CHIẾN TRƯỜNG VÔ HÌNH

Thắng hơn dục vọng xác thịt
Sue thân mến!
Tôi chuẩn bị đi ngủ sau khi kết thúc giờ tĩnh nguyện và suy gẫm Kinh thánh, nhưng ngay khi vừa nằm xuống, một ý tưởng len vào tâm trí và gợi cho tôi nhớ lại bài học về cuộc chiến chống lại ma quỉ. Tôi hình dung về cơn chiến trận của mình: Những cuộc tấn công dưới dạng một cái bánh mì kẹp thịt, bánh pizza,bánh kem mứt và bánh oreo.
Tôi xem tivi đang khi trời chập tối, trong đó có cảnh mua bán những cái bánh oreo và kem. Tôi khoái khẩu món oreo, đặc biệt là thứ đông cứng.
Thức ăn đem đến sự cám dỗ trong tôi. Làm thế nào có thể phục vụ Đức Chúa Trời nếu tôi không biết điều độ trong sự ăn uống? Và tệ hại hơn nữa là tôi có thói quen càng ăn nhiều khi đang trong tâm trạng chán nản. Tôi cũng chú ý đến việc bồi bổ cơ thể mình. Dù đang là mùa hè với nhiều loại trái cây ngon nhưng tôi không mua chúng, thay vào đó, tôi mua sôcôla là thứ tôi thích, và điều đó làm tôi càng thêm chán ngán. Tại sao tôi không thể thoát khỏi thói quen ăn uống vô độ?
Tôi là một kẻ mê ăn uống và có nguy cơ ngày càng béo phì, dị dạng. Cung cách ăn uống của tôi có vẻ khôi hài nếu không muốn nói là đáng chê trách. Chi phí cho việc ăn uống quá nhiều, tôi tự hỏi thói quen nầy có liên quan gì đến hoạt động hóa học trong bộ não của mình? Liệu khoa học trong tương lai có thể chữa cho tôi khỏi thói quen ăn uống vô độ nầy không?
Thật là kỳ lạ, tôi có thể dứt bỏ cần sa (thứ mà tôi thích, dầu thỉnh thoảng có nghĩ đến nó), thuốc lá, và tật hay ăn vặt (cần nỗ lực hơn để vượt qua), nhưng đối với thức ăn thì lại khác. Bạn không thể nuốt trôi nhanh món gà tây lạnh, cũng vậy, tôi cũng khó thắng hơn sự cám dỗ của thức ăn.
Tại sao tôi thường gặp khó khăn khi muốn thay đổi thói xấu trong cách ăn uống của mình? Có nguồn sức mạnh nào từ Đức Chúa Trời giúp tôi chiến thắng sự ăn uống vô độ không? Nếu có, tôi sẽ áp dụng ngay cho đời sống mình. Xin bà hãy cho tôi vài lời khuyên.
Một người bạn.
Có một sự thèm muốn không thể cưỡng lại được đối với thức ăn trong thói quen ăn uống của những phụ nữ ăn quá nhiều. Những thói quen nầy là hậu quả của những mặc cảm tội lỗi, nản lòng hoặc thậm chí tự ghét mình. Họ thấy mình không được thoải mái để giao tiếp với người chung quanh và tự hỏi liệu tấm thân mập béo của mình có được những phụ nữ khác chấp nhận hay không, khi mà sự mảnh mai luôn được đề cao?
Sự ăn nhiều cũng đang đe dọa một phụ nữ tin Chúa. Dáng vẻ bên ngoài của cô bộc lộ suy nghĩ: “Tôi thất bại trong việc làm vinh hiển Đức Chúa Trời”.
Trong năm chương đầu chúng ta đã học biết làm thế nào một phụ nữ Cơ đốc được bình an trong Chúa. Đời sống thuộc linh của cô hướng đến mục tiêu trở nên giống Chúa Jêsus. Trong cô có sự bình an, vui mừng và yêu thương thay cho bối rối, nản lòng và thù hận khi cô thiết lập mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời.
QUYỀN LỰC CÁM DỖ.
Chúng ta thường mong muốn mọi sự đều bình lặng và có cuộc sống hạnh phúc như Êva trước khi sa ngã, nhưng chúng ta phải đứng trước một nan đề: Đó là sự thôi thúc bên trong khiến chúng ta phải chìu theo tất cả những sai khiến của nó mà không thể kiểm soát bởi ý chí của mình. Ăn uống là một nhu cầu cần thiết để bồi bổ cơ thể và duy trì sự sống. Nhưng việc tham ăn đánh lừa tâm trí chúng ta rằng ăn nhiều hơn sẽ mang lại cảm giác thỏa mãn.
Nhu cầu bình thường có thể gia tăng quá mức kiểm soát, khiến chúng ta vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức. Kinh thánh gọi đó là sự cám dỗ. Đây là điều bình thường khi xảy đến với chúng ta. Chính Chúa Jêsus đã trải qua sự cám dỗ. Điều nguy hiểm là quyền lực cám dỗ có thể dẫn đến tội lỗi.  Gia-cơ 1:14-15 chép: “Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. Đoạn lòng tư dục cưu mang sanh ra tội ác, tội ác đã trọn, sinh ra sự chết”.
Khi thất bại trước cám dỗ, chúng ta mang mặc cảm phạm tội và những cảm xúc tiêu cực khác như tự ti, sợ hãi, bối rối, bị loại trừ và cô đơn. Những điều nầy làm tê liệt tinh thần, thể xác và những mối liên hệ của chúng ta với người khác. Càng cảm biết sự thất bại của mình, chúng ta càng tổn thương và cứ ở trong vòng lẩn quẩn.
Sự cám dỗ hành động trên chúng ta qua ba lãnh vực chính: Mê tham của xác thịt, mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời (I Giăng 2:16).
Chúng ta hãy cùng xem xét những điều nầy:
SỰ MÊ THAM CỦA XÁC THỊT.
Người đàn bà quê tại vùng Sichem đã thừa nhận quá khứ của mình. Chúa Jêsus, một người Giuđa xa lạ, ngồi bên giếng Giacốp, nói về cuộc sống buông thả của bà. Ngài biết bà có năm đời chồng và hiện đang sống chung với một người khác. Điều nầy khiến bà bị dân địa phương khinh miệt. Trong lòng đầy sự tủi hổ, bà phải đi lấy nước vào giữa trưa để tránh những lời đàm tiếu của những phụ nữ thường đến múc nước khi mát trời.
Người đàn bà Samari đã không chống nổi sự cám dỗ của xác thịt qua những mối quan hệ bất chính trong hôn nhân cùng với một người không phải là chồng. Bạn có mong muốn gặp lại người bạn trai cũ, hoặc bạn của chồng, hay người đàn ông cùng làm chung không? Trong bạn, có sự đồng cảm nào cùng với một người đàn ông khác không?
Một Chúa nhật nọ, người bạn đã có năm năm hạnh phúc trong hôn nhân cùng chồng và hai con, gặp tôi sau buổi nhóm để kể lại điều xảy đến cho cô ấy. Người bạn trai mà cô rất yêu thương thời trung học đã gọi điện thoại và muốn gặp lại cô. Sáu năm trước, anh ta làm cô bị sốc khi đột nhiên gia nhập quân đội. Cô quen với người khác để rồi yêu và kết hôn, đó là chồng cô hiện nay. Cô nói trong nước mắt: “Khi bạn trai cũ gọi điện vào tuần trước, lòng tôi thật xúc động. Khi vừa nghe giọng nói của anh ấy, những tình cảm yêu thương trong quá khứ đã quay trở lại và tôi muốn gặp anh ấy hơn bao giờ hết. Tôi nói với anh ấy là hãy để tôi suy nghĩ về điều nầy. Tôi nên cư xử thế nào đây?”
Bạn sẽ cư xử thế nào? Có phải việc gặp anh ấy làm bạn thỏa mãn? Những cơ hội gặp nhau như thế sẽ kích thích hơn nữa lòng quyến luyến với anh ấy. Từ đó, nó sẽ dẫn bạn đến chỗ không còn chung thủy với chồng, vượt qua giới hạn cho phép giữa mình và người yêu cũ. Tất cả chúng ta không phải ai cũng có cùng một loại cám dỗ, nhưng với bản chất đầy tội lỗi, mỗi chúng ta kinh nghiệm quyền lực của nó sau khi trở nên Cơ Đốc nhân – Sự ham muốn làm vừa lòng mình hơn là Đức Chúa Trời.
Điều nầy bắt đầu một cách tinh vi. Nó có thể phát triển thành sự ham muốn mạnh mẽ qua một trong ba hình thức cám dỗ.
SỰ MÊ THAM CỦA MẮT.
Bạn có luôn để Đức Thánh Linh kiểm soát những gì mà mình đang nhìn không? Sau khi đi mua sắm, có phải bạn luôn bị ám ảnh bởi những vật dụng? Bạn có từng bị cám dỗ thôi thúc rằng mình phải có nó bằng mọi cách?
Đây là sự tham muốn. Mê tham của mắt được hình thành bởi ảo tưởng. Nó khiến chúng ta nghĩ rằng mình có thể tìm được hạnh phúc khi sở hữu một số vật chất và tin tưởng cách sai lầm rằng những gì thấy được là tất cả – quần áo, nữ trang, nhà cửa, xe hơi, máy móc tiện nghi, đồ đạc - Những giá trị đạo đức hoặc tiêu chuẩn của Lời Chúa trở nên thứ yếu trong lối sống tôn sùng vật chất, và hình thức bề ngoài là trên hết.
Một phụ nữ khoảng 25 tuổi, kể lại y phục đã cám dỗ mình như thế nào. Cô ta làm việc tại trung tâm một thành phố lớn, nơi cô chứng kiến sự thay đổi về mặt thời trang được trưng bày qua tấm kính cửa hiệu. Cô bị choáng ngợp bởi những người ăn mặc mốt nhất. Tâm trí cô luôn hướng đến những bộ y phục khi lái xe đến sở làm, và nó khuấy động cô đang lúc chuẩn bị bữa ăn tối. Cô đã dành nhiều thì giờ mua sắm lúc nghỉ trưa và trong những ngày cuối tuần. Một giọng nói uy quyền thoáng qua trong trí buộc cô phải mua và cô đã làm theo cho đến khi tủ quần áo đầy cứng. Cô nói: “Dù không dư dả, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc khi mua được chúng. Tôi cũng biết mình không thể mặc hết những quần áo đã mua. Thói quen nầy dẫn đến việc thiếu hụt tiền bạc của tôi. Tại sao tôi cứ phải mua liên tục?”
Phải chăng nan đề nầy làm bạn liên tưởng đến người phụ nữ trong bức thư than phiền rằng bà phải ăn liên tục? Sự cám dỗ thôi thúc chúng ta thỏa mãn tính tham ăn. Khi chìu theo và đầu phục thói ăn uống quá độ, hoặc mua mọi thứ mà mình nhìn thấy thì đó là tội lỗi. Trước cạm bẫy của sự mê tham của mắt, chúng ta bị cám dỗ đầu hàng những tội lỗi liên quan đến việc chúng ta có thể nẩy sinh hành động chiếm đoạt những vật thuộc về người khác.
KIÊU NGẠO Ở ĐỜI.
Hãy cẩn thận! Có thể bạn không bị cám dỗ trong cả hai lãnh vực kể trên – Sự mê tham của xác thịt và sự mê tham của mắt, nhưng bạn có kiêu ngạo về điều gì không? Có ước muốn trở nên một người nổi tiếng không? Trong cuộc sống, bạn có thích phô trương tri thức, khả năng, hoặc tìm kiếm sự tán thưởng cho những thành công của mình? Bạn có muốn mình nổi bật giữa vòng mọi người? Bạn có từng bị cám dỗ như Andrea, trong cuốn “Chiến Tranh Và Hòa Bình” của Tolstoy, khi nghĩ rằng: “Tôi sẽ hy sinh gia đình và bạn bè để đổi lấy một chút danh tiếng”.
Nếu cám dỗ của bạn là muốn bày tỏ và gây ấn tượng về sự quan trọng của mình cho người khác thấy, thì bạn phải nỗ lực đến mức độ nào?
Cách đây nhiều năm, một thiếu nữ ở bên cạnh tôi đang khi ngồi trên xe đi dạo chung quanh thành phố. Trên một con đường nọ có những ngôi biệt thự được thiết kế thật đặc sắc với phong cảnh thiên nhiên, khiến cô phải thốt lên: “Đây chính là điều tôi ao ước – là chủ một trong những ngôi biệt thự nầy, để tận hưởng những giây phút thoải mái, để thư giãn tinh thần với đủ mọi tiện nghi và được bày trí thật đẹp trong từng chi tiết! Tôi muốn mọi người biết tôi như là bà chủ của một trong những ngôi biệt thự đẹp nhất”.
Sự ham muốn nầy không phải là điều cô chỉ nói suông, vì cuối cùng cô đã thực hiện được. Trong 20 năm, vợ chồng cô nỗ lực làm việc liên tục với lòng khao khát được nghe người ta nói rằng: “Đây là chủ nhân của ngôi biệt thự tuyệt đẹp”.  Khoe mình về chỗ ở là phương cách để cô chứng tỏ mình có vị trí cao hơn người khác. Đây chính là cái bẫy của sự kiêu ngạo ở đời. Nhìn một cách sâu xa, cô đã vô tín và chối bỏ Đức Chúa Trời. Tất cả mọi ước muốn của cô chỉ nhằm tôn cao chính mình.
Kiêu ngạo là một hố sâu nguy hiểm. Nó liên quan đến lòng tham của cải. Sứ đồ Phao lô viết thư khuyên chàng Timôthê trẻ tuổi: “Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất” (ITi 6:9-10).
Chúng ta hãy tóm tắt lại những cuộc chiến trong đời sống xác thịt. Chúng ta bị cám dỗ thông qua những ước muốn tự nhiên – Đức Chúa Trời tạo ra những ước muốn để con người tồn tại và kinh nghiệm một đời sống có ý nghĩa. Thức ăn, giới tính, vẻ đẹp, tài năng là những quà tặng từ Chúa Sáng tạo. Chúng cám dỗ, thúc đẩy chúng ta làm trọn những ham muốn trái lẽ hoặc vượt quá giới hạn cần thiết mà Đức Chúa Trời đã thiết lập khi Ngài tạo dựng nên con người.
CÁM DỖ BẮT ĐẦU RA SAO?
Cám dỗ là một cuộc chiến thuộc linh và được khơi dậy khi chúng ta chú tâm vào tội lỗi, kích thích sự tưởng tượng, hoặc đi đến những nơi không đáng đến. Chẳng hạn như khi xem quảng cáo bánh kem trên tivi đã khiến bạn tôi có ý tưởng phải đến cửa hàng để mua chúng. Đi mua sắm và nhìn những ngôi biệt thự đẹp là nguyên nhân tạo nên sự mê tham của mắt và kiêu ngạo đối với người phụ nữ. Đồng ý hẹn gặp bạn trai cũ có thể đốt lên ngọn lửa ham muốn tình dục. Theo bạn, người đàn bà Samari bắt đầu bước vào con đường tội lỗi từ khi nào? Phải chăng khi bà cố ý chìu theo sự cám dỗ qua việc dung dưỡng những ham muốn tình dục bất chính?
Tình yêu thương của chúng ta trong cơn cám dỗ bị lệch lạc. Tình yêu đối với Đức Chúa Trời có thể bị dập tắt ngay khi sự tham dục nổi lên trong chúng ta. Chúng ta nhận biết lòng mình đóng kín đối với Đức Chúa Trời khi đầy dẫy lòng yêu chính mình. Chúng ta thầm nghĩ: “Tôi không cần Đức Chúa Trời sẽ nghĩ gì. Tôi chỉ muốn bánh kem, quần áo, nhà cửa, bạn trai…” Tư tưởng chúng ta tác động lên cảm xúc, cảm xúc tác động lên ý chí, dẫn đến việc chúng ta nói “vâng” với sự cám dỗ. Như thế, chúng ta đã chọn sự bất tuân Đức Chúa Trời và đi vào con đường tội lỗi để trở nên kẻ nô lệ cho thức ăn, lòng tham dục, lòng kiêu ngạo.
Satan, kẻ cám dỗ chúng ta có đầy quyền lực. Nó dẫn dụ cách êm ái, nhẹ nhàng hầu làm đui mù tâm trí, tấm lòng của chúng ta. Kinh thánh gọi hắn là kẻ cám dỗ (Ma-thi-ơ 4:3). Nó lừa dối khiến con người chúng ta trở thành tạo vật đầy tội lỗi.
Đứng sau hậu trường, Satan và các tà linh của nó nhồi nhét vào tâm trí chúng ta những tư tưởng xấu hướng đến sự tham dục, nhưng chúng ta có quyền chấp nhận hay khước từ sự cám dỗ.
Hãy nhớ phương cách mà Satan quyến dụ Êva. Nó lừa dối rằng: “Nhưng Đức Chúa Trời biết hễ khi hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”.
Sau đó, “Người nữ thấy trái cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn” (Sáng thế ký 3:5-6). Chìu theo sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt và sự kiêu ngạo, Êva đạt được điều Satan đã hứa – nhưng bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Bà đã trả một giá quá đắt.
KẺ LỪA DỐI.
Satan dối gạt những phụ nữ ngày nay cũng tương tự như cách nó đã làm buổi ban đầu. Nó làm cho sự sai trái trở nên hợp lý. Phao lô cho biết: “Chính Satan giả mạo làm thiên sứ sáng láng (II Cô-rinh-tô 11:14). Cách xảo quyệt, Satan gợi ý: “Hãy đi thăm bạn trai cũ! Anh ta đang cần cô giúp đỡ. Hãy nói về tình yêu và quyền năng của Đức Chúa Trời cho anh ấy!” Hoặc cách dịu ngọt rằng: “Hãy mua quần áo đúng mốt. Đức Chúa Trời muốn bạn là một nữ tín đồ hiện đại”. Hay thì thầm cách khôn khéo: “Hãy nỗ lực, kiên trì làm việc để mua ngôi biệt thự, cô sẽ làm cho anh em mình trong Chúa thật vui thích về những căn phòng tuyệt hảo!”
Bạn có biết rõ Satan chăng? Hãy nhận diện kỹ càng về nó, là kẻ rất giỏi ngụy trang.
Như chúng ta đã biết, Satan thường thâm nhập vào chúng ta bằng những lời đề nghị thật êm ái, nhưng khi khác, nó lại tấn công chúng ta rất dữ dội như đã làm với Phierơ. Trong đêm trước khi chịu thương khó, Chúa Jêsus cảnh cáo rằng Satan muốn sàng sảy Phierơ như lúa mì (Lu-ca 22:31). Vài giờ sau đó, Phierơ thất bại trước sự cám dỗ của Satan khi ông chối Chúa ba lần. Chính vì thế mà ông có thể cảnh tỉnh chúng ta về sự cám dỗ mà mình từng kinh nghiệm: “Kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi-e-rơ 5:8).
Kẻ thù hoạt động tích cực để chống lại sự tăng trưởng đức tin của chúng ta trong Đấng Christ. Bên cạnh đó, nó còn nhồi nhét những tư tưởng sợ hãi vào tâm trí, Satan làm lệch sự tập trung của chúng ta vào Chúa Jêsus bằng những suy nghĩ hư không, đầy tham dục và tự cao. Nó nỗ lực lôi kéo chúng ta  trở về lối sống cũ, ngăn trở chúng ta sống kết quả cho Chúa và phục vụ Ngài.
Có phải Satan làm bạn cứ luyến tiếc về những ngày xưa tốt đẹp? Có phải nó nhắc bạn vốn có một cuộc sống đầy tội lỗi  nên chẳng xứng đáng hầu việc Đức Chúa Trời? Hãy cẩn thận! Nó đang lừa dối, muốn ngăn trở và phá hoại con đường đồng bước đi của chúng ta với Chúa  bằng mọi phương cách.
Khi một tân tín hữu được yêu cầu thiết lập thì giờ thờ phượng Chúa tại nhà, cô ta có thể nói: “Làm sao tôi có thể thực hiện được điều nầy, khi mà cuộc sống và gia đình chúng tôi vốn mang tiếng là vô đạo đức dưới cặp mắt của mọi người?” Satan muốn trói chặt cô với quá khứ tội lỗi để dập tắt ánh sáng của Thánh Linh. Đây là một cuộc đấu tranh nội tâm đang diễn ra trong cô trước khi chiến thắng nó.
KẺ PHÁ HOẠI.
Sa tan có rất nhiều mưu lược. Nó muốn tín đồ trở nên yếu đuối và Hội thánh thất bại trong việc làm chứng nhân cho Chúa. Mục tiêu của Sa tan là phá hủy mối quan hệ hiệp một đầy yêu thương giữa các Cơ Đốc nhân với nhau. Một trong những phương cách nó dùng để cám dỗ là khiến chúng ta không có lòng tha thứ đối với những anh em khác khi họ phạm lỗi với mình (II Cô-rinh-tô 2:5-11).
Là kẻ xảo quyệt, Sa tan khơi dậy những tham muốn kiêu căng, làm đầy tâm trí chúng ta bằng những ảo tưởng sai lạc. Nó khiến chúng ta có cái nhìn méo mó về anh em trong Chúa.
Chẳng hạn như khi đang ủi quần áo, tư tưởng tôi tự do đi lang thang. Sa tan bất chợt đặt một vấn đề vào tâm trí tôi, đại loại: “Bà sẽ cư xử ra sao với Mary? Bà  thấy cô giảng dạy Kinh thánh khá tốt. Bà  nghe người ta cho rằng cô ấy là người dễ mến, có sức thu hút. Bà có  nghĩ rằng cô ấy muốn đạt đến chức vụ của bà không?” Tâm trí chúng ta sẽ đầy rối rắm với những tư tưởng không lành mạnh nầy. “Cả thế gian đều phục dưới quyền của ma quỉ” (I Giăng 5:19). Nó đang điều khiển thế giới, không phải thế giới vật lý, mà là hệ thống triết học tôn giáo để thúc đẩy những mục đích và tham vọng của tội lỗi. Hãy nhìn xem sự tham lam và thù hận trong thế giới là kết quả của lối sống thờ hình tượng của con người. Bạn có thể thấy được quyền lực của Sa tan khắp mọi nơi. Sa tan đã đóng ấn của mình lên trên đời sống của mỗi một người.
Nó muốn chúng ta yêu thế gian và làm theo lời đề nghị của nó hơn là yêu mến nước Đức Chúa Trời và vâng phục Ngài. Những kẻ vô tín sẵn sàng nô lệ cho  Sa tan gian ác. Họ nỗ lực tấn công trực tiếp để hủy diệt dân sự Chúa.
Điều nầy giải thích tại sao Sa tan dỗ dành Cơ Đốc nhân bằng những luận điệu giả dối. Nó muốn chúng ta phạm tội và không còn dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời. Nó thích thú nhận sự thờ phượng của con người, mà lẽ ra chỉ dành cho Đức Chúa Trời.
Kinh thánh có những lời cảnh cáo Sa tan nghiêm trọng về việc cám dỗ chúng ta phạm tội. Chúng ta đặc biệt dễ phạm tội trong lãnh vực tình dục. Những người trưởng thành còn độc thân, bị cám dỗ tình dục thôi thúc bởi nhu cầu yêu và được yêu. Sự cám dỗ nầy làm nẩy sinh mối quan hệ tình dục ngoài hôn nhân đang gia tăng hiện nay là trào lưu của xã hội, do chối bỏ tiêu chuẩn thánh khiết về đạo đức của Đức Chúa Trời. Sa tan lừa dối người sống độc thân bằng cách khiến họ tin rằng quan hệ tình dục có nghĩa là thân thiết và yêu thương, nhưng ngược lại, lòng họ tan vỡ và cảm giác cô đơn, bị từ chối càng thêm nặng trĩu.
Nếu đã kết hôn, bạn có chung thủy với chồng của mình không? Nếu có, bạn đang bảo vệ chính mình và chồng bạn khỏi sự dỗ dành của Sa tan. Cơ Đốc giáo khuyến khích hôn nhân một vợ một chồng để thỏa mãn những khoái cảm tự nhiên của nhau và không ngăn cấm những quan hệ tình dục giữa họ. Bằng chẳng vậy, Sa tan sẽ nung đốt ngọn lửa tình dục và cám dỗ một hoặc cả hai vợ chồng phạm tội ngoại tình.
Sứ đồ Phaolô dạy chúng ta cách duy nhất để tránh cạm bẫy tình dục là nhờ vào một đặc quyền cao hơn hôn nhân: Mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện. “Đừng từ chối nhau, trừ ra khi hai bên ưng thuận tạm thời, để chuyên việc cầu nguyện, rồi trở lại hiệp cùng nhau, kẻo quỉ Sa tan thừa khi anh em không thìn mình mà cám dỗ chăng (II Cô-rinh-tô 7:5). Hãy chú ý là chỉ khi hai bên ưng thuận tạm thời trong một thời gian giới hạn. Tái lập mối quan hệ tình dục với nhau là điều cần thiết.
Điều gì tạm phân rẽ vợ chồng bạn? Có phải sự thuận tình để cùng cầu nguyện? Hoặc do những trách nhiệm trong gia đình? Hay do sự ích kỷ?
Tham dự khóa học hội thảo về hôn nhân, tôi gặp một phụ nữ có sức quyếu rũ đã kể tôi nghe việc Sa tan hành động thế nào trên đời sống gia đình cô. Cô kể lại: “Khi gặp Chúa, cuộc đời tôi được biến đổi sâu sắc. Tôi sốt sắng dự ba buổi học Kinh thánh hằng tuần cùng với những công tác phục vụ suốt ngày Chúa nhật tại Hội thánh. Chồng tôi, một người rất thành công trong nghề nghiệp, ban đầu chẳng bận tâm về sự thay đổi trong đời sống của tôi. Nhưng thật không hiểu nổi, khi lòng sốt sắng của tôi đối với những hoạt động trong Hội thánh ngày càng tăng, thì anh ấy lại bực dọc. Anh cảm thấy chúng ngăn trở sự gần gũi giữa chúng tôi.
“Tôi khởi sự đi ngủ sớm, vì sức lực tôi đã cạn kiệt sau một ngày dài mệt nhọc. Chồng tôi trở nên cô đơn. Tôi không còn thường xuyên ở bên để tâm tình, cảm thông với anh trong thì giờ cả hai vợ chồng nằm trên giường ngủ. Tôi thức dậy trước khi mặt trời mọc để cầu nguyện và đọc Kinh thánh. Đời sống dâng hiến cho Chúa của tôi là chân thật, đem lại kết quả qua việc nhiều người được gây dựng, nhưng Sa tan đã hành động cách thâm hiểm trên hôn nhân của chúng tôi”.
Cô đang nói cách nhỏ nhẹ và rõ ràng, nhưng sau đó đã nấc lên, và với cặp mắt đẫm lệ, cô tiếp: “Không quan tâm đến nhu cầu tình cảm của chồng, đã mở đuờng cho Sa tan cám dỗ người đàn ông nhạy cảm đến với một phụ nữ khác. Chồng tôi đã dễ dàng rơi vào tội ngoại tình. Anh ấy bị khuất phục bởi một người đàn bà đầy kinh nghiệm, là người sẵn sàng đáp ứng những ham muốn xác thịt của mình. Điều nầy nghe qua có vẻ lạ, vì anh nhìn tôi như là một bà thánh đáng được tôn kính, không thể yêu thương theo cách của một người vợ. Không thấu hiểu những tình cảm của chồng, tôi đã bị sốc và tổn thương nghiêm trọng khi biết được sự ngoại tình của anh ấy”.
Một phụ nữ tận hiến cho Chúa là điều đáng tôn trọng, nhưng chúng ta không nên ở trên cao chót vót, chúng ta không phải là những vật thể thánh. Chúng ta là con người. Người phụ nữ cần ban cho và nhận lãnh tình yêu trong hôn nhân kể cả tinh thần lẫn thể xác. Thay vì giữ khoảng cách với chồng, tại sao bạn không dành cho anh ấy tình yêu và sự hòa hợp về tình dục? Đây là cách bảo vệ hiệu quả để bạn chống lại sự cám dỗ Sa tan và bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời ở trong bạn.
Thật khó có thể đương đầu với những cơn cám dỗ! Nhận biết những cám dỗ trá hình là điều thật quan trọng. Hãy tự giữ mình! Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến thuộc linh chống lại quyền lực ma quỉ và những tham dục của bản thân mỗi một ngày. Cơ Đốc nhân là mục tiêu chú ý của mọi người và họ có thể chứng tỏ một đời sống đắc thắng.
CHỐNG CỰ NGUY CƠ CÁM DỖ.
Bạn có muốn nhận diện ra chân tướng kẻ thù và chiến thắng sự cám dỗ không? Tôi xin chia sẻ với bạn một số điều cần thiết:
1. Nhận biết uy quyền của mình: Qua sự chết và sự phục sinh, Chúa Jêsus đã đánh bại Sa tan và bày tỏ quyền lực của trên nó (Ê-phê-sô 1:19-22, Hê-bơ-rơ 2:14).
Là một tín đồ, bạn có uy quyền trên Sa tan bởi vì bạn đang ở trong Đức Chúa Jêsus Christ (Ê-phê-sô 2:6). Đây là một Lẽ thật rất quan trọng, hãy nắm lấy nó!
2. Chống cự: Mọi Cơ Đốc nhân đều bị cám dỗ. Dầu vậy, Đức Chúa Trời luôn ban cho phương cách thoát khỏi sự cám dỗ (I Cô-rinh-tô 10:13). Quyền năng của Đức Thánh Linh luôn hành động khi bạn tuyệt đối vâng phục Đức Chúa Trời. Khi đó, bạn có thể chống lại ma quỉ bằng lời tuyên bố thật đơn giản: “Trong danh Chúa Jêsus, ta truyền ngươi lui khỏi ta!” Hãy tin cậy Đức Chúa Trời, Ngài sẽ làm bước khởi đầu. Ngài biết chúng ta yếu đuối, và bởi sức riêng mình chúng ta sẽ thất bại (Ga-la-ti 4:7).
3. Đứng vững: Chúa Jêsus hiểu rõ những sự cám dỗ, bởi vì Ngài cũng từng bị cám dỗ như chúng ta (Hê-bơ-rơ 4:15). Hãy đứng vững khi điều ác cám dỗ bạn! Hãy trả lời “Không!” (Ê-phê-sô 6:13). Bạn không nhất thiết phải là nạn nhân của điều ác. Bạn có quyền năng của Đức Chúa Trời để chiến thắng điều ác bằng điều thiện (Rô-ma 12:21).
4. Trang bị chính mình: Chúa Jêsus đáp lại sự cám dỗ của Sa tan bằng cách trưng dẫn Kinh thánh ba lần: “Như có chép rằng…”. Sa tan đã bị đánh bại trước lời Đức Chúa Trời. Sau khi thất bại trong nỗ lực cám dỗ Chúa Jêsus, Sa tan đã tạm lìa khỏi Ngài (Lu-ca 4:4,8,12).
Khi tin cậy Chúa Jêsus, chúng ta cũng có thể tự bảo vệ mình trước sự tấn công của Sa tan bằng cách biết và sử dụng lời Đức Chúa Trời.
5. Canh giữ tâm trí mình: Sa tan đang cố kiểm soát tâm trí, cố lừa dối về Lẽ thật của Đấng Christ để thúc đẩy bạn từ tư tưởng hướng đến hành động tội lỗi (Rô-ma 12:2). Sau đây là những bước cần thiết để đề phòng phương cách tấn công của nó:
 Làm đầy tấm lòng mỗi ngày bởi những suy nghĩ hướng đến Đức Chúa Trời (Thi-thiên 119:11).
 Từ chối nhìn xem những gì có thể dẫn đến ác tưởng. Điều bạn nhìn thấy qua đôi mắt có thể đầy dẫy tâm trí và khiến chúng ta bất tuân điều răn Ngài (Sáng thế ký 3:6).
 Tránh xa những tình huống về con người hoặc nơi chốn mà bạn biết mình sẽ bị cám dỗ phạm tội, tạo điều kiện cho cám dỗ phát sinh (Rô-ma 13:14).
 Tha thứ: Giữ sự căm giận là giúp cho Sa tan có dịp hành động trên đời sống bạn (Ê-phê-sô 4:27).
 Yêu thương chồng: Bày tỏ tình yêu trên phương diện thể xác sẽ cất bỏ sự phạm tội ngoại tình (I Cô-rinh-tô 7:5).
 Cầu nguyện xin Chúa bảo vệ trước những tình huống không thể lường trước có nguy cơ dẫn đến tội lỗi “Xin chớ để chúng con bị cám dỗ, song cứu chúng con khỏi điều ác” (Ma-thi-ơ 6:13).
 Tỉnh thức: Tỉnh táo trước sự ngụy trang của kẻ thù. Nó thường tìm kiếm một ai đó để tấn công (I Phi-e-rơ 5:8).
 Quở trách kẻ thù: Khi Sa tan cố đặt những ý tưởng xấu vào tâm trí tôi lúc ủi quần áo hoặc nghỉ ngơi, hay khi ở một mình vào lúc rảnh rỗi, tôi liền đọc câu Kinh thánh: “Đánh đổ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt hết các ý tuởng làm tôi vâng phục Đấng Christ” (II Cô-rinh-tô 10:5).
 Cảnh giác về mặt tri thức: Đừng để bị dẫn đi lạc khi tìm sự giải đáp thuộc linh dựa trên sự dạy dỗ lầm lạc, thần bí. Những điều nầy chỉ đem đến sự vỡ mộng và bất tuân lời Đức Chúa Trời (Phục-truyền 18:10-12).
 Làm chứng: Hãy tuyên xưng đức tin mình nơi Đức Chúa Jêsus, thậm chí khi bị Sa tan bách hại. Bạn sẽ thực hiện nhiệm mạng của mình trên đất khi làm chứng về Chúa cho người khác: “Đặng mở mắt họ, hầu cho họ từ tối tăm qua sáng láng, từ quyền lực quỉ Sa tan mà đến Đức Chúa Trời, và cho họ bởi đức tin để được tha tội’ (Công-vụ 26:18).
 Tôn cao Đấng Christ: Tấm lòng luôn hướng đến Đức Chúa Trời, vâng phục Ngài như là nguồn năng lực, sự khích lệ, để chiến đấu chống lại ma quỉ: “Hãy mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài” (Ê-phê-sô 6:10).
Xin hãy áp dụng theo những chỉ dẫn trên để chống cự ma quỉ và sự cám dỗ khi bạn đối diện với nó. Chiến thắng sẽ là điều bạn kinh nghiệm. Bởi sự cứu giúp của Đức Chúa Trời, bạn có thể đứng vững trước nguy cơ cám dỗ và đắc thắng sự tham dục. Như tác giả Thi thiên đã bày tỏ: “Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc; tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng” (Thi-thiên 16:11).