NHỮNG BƯỚC VỮNG CHẮC


Hướng đến cảm xúc trưởng thành

Một sự thật từ từ rõ nét trong tâm trí tôi: Chúng tôi phiêu bạt từ miền Trung Tây đến miền cực Nam. Tâm trạng đi xa khuấy động nỗi luyến tiếc, xúc cảm trong tôi. Có lúc tôi bật cười về những kỷ niệm vui vẻ, rồi lại bật khóc cũng về những điều đó. Trong những lúc yên tĩnh, một thắc mắc thôi thúc tôi: “Tôi có thể thích nghi với những thay đổi đến nỗi tôi có thể biết trước chính xác về những điều sẽ phải làm và những diễn biến tình cảm trong tôi.


Tôi đã thích nghi với cuộc sống trôi dạt. Tôi cảm thấy gắn bó với mảnh đất nầy như là quê hương mình. Đây là nơi ba đứa con tôi được sinh ra, lớn lên và hình thành những mối liên hệ xã hội và đầy kỷ niệm. Chia tay những khuôn mặt thân quen, cho đến cả những nhân viên ngân hàng và những người bán hàng, cũng là một vấn đề đối với tôi. Khi nghĩ về những người bạn thân yêu, tôi tự hỏi: “Làm thế nào tôi có thể lìa xa những người thật gần gũi – những người đã gắn bó với tôi nhiều năm qua?”

Những tín đồ của Hội thánh mà chồng tôi quản nhiệm chính là người của gia đình tôi trong 27 năm qua, và tôi cảm thấy khó có thể xa họ. Chúng tôi cùng lớn lên, dạy cho nhau những bài học về lòng yêu thương, tha thứ. Bây giờ chồng tôi nhận nhiệm sở mới và điều hành cuộc hội thảo Kinh Thánh mùa đông tại một nơi khác trong nước. Sau bao nhiêu năm tốt đẹp tại đây, liệu tôi có thể thích nghi với sự thay đổi nầy không?

ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG HOÀN CẢNH MỚI.

“Con cần phải can đảm”. Đây là lời khuyên mà mẹ tôi thường nói khi tôi phải đối diện với những  tình huống mới hoặc khi có những điều gây đau đớn – chẳng hạn như việc cắt amiđan. Bây giờ, đối diện với sự di chuyển và thay đổi bạn bè, tôi cần can đảm, một cá tính cần thiết chứng tỏ sự trưởng thành.

Đứng trước bất kỳ thay đổi nào đều dẫn đến những cảm xúc. Một công việc khó khăn mới làm chúng ta căng thẳng, sự chóng già làm chúng ta sợ hãi, những mất mát khiến chúng ta buồn khổ. Khi hồi tưởng lại những thay đổi trong  quá khứ đã giúp tôi thấy được giá trị của lòng can đảm và nhắc tôi cách để tăng thêm can đảm. Một sự kiện chợt hiện lên trong tâm trí tôi: Đêm mà tôi ngủ tại nhà Beverly.

Beverly là người bạn thời thơ ấu của tôi, là người có cá tính mạo hiểm. Không thích gò bó, cô thích tự do khám phá mọi sự. Hằng ngày tôi theo hành lang sau nhà, đi dọc con hẻm nhỏ và đến nhà bạn tôi. Chúng tôi không những đi học chung đường mà còn chơi chung với nhau nữa – tán gẫu trong lớp, cùng đến khu nhà tám tầng sau giờ học, chơi bán đồ hàng và leo cây phía sau vườn nhà.

Tôi nhớ một thứ sáu nọ, mẹ tôi nói tôi sẽ ngủ đêm tại nhà Bervely. Chị tôi và tôi phải đồng ý ngủ đêm theo lời mời của bạn tôi. Mẹ nhắc: “Đừng gọi điện thoại và đừng gọi mẹ đến đón các con. Hãy can đảm, con có thể qua đêm tại đó!”

Tôi nhớ mình vô cùng ngạc nhiên khi thấy phản ứng của Bervely đối với mẹ khi bà dọa đánh cô ấy bằng chiếc đũa bếp. Tôi tự cảm thấy khó chịu khi không có giờ ăn, ngủ nhất định. Chúng tôi có thể ăn bất cứ thứ gì mình thích, bất cứ lúc nào. Cảm giác khó chịu càng thêm khi Bervely và tôi cuộn tròn trên giường trong một phòng ngủ thật lạ lẫm. Tôi muốn về nhà, ngủ bên chị tôi trên chiếc giường của mình.

Khi nằm trên giường, tôi tưởng tượng mẹ tôi đang ngồi trên chiếc ghế trong phòng khách, đan len và nói chuyện với cha tôi. Tôi có thể thấy được gương mặt, nghe được giọng nói của bà: “Hãy can đảm, con có thể ngủ qua đêm tại đó!” Hình ảnh nầy cuối cùng đã giúp tôi trong khung cảnh xa lạ.

Điều gì khiến bạn can đảm? Có phải giọng nói khích lệ của ai đó hoặc một kỷ niệm tốt đẹp? Có phải một hình ảnh rõ nét giúp bạn vượt qua sự sợ hãi?

Can đảm đem đến cảm xúc chắc chắn, sự vững vàng của tâm trí khi đứng trước khó khăn. Hòa lẫn trong tâm trí một hình ảnh đầy ý nghĩa hay lời nói của một người khôn ngoan, có thể giúp chúng ta sức mạnh tinh thần để kiềm chế sợ hãi. Chúng ta phải chủ động trước diễn biến của cảm xúc. Hướng đến những hình ảnh hoặc suy nghĩ lành mạnh khi gặp khó khăn chẳng những tăng thêm sự can đảm mà còn phát triển cảm xúc chín chắn cho chúng ta. Chúng ta điều khiển cảm xúc và học cách sống hòa hợp với chúng khi nghĩ về những điều tích cực trong những tình huống khác nhau.

Không giống như sự tăng trưởng thể chất, cảm xúc chín chắn không bao giờ tự nhiên xảy ra. Chúng ta phải đóng vai trò chủ động, hoán chuyển cảm xúc hoặc làm giảm mức độ của chúng - làm đầy tâm trí bằng những lý tưởng lành mạnh, tập tành sống hòa hợp cùng cảm xúc gắn liền với việc nghĩ đến những điều tốt đẹp.

THÍCH NGHI VỚI NHỮNG LIÊN HỆ MỚI.

Trưởng thành về mặt cảm xúc phụ thuộc vào việc thích nghi với nơi cư trú mới và những mối liên hệ mới. Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta có cơ hội tiếp xúc với ông bà, anh chị em, bạn hữu. Qua đó, chúng ta nhận biết chính mình. Từ những mối giao tiếp đầu tiên nầy, chúng ta cũng học cách cư xử với những người có cá tính khác nhau. Mỗi kinh nghiệm trong giao tiếp và ứng xử, chuẩn bị cho chúng ta một quan hệ sâu sắc với người phối ngẫu trong sự hiệp một của hôn nhân.

Nếu bạn đã lập gia đình, bạn có thể hồi tưởng mối quan hệ đó bắt đầu như thế nào. Khi tham dự kỳ trại bồi linh cho lứa tuổi thiếu niên thì tôi đã gặp người mình hằng mơ tưởng hiện ra bằng xương thịt trước mắt. Anh ấy trông y như người tôi đã phác họa trong trí khi lên mười tuổi và anh ấy đã xuất hiện, với cặp mắt sáng dường như nhìn thấy thấu suốt bên trong tôi.

Suốt tuần, tôi đã nhìn trộm anh ấy khi nói chuyện với  người khác, khi chơi đá banh và đi dạo trên bãi biển; thậm chí tôi đã ngồi tại một cái bàn có thể nhìn thấy anh dùng bữa, quan sát cách ăn uống và nghe giọng cười của anh.

Ngày cuối tuần, anh ấy mời tôi ngồi cạnh bên trong nhà thờ. Sau đó, chúng tôi uống sữa và cùng đi dạo đến bờ hồ Michigan. Chúng tôi trò chuyện dưới ánh trăng và nắm tay nhau trên đường trở về trại. Đêm đó tôi không thể ngủ được vì cứ nhớ đến đôi mắt anh ấy, không biết anh ấy có nhận thấy tim tôi đập nhanh và tôi tự hỏi mình có đủ sức thu hút hay không.

Nhiều bức thư và hai năm đại học sau đó, anh đã làm tôi thật ngạc nhiên. Trong buổi hoàng hôn tại cánh cổng dẫn đến vườn cây kiểng của nhà thờ đang xây dựng (là nơi mà sau nầy anh là Mục sư phụ tá của cha mình), Dave ngỏ lời cầu hôn với tôi, tôi bàng hoàng vì mình đang là sinh viên. Tuy nhiên tôi đã dạn dĩ ưng thuận và đây là quyết định đúng đắn nhất mà tôi đã làm. Tháng tám năm đó chúng tôi hưởng tuần trăng mật tại nơi trước đây chúng tôi đã gặp gỡ. Cuộc tình của chúng tôi đã đến thật trọn vẹn.

Nhưng mối tình thơ mộng của chúng tôi đã tiến tới sự sàng lọc, và tình cảm lãng mạn của tôi đối diện với sự bất đồng đầu tiên. Chúng tôi cãi nhau vì không cùng thói quen ngủ nghỉ. Đồng hồ sinh học của Dave là vào đêm khuya, còn tôi là buổi sáng sớm. Chúng tôi phải chấp nhận nhau để sống hòa hợp, và cần trải qua thời gian dài để vượt qua những khác biệt trong thói quen về giờ giấc.

THÍCH NGHI VỚI NHỮNG TRÁCH NHIỆM MỚI.

Thước đo duy nhất về mức độ trưởng thành của một người là mức độ khả năng thích ứng. Tôi đã tranh cãi và học cách hoà hợp với hai chị tại nhà và bạn bè tại trường đại học, nhưng giải quyết điều khác biệt với chồng tôi là điều mới mẻ và quan trọng hơn nhiều. Chúng tôi  là cặp vợ chồng lý tưởng và tôi không muốn làm hỏng sự thân mật đó. Tôi còn phải học nhiều điều phù hợp với cung cách hoặc hoàn cảnh mới. Theo định nghĩa của tự điển Webster’s sự thích nghi trong hôn nhân là mục tiêu hoà hợp với người bạn đời của bạn – nỗ lực để hòa hợp. Đây là điều không dễ dàng, đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt. Chúng ta thích nghi dễ dàng là khi vươn tới những ý tưởng hoặc thay đổi mới và phục hồi nhanh chóng trong tình trạng cảm xúc quân bình. Học cách loại bỏ lòng vị kỷ và chia sẻ những điều riêng tư với chồng, giúp chúng ta có đời sống hôn nhân linh động.

Để cải thiện tình trạng trong hôn nhân cách nhanh chóng, nhất là khi đối diện với nhu cầu thích ứng của mỗi người, chúng ta phải xem như là trách nhiệm của mình.

Tôi đã hụt hẫng khi cùng với Dave rời khỏi căn hộ nhỏ bé, ấm cúng trong trường đại học để về nhà chồng. Chúng tôi đã hoàn toàn sống chung với nhau trong chín tháng đầu sau lễ cưới. Đột nhiên, cuộc sống của chúng tôi bị xáo trộn đến tận gốc rễ. Nhiều người đã bước vào cuộc sống riêng của chúng tôi. Gia đình, bạn bè của chồng và những người trong Hội thánh, thật xa lạ đối với tôi. Sau một thời gian dài chồng tôi mới gặp lại họ. Dave phấn khởi nhận lời làm mục sư phụ tá tại Hội thánh mà cha anh đang quản nhiệm. Tôi cảm thấy mất tự tin khi không biết mình phải làm gì trong vị trí là vợ một mục sư. Tôi chưa từng có kinh nghiệm với những con người đang  quan sát từng cử chỉ, hành động của mình, để sẵn lòng tiếp thu những đóng góp ý kiến của họ.

Sau đó tôi đã sinh con – hai bé gái cách nhau 13 tháng. Chăm sóc nhà cửa, con cái là trách nhiệm làm tiêu hao nhiều năng lượng tinh thần, thể xác, hơn là tôi tưởng trước đó. Thay tả lót, chế biến món ăn, rửa khay chén, cọ rửa nền nhà cho hết những vết bẩn, thật là ngán ngẩm! Dường như tôi chẳng còn thì giờ cho mình. Trong nhiều ngày tôi có cùng một cảm tưởng với việc ngủ đêm ở nhà Bervely. Tôi muốn quay trở về căn nhà thời thơ ấu của mình. Tôi muốn thoát khỏi hai đứa bé trong ít lâu và trở lại những công việc như những tháng đầu tiên sau đám cưới.

Có bao giờ bạn ao ước mình lại được tự do thoát khỏi ràng buộc? Tôi tưởng rằng tất cả chúng ta đôi khi đều cảm thấy muốn thoát khỏi, hoặc trở lại thời thơ ấu. “Còn quá sớm để trốn chạy!” Đây là câu nói mà tiến sĩ Raymond Edman thường nhắc nhở sinh viên chúng tôi khi ông còn là hiệu trưởng Đại học Wheaton, và tôi đã lặp đi lặp lại cho chính mình trong những đêm thức chăm sóc con nhỏ.

Một phụ nữ trưởng thành trong cảm xúc, cần một thước đo bên trong để đánh giá trách nhiệm của mình. Sự kiên nhẫn bao gồm việc chịu đựng mọi nghịch cảnh trong mọi mức độ. Đây là sự biểu lộ của ý chí. Những lúc cần thiết chúng xuất hiện và làm chủ tinh thần, thể xác cách hiệu quả: “Hãy cố lên!” Hoặc một tiếng nói nhỏ nhẹ êm dịu bên tai: “Còn quá sớm để thối lui!”

Những dòng thơ Tô cách Lan được Ronald Reagan trích đoạn trong mùa bầu cử 1976, đã để lại ấn tượng thật sâu sắc: “Tôi nằm xuống và đổ máu. Mặc dù thương tích, tôi không bị chết... Tôi sẽ sống và tiếp tục chiến đấu”. Thái độ vững vàng nầy đã đem lại chiến thắng.

Dù chăm sóc gia đình, nhà cửa hoặc làm việc chi khác, một phụ nữ trưởng thành luôn ý thức việc hoàn thành bổn phận mình trong sự kiên trì.

NHẬN BIẾT NHU CẦU THỰC TẾ.

Sự nỗ lực và kiên trì có thể đưa chúng ta vượt qua những chuỗi ngày làm mẹ, làm việc vất vả, nhưng có khi nào bạn mong mỏi một điều gì nhiều hơn thế? Hiệu quả cao trong một ngày làm việc? Những cảm giác đầy vui thỏa?

Tôi đã như vậy. Tôi muốn ngâm nga với sự thỏa lòng trong mỗi ngày đã qua, nhưng tôi không giữ lâu được tinh thần nầy. Điều gì có thể thêm sức lực cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày?

Một buổi sáng đầy mây mù sau khi ăn điểm tâm, đang khi tôi nhìn theo Dave lái chiếc xe hơi duy nhất của chúng tôi đến nhà thờ, tôi trông thấy người hàng xóm đang cho xe chạy lui lại. Mẹ cô ấy ngồi bên cạnh cô phía trước, phía sau băng là hai đứa trẻ chưa đến tuổi đi học, đang tươi cười. Hình ảnh gia đình hạnh phúc cứ tiếp tục dậy lên trong tôi những suy nghĩ và cảm xúc từng hồi từng lúc trong nhiều tháng. Những cảm xúc rất mạnh đến nỗi tôi có thể nhận ra chúng – Cảm xúc của cô đơn, nhàm chán và mất phương hướng.

Ngày nọ, trong sự thất vọng, tôi đã quỳ cạnh giường, úp mặt xuống gối và kêu cầu với Chúa: “Chúa ôi! Xin tha thứ vì con đã quên đi điều quan trọng nhất là sự cứu giúp từ Ngài”.

Tôi nhận ra hoàn cảnh mình không đến nỗi bế tắc như nhiều phụ nữ khác. Tuy nhiên, tôi thật cô đơn, cảm thấy bị bỏ rơi và cần sức mạnh nội tâm. Tình huống đó là bước ngoặc khởi đầu việc hình thành và phát triển mối tương giao thường xuyên giữa tôi với Chúa.

Kết quả là Chúa đã đặt vào lòng tôi sự ham thích học lời Ngài, và đời sống thuộc linh của tôi dần dần được lớn lên. Lời Chúa nuôi dưỡng con người bề trong của tôi, thấm sâu vào tư tưởng và tình cảm của tôi. Từ đó dáng vẻ bên ngoài của tôi được thay đổi. Tôi nhận thức được điều mới mẻ nầy.

Trách nhiệm của tôi không đổi nhưng có một sự chuyển biến bên trong – sự thay đổi trong tình cảm - sự bình an thật, niềm vui mừng trọn vẹn và hướng đi đúng đắn. Tôi bắt đầu không tập trung vào chính mình như đã từng làm tại nhà của Bervely khi muốn quay về nhà. Vào lúc ấy, con mắt tâm linh của tôi đặt nơi Chúa Jêsus thay vì vào mẹ tôi.

Học hỏi Kinh Thánh giống như đang nhìn chăm chú vào tấm gương. Lời Chúa nhắc nhở rằng tôi thuộc về Ngài, do đó, Ngài sẵn lòng dẫn dắt tôi từng ngày, từng giờ và suốt cả cuộc đời. Những ý tưởng mới nầy đã biến đổi nhận định của tôi đối với những thử thách mỗi ngày. Tôi đã khám phá ra rằng, nếu không bởi năng lực tâm linh thì lòng can đảm, sự kiên trì và tính thích nghi sẽ không đạt được hiệu quả đáng có.

Mối tương giao mới mẻ, được biến đổi trong Chúa, đã mang đến cho tôi nhận thức chín chắn, nhạy bén hơn.

Chúng ta giống như những đám mây đen không mưa khi ráng sức tự hoàn thiện mà không cần đến Chúa. Ngài ban cho chúng ta năng lực thuộc linh để thúc đẩy và tăng cường sự hoàn thiện chính mình. Ngài giúp chúng ta đạt đến sự phong phú của cảm xúc trọn vẹn. Trong mối tương giao với Chúa chúng ta được ban cho lòng can đảm. Quyền năng Ngài khiến chúng ta vững tin và được mạnh mẽ.

SỞ HỮU NĂNG LỰC THUỘC LINH.

Động lực hướng đến sự trưởng thành thuộc linh được khai phóng khi chúng ta liên kết với Chúa. Sự dự phần của chúng ta liên quan đến hai bước của tiến trình: Học và làm theo lời Chúa. Khi bước vào sự thông công với Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh ắt hiện diện trong chúng ta. Một trong những công tác của Đức Thánh Linh là thúc đẩy chúng ta làm theo lời Chúa như điều mình đã học. Chúng ta được bảo đảm rằng những cáo trách bên trong từ Đức Thánh Linh luôn phù hợp với lời Kinh Thánh chứ không mâu thuẫn. Học biết lắng nghe tiếng phán của Đức Thánh Linh, Cơ Đốc nhân trưởng thành sẽ vâng phục Ngài. Thông qua việc học và làm theo lời Chúa, trái của Đức Thánh Linh, tức là phẩm chất của đời sống Cơ Đốc, được sản sinh: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ (Ga 5:22-23).

Kết quả là việc đọc, ghi nhớ, suy gẫm Kinh Thánh, chỉ cho chúng ta thấy trách nhiệm của mình. Những điều thiết yếu nầy được Đức Chúa Trời sử dụng để dạy dỗ và áp dụng chân lý vào đời sống chúng ta. Lời Chúa và ý tưởng Ngài đầy quyền năng đem đến cho chúng ta cách ứng xử tích cực, từ đó, tác động trên tấm lòng và thậm chí cả thể xác của chúng ta. Chúng ta có thể nương dựa vào lời Chúa  khi gặp sợ hãi hoặc thử thách để nhận được năng lực từ Chúa.

Vâng phục Chúa trọn vẹn là điều rất khó bởi vì nó liên quan đến ý chí của chúng ta. Đường lối Kinh Thánh thường trái ngược với ước muốn của chúng ta. Nhưng khác với con người hay thay đổi, Đức Chúa Trời là Đấng chẳng hề đổi thay. Vâng phục lời Chúa, chúng ta được ích lợi và làm vinh hiển danh Ngài.

Một thí dụ điển hình cho sự xung đột giữa ý muốn con người và lời Đức Chúa Trời được chép trong  He 13:15: “Hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời – nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra”. Ngợi khen là sự đáp ứng tốt nhất của chúng ta đối với sự vĩ đại của Chúa. Chúng ta bày tỏ sự thờ phượng Ngài là Đấng Hằng Hữu về những việc Ngài làm, nhưng có ai thích ngợi khen Chúa khi cuộc sống đầy tối tăm, thử thách hoặc thiếu thốn?

Đôi khi chúng ta không được cảm động để ngợi khen Chúa. Nhất là khi chúng ta cảm thấy cuộc sống hằng ngày nhàm chán hoặc đang mang một trọng trách nặng nề, lời Chúa phán hãy ngợi khen Ngài. Ngợi khen Chúa trong nghịch cảnh cũng như trong thuận cảnh, nhắc nhở rằng chúng ta đang vâng phục Ngài. Sự ngợi khen biến đổi những phàn nàn của chúng ta về những trách nhiệm nặng nề hoặc nhàm chán, thành thái độ nhận biết Chúa là Đấng tể trị và điều Ngài sẽ làm cho con người bề trong của chúng ta, ngay cả khi đang ở trong nghịch cảnh.

Nhà văn Alexander Solzhenitsyn, người đã trải qua tám năm trong những trại lao động cải tạo thời Stalin, viết: “Phải sống vững vàng trên mọi sự- đừng e ngại bất hạnh và đừng trông chờ hạnh phúc, bởi vì, cuối cùng mọi sự đều là: Vị đắng không đọng lại mãi, và vị ngọt không hề làm chén tuôn tràn… Hãy thỏa lòng, không run rẩy khi trời lạnh và không bị nản lòng bởi cơn đói khát,nếu như sống lưng bạn không gãy, chân bạn có thể đi, hai cánh tay có thể co duỗi, đôi mắt có thể nhìn thấy, đôi tai có thể nghe”.

Lời mô tả của Solzhenitsyn về những đau khổ, thiếu thốn đưa chúng ta đến việc nhận ra rằng mình luôn có một số điều đáng phải hài lòng, thậm chí khi chúng ta ở trong cơn đau khổ trầm trọng.

Sứ đồ Phao lô trong thơ Phi Líp đoạn 4 dạy chúng ta nên có một thái độ tương tự, nhưng ông còn bước xa hơn. Tại khám tù, Phao lô đã nhấn mạnh sự kêu gọi dành cho Cơ Đốc nhân không phải chỉ là hưởng phước mà còn vui mừng trong nghịch cảnh. “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: Hãy vui mừng đi!” (Phi 4:4).

Bạn được kêu gọi vui mừng trong hoàn cảnh khó khăn nào? Trong cảnh túng thiếu? Đang sống trong bầu không khí thù nghịch? Những người thân trong gia đình đang ở trong tình huống nguy hiểm?

Cách nay vài tuần, tôi đã đưa Debbie, đứa con gái 15 tuổi của tôi, vào bịnh viện sau một tai nạn bất ngờ. Tôi vẫn còn nhớ tâm trạng hốt hoảng của mình khi đó. Sau khi xét nghiệm, biết cháu phải giải phẫu. Trong khi chờ bác sĩ báo tình trạng của cháu, lòng tôi thật lo lắng về sự an nguy của cháu. Rồi tôi cầu nguyện xin Chúa bảo vệ và cho cháu nhận biết sự hiện diện của Ngài. Dù không thể làm gì cho Debbie nhưng tôi vui mừng vì Ngài sẵn lòng cứu cháu và điều này khiến tôi bình tĩnh.

Bây giờ tôi mới hiểu hết ý nghĩa vui mừng mà Phao Lô muốn dạy chúng ta. Tôi có thể vui mừng vì Ngài là Đấng tể trị trên mỗi hoàn cảnh, dù sự việc thật là tồi tệ.

Sự ngợi khen Chúa làm đẹp lòng Ngài và cũng đem đến lợi ích cho chúng ta. Tập trung suy gẫm về Đức Chúa Trời làm tươi mới tâm trí bởi vì chúng cất khỏi chúng ta những suy nghĩ tiêu cực. Hướng về bản tánh của Đức Chúa Trời đem đến cho chúng ta sự dẫn dắt, thêm sức từ Ngài. Ngợi khen Chúa tái tạo tâm linh và biến đổi tình cảm của chúng ta.

Mối thâm giao với Đức Chúa Trời là điều cần thiết để một phụ nữ biểu lộ tích cách điềm tĩnh, vui tươi đang khi làm trọn những bổn phận thường nhật. Bình tĩnh khi xử lý các công việc, ngay cả khi nản lòng, bà vẫn thể hiện sự vâng phục Đức Thánh Linh. Không bị căng thẳng trước tình huống khó khăn vì bà tin cậy Đức Chúa Trời luôn thêm sức cho mình trong mỗi công việc.

Tôi quan sát kỹ một trong những y tá chăm sóc tôi tại bệnh viện khi sanh con đầu lòng. Một số y tá thì thô lỗ, nói năng cộc lốc, hay phàn nàn và đổ trách nhiệm cho người khác, nhưng người y tá này làm việc trong sự yên lặng tươi tắn, miệng luôn nở nụ cười và thái độ lịch sự. Vào một buổi sáng sớm, tôi hỏi tại sao bà luôn vui thỏa như vậy? “Tôi có bốn đứa con nhỏ ở nhà”, bà nhỏ nhẹ đáp, “Ba đứa đang học ở trường mẫu giáo, đứa thứ tư bị tàn tật. Chúng cần tiền từ sự thu nhập của tôi để thanh toán cho những chi phí tốn kém, nhất là cậu bé. Bằng chẳng vậy, tôi đã không có mặt ở đây. Trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng, tôi ngợi khen Chúa. Tôi bắt đầu cảm tạ Chúa về từng đứa con mình và dâng chính mình cùng mọi sự trong ngày lên cho Chúa. Khi làm việc tại bệnh viện, tôi cầu nguyện cho từng bệnh nhân khi đi từ phòng nay qua phòng khác. Tôi tin rằng mình đang ở trong sự chăm sóc đầy yêu thương của Chúa khi làm việc tại đây”.

HÒA HỢP VỚI NGƯỜI PHỐI NGẪU.

Lãnh vực nào trong đời sống bạn đang giằng co với ý muốn Đức Chúa Trời? Điều ngăn trở nào khiến bạn không thể cảm tạ Chúa luôn luôn? Bạn có dễ gần với người khác không? Quan trọng hơn, bạn có hòa hợp với chồng như là một người mà Đức Chúa Trời đặt để kề cận mình không? Phierơ khuyên bảo mọi phụ nữ, đặc biệt là những người có chồng không phải là Cơ Đốc nhân, luôn ghi nhớ điều nầy: “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không theo đạo, dẫu chẳng lấy lời nào khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ cũng đủ hóa theo” (IPhi 3:1).

Laura lần đầu tiên gọi điện thoại cho tôi cách nay vài năm, cô đã đổ nước mắt vì quá căng thẳng do mối quan hệ trong hôn nhân. Vì  nói chuyện qua điện thoại nên tôi không thể trực tiếp thấy cô, nhưng tôi có thể hình dung cô qua tâm trí. Đây là một phụ nữ luôn trang điểm và có mái tóc đúng mốt, với chiếc áo đầm không chê vào đâu được. Tôi cũng có thể ngửi thấy mùi nước hoa đắt tiền của cô. Tôi đã từng gặp chồng của cô, một người đàn ông hướng ngoại, thích phiêu lưu. Lối sống và thói quen trái ngược nhau của họ là nguyên nhân của mọi xung đột.

Cô nói: “Vợ chồng tôi đang có sự mâu thuẫn. Chúng tôi cãi nhau vì chiếc mô-tô của anh ấy. Anh muốn chở tôi đi chơi cuối tuần. Nếu như vậy, tôi không thể đến nhà thờ và cũng có nghĩa là tôi phải đội nón bảo hộ và mặc quần dài – Tôi không thích cả hai thứ nầy. Làm thế nào tôi có thể giữ được nét đẹp phụ nữ khi ăn vận như vậy? Tôi sẽ bị phủ đầy bụi khi suốt ngày chạy xe ngoài đường, và cũng thật ngán ngẫm khi nghĩ đến đám bạn cùng đi với anh ấy”.

Bức tường ngăn cách giữa vợ chồng cô cần được nhanh chóng cất bỏ, nếu không, sẽ là gánh nặng thường xuyên. Cô đọc thật thuộc IPhierơ 3 và quyết định làm những điều khiến cho người chồng chưa tin Chúa vui lòng. Trước hết, cô cầu nguyện và thưa với Chúa rằng mình sẵn lòng chiều theo ý thích của chồng. Kế đến, xin Chúa thêm sức cho cô cất bỏ lòng tự cao và ý riêng để có thể sống hòa hợp với chồng cách tự nguyện.

Thế là mỗi Chúa nhật của mùa xuân năm đó, cô ngồi phía sau chồng – dưới những cơn mưa và nắng, đi khắp các nẻo đường khúc khuỷu, hiểm trở của tiểu bang Ohio. Họ cùng đi trong một đoàn xe mô-tô, dừng lại tại những thị trấn nhỏ ăn cơm trưa và tối, thường ăn những món ăn thích hợp với việc du hành mà cô đã chuẩn bị trước.

Một đêm nọ, cô cùng chồng và vài cặp vợ chồng khác nghỉ qua đêm trong một toa xe ẩm ướt, trống trải và mốc meo. Khi nằm trên cái giỏ xách làm gối bên cạnh chồng, bất chợt cô cảm thấy cánh tay chồng choàng qua mình. Vui sướng trong vòng tay ấm áp của chồng, cô cảm nhận được tình yêu và sự quý trọng mà mình đã mong ước từ lâu nơi anh ấy. Cô thầm nguyện rằng: “Ôi Chúa, con không thể tin rằng mình lại ở đây, nhưng cảm ơn Chúa đã cho con trở nên như vậy!”

Mùa hè năm đó, khi họ ở nhà vào những Chúa nhật, chồng cô bắt đầu đến dự những buổi thờ phượng tại nhà thờ và thích làm quen với những người cùng nhóm với vợ mình. Khi lá rụng đầy sân và thời tiết bắt đầu lạnh, không thể du lịch bằng mô-tô, chồng cô đến nhà thờ đều đặn hơn. Gần đến lễ cảm tạ, anh ấy quyết định tiếp nhận Chúa Jêsus. Sự đáp ứng của anh đến từ đời sống thuyết phục của vợ mình. Đức Chúa Trời đã dùng cách ứng xử của cô để biến đổi tình cảm, cuộc đời của chồng cũng như mối quan hệ của họ.

Hôn nhân của họ đã bước vào một bước ngoặc  mới trong sự hiệp một. Cô đã kinh nghiệm phần thưởng về sự bước theo lời hứa của Đức Chúa Trời.

Nhiều năm sau đó, chồng cô bị một viên đạn lạc bắn xuyên qua phần não bộ. Cô chăm sóc và an ủi chồng. Khi người chồng yêu dấu chết trên tay mình, cô đã ngợi khen Đức Chúa Trời qua những hàng nước mắt về cuộc sống mà họ đã cùng chia xẻ, cùng tiến đến mục đích để sống hòa hợp nhau. Cô cần điều nầy để đứng vững trước tương lai khi không còn bạn đời.

ĐỨC TIN TRONG THỬ THÁCH.

Đức tin chúng ta được thử nghiệm khi đối diện thử thách, những nan đề trong giao tiếp, sự qua đời của người thân, hoặc thiếu hụt tiền bạc, thật không dễ dàng. Thay vì phàn nàn Đức Chúa Trời và vấp phạm trong lúc khủng hoảng, chúng ta có thể lớn lên trong đức tin nếu biết kiên nhẫn.

Gia 1:3-4 đã bày tỏ quá trình nầy như sau: “Vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sinh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào”.

Mỗi chúng ta trải qua thử thách trong nhiều cách, thúc đẩy chúng ta cầu nguyện và dạy chúng ta biết phó thác cách khôn ngoan nơi Chúa. Phần thưởng của sự vâng lời Chúa đem đến hiệu quả sâu sắc bên trong. Sự yên ủi bởi Đức Thánh Linh tác động trên tâm linh đi vào tâm trí, tấm lòng, khiến chúng ta được bình an.

Một phụ nữ trưởng thành trong sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh đã kinh nghiệm được điều ngọt ngào nầy. Bạn sẽ có thói quen vâng phục theo sự điều khiển của Đức Thánh Linh. Bước theo sự dẫn dắt của Ngài sẽ tạo nên một phụ nữ trưởng thành trọn vẹn.  IPhi 5:10 chép: “Đức Chúa Trời đã ban mọi ơn để gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của  Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng và thêm sức cho”.

Từng trãi về sự dạn dĩ, thích nghi và kiên trì, đã giúp chúng tôi trong việc chuyển nơi sinh sống từ miền Trung Tây đến miền Nam, nhưng nó không dừng lại tại đó. Xa rời những bạn bè thân thiết và thích nghi với khí hậu không còn là điều khó nữa, bởi vì tôi quyết định vâng theo ý Chúa. Tôi bắt đầu nhớ lại và suy gẫm Lời Chúa trong  Gios 1:9: “Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; Vì Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi, trong mọi nơi ngươi đi”.

Ngày dọn nhà là một buổi sáng u ám đầu mùa thu. Những người dọn nhà khiêng từng vật dụng dưới cơn mưa phùn và chất đầy lên xe tải. Xế trưa, chiếc xe tải đã chở đồ đạc của chúng tôi đi. Dave và tôi đi qua những căn phòng trống trải của ngôi nhà mà bấy lâu nay chúng tôi đã sống với ba đứa con. Hàng loạt những kỷ niệm lướt qua tâm trí tôi, khiến tôi không cầm được nước mắt.

Khi đã đi qua căn phòng cuối cùng, chúng tôi quỳ xuống trên nền nhà trống trải, để lòng hướng về Đấng đã chúc phước trên chúng tôi cùng với những kỷ niệm. Mỗi khi chúng tôi phó thác tương lai mù mịt của mình cho Chúa, Ngài đã hành động trên cuộc đời của chúng tôi; Ngài làm vững lòng và trí, khiến chúng tôi được dạn dĩ. Lời Chúa giống như luồng ánh sáng xuyên qua tối tăm: “Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi”.

Ngày nay, câu gốc nầy được đóng khung và treo trên bức tường của căn nhà mới của chúng tôi tại Florida. Mỗi khi hướng mắt đến câu gốc nầy, tâm linh tôi tràn đầy sự ngợi khen cùng nụ cười rạng rỡ. Tôi thật sự kinh nghiệm về lẽ thật chứa trong câu Kinh thánh đó.

Sau khi dọn nhà, Dave và tôi đặc biệt quan tâm đến John, con trai 17 tuổi của chúng tôi, cũng như chúng tôi giúp nhau thích nghi với cuộc sống mới. Lần đầu tiên trong nhiều năm, tôi cảm thấy như trút khỏi gánh nặng về những trách nhiệm đối với một hội thánh địa phương đang phát triển.

Bây giờ Đức Chúa Trời dành cho tôi thời gian để suy gẫm và viết ra những điều mình đã kinh nghiệm. Cũng trong lúc nầy, một gia đình đến Florida, tạm sống chung với chúng tôi trong khi họ tìm chỗ ở mới. Sự lưu lại của họ giúp cho gia đình tôi thêm ấm cúng và tràn đầy tình thương.

Liên hiệp với Đức Chúa Trời là động lực để biến đổi quan điểm của bạn đối với hoàn cảnh.

Nhìn tóm gọn hơn vào lời hứa trong Giôsuê, một phần của câu Kinh thánh thúc giục tôi: “Chớ run sợ, chớ kinh khủng”. Đây là lời nhắc nhở về một trận chiến khác trong đời sống cảm xúc – Học biết cách kềm chế sự lo lắng.