Ý NGHĨA CỦA CHỮ HIẾU

Điều răn thứ năm dạy phải “hiếu kính cha mẹ” có nghĩa là gì? Và “hiếu kính cha mẹ” là phải làm gì? Nói một cách cụ thể, Thánh Kinh dạy rằng một người con hiếu kính cha mẹ là người làm tròn những bổn phận sau đây:
1. Yêu thương cha mẹ.
Bổn phận đầu tiên của con cái là yêu thương cha mẹ. Cũng như tất cả những liên hệ khác giữa con người với con người,
phải có tình yêu thương thì chúng ta mới có thể làm tròn bổn phận đối với nhau, và những điều chúng ta làm cho nhau mới có ý nghĩa. Hơn nữa, chúng ta yêu thương cha mẹ vì ngoài Chúa ra, không ai yêu thương chúng ta bằng cha mẹ. Người ta thường nói, khi có con chúng ta mới hiểu được tình thương của cha mẹ đối với mình. Câu nói này thật đúng. Vì thế, chúng ta sẽ không làm điều gì khiến cha mẹ buồn lo, nhưng trái lại, tìm cách làm cho cha mẹ vui lòng.
2. Biết ơn cha mẹ.
Cha mẹ là người sinh ra chúng ta và nuôi dạy chúng ta nên người. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự sống, nhưng cha mẹ là người truyền sự sống đó cho chúng ta. Hơn thế nữa, cha mẹ phải chịu bao khó nhọc để nuôi nấng chúng ta từ lúc sơ sinh cho đến khi khôn lớn. Người xưa đã mô tả thật đúng khi nói: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Do đó, chúng ta phải biết ơn cha mẹ, và bày tỏ lòng biết ơn đó qua lời nói, hành động và cách xử sự.
3. Tôn kính cha mẹ.
Có người yêu thương cha mẹ nhưng thiếu lòng tôn kính, xem cha mẹ như ngang hàng với mình, không có lời nói lễ phép, thái độ kính trọng. Cũng có người xem thường cha mẹ khi cha mẹ già yếu, không còn đóng góp được gì cho gia đình, hoặc khi cha mẹ đau ốm trở thành gánh nặng cho mình. Trái lại, lời Thánh Kinh trích dẫn bên trên dạy rằng: “. . ., khi mẹ già yếu, con chớ khinh khi” (Châm-ngôn 23:22).
Thật ra, Thánh Kinh còn dạy rất nghiêm khắc về việc phải tôn kính cha mẹ. Theo luật của Thánh Kinh Cựu Ước được áp dụng cho dân Do Thái thời xưa, tội này được xử lý như sau: “Ai đánh cha hay mẹ mình, phải bị xử tử. Ai chửi rủa cha mẹ phải bị xử tử” (Xuất 21:15,17).
4. Vâng phục cha mẹ.
Vâng phục cha mẹ là điều dễ nhưng cũng khó. Khi còn nhỏ chúng ta dễ vâng lời cha mẹ, cha mẹ bảo gì làm nấy, vì lúc đó chúng ta thường thấy cha mẹ là giỏi nhất trên đời. Nhưng khi khôn lớn hơn một chút, người ta dễ bắt đầu không vâng phục cha mẹ nữa.
Theo tinh thần dạy dỗ của Thánh Kinh thì con cái phải lắng nghe lời khuyên dạy của cha mẹ và phải vâng phục cha mẹ. Sách Êphêsô trong Thánh Kinh Tân Ước dạy rằng: “Con cái phải luôn luôn vâng lời cha mẹ vì điều đó đẹp lòng Chúa.” (3:20).
Thật ra, đây là điều hợp lý, vì nói chung hiếm có cha mẹ nào lại dạy bảo con cái mình làm điều xấu hoặc có hại.
Một người con hiếu thảo sẽ làm theo lời dạy của Thánh Kinh như sau: “Con ơi, phải nghe lời cha giáo huấn, đừng bỏ khuôn phép mẹ con. Phải luôn luôn ghi lòng tạc dạ, đeo những lời ấy vào cổ con. Nó sẽ dẫn dắt con khi đi, gìn giữ con lúc ngủ, trò chuyện khi con thức dậy” (Châm ngôn 6:20-22).
5. Phụng dưỡng cha mẹ.
Còn khi đã lớn và đã có công ăn việc làm, chúng ta phải lo phụng dưỡng cha mẹ, nghĩa là chu cấp cho cha mẹ về tài chánh, chăm sóc sức khỏe, đời sống của cha mẹ, vì cha mẹ khi già yếu không thể làm việc nuôi sống chính mình được nữa.
Thánh Kinh Tân Ước khuyên: “Hội Thánh nên săn sóc những quả phụ không còn nơi nương tựa. Quả phụ nào còn con cháu, trước hết con cháu phải lo phụng dưỡng mẹ già và người thân thuộc, vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời” (ITi-mô-thê 5:3-4).
Chúa Giêxu cũng từng quở trách rất nặng những người dạy rằng: “Nếu người nào lấy tiền phụng dưỡng cha mẹ đem dâng cho đền thờ, người đó khỏi phụng dưỡng cha mẹ nữa” (Mác 7:9-13).
Một người con hiếu thảo là người biết lo phụng dưỡng chăm sóc khi cha mẹ mình còn sống