CHỮ HIẾU TRONG CƠ-ĐỐC GIÁO

Nhiều người nghĩ rằng khi một người tin Chúa Giêxu, thì người đó sẽ phải lỗi đạo làm con vì không được phép thờ cúng ông bà cha mẹ nữa. Nói cách khác, đạo Chúa không phù hợp với tinh thần hiếu thảo của Đông phương.
Tuy nhiên, nếu đọc kỹ Kinh Thánh, chúng ta thấy người tin Chúa không lỗi đạo làm con, cũng không bỏ ông bỏ bà. Bằng chứng là, Mười Điều Răn của Chúa được chia làm hai nhóm. Nhóm đầu có bốn điều răn, dạy về bổn phận con người đối với Đức Chúa Trời. Còn nhóm sau dạy về bổn phận con người đối với nhau gồm có sáu điều răn. Trong nhóm sau này, điều răn đầu tiên (tức điều răn thứ năm) dạy rằng “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” (Xuất 20:12).
Theo Nho giáo, thứ tự ưu tiên trong các bổn phận mà con người phải giữ là “quân, sư, phụ”. Tức là trước hết chúng ta phải kính trọng vua (quân), hay là những người lãnh đạo đất nước. Kế đến là bổn phận đối với những người thầy (sư) có công dạy dỗ chúng ta. Rồi sau cùng mới đến bổn phận đối với cha mẹ (phụ). Trái lại, đạo của Chúa dạy rằng chúng ta phải chu toàn bổn phận đối với Đức Chúa Trời trước tiên vì Ngài là Đấng dựng nên chúng ta, sau đó là bổn phận đối với cha mẹ, rồi mới đến những bổn phận khác. Điều này một lần nữa cho thấy, theo sự dạy dỗ Chúa, bổn phận của con cái đối với cha mẹ là điều quan trọng, phải được chú ý đến trước nhất.
Một bằng chứng nữa cho thấy Đạo Chúa đặt nặng bổn phận con cái đối với cha mẹ đó là những lời dạy của sách Châm Ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước. Sau đây là một số những lời dạy tiêu biểu:
“Con ơi, phải nghe lời cha khuyên dạy, đừng bỏ khuôn phép của mẹ con” (1:8).
“Này con, nghe cha khuyên dạy, lắng tai để có sự hiểu biết” (4:1).
“Hành hung cha và xô đuổi mẹ, là con làm điều nhục gia phong” (19:26).
“Ngọn đèn của kẻ chửi cha mắng mẹ, phụt tắt đi giữa đêm tối âm u” (20:20).
“Lắng tai nghe lời khuyên dạy của cha, khi mẹ yếu già con chớ khinh khi” (23:22).
Nói tóm lại, Đạo Chúa không bao giờ là một đạo “bỏ ông bỏ bà” như nhiều người lầm tưởng, mà còn ngược lại.
Thế nhưng, có những khác biệt trong sự dạy dỗ của Thánh Kinh về chữ Hiếu so với quan niệm hiếu thảo mà chúng ta đang có.
 Chữ HIẾU trong Cơ-đốc giáo - Vietbible