình. Chúa Jêsus phán đây là cách để xem xét sự việc cách rõ ràng: “Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.” (Ma-thi-ơ 7:5)

Bởi tất cả chúng ta đều có những điểm mù, nên có thể bạn cần phải nhờ người thứ ba giúp bạn đánh giá những hành động của mình trước khi gặp người bạn có mâu thuẫn. Đồng thời cũng phải cầu xin Chúa cho bạn thấy được bao nhiêu phần trăm lỗi thuộc về bạn. Hãy thưa với Chúa, “Có phải nan đề phát sinh từ con chăng? Phải chăng con không thực tế, vô tình, hay là quá nhạy cảm?” Kinh Thánh nói rất rõ ràng, “Vì bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình.” (I Giăng 1:8).

Xưng nhận là một phương tiện đầy năng quyền để giải hoà. Thường thì cách chúng ta xử lý mâu thuẫn lại tạo ra một nỗi đau lớn hơn là bản thân vấn đề lúc đầu. Khi bạn bắt đầu bằng sự hạ mình thừa nhận lỗi lầm, thì cơn giận của người kia sẽ được xoa dịu và khiến họ không thể tấn công bạn nữa bởi vì trước đó có lẽ họ nghĩ rằng bạn đang chuẩn bị phản công lại. Đừng biện minh hay đổ trách nhiệm; chỉ hãy thành thật thú nhận phần lỗi của mình trong mâu thuẫn đó. Hãy chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm của mình và xin sự tha thứ.

5. Tấn công vào nan đề, chứ không phải người kia. 
Bạn không thể giải quyết nan đề nếu cứ quy trách nhiệm. Bạn phải chọn một trong hai. Kinh Thánh chép rằng, “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận; còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm.” (Châm ngôn 15:1). Bạn không bao giờ có thể xoá bỏ lời nói của mình, vì thế hãy lựa chọn lời nói cách khôn ngoan. Một câu trả lời êm nhẹ luôn tốt hơn một lời mỉa mai, châm biếm.

Để giải quyết mâu thuẫn, cách bạn nói quan trọng như những gì bạn nói. Nếu bạn cách công kích, thì bạn sẽ gặp sự phản công. Đức Chúa Trời bảo chúng ta phải, “Ai có lòng khôn ngoan được gọi là thông sáng; Lời dịu dàng gia thêm sự tri thức.” (Châm ngôn 16:21). Cằn nhằn không bao giờ hiệu quả. Bạn không bao giờ có thể thuyết phục được khi bạn mài mòn.

Suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, cả hai phía đều nhất trí rằng một số vũ khí huỷ phá sẽ không bao giờ được dùng. Vì mối thông công, bạn phải phá huỷ kho vũ khí chứa những vũ khí hạt nhân liên quan, trong đó có sự chỉ trích, hạ nhục, so sánh, áp đặt, những lời cay độc, hạ mình, và mỉa mai. Phao-lô tóm lại như sau: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.” (Ê-phê-sô 4:29).

6. Hợp tác càng nhiều càng tốt. 
Phao-lô nói, “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người.” (Rô-ma 12:18). Hoà thuận luôn phải trả một giá. Đôi khi chúng ta phải mất đi niềm kiêu hãnh của mình, thường khiến chúng ta không còn là trung tâm nữa. Vì lợi ích của mối thông công, bạn phải cố hết sức để thỏa hiệp, hoà hợp với người khác, và quan tâm đến những nhu cầu của họ. Chúa Jêsus giải thích phước lành thứ bảy như sau, “Bạn sẽ được phước khi bạn bày tỏ cho người khác biết cách hợp tác thay vì tranh cạnh hay tranh đấu. Đó là lúc bạn khám phá con người thật của chính mình, và nơi bạn cư trú trong nhà Đức Chúa Trời"

7. Chú trọng đến sự giảng hòa, chứ không phải giải pháp. 
Thật là phi thực tế khi mong đợi mọi người đồng ý trong mọi chuyện. Sự giải hoà chú trọng vào mối quan hệ, trong khi giải pháp chú trọng vào vấn đề. Khi chúng ta tập chú vào sự giảng hoà, thì nan đề sẽ trở nên kém quan trọng đi và thường không liên quan gì nữa.

Chúng ta có thể thiết lập lại một mối quan hệ ngay cả khi chúng ta không thể giải quyết những điểm khác nhau giữa chúng ta. Cơ-đốc-nhân thường có những bất đồng chính đáng, chân thật và những ý kiến khác nhau, nhưng chúng ta có thể không đồng ý mà không cần phải cau có. Cùng một viên kim cương nhưng nếu nhìn từ những góc độ khác nhau ta sẽ thấy những hình thể khác nhau. Đức Chúa Trời mong muốn sự hiệp một, chứ không phải giống nhau, và chúng ta có thể tay trong tay bước đi mà không cần phải đồng ý trong mọi vấn đề.

Điều này không có nghĩa là bạn không cần tìm phương hướng giải quyết. Bạn có thể cần phải tiếp tục thảo luận và thậm chí tranh cãi nữa – nhưng bạn phải làm như vậy trong tinh thần hòa hợp. Giảng hoà nghĩa là bạn làm lành, chứ không phải giải quyết vấn đề.

Bạn cần phải phục hồi mối thông công với ai? Đừng chần chừ một giây nào nữa cả. Hãy ngưng công việc lại và trình lên Chúa về người đó. Sau đó hãy nhấc điện thoại lên và bắt đầu tiến hành. Bảy bước trên đây rất đơn giản, nhưng hoàn toàn không dễ thực hiện chút nào. Muốn phục hồi một mối quan hệ đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều. Đó là lý do Phi-e-rơ thúc giục chúng ta, “tìm sự hoà bình mà đuổi theo.” (I Phi-e-rơ 3:11). Khi bạn tìm kiếm hoà bình, thì bạn đang làm những gì Đức Chúa Trời làm. Đó là lý do Đức Chúa Trời gọi những người làm cho người hoà thuận là con cái Ngài.

Rick Warren
(denlinh.com)