TẠI SAO NGƯỜI TIN CHÚA KHÔNG THỜ CÚNG ÔNG BÀ CHA MẸ?


Người tin Chúa không thờ cúng ông bà cha mẹ vì những lý do sau đây:
1. Người đã chết không thể hưởng hay nhận lễ vật gì từ nơi người còn sống.
Khi cha mẹ còn sống, nếu chúng ta làm cho cha mẹ vui vẻ, thỏa lòng, đó là chúng ta đã hiếu kính cha mẹ và làm trọn điều răn của Chúa.
Còn lúc cha mẹ đã qua đời, chúng ta không thể làm gì được nữa, vì lúc đó họ đã bước vào một thế giới khác.
Lời Thánh Kinh ở sách Tr 12:7 cho biết rằng khi một người chết thì “bụi tro trở về đất y như cũ; và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” Tức là khi chúng ta qua đời, thân xác sẽ trở thành bụi đất, còn phần linh hồn của chúng ta sẽ phải trình diện Đấng Tạo Hóa. Đó là một thế giới khác mà con người còn trên trần gian này không thể can thiệp vào được.
Vì vậy, Thánh Kinh không dạy chúng ta phải dâng cúng điều gì cho cha mẹ ông bà khi họ đã qua đời, nhưng lại nhấn mạnh đến bổn phận hiện nay của con cái đối với ông bà cha mẹ, và ngược lại, Thánh Kinh cũng dạy về trách nhiệm cha mẹ phải làm gì cho con cái.
Thiết tưởng đây là sự dạy dỗ rất thực tế mà Chúa muốn chúng ta vâng theo. Có nhiều người khi cha mẹ còn sống không làm trọn bổn phận hiếu thảo của con cái, nhưng khi cha mẹ chết rồi lại cúng tế linh đình trang trọng, mà nhiều lúc điều đó trở thành gánh nặng đối với kinh tế của một số gia đình. Khi xưa, Tăng Tử có nói rằng: “Giết trâu tế mộ chẳng bằng giết con gà lúc cha mẹ sanh tiền.”
Thánh Kinh cũng không dạy chúng ta phải làm hình tượng hay bài vị của ông bà cha mẹ để thờ phụng vì cớ những điều đó cũng không có ý nghĩa đích thực. Thánh Kinh viết: “Hình tượng của các dân bằng bạc bằng vàng, là công việc tay loài người làm ra. Hình tượng có miệng mà không nói, có mắt mà chẳng thấy, có tai mà không nghe, và miệng nó không hơi thở.” (Thi 135:15-17).
Sự thờ cúng người đã chết, vì thế, không thể là một yêu cầu của Thánh Kinh và cũng không thể là một thực hành hiệp lẽ.
2. Người đã chết không còn quan hệ tinh thần hay tình cảm gì với người còn sống.
Ngày xưa, theo gia lễ người ta thờ phượng ông bà cha mẹ dựa trên nguyên tắc: “Ngũ đại mai thần chủ” (chữ “mai” có nghĩa là “chôn”; còn “thần chủ” là “bài vị” tức là cái thẻ ghi tên người chết đặt trên bàn thờ gia tiên). Nguyên tắc này có nghĩa là hễ đến đời thứ năm thì lại đem chôn bài vị của cao tổ đi, rồi đôn lên và thêm bài vị của ông khảo vào (“khảo” là chữ để gọi người cha vừa chết).
Như thế, theo truyền thống “cửu tộc” (9 đời), mỗi người trong chúng ta chỉ có thể chăm lo cho bốn đời trên mình là cao, tằng, tổ, phụ và bốn đời sau mình là tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn, với bản thân mình nữa là chín đời.
Thế thì, sự thờ phượng ông bà cha mẹ chỉ có tính tượng trưng mà không có ý nghĩa chính xác trong thực tế. Nếu thật sự những người chết ở thế giới bên kia cần đến sự thờ phượng và những thức ăn thức uống chúng ta dâng cúng, thì sẽ có một sự thiếu sót vô cùng lớn ở phía chúng ta. Ai sẽ cung cấp những nhu cầu thiết yếu đó cho biết bao thế hệ người đã qua đời, và bao nhiêu sẽ là đủ. Những tiên tổ trên cấp “cao” trở lên thì mỗi năm chỉ được “chu cấp” tượng trưng trong những kỳ lễ chung như kỳ “xuân tế” hoặc kỳ “phụ tế” vào lúc giỗ thủy tổ, v.v. . . Đó là mới kể đến gia đình, còn biết bao người chết trong các thiên tai, những cuộc thảm sát. . .
Do đó, nói về bản chất, thì sự thờ cúng ông bà chỉ có ý nghĩa biểu trưng về mặt tinh thần và tình cảm để con cháu bày tỏ tình thương và lòng hiếu kính với những người đã khuất, qua các lễ nghi như giỗ, cúng, khấn, vái, lạy, v.v. . .
Tuy nhiên, khi nói về quan hệ của người đã chết với cõi đời này, Thánh Kinh cho chúng ta biết: “Kẻ sống biết mình sẽ chết, nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết, và cũng chẳng còn phần thưởng gì nữa, vì kỷ niệm về họ đã bị quên đi. Tình yêu, sự ganh ghét, và lòng tranh cạnh của họ đều đã tiêu mất từ lâu; họ chẳng còn có phần gì nữa trong những điều đang được thực hiện dưới mặt trời” (Tr 9:5-6).
Mấy câu Kinh Thánh trên không có ý nói về thế giới của những người đã chết, nhưng nói về quan hệ của họ với chúng ta là những người còn sống. “Kẻ chết chẳng biết chi hết” về cõi đời này nữa. “Phần thưởng” tức là được nhiều hay được ít, mất hay còn, cũng không có tác động gì. Chúng ta có cúng nhiều hay ít, hoặc cúng tế hay không cúng tế, cũng không còn ý nghĩa gì đối với họ. Sớm hay muộn rồi “kỷ niệm về họ” cũng sẽ qua đi. Chúng ta có tỏ bày tình cảm của mình với họ thì họ cũng chẳng cảm nhận được, vì “tình yêu, sự ganh ghét, lòng tranh cạnh của họ đã tiêu mất từ lâu”.
Thế thì, sự bày tỏ tấm lòng của chúng ta đối với ông bà cha mẹ chỉ có ý nghĩa khi họ còn ở đời này. Vì vậy, đạo Chúa nhấn mạnh rằng chúng ta phải “hiếu kính cha mẹ” ngay khi họ còn ở cõi đời này.
Sự thờ cúng người đã chết, vì thế, không thể là một yêu cầu của Thánh Kinh và cũng không thể là một thực hành hiệp lẽ.
3. Sự thờ phượng hiệp lẽ duy nhất phải dành cho Đấng nắm giữ và ban phát sự sống.
Còn có một lý do quan trọng nữa khiến cho người theo đạo Chúa không thờ cúng ông bà cha mẹ, đó là lời dạy của Thánh Kinh rằng chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất mà chúng ta đáng phải thờ phượng.
Ngài là Đấng đã tạo dựng muôn vật trong toàn cõi vũ trụ, trong đó có chúng ta. Ngài tạo ra chúng ta, ban sự sống cho chúng ta, và toàn quyền nắm giữ sự sống đó.
Thánh Kinh rất nhiều lần khẳng định rằng Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên muôn loài:
“Ngài là Đấng dựng nên trời, đất, biển, và mọi vật ở trong đó. Ngài giữ lòng thành thực đến đời đời.” (Thi 146:6)
“Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, . . . chính Ngài là Đấng ban sự sống, hơi thở, và mọi sự cho muôn loài.” (Cong 17:24-25)
Bản thân chúng ta cũng như ông bà cha mẹ mình đều nhận sự sống từ Đức Chúa Trời, và không ai có quyền trên chính sự sống hay sự chết của mình, hay là của người khác. Duy chỉ có Đức Chúa Trời là Nguồn Cội của muôn loài vạn vật là có quyền trên tất cả.
Tổ tiên bốn đời hay bốn mươi đời hoặc hơn nữa cũng chưa phải là Nguồn Cội thực sự của chúng ta. Vì vậy, sự thờ phượng đích thực phải là sự thờ phượng Đấng Sáng Tạo, thay vì thờ phượng loài thọ tạo. Sự thờ phượng xứng đáng duy nhất phải được dành cho Đấng Tạo Hóa là Cội Nguồn nguyên thủy của muôn loài.
Chúa Giêxu dạy rằng: “Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ phục sự một mình Ngài mà thôi” (Mat 4:10).
Chúng ta tôn kính ông bà cha mẹ, bày tỏ sự hiếu thảo khi họ còn sống và còn có thể tiếp nhận sự hiếu thảo đó; nhưng dành sự thờ phượng đúng nghĩa duy nhất cho một mình Đức Chúa Trời mà thôi.
Sự thờ cúng ông bà cha mẹ, vì thế, không thể là một yêu cầu của Thánh Kinh và cũng không thể là một thực hành hiệp lẽ.
4. Sự thờ phượng hiệp lẽ là sự thờ phượng bằng tấm lòng và chân lý.
Ngoài ra, Thánh Kinh còn dạy chúng ta rằng sự thờ phượng đúng đắn phải xuất phát từ tấm lòng chân thật. Thánh Kinh chú trọng đến tấm lòng của người thờ phượng hơn là nghi lễ bên ngoài.
Chúa Giêxu dạy rằng: “Đức Chúa Trời là thần linh, nên ai thờ phượng Ngài thì phải lấy tâm linh và chân lý mà thờ phượng” (Gi 4:46).
Tâm linh hay là tấm lòng của con người là quan trọng hơn những nghi thức bên ngoài mà chúng ta có thể thi hành. Còn chân lý là những điều đúng, những điều hợp lý mà chúng ta nên làm.
Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất, muôn vật, và con người cách kỳ diệu lạ lùng phải là một Đấng Toàn Năng, Toàn Tri, khôn sáng tột cùng. Khoa học của con người dù tiến bộ đến đâu cũng chỉ đạt được một số kiến thức vô cùng nhỏ bé chứa đựng trong vũ trụ bao la này. Vì thế, người theo đạo Chúa không thể thờ phượng Ngài bằng những cách thức không hợp lý (hay người ta thường gọi là “mê tín dị đoan”).
Đó là lý do vì sao chúng ta không cần thiết phải làm hình tượng, và cúng tế cho Đức Chúa Trời hay cho bất kỳ người nào, vật nào. Người tin Chúa họp lại để thờ phượng Đức Chúa Trời, là Đấng đang lắng nghe, bằng những bài ca, lời cầu nguyện, sự học hỏi Thánh Kinh là Lời Đức Chúa Trời, và nhất là qua nếp sống của mình.
Thánh Kinh khuyên chúng ta phải thờ phượng Chúa cách đúng đắn:
“Khá ca ngợi Đức Giêhôva, vì là điều tốt. Hãy hát ca ngợi Đức Chúa Trời chúng ta, vì là việc tốt lành. Sự ca ngợi hiệp lễ nghi.” (Thi 147:1-2).
“Hãy hát ca ngợi Đức Chúa Trời, khá hát đi. Hãy hát ca ngợi Vua chúng tôi, khá hát đi. Vì Đức Chúa Trời là vua của cả trái đất, hãy hát ca ngợi cách thông hiểu. Đức Chúa Trời cai trị các nước. Đức Chúa Trời ngự trên ngôi thánh Ngài.” (Thi 47:6-8).
Sự thờ phượng phải lẽ duy nhất, vì thế, phải được dành cho một mình Đức Chúa Trời mà thôi.
KẾT LUẬN.
Bổn phận con cái đối với cha mẹ đã được Đức Chúa Trời đặt vào hàng đầu trong số những bổn phận của con người đối với nhau. Quan hệ với cha mẹ là quan hệ đầu tiên trong cuộc sống.
Tuy nhiên, chúng ta phải làm trọn bổn phận này một cách hiệp lẽ theo như Thánh Kinh dạy. Tỏ bày sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ khi những vị này còn sống với chúng ta. Nhưng dành sự thờ phượng cho một mình Đức Chúa Trời mà thôi.
Nếu bổn phận đối với cha mẹ là người sinh thành quan trọng như vậy, thì bổn phận đối với Đức Chúa Trời – Cội Nguồn của muôn vật, Đấng Sáng Tạo của chúng ta còn quan trọng hơn biết dường nào.
Chối bỏ cha mẹ, bất kính đối với ông bà cha mẹ là một tội lớn. Nhưng khước từ Đức Chúa Trời là tội lớn hơn hết.
“Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta qua điều này: đang khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã vì chúng ta mà chịu chết” (Ro 5:8).
Đấng Christ tức là Chúa Giêxu. Chúng ta còn gọi là Chúa Giêxu Christ. Ngài chính là Đức Chúa Trời Ngôi Hai, Đấng đã đến thế gian làm người để bày tỏ cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời, về tình yêu của Ngài, và để chết thay cho chúng ta trên thập tự giá, gánh lấy án phạt tội lỗi mà lẽ ra chúng ta phải chịu.