VÒNG XOÁY LO LẮNG

Thoát khỏi sự khống chế của nó.
Có bao giờ lòng bạn tràn đầy sự lo lắng? Tôi vẫn còn nhớ rõ những gánh nặng của nó trên tôi. Một đêm nọ, khi chiếc đồng hồ trên tường nhà tôi chỉ một giờ sáng. Thân thể mệt mỏi, nhưng tôi cảm thấy căng thẳng không thể ngủ được. Sáng sớm hôm đó, chồng tôi đột ngột báo rằng anh ấy sẽ mời một nhà truyền giáo nổi tiếng đến ăn cơm tối tại nhà vào một trong những buổi mà ông ta chia sẻ tại Hội thánh chồng tôi. Tôi không biết phải đáp ứng như thế nào, nhưng có một cảm giác nôn nao kỳ lạ trong lòng tôi.

Nhà truyền giáo là một người lịch sự, nghiêm túc. Tôi nghe rằng ông ấy đã từng được chiêu đãi tại nhiều nhà hàng ở Châu Mỹ. Dường như phải lên một kế hoạch lớn lao: Chuẩn bi thực đơn đặc biệt, lau dọn nhà, chuẩn bị tươm tất cho hai bé gái để thấy rằng chúng tôi sẵn sàng đón tiếp một vị khách quí. Tôi đã trằn trọc suốt đêm đó. Tôi tưởng tượng ông ấy dẫm lên một món đồ chơi vương vãi khi bước vào căn nhà nhỏ của chúng tôi. Tôi cũng hình dung khi ông ấy nhíu mày khó chịu khi chạm vào chiếc bàn kê chưa vững. Nhưng điều khiến tôi phải bận tâm nhất là món ăn nào là tốt nhất để thết đãi vị khách quí nầy? Món nào làm cho ông ấy cảm thấy ngon miệng? Nếu có gì sơ suất và ông ấy thuật cho mọi người khắp nơi về sự vụng về của bà Mục sư Burham thì làm sao đây?
Tại sao chúng ta cứ phải day dứt về những suy nghĩ như thế rồi sanh ra lo lắng? Tôi nhận ra rằng lúc đó mình đã có triệu chứng của “bệnh lo lắng”: Cảm thấy bị đe dọa, căng thẳng và hoài nghi chính mình. Trong tâm trí của một người lo lắng thì đầy dẫy những tư tưởng sợ hãi. Những sự chuẩn bị tiếp đón nhà truyền giáo đã dấy lên những lo lắng liên quan đến nhà cửa, thức ăn, con cái, dáng vẻ bề ngoài và thậm chí thanh danh của chồng tôi. Nhìn lại điều nầy, tôi nhận thấy tác hại của nó. Lo lắng đã cướp đi của tôi thời gian, năng lực và một buổi tối vui thỏa.
Lo lắng là một cảm xúc tinh tế nhưng mạnh mẽ, nó đến từ ba nguyên nhân. Thứ nhất, chúng ta có thể bất an do sự tự ti về vẻ bề ngoài hoặc phong cách của mình. Thứ hai, chúng ta hoài nghi về tương lai, về những quyết định và những bận tâm trong nhu cầu vật chất. Thứ ba, chúng ta căng thẳng vì những xung đột khó giải quyết.
DÁNG VẺ TÔI RA SAO?
Nhiều phụ nữ trong chúng ta định giá trị mình qua dáng vẻ bề ngoài. Có phải chúng ta bị cám dỗ tin rằng nếu bề ngoài đẹp đẽ thì mình sẽ cảm thấy an tâm? Phải chăng chúng ta lo rằng mình sẽ đánh mất giá trị bản thân và những mối quan hệ thân quen khi trở nên nặng nề và già nua? Những nét tàn nhang, tóc bạc, và sự mập mạp phải được né tránh bằng mọi giá. Ai có thể chấp nhận những dáng vẻ như vậy? Sự yếu đuối, mệt mỏi, lẩn thẩn là hình ảnh của chúng ta trong cuối đời – Trái ngược với một thế giới luôn tôn sùng sự trẻ trung, đẹp đẽ và trên hết là thân hình thon thả.
Tôi chợt nhớ về một phụ nữ ăn mặc đúng thời trang đã đến gặp tôi. Cô bắt đầu kể về mối quan hệ  vợ chồng của mình một cách lo lắng. Chồng cô uống rượu rất nhiều và về nhà muộn. Cô thất vọng vì biết rằng đang dần mất người chồng. Theo cô, nguyên nhân của việc này là do vóc dáng mình thay đổi bởi tuổi tác. Trong tiếng nức nở, cô bộc bạch rằng cách duy nhất để được chồng yêu trở lại là phải cải thiện hình dáng bề ngoài thu hút hơn.
Tại sao chúng ta dành quá nhiều thì giờ tại trung tâm sức khỏe, thẩm mỹ viện? Tại đó thường dùng những phương cách khổ luyện để duy trì dáng vẻ bề ngoài. Cảm xúc chúng ta thường dựa vào những nỗ lực hướng đến vẻ đẹp hình thức. Nó làm chúng ta an tâm cách tạm bợ.
TÔI PHẢI LÀM NHƯ THẾ NÀO?
Ngay khi chúng ta nghĩ cách cất đi một mối lo lắng, thì lại nảy sinh ra một mối lo khác. Tôi làm việc có hiệu quả không? Căn nhà đã đủ sạch chưa? Những đứa trẻ đã tươm tất chưa? Tôi có đủ quyết đoán, tử tế, dễ gần…với người khác không?
Chúng ta mong muốn những việc chúng ta làm được chấp nhận. Khi còn là những bé gái, chúng ta muốn làm những điều tốt để vui lòng mẹ mình. Chúng ta lắng nghe giọng nói đặc biệt trong mỗi giai đoạn của mỗi lứa tuổi. Giáo viên, huấn luyện viên, chủ công ty, hoặc nhân vật đáng kính trở nên một người có tầm ảnh hưởng mà chúng ta cần nghe ý kiến. Khi họ chấp nhận chúng ta, chúng ta nghĩ rằng mình đã thành công.
Khi trưởng thành, chúng ta mở rộng sự tự lượng giá bản thân. Điều  nầy trở nên tiêu chuẩn căn bản cho dáng vẻ bên ngoài. Khi không đạt được tiêu chuẩn định trước (là điều mà một số phụ nữ thực hiện được), chúng ta cảm thấy khó chịu. Sự tranh chiến về dáng vẻ bên ngoài thường là cánh cửa dẫn đến bất an.
Lo lắng là sự phá hoại tinh vi. Nó là triệu chứng nghi ngờ về giá trị tâm linh của chúng ta. Trước khi tin Chúa Jêsus, chúng ta sợ hãi: Không biết tôi có đủ tốt để làm một tín đồ? Sau khi quyết định tin Chúa, những nghi ngờ có thể tiêu biến. Rồi sau đó chúng ta lại tự hỏi, tôi có đủ tốt để mang danh là Cơ Đốc nhân không? Sự bất an thuộc linh gặm nhấm tâm trí chúng ta.
TÔI ĐÃ LÀM ĐỦ CHƯA?
Joice là một phụ nữ ở lứa tuổi 30, mua  bán bất động sản, cô kể lại hoàn cảnh khó khăn của mình. Cô cảm thấy áp lực thường xuyên trong gánh nặng công việc vì có quá nhiều việc phải làm. Cô bị chìm ngập trong lo lắng. Cô luôn sống trong sự dằn co. Có khi cô nghe rằng: “Hãy làm việc vừa sức!” Rồi những tiếng nói của trách nhiệm gào to: “Hãy dành thời gian cho gia đình, luyện tập giọng ca tốt, dành thời gian tình nguyện cho giáo dục và xã hội”. Sự căng thẳng bộc lộ ra ngoài khi một ngày nọ cô hỏi tôi rằng: “Làm việc như thế nào là đủ?”
Phụ nữ có khuynh hướng chấp nhận những đòi hỏi bất tận. Làm vậy chúng ta hy vọng rằng sẽ giảm sự lo lắng đến từ nan đề sâu xa: Làm thế nào chồng tôi hoặc người khác có thể chấp nhận và yêu tôi nếu tôi không cố gắng làm việc hết sức mình? Như Joyce, chúng ta đi đến chỗ khủng hoảng, là nơi chúng ta cảm thấy bị áp chế từ tâm linh đến thể xác.
ĐIỀU GÌ SẼ ĐẾN VỚI TÔI?
Có ai mà chẳng lo lắng về điều xảy đến trong tương lai khi sẽ không đủ tiền để sinh sống? Những tư tưởng này luôn đi đôi với sự lo sợ liên quan đến nhu cầu vật chất cá nhân.
Nhưng nỗi lo sợ cũng còn biểu hiện qua các hình thức khác. Sự tiến triển của bướu ung thư bộc lộ những mức độ lo lắng khác nhau trong phụ nữ. Đối với người cảm xúc mạnh, điều nầy như là ngày tận thế. Những cơn đau nhức, những tai nạn thật hay tưởng tượng, hoặc bản thân là nạn nhân của một tội ác – tóm lại, bất cứ điều gì có thể làm tổn hại đến cơ thể – ngay cả sự tăng cân quá mức cũng là nỗi ám ảnh lớn lao về cái chết đối với người lo lắng.
Gần đây, tôi lái xe đưa một phụ nữ 50 tuổi từ trạm xe buýt đến nơi tang lễ của mẹ bà. Trên đường đi, Clara luôn nói về những hiểm họa trên đời: “Đi xe máy là vào chỗ chết, đó là lý do tôi đi xe buýt”, bà vừa nói vừa lắc đầu. Tôi cũng đoán rằng tình hình tội phạm tại thành phố khiến bà sợ hãi và chuyển đến sống ở thôn quê.
Một điều mà bà không hề nhắc đến là mẹ bà và trường hợp dẫn đến cái chết của bà cụ. Nhưng khi chúng tôi về đến nơi tang lễ, bà bắt đầu khóc lớn. Bà khóc như mưa khi nhìn thấy xác mẹ. Bà cứ liên tục thổn thức: “Thật khốn khổ, tôi không thể chịu đựng được!” Khi thân hình bà sắp lảo đảo, những người bạn dìu bà đến chiếc ghế. Đôi chân bà trở nên mềm nhũn, tâm trí tràn đầy những cảm xúc và cuối cùng bà bất tỉnh. Đối diện với thực tại, cái chết là điều bà không thể vượt qua được.
Giống như Clara, bạn có thể che giấu những lo âu thầm kín. Chúng ta khóc khi mất đi người thân yêu của mình, nhưng phản ứng của chúng ta có thể đến từ một triệu chứng nào đó hơn là nỗi đau buồn. Nỗi sợ hãi của chính chúng ta là một sự tổng hợp: Điều gì sẽ hình thành trong tôi?
TÔI NÊN LÀM GÌ?
Nguyên nhân căn bản khác của lo lắng là sự xung đột liên quan đến những quyết định. Tôi sẽ phục vụ nhà truyền giáo nổi tiếng đó như thế nào? Tôi thầm nghĩ: Thịt gà rán, giăm bông, thịt bò  nướng? Không, chúng quá tầm thường. Còn món ăn Ý, Mễ hoặc Tây thì sao? Không, quá cay, quá nóng! Tại sao không là món gà tây đông lạnh? Có thể được.
Chúng ta nên chọn điều nào? Điều nào tệ hơn – sự nhức mỏi và đau đớn hiện tại hoặc chỗ đau phải đi giải phẫu? - Một khi cần quyết định, sự lo lắng luôn đi kèm và một nghi ngờ bắt đầu nảy sinh: Tôi quyết định đúng hay đã phạm sai lầm?
ĐIỀU GÌ KHIẾN TÔI BỐI RỐI?
Lo lắng cũng có thể là hệ quả của mối xung đột với sự ức chế hoặc đau khổ trong tiềm thức. Cất bỏ những cảm xúc nặng nề nầy từ căn nguyên là điều khó khăn và tốn nhiều thời gian.
Những cảm xúc nầy có thể được chôn sâu trong tiềm thức. Khi một tình huống nào đó khuấy động kinh nghiệm tiêu cực kèm theo cảm xúc sẽ đánh thức chúng khỏi trạng thái ngủ yên. Từ đó nảy sinh sự lo lắng trong mỗi cá nhân. Đây là một chu kỳ liên tục.
Evelyn, một phụ nữ khỏe mạnh khoảng 40 tuổi, có khuynh hướng sống không gò bó. Trong ý thức, cô muốn quên đi sự ức chế dai dẳng. Cô uống nhiều rượu, lái xe không cẩn thận, cư xử không bình thường. Cô cố trình bày nan đề của mình qua những lời nói lắp bắp: “Khi thử cầu nguyện, tôi trở nên căng thẳng và khốn khổ. Những cảm xúc tội lỗi dấy lên trong tôi khi đến nhà thờ hoặc tham dự những hoạt động tôn giáo. Tôi không thể tiếp tục nếp sống tin kính, nhưng tôi cũng không thích lối sống của mình. Tôi cảm thấy xấu hổ. Vào mỗi tối thứ sáu, tôi thường đi môtô đến quán rượu và uống cho tới khi say mèm”.
Sau khi dò tìm một số nguyên nhân khiến cô căng thẳng, chúng tôi đề cập đến cái chết của cha cô. Sự kiện người cha qua đời đã khắc sâu vào tiềm thức, ảnh hưởng đến lối sống của cô. Cô nói: “Tôi không hề khóc hoặc kể về nỗi đau thương của mình bởi vì tôi là con lớn, muốn bày tỏ sự mạnh mẽ trước mặt mẹ và các em mình”. Cô cho rằng sự nín chịu nầy biểu lộ đức hạnh. Từ đó, cô tìm cách đè nén vết thương lòng và nỗi đau của mình.
Trong khoảng thời gian được tư vấn, Evelyn hé mở một ít thông tin cho đến khi kể lại toàn bộ câu chuyện. Cuối cùng cô kể về tình thương của mình đối với cha. Cô cảm thấy đau đớn và giận dữ về cái chết của ông. Cô thừa nhận: “Tôi gần gũi cha hơn những người khác trong gia đình và đối với tôi, ông là một người toàn hảo về nhiều mặt”. Cô nói tiếp: “Trong sâu kín tôi đã oán trách Chúa vì Ngài đã đem cha tôi đi. Tôi chỉ mới 12 tuổi. Tôi còn quá nhỏ để hiểu ra sự việc”.
Có điều gì khiến bạn bế tắc và hoàn toàn chìm ngập trong sự căng thẳng khi cố cầu nguyện? Làm thế nào bạn có thể tin vào người mà mình đang buồn giận?
Đối diện với sự đè nén trong tâm hồn, dò xét nó, nhận biết đây là một tội lỗi rồi ăn năn với Đức Chúa Trời đã giải quyết sự bối rối trong lòng bà.
Hai mươi năm sau cái chết của cha, người phụ nữ nầy đã tự bộc bạch nỗi đau của mình. Cô kinh nghiệm được sự thương xót của Đức Chúa Trời, sự tự do trong Đấng Christ. Nó có sức mạnh khiến tâm trí con người bị tê liệt, kích thích những cảm xúc tiêu cực và gây nên những vết thương nội tâm. Giống như một máy hát tồi, câu nói tiêu cực cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí chúng ta: Có điều tệ hại sắp xảy đến với tôi, tôi không  biết chính xác như thế nào, nhưng tôi phải chuẩn bị để đón nó.
Bạn có thể nhận biết nguyên nhân khiến mình lo lắng không? Bạn có thể nhận diện chúng từ ba nguồn gốc cơ bản: Lòng tự trọng bị xúc phạm, sự bận tâm về tương lai, những xung đột không thể giải quyết. Nhận biết gốc rễ của sự lo lắng là bước khởi đầu để kiểm soát nó.
TÔI CÓ THỂ THOÁT KHỎI VÒNG LO LẮNG.
Khi bạn nhận ra những hậu quả của sự lo lắng trên đời sống mình, bạn có thể tự hỏi không biết những cảm xúc nầy tồn tại để làm gì?
Đức Chúa Trời ban cho con người khả năng quan tâm đến sự an nguy của mình. Trong một khía cạnh, sự lo toan là động lực đẩy chúng ta ra khỏi giường vào buổi sáng để hoàn thành công việc của mình. Khi cơ thể bảo chúng ta đi ngủ, thì tâm trí bị kích thích bởi trách nhiệm nói rằng: “Bạn không thể đi ngủ, bạn đang có việc phải làm. Kinh thánh dạy Cơ Đốc nhân nên lo lắng (được dịch là “lo toan”) một cách lành mạnh như thế nào. Lời Chúa dạy chúng ta phải lo tưởng đến người khác, chứ không chỉ lo cho chính mình” (ICo 12:25  Phi 2:20).
Xưa nay lo lắng là quyền lực áp chế đời sống con người. Kinh thánh chép: “Sự buồn rầu ở nơi lòng người làm cho nao sờn”. Phải chăng một người lo lắng luôn luôn cảm thấy mệt mỏi. Lo lắng làm tiêu hao năng lực làm việc và sự vui hưởng cuộc sống. Thường xuyên bị những vấn đề cảm xúc tác động cũng làm giảm sút sức khỏe. Cơ bắp căng thẳng, bao tử bị thắt chặt là phản ứng của cơ thể đối với sự lo lắng quá sức. Khi cơ thể ở trong nhịp độ hoạt động cao, tâm trí sẽ thiếu sáng suốt, và sự tập trung bị ngăn trở bởi những ý nghĩ sợ hãi.
Lo lắng cũng tác động đến hình dáng bên ngoài của chúng ta. Lo lắng đẩy nhanh đến sự già cỗi, để lại dấu ấn của nó trên khuôn mặt của chúng ta. Dưới gánh nặng do đòi hỏi của sự lo lắng, những sai trật của chúng ta cũng được phát lộ ra ngoài qua bầu không khí căng thẳng, tác động đến mọi người mà mình tiếp xúc.
Con cái rất nhạy bén với những khuôn mẫu của chúng ta. Chúng sẽ bắt chước theo cùng một phong cách lo lắng thấy được nơi cha mẹ.
Câu chuyện tại nhà Mary và Mathê, nơi Chúa Jêsus trải qua những giờ ấm cúng, cung cấp bối cảnh cho sự dạy dỗ của Chúa Jêsus về việc làm thế nào để vượt qua sự lo lắng.  Lu 10:38-42 mô tả Mathê như là một phụ nữ lo lắng . Cùng với em gái Mary và anh trai Laxarơ, Mathê mời Chúa Jêsus và các môn đồ dùng bữa tối. Đây là giờ Chúa Jêsus thư giãn. Ngôi nhà của các bạn Ngài là nơi đem lại sự phục hồi, sự tươi mới trước cảnh ồn áo náo nhiệt tại thành Giêrusalem, cùng những đòi hỏi của đám đông quần chúng.
Trong cơ hội nầy, Mathê đã đón tiếp Chúa Jêsus bằng cách vào bếp để chuẩn bị bữa ăn tối. Chúng ta có thể tưởng tượng sự mệt mỏi của cô. Cô vừa nấu nướng vất vả, vừa khởi sự lo lắng không biết việc làm của mình được Chúa khen hay chê. Khi đang chuẩn bị mọi thứ, từ nhà bếp cô liếc mắt lên phòng khách và nhìn thấy Mary. Cảm thấy Mary đang bỏ việc bếp núc cho mình, nên Mathê đến thưa cùng Chúa Jêsus rằng: “Lạy Chúa, em tôi để một mình tôi hầu việc, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin bảo nó giúp tôi” (10:40).
Chúa Jêsus không trả lời câu hỏi trực tiếp. Thay vào đó, Ngài đi sâu vào gốc rễ của vấn đề và phán rằng: “Hỡi Mathê, Mathê… ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc…” (10:41). Nan đề ở nơi Mathê chứ không phải Mary. Mary đã trở thành tiêu điểm sự lo lắng của Mathê. Sự thờ ơ của Mary đối với công việc không phải là vấn đề; vấn đề là sự lo lắng.
Chúa Jêsus đã đến ngôi nhà tại làng Bêthani để được thư giãn nhưng Mathê bị bận tâm bởi những việc vặt (10:40). Lòng tự trọng của cô bị khuấy động. Cô tự xét khả năng mình: “Thức ăn có đủ ngon để mọi người công nhận tài nấu ăn của mình không?” Sự lo lắng và bối rối của cô ảnh hưởng đến mọi người tại đây, xáo động bầu không khí thanh thản.
GIẢI PHÁP TỐT NHẤT CHO SỰ LO LẮNG.
Mathê bị cuốn vào công việc cùng những cảm xúc riêng tư, đã bỏ lỡ việc nghe lời giảng dạy của Chúa Jêsus. Mary đã chọn phần tốt hơn. Cô đơn sơ “ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Ngài” (10:39).
Điều đáng buồn là Mathê đã bỏ qua thời giờ tĩnh lặng với Chúa Jêsus. Điều nầy sẽ đem đến sự tươi mới cho tâm linh cô. Chúa Jêsus sẵn sàng giúp đỡ cô. Ngài muốn cất khỏi Mathê sự lo lắng và bối rối, nhưng cô có cái nhìn sai lầm khi không trình bày nan đề của mình với Chúa Jêsus sớm hơn. Quá mệt mỏi và đầy căng thẳng, cô dùng đến phương cách giãn xả của con người: Đổ thừa cho Mary.
Dành thì giờ mỗi ngày cho Đức Chúa Trời giúp người phụ nữ nầy thoát khỏi sự lo lắng. Ngay khi Ngài thấy nhu cầu của linh hồn cô, những bối rối sẽ được cất bỏ. Đứng vững trong tình yêu của Chúa và nhận biết giá trị của mình trước Chúa, trách nhiệm của cô trở nên nhẹ nhàng hơn. Chúa Jêsus không ban cho Mathê sự an ninh ảo tưởng, nhưng thức tỉnh cô bước vào sự an ninh toàn hảo trong mối tương giao liên tục với Ngài.
Cuối cùng Mathê đã học biết lẽ thật nầy. Về sau, trong cái chết của anh trai mình, cô đã xưng nhận Chúa Jêsus là con Đức Chúa Trời, là Đấng có quyền trên sự sống và sự chết. Đức tin nơi Chúa Jêsus khiến cô nhận được sự bình an từ nơi sự sống đời đời (Gi 11:21-27). Khi tâm trí hướng về sự nhận biết Chúa, cô kinh nghiệm bước đi trong sự bình an hơn là lo lắng. Giá trị của cô không phải nhờ bởi danh tiếng của lòng hiếu khách nhưng bởi tình yêu không dời đổi và sự tiếp nhận của chính Chúa Jêsus.
Tin cậy vào sự chăm sóc của Chúa Jêsus giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi, nhưng chúng ta phải tiếp tục bước đi trong sự thành tín của Ngài như bạn Beth của tôi đã làm. Không ai ngờ rằng cô ấy là người nghiện rượu. Cô giữ gìn nhà cửa ngăn nắp và theo đuổi một công việc, nhưng đã dùng rượu để tiêu sầu. Cô lo sợ không thể làm tròn trách nhiệm, thường bồi rối về sự chết. Lúc đầu rượu làm tê liệt những cảm giác, nó cất đi trong cô những tư tưởng sợ hãi về đêm, nhưng chẳng bao lâu cô nhận thấy mình đã lệ thuộc vào nó.
Những lo lắng của Beth càng tăng thêm bởi nỗi sợ gia đình và bạn bè phát hiện ra cô là kẻ nghiện rượu. Vì thế, cô đã kêu cầu Chúa, và bắt đầu tập tành tham dự lớp học Kinh thánh. Sau vài tháng, cô tin cậy vào lời hứa của Chúa về sự tha thứ và cắt đứt sự lệ thuộc bịnh hoạn và rượu, đồng thời đặt đức tin nơi Chúa Jêsus. Ngài bảo đảm ban cho cô cả sự sống đời đời lẫn sự chăm sóc mỗi ngày.
Bạn tôi đã chọn sự lắng nghe tiếng phán của Chúa Jêsus. Điều nầy giúp cô giải quyết những lo lắng đầy dẫy trong cuộc sống. Điều kỳ diệu là chúng ta có thể biết mình sở hữu sự sống đời đời cách thực tế. Chúng ta biết mình có năng lực thắng hơn sự sợ hãi, ngay cả khi phải đối diện với cái chết. Từ khi là Cơ Đốc nhân, chúng ta vẫn cứ lo lắng, nhưng điều nầy có thể thay đổi khi biết dành thời gian đến với Chúa Jêsus, như Mathê và Beth đã từng kinh nghiệm.
KHI ĐỨC CHÚA TRỜI CỨU GIÚP.
Vào 8 giờ mỗi sáng, tôi thường tìm một nơi yên tĩnh trong ngôi nhà mình cùng với tách cà phê, một cây viết, và quyển sổ nhỏ. Tôi đọc Kinh thánh và soạn bài học đặc biệt cho việc học lời Chúa hằng tuần cùng với một vài người bạn. Sau đó tôi ghi nhớ và suy gẫm một phân đoạn Kinh thánh rồi cầu nguyện. Sau khi dành thì giờ với Chúa Jêsus, tôi được nhắc nhở về tình bạn và sự chăm sóc của Ngài dành cho mình. Tôi bắt đầu mỗi ngày bằng sự an ninh thật.
Khi cầu nguyện, tôi thưa chuyện với Chúa nhiều điều hơn bất cứ người bạn nào. Tôi xưng tội theo những gì mà lời Chúa bày tỏ cho mình. Thì giờ xưng tội cắt đứt những lo lắng về việc tội lỗi có thể làm mất đi mối tương giao giữa tôi với Chúa: “Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em” (IPhi 5:7).
Đang khi tĩnh lặng và ở trong sự hiện diện của Chúa, tôi dành vài phút để nghĩ cách giải quyết xung đột để tránh đi nguyên nhân gây lo lắng. Tôi nghĩ về nhiều vấn đề như là điều nào tôi cần hơn, mua một váy đầm mới hay là tấm thảm sạch? Tôi nên gọi điện thoại cho John (con trai tôi đang học đại học) và góp ý hay để cháu tự quyết định? Tôi có nên dự phần vào công tác phục vụ trong hội thánh?
Thỉnh thoảng, khi tôi chưa quyết định trong sự lựa chọn, tôi viết ra từng vấn đề và kẹp chúng vào quyển Kinh thánh. Sau đó tôi cầu xin Chúa dẫn dắt và soi dẫn mình qua lời Ngài. Kinh thánh chép rằng: “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình yêu thương và dè giữ”.
Khi bị cám dỗ do lo lắng, tôi tự nhắc mình nên ấn định thời điểm để giải quyết những nan đề. Rồi tôi trưng dẫn một câu Kinh thánh hoặc những ý tưởng từ bài học Kinh thánh.
Đối với một số bạn, dành thì giờ đến với Đức Chúa Trời thật khó do làm việc trọn thời gian hoặc có con nhỏ phải chăm sóc. Định ra thì giờ hoặc chia nhỏ nó là điều không cần thiết, nhưng nên có kế hoạch bồi dưỡng đời sống tâm linh. Làm việc theo kế hoạch sẽ làm hài hòa những nhu cầu của bạn trong phong cách sống. Sự hướng dẫn của Kinh thánh rất hữu ích cho sự nhận biết lẽ thật trong hoàn cảnh riêng của bạn. Bạn có thể học thuộc những câu Kinh thánh khi đang tắm dưới vòi nước hoặc thư giãn trong phòng tắm; trích dẫn lời Chúa khi đang lái xe đi làm hoăc đưa con đi học.
Sơ đồ trong trang 63-64 liệt kê một số câu Kinh thánh mà tôi tìm được trong thì giờ tĩnh nguyện với Chúa. Những câu Kinh thánh nầy rất quí báu vì chúng đem tôi ra khỏi sự lo lắng. Bạn có thể suy gẫm chúng mỗi ngày và có thể thấy được sự đặc biệt ích lợi từ nơi đó trong những lúc khủng hoảng. Thêm vào đó, những sách giải nghĩa Kinh thánh như quyển Peace Setters (của nhà xuất bản Tyndale) sẽ giúp đỡ bạn khi suy gẫm lời Chúa.
Lời Chúa hằng sống, đầy quyền năng và chân thật. Những lời hứa trong Kinh thánh sẽ thấm sâu vào lòng bạn khi dành thì giờ suy gẫm chúng. Ngoài Kinh thánh ra, không có vũ khí nào có thể cất bỏ sự lo lắng và khiến bạn được tự do trong sự bình an với chính mình. Bạn sẽ khám phá ra rằng lo lắng là điều có thể được kiềm chế.
Bạn có mong ước nhận được niềm vui đến từ kết quả tương giao với Chúa mỗi ngày? Nhưng bạn có thể nhận thấy rằng tình yêu giữa mình với Đức Chúa Trời đến từ khi bạn bước vào sự hiện diện của Ngài. Bạn có thể làm gì khi tâm linh mình bị sự tối tăm che phủ vì đã xoay lưng lại cùng Ngài?
Bảng tham khảo:  Chế ngự lo lắng.
1. Dành thời giờ mỗi ngày với Đức Chúa Trời trong việc đọc Kinh thánh, cầu nguyện và suy gẫm. Đức Chúa Trời hứa rằng:
  Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn vì người nhờ cậy Ngài (Es 26:3).
  Trong mọi sự… trình mọi sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự  bình an của Đức Chúa Trời… sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ (Phi 4:6-7).
  Hãy tin cậy Đức Giê Hô Va và làm điều  lành… Hãy khoái lạc nơi Đức Giê Hô Va thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng ngươi ao ước (Thi 37:3-4).
2. Hãy chuyển tư tưởng sợ hãi vào nơi lời hứa của Đức Chúa Trời như sau đây:
  Chẳng có điều gì có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ Chúa chúng ta (Ro 8:39).
  Ta ban sự bình an Ta cho các ngươi (Gi 14:27).
  Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài vì Ngài hay săn sóc anh em (IPhi 5:7).
  Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em… (Phi 4:19).
3. Lên kế hoạch cẩn thận, đặt ra những mục tiêu thực tế, sau đó tin cậy vào lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc anh em vào ngày mai: Hãy sống theo từng ngày! (Mat 6:34).
4. Hãy khám phá nguyên nhân của những mối xung đột không thể giải quyết, và đối diện với nan đề đó: Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình yêu thương và dè giữ (IITi 1:7).
5. Lời hứa của Đức Chúa Trời khi bạn lo lắng:
Về hình dáng bên ngoài:
Nàng mặc lấy sức lực và oai phong…
Duyên là giả dối, sắc lại hư không,
Nhưng người nữ nào kính sợ Đức Giê Hô Va   sẽ được khen ngợi (Ch 31:25,30).
Về sự đáng tôn trọng của bạn:
Được lắm, hỡi đầy tớ ngay lành trung tín  kia!… (Mat 25:21).
Về tương lai của bạn:
Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy (6:34).
Về sự chết:
Hầu cho các con biết rằng mình có sự sống đời đời (IGi 5:13).
Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê Hô Va và chờ đợi Ngài (Thi 37:7).