LỬA GIẬN DỮ

Sử dụng năng lực của nó để gây dựng
Chúng tôi đang ở trong kỳ nghỉ. Sau một buổi ăn tối, Dave đã vô tình nói với tôi: “Anh thấy em rất yếu để có thể chơi quần vợt”. Sự bực bội lên vào và sau đó đầy dẫy trong lòng tôi.
Chồng tôi đã thách thức tôi trong lãnh vực nhạy cảm. Trước đây, khi còn đi học tôi chưa hề lo đến tình trạng sức khỏe của mình, nhưng nay tôi phải  đột nhiên để tâm đến nó. Tôi nghĩ về những lý do đem đến sự giảm sút sức khỏe hầu biện hộ cho chính mình. Lẽ nào Dave lại không hiểu rằng tôi đã hao phí nhiều công sức để chăm sóc ba đứa con cùng công việc nhà? Tại sao anh ấy lại có thể nói với tôi như vậy?
Trong thâm tâm tôi cảm thấy rất thất vọng về chồng mình. Càng nghĩ đến điều nầy, tôi càng trở nên bực dọc như khi bị một tín đồ nọ trêu chọc về từ vựng viết sai chính tả trong bức thư mà tôi gởi cho cha mẹ. Tôi cũng nhớ lại sự thương tổn khác khi một người bạn là thợ may chuyên nghiệp khám phá nếp gấp trên chiếc tay áo do chính tôi may. Cô ta đã chỉ vào đó mà nói về sự sai sót trước mặt bạn bè tôi. Tôi không hề nói gì với cô ta trong tình huống đó, nhưng nhớ lại cảm giác bực tức khi đó, cố nén để không nói ra rằng: "Bạn cũng chưa phải là một người hoàn thiện”.
Bây giờ tôi muốn nhắm đến chồng tôi: "Đừng nghĩ rằng anh giỏi chỉ vì chơi thể thao và có sức khỏe”. Nhưng tôi đã kiềm chế, không nói gì cả và đi ngủ. Khi lên giường tôi đã tưởng tượng mình có thể đánh vào những trái banh nỉ với sức mạnh phi thường.
ĐIỀU GÌ KHIẾN NẢY SINH CƠN GIẬN?
Hãy nhớ đến cơn giận gần đây nhất của bạn. Bạn đã phản ứng ra sao? Khi một nguời bảo bạn cách thức mà cô ấy làm điều gì đó như là việc lái xe, có phải cô ta chê bai cách lái xe của bạn? Bạn đã làm gì và cảm thấy như thế nào? Sự bực bội làm phát sinh cơn giận. Cách chúng ta phản ứng với sự bực bội có thể làm bùng cháy hoặc dập tắt sự giận dữ.
Có phải bạn thất bại trong việc học đánh gôn? Hoặc trong việc tạo mối quan hệ tốt với chồng mình? Hay trong việc nuôi dạy con cái? Mỗi khi có những ngăn trở khiến chúng ta không đạt được mục đích hoặc không thực hiện được mong ước của bản thân, chúng ta có thể bực dọc, và rồi sự giận dữ ắt sẽ đến.
Trong mỗi một ngày cũng có thể xảy ra những việc bất như ý và khiến chúng ta bực mình. Đây chỉ là những điều nhỏ nhặt - chén đĩa hư bể, xe cộ trục trặc, hoặc một cú điện thoại làm ngắt quãng bữa ăn tối của chúng ta…
Có lẽ bạn đã từng trải sự thanh thản khi lên giường ngủ sau một ngày thật bận rộn - chiếc chăn ấm áp, thơm tho đến tận cằm giữ thân thể ở tư thế thoải mái và mơ màng bước vào giấc ngủ ngon, thầm nghĩ: "Cảm tạ Chúa! Ngày mai mình có nhiều việc phải làm nên cần đi ngủ sớm và mình muốn tận hưởng một ngày trong sự thỏa lòng”. Nhưng giấc ngủ ngon đã không đến vì buồng tối, tiếng động, vì có cảm giác chiếc giường lò xo như bị chùng xuống; chồng bạn lên giường nằm khiến giấc ngủ bạn bị gián đoạn, sau đó, bạn cố dỗ giấc ngủ nhưng nó đã không đến.
Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy thất vọng và dấy lên cảm giác bực tức.
Những bực tức và thất vọng có thể nẩy sinh ra sự giận dữ - và điều nầy có thể làm hại bạn. Khi bị một người chê trách công khai hoặc nói xấu sau lưng, bạn cảm thấy bị tổn thương. Khi nghe thuật lại những lời nói khiến mình đau đớn, bạn sẽ phản ứng ra sao?
Một vài kinh nghiệm đáng buồn đủ đem lại ấn tượng không tốt trong ký ức bạn.
Heather nhớ rõ một hôm cha cô buột miệng nói rằng: "Con không xinh đẹp như chị gái con”. Lúc ấy cô chỉ mới lên 10, nhưng lời nói nầy như là mũi tên bắn vào tim cô, và vết thương đã khơi dậy sự căm giận trong cô. Cô không hề nói lời nào với cha và chị mình. Khi sự căm giận lên đến tột đỉnh, cô đã từng muốn giết chết họ, nhưng cô đã đè nén cảm xúc nầy và nhận biết sự giận dữ luôn khuấy động trong cô.
Cảm giác bị xúc phạm rất dễ dẫn đến sự căm giận và phát sinh những ác tưởng. Tôi biết một phụ nữ đang ghen tuông nói rằng: "Chồng tôi đang ngoại tình cả năm nay và bà có thể tin rằng đó là người bạn thân nhất của tôi. Ban đầu tôi bị sốc mạnh, nhưng nay chỉ còn lại sự thù ghét! Tôi muốn mua một khẩu súng và bắn chết chồng tôi!"
Sự giận dữ của người phụ nữ có chồng ngoại tình có gì sai trật không? Cảm tưởng của bạn thế nào khi mình tức giận?
GIẬN DỮ LÀ …
Bạn có thể đồng ý với điều mà tôi đã trải qua khi còn thơ ấu. Tôi lớn lên trong cảnh xem việc giận dữ là điều sai trái, nên tôi cũng tin như vậy. Gia đình tôi và bạn bè gọi giận dữ là: "Cảm xúc hận thù" và đó là điều cấm kỵ. Dù xem nổi giận là điều sai trật, nhưng tôi nghe dì Polly nói rằng "bực mình" là điều bình thường. Bây giờ tôi hiểu ra rằng dì Polly đổi cách dùng từ để có cái nhìn công bằng hơn về cảm xúc nầy.
Chúng ta có thể dán nhãn cho một số cảm xúc như "giận dữ", "bực mình", "thù oán", "ghen tức" hoặc "cay đắng". Bất luận gọi nó là gì, chúng ta cũng đang đề cập đến một loại cảm xúc giống nhau, đó là tức giận. Hết thảy chúng ta đều có những lúc giận dữ. Nhưng chúng có gì sai trật không?
Tức giận là phản ứng của tinh thần và thể chất đối với một kinh nghiệm hoặc hoàn cảnh. Chúng ta tức giận ở nhiều mức độ khác nhau - từ thoáng giận cho đến cực kỳ giận.
Khi nổi giận, cơ thể chúng ta bắt đầu hoạt động. Cơ thể sẽ phản ứng cách tự động để chuyển cảm xúc thành năng lực hành động. Khi đầy dẫy sự tức giận, nó điều khiển toàn bộ cơ thể và chuẩn bị hành động. Nếu chúng ta phóng thích sức mạnh đó - không tự chủ để biết nó đúng hay sai - chúng ta sẽ làm tổn hại đến người khác bằng những lời nhục mạ hoặc chưởi rủa, hay có thể dẫn đến hành động bạo lực gây thương tích.
Tuy nhiên, năng lực phát sinh bởi cơn giận có thể được kiềm chế và chuyển hóa, chẳng hạn như, nó có thể thúc đẩy chúng ta bộc lộ những bất đồng với chồng mình theo cách khiến chúng ta trút cơn giận lên con cái cách quá đáng.
Cơn giận có thể rất hữu ích. Cuộc thánh chiến với điều ác hoặc sự giảng dạy nghịch cùng tội lỗi cũng là cách tích cực để nhận được năng lực từ cơn giận. Tại đây xin nêu ra một số trường hợp khiến một người phụ nữ có thể bày tỏ cơn nóng giận một cách tích cực: Khi thấy một người âm mưu lấy tiền trợ cấp của người hưu trí, những nguời lớn ngược đãi trẻ em, sự chân thật bị lợi dụng, hoặc khi sự khốn khổ bị làm ngơ.
Trong các sách Phúc âm, chúng ta đã biết thể nào Chúa Jêsus đã sử dụng sức mạnh của cơn giận để giải quyết điều gian ác trước mắt Ngài: "Đức Chúa Jêsus vào đền thờ, đuổi những kẻ buôn bán ở đó, lật đổ bàn của những người đổi bạc và ghế những kẻ bán bồ câu. Ngài cấm không cho ai được đem đồ gì vào nhà thờ” (Mac 11:15-16).
Cơn giận giống như là một que diêm. Người ta thường chuẩn bị sẵn những que diêm. Tôi thì để chúng trong ngăn tủ ở nhà bếp. Khi tôi quẹt diêm, một đốm lửa sẽ cháy lên. Tôi có thể dùng ngọn lửa nầy để đốt nến trang hoàng hoặc sưởi ấm, nhưng tôi cũng có thể dùng nó như một năng lực để hủy diệt.
NHỮNG PHƯƠNG CÁCH CHẾ NGỰ CƠN GIẬN.
Ngọn lửa giận dữ thường đem đến sự hủy phá. Nó bùng nổ và khiến cho chúng ta có được sức mạnh hủy diệt con người hiệu quả y như là thuốc nổ làm sụp đổ những toà nhà.
Điều gì xảy ra khi bạn trở về nhà sau khi dự một buổi tiệc mà tại đó chồng bạn tiếp xúc với những phụ nữ khác một cách quá ư là thân mật? Nếu cắt ngang hành động của chồng bằng những lời xúc phạm hoặc đe dọa, bạn sẽ cảm thấy mình nổi nóng, rồi chuyện gì sẽ xảy ra?
Bạn có thể chọn sự im lặng và giấu cơn giận vào trong lòng, nhưng khi cố nén cảm xúc, bạn sẽ cảm thấy bị tổn thương và nghĩ rằng bạn đang hạ mình quá mức. Bạn sẽ tự trách mình bằng những tư tưởng đại loại như, tôi không còn đủ sức thu hút đối với chồng từ bên trong lẫn bên ngoài.
Khi một phụ nữ kiềm chế cảm xúc của mình có thể có khuynh hướng trở nên khép kín và bi quan.
Những cảm xúc không chết đi trong lòng, cũng không thể chôn sâu mãi được, nhưng chúng sẽ bộc lộ bằng những hình thức khác. Một phụ nữ có thể bày tỏ cơn giận bằng cách không đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng, hoặc cơn giận của cô ta được bộc lộ qua những yếu tố phụ khác, như khéo léo né tránh những điều chồng yêu cầu. Trong trường hợp nầy, thay vì phải nói thẳng về những sai trật của chồng, người vợ sẽ phàn nàn về việc chồng để đôi giầy bừa bãi trong căn bếp, đánh mắng con cái, hoặc tỏ ra bực bội với người khác.
Một số phụ nữ làm dịu cơn giận mình bằng cách giống như bà tôi thường làm. Mẹ tôi kể rằng: "Lúc bé, mỗi khi giận, bà tôi thường bỏ những đồng tiền xu vào hủ đường và giữ chúng cho đến khi đủ để đem lại sự ngạc nhiên cho cả nhà.
Những người giận dai thường tỉ mỉ giữ lại những nỗi buồn bực và tổn thương trong lòng. Họ khắc sâu chúng trong tâm trí và chờ dịp là tuôn đổ ra hết. Kế đó, họ nhắc lại từng sự việc một trước sự kinh ngạc của chồng mình. Họ muốn làm tổn thương chồng và khiến người nầy bị  mặc cảm vì đã xúc phạm họ truớc đó.
Jean Harris, hiệu trưởng trường Madeira, một trong những trường mẫu giáo nổi tiếng trong nước, là người hay oán giận. Những cơn giận của cô thường trút lên những người phục vụ tại cửa hàng văn phòng phẩm của trường, hoặc lên người yêu của mình, bác sĩ Herman Tarnower, chuyên gia về tim mạch. Cô bị tổn thương khi ông ấy không quan tâm đến mình và cảm giác nầy cứ tăng dần lên khi cô bị người yêu trách móc. Tâm trí cô đầy sự cay đắng của cảm xúc bị lợi dụng và xem thường. Người phụ nữ mô phạm danh tiếng nầy đã làm vị bác sĩ kinh ngạc. Cô đã giết chết ông bằng những phát súng.
Đôi khi chúng ta cố nén cơn giận vào trong lòng. Trong góc của tầng hầm căn nhà chúng tôi tại miền Trung Tây, một người bạn dựng lên một bức vách ngăn để làm thêm một phòng cho chúng tôi. Anh ta treo tấm bảng nhỏ trên tấm vách ngăn với dòng chữ "phòng phế liệu" và căn phòng đã tồn tại theo đúng nghĩa của nó. Bất cứ thứ gì mà chúng tôi không còn sử dụng đều chất vào trong đó, khuất  khỏi tầm mắt mọi người và bị quên lãng. Điều phiền phức là tôi không mở được cánh cửa phòng khi chúng quá đầy, do đó tôi phải sắp xếp chúng lại, bỏ chúng vào bao và tống vào thùng rác. Tôi thấy dễ chịu khi quăng đi những bao rác. Điều này làm cho cái kho trở về đúng chức năng của nó.
Những hờn giận và ác tưởng được chất chứa trong căn phòng phế liệu của nội tâm chúng ta. Chúng là nguyên nhân của sự chán nản, cảm giác bị tổn thương cướp đi sự vui mừng trong đời sống  chúng ta. Chất chứa sự căm giận dẫn đến căng thẳng tâm trí khi chúng ta cố đè nén chúng trong nội tâm hoặc trước mặt mọi người.
Nếu cơn giận bị ức chế là yếu tố góp phần nẩy sinh sự chán nản trong lòng một phụ nữ và khi bạn hỏi cô ta rằng "Tại sao cô giận?" Chắc hẳn bạn sẽ nhận được câu trả lời "Tôi có giận gì đâu!” Đây là dấu hiệu cô ta cần được giúp đỡ để khám phá ra cơn giận tiềm ẩn, như thế mới có thể loại trừ nó.
Người phụ nữ khi nổi giận có thể dùng cách tấn công bằng lời nói ác ý - bao gồm lối châm biếm lẫn trực diện. Cô ta không còn giữ được bình tĩnh và cơn giận bùng phát kèm theo sức mạnh hủy phá. Cơn giận thường bắt đầu khi cô buông ra những lời phê phán tiêu cực, những lời xúc phạm và kết tội.
Nếu cứ để cơn giận tiếp tục leo thang, cô có thể to tiếng và buông ra những lời lẽ thô lỗ, thậm chí dùng đến vũ lực. Sau cơn giận dữ, cô sẽ cảm thấy hối tiếc, buồn bã, nhưng hậu quả của nó vẫn còn đó. Điều đáng tiếc là những lời nói và hành động thiếu suy nghĩ không thể thu hồi lại được. Chúng khiến người khác bị thương tổn.
Kinh thánh thuật lại chuyện Cain giận dữ. Đức Chúa Trời chấp nhận của lễ em trai Cain nhưng khước từ của lễ của ông.
Đức Giêhôva phán hỏi Cain rằng: "Cớ sao ngươi giận, và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi ngươi trước cửa, thèm ngươi lắm, nhưng ngươi phải quản trị nó”.
Cain thuật lại cùng Abên là em mình. Vả, khi hai người đang ở ngoài đồng, thì Cain xông đến Abên là em mình, và giết đi (Sáng tế ký 4:6-8).
Đức Chúa Trời ban cho Cain một cơ hội để ăn năn. Ngài  phán rằng: "Tại sao ngươi giận?" Nhưng Cain đã khước từ lời kêu gọi của Chúa. Hành động bất tuân nầy đã mở cánh cửa tội lỗi. Cain không đếm xỉa gì đến lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời, và kết quả là sự giận dữ đã tràn ngập trong lòng của ông.
Khi có ai hỏi : “Tại sao bạn giận?” Có lẽ bạn sẽ trả lời: “Tôi đâu có giận”, hoặc: “Hãy để cho tôi yên”, hay bạn sẽ sẵn lòng để nói về nó? Hãy lắng nghe lời cảnh báo: Bạn phải quản trị tội lỗi!
NHỮNG PHƯƠNG SÁCH LÀNH MẠNH.
Khi cơn giận phát sinh trong lòng, giống như Cain, bạn có thể để nó tự do thao túng, nung đốt bằng những tư tưởng tiêu cực, hoặc bạn có thể tìm cách kiềm chế nó. Dừng lại và suy nghĩ trước khi hành động là điều phải làm trước tiên. Khi cơn giận bùng phát trong tình huống căng thẳng, điều cần làm là:
Suy nghĩ. Trước hết phải dừng lại và suy nghĩ. Hãy nhớ lại lời khuyên của Kinh thánh: “Chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19).
Cầu nguyện. Xin Chúa cho bạn có những tư tưởng lành mạnh hơn là tiêu cực. Thay vì tập trung vào người khác và thái độ của họ, hãy hướng tư tưởng về Đức Chúa Trời, biết rằng bạn thuộc về Ngài là Đấng không hề thay đổi. Sau khi cơn giận lắng xuống, hãy cầu xin Chúa của sự khôn ngoan để biết nên nói điều gì với người đó.
Tìm phương cách tốt nhất để bày tỏ cảm xúc của bạn. Nếu người xúc phạm là chồng của mình, hãy bày tỏ thái độ và suy nghĩ của bạn trước khi đi ngủ (Ê-phê-sô 4:26). Anh ấy sẽ hiểu bạn nghĩ thế nào về hành động của mình, cũng biết bạn đã đau lòng ra sao trước lời nói và thái đô của anh ấy.
Hãy cân nhắc về cách nói của bạn: “Lời đáp êm dịu làm nguôi cơn giận, nhưng lời đáp xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm” (Châm-ngôn 15:1). Lời nói êm dịu dễ được lắng nghe và có hiệu quả đem đến sự cảm thông từ phía người nghe hơn là giọng nói lớn tiếng hoặc the thé.
Hãy nói điều chân thật. Đừng buông ra những lời nói cay độc để tự bảo vệ mình. Hãy chân thật bày tỏ cảm xúc và ước muốn của mình (Ê-phê-sô 4:25). Bạn cần biết mình cần gì nơi chồng trong lúc thư giãn hoặc nơi đông người. Hãy suy nghĩ và bày tỏ bằng lời nói - chẳng hạn như: “Em muốn anh choàng tay lên người em trong buổi dạ tiệc”. Khi bộc lộ cảm xúc và ước muốn của mình, chắc chắn giữa vợ chồng sẽ đạt được sự đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau. Kiềm chế cơn giận không những được thực hiện trong tư tưởng mà còn ở trong lời nói. Sự im lặng có thể dẫn đến nhiều điều rối rắm khác như là những cơn đau đầu trên giường ngủ, những lời bình phẩm không tốt của dư luận, và những cuộc tranh cãi không đáng có.
Tôi có một vài kỷ niệm vui buồn trong thời gian đầu của cuộc sống vợ chồng. Thỉnh thoảng Dave về nhà trễ sau khi chơi thể thao hoặc họp bàn công việc hội thánh, tôi cảm thấy bị xúc phạm. Anh ấy dường như xem nhẹ tôi khi không điện thoại về nhà. Thay vì nói ra điều nầy thì tôi lại im lặng. Vì nghĩ rằng người vợ tốt không nên giận dữ và tin rằng mọi việc sẽ tốt hơn trong ngày mai. Khi lên giường ngủ, tôi đã xây lên một bức tường ngăn cách với anh ấy. Dù chúng tôi chỉ cách nhau vài phân và tôi có thể cảm nhận được hơi ấm từ thân thể anh, nhưng lòng chúng tôi cách xa nhau hàng dặm. Sự yên lặng nặng nề khiến tôi căng thẳng. Sáng hôm sau chẳng có gì thay đổi, sự tổn thương càng sâu hơn và tôi càng thấy khốn khổ hơn.
Từ đó tôi nhận ra rằng giận không phải là tội, nhưng tội lỗi có thể chất chứa trong cơn giận của tôi. Sứ đồ Phao lô dạy rằng: “Anh em đương cơn giận thì chớ phạm tội” (4:26). Tôi đã sai lầm khi giữ im lặng. Khi không bộc lộ cảm xúc mình, năng lực tôi bị tiêu hao, tình yêu thương và sự vui mừng biến mất.
Bây giờ, khi bắt đầu xuất hiện sự giận dữ, bằng một hành động của ý chí, tôi bộc lộ nó ra bên ngoài. Với vài lời nói, tôi có thể bày tỏ ý kiến mình cách thẳng thắn và chân thật. Tôi đã học được cách kiềm chế cơn giận của mình. Tôi có thể gây dựng mối quan hệ vợ chồng khi nói rằng: “Em cảm thấy…(bị xem thường)”, hoặc là: “Em muốn anh… (gọi điện thoại khi về trễ)”. Đây là cách mà Kinh thánh Tân ước dạy chúng ta kiềm chế cơn giận: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho tới khi mặt trời lặn và đừng cho ma quỷ nhân dịp” (4:26-27).
Tuân theo sự hướng dẫn nầy là dấu hiệu của một người nữ Cơ đốc trưởng thành, biết bày tỏ cơn giận của mình trong sự kiềm chế và chân thật, không có sự giả hình, không có sự ngấm ngầm, không có sự bùng nổ.
KHI SỰ GIẬN DỮ LÀ TỘI LỖI.
Chất chứa sự giận dữ trong lòng hướng về một ai đó, đều đem đến sự hủy hoại dù là bày tỏ ra bên ngoài hay kín giấu.
Kinh thánh chép: “Chớ lấy ác trả ác cho ai… Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời; vì lời Chúa có chép rằng: “Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng” (Rô-ma 12:17,19).
Một phụ nữ hư xấu trong Tân ước đã bất tuân điều răn của Đức Chúa Trời: “Hêrôđia căm giận Giăng và muốn giết đi” (Mác 6:19). Bằng mưu kế, bà đã khiến cho Giăng Báptít bị hành hình vì Giăng khuyến cáo Hêrốt vi phạm luật pháp khi cưới bà, là vợ của anh mình. Bà cảm thấy bị sỉ nhục bởi những lời của Giăng và tìm cách trả thù.
Tôi vẫn còn nhớ cảm xúc khó chịu của mình lúc lên 7 tuổi, khi nói: “Em xin lỗi” với Fay. Tôi nói cách nghiêm túc nhưng không nhìn cô ấy bởi vì trong lòng đang tức giận. Khi đó Fay 19 tuổi, giúp việc mẹ tôi trong những tháng hè tại Diamond Lake. Cô ấy nói với mẹ tôi một điều không đúng sự thật và mẹ buộc tôi phải xin lỗi. Tôi đã vâng lời, nhưng trong lòng hét lớn rằng: “Bất công!”  Tôi đã không thật sự xin lỗi và cảm thấy mình đúng khi căm giận cô ấy.
HÃY CHỌN SỰ CHỮA LÀNH, TRÁNH THÙ HẬN.
Có khi nào bạn bị đối xử bất công? Phải chăng do màu da? Hoặc khi bị cha mẹ la mắng? Bạn có thể đồng cảm với tác giả Thi thiên rằng: “Vì hằng ngày tôi phải gian nan, mỗi buổi mai tôi bị sửa phạt” (Thi 73:14). Có thể lắm bạn bị cám dỗ trút cơn giận lên người khác, thậm chí lên Đức Chúa Trời về những bất công của cuộc đời, có thể đau khổ khi bị chồng đối xử cách tàn nhẫn và sử dụng quyền làm chồng trái với sự dạy dỗ Chúa.
Một phụ nữ nọ góp phần gầy dựng cơ sở kinh doanh và cùng làm việc bên cạnh chồng tại đây mỗi ngày trong hơn 20 năm. Bà đảm nhận công việc thư ký và kết toán sổ sách. Nhưng ông chồng đã giả mạo chữ ký của bà và bán đi cơ sở nầy mà không hề hỏi ý kiến. Sáng hôm sau, khi đang dọn bữa ăn sáng cho chồng, ông ta mới thông báo cho bà biết việc nầy. Với sự độc đoán, ông ta tuyên bố trơ trẽn rằng công ty mới đã thay bà bằng một phụ nữ khác trẻ trung hơn, trong khi vẫn tiếp tục giữ ông lại làm việc. Sáng hôm đó, bà đã gọi điện thoại cho tôi và thổn thức kể lại câu chuyện trong nước mắt. Bà phải cư xử như thế nào đây?
Trong Kinh thánh, một phụ nữ tên là Anne đã lâm vào nan đề tương tự. Bà sống trong một gia đình thường xảy ra sự ghen tuông và cãi cọ do chồng có hai vợ. Chồng bà là Êncana, bày tỏ sự thương yêu với bà, nhưng Đức Chúa Trời khiến Anne bị son sẻ. Do không sinh con, Êcana lấy vợ kế là Phênina để sinh con cho người. Phênina ganh tỵ vì tình yêu đặc biệt của Êncana dành cho Anne. Kinh thánh ghi lại thái độ của Phênina: “Luôn trêu ghẹo nàng (Anne) khiến nàng bị tổn thương. Từ năm nầy qua năm khác, mỗi khi Anne lên đền Đức Giê Hô Va, Phênina cứ trêu chọc nàng, Anne khóc và không ăn” (I Sa-mu-ên 1:6-7).
Một cách có chủ ý, Phênina đã xúc phạm và trêu chọc nỗi bất hạnh của Anne khiến Anne càng thêm đau khổ. Anne đã phản ứng như thế nào trong tình huống khó chịu nầy? Bà có trả đũa không? Bà có giữ sự căm phẫn và cưu mang sự giết người như Hêrôđia không?
Anne đã không dùng bất cứ một thủ đoạn để đối phó với tình địch. Thay vào đó, bà khám phá sự chữa lành nỗi đau khổ theo cách mà Đức Chúa Trời cung ứng cho chúng ta khi bị đối xử cách bất công. “Anne lấy làm sầu khổ trong lòng, vừa cầu khẩn Đức Giêhôva, vừa tuôn tràn giọt lệ” (1:10).
Bà kêu cầu cùng Đức Chúa Trời và thoát khỏi sự cay đắng, loại bỏ sự thù hận trong lòng, dọn đường cho sự cầu xin Đức Chúa Trời ban cho mình một con trai. Trước tấm lòng không còn cay đắng của Anne, Đức Chúa Trời đã nhậm lời và bà đã có một con trai tên là Samuên.
Khi Anne dâng nan đề của mình lên cho Đức Chúa Trời, Ngài đã ban cho bà những điều tốt lành thật quá mức bà cầu xin. Khi nhận biết sự tể trị của Đức Chúa Trời, đồng thời bà cũng nhận được sự bình an. Đây là một minh chứng, giúp chúng ta nương dựa vào Ngài để có thể làm chủ cơn giận.  Rô-ma 8:28 chép rằng: “Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời”.
Giữ lòng thù hận, dù là đối với hoàn cảnh hoặc con người, sẽ chỉ làm tổn thương chúng ta, mà hậu quả của nó là sự khốn khổ.
Khi đó, nuôi dưỡng lòng thương hại, biểu lộ cơn phẫn nộ hoặc tìm cách báo thù sẽ trở nên một phong cách sống. Trên hết, cách cư xử và hành động như vậy sẽ khóa chặt mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời. Trong lá thư Susan gởi cho tôi có viết rằng: “Tôi đang có một gút mắc khiến mình rất khó cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, và tôi rất ít khi đọc Kinh thánh. Mối tương giao của tôi với Chúa bị ngăn trở và tôi biết nguyên nhân của nó. Tôi đang căm giận một người đến nỗi khi trông thấy hoặc nghe tiếng nói của người đó tôi cảm thấy không chịu được”. Nếu cưu mang lòng thù hận và không tha thứ, chúng ta sẽ bị trói buộc bởi sự khốn khổ.
Tha thứ không có nghĩa là chúng ta nhận lấy sự sỉ nhục hoặc thậm chí cho rằng người làm chúng ta tổn thương là đúng đắn, nhưng điều nầy có nghĩa là xóa bỏ món nợ của người khác đối với mình.
Tha thứ là vượt lên trên tất cả những hành động cay nghiệt của mẹ chồng khi bạn mới bước vào hôn nhân hoặc sự sai trái của em gái khi cô ta cố lấy lòng cha mẹ để nhận phần chia gia tài lớn hơn.
Hãy đến với Đức Chúa Trời như cách của Anne. Hãy xin Ngài tha thứ tọi thù hận của bạn. Hãy cầu nguyện cho người làm bạn cay đắng. Hãy nêu rõ lỗi lầm của người mà bạn tha thứ (ví dụ như tha thứ cho mẹ chồng về tính ích kỷ của bà và của em gái về sự thủ lợi của cô ấy).
Nếu bạn có thói quen dò xét, để rồi vạch ra những khuyết điểm của người khác hoặc nếu bạn muốn tạo cho mình một hình ảnh tốt hơn họ, hãy cẩn thận! Bạn đang chà đạp và gây tổn thương họ đồng thời thổi bùng ngọn lửa căm giận trong lòng nhiều người và trong chính mình. Hãy cất khỏi bạn lòng thù hận và đặt nó trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Sự cảm thông xóa đi lòng thù hận và điều nầy khiến cho tình yêu của Đức Chúa Trời tuôn tràn trên tấm lòng bạn đến với người khác.
Chúng ta cùng xem xét hầu tìm ra bí quyết chế ngự cơn nóng giận. Đây là bảng trắc nghiệm giúp bạn nhận biết phương pháp tốt nhất đối phó sự giận dữ:
Bảng trắc nghiệm:  Xử trí khi nóng giận.
Khi bạn cảm thấy nóng giận:
1. Hãy tự hỏi, tôi có biết mình đang giận?
Tôi vẫn đang giận bởi vì:
  • Tôi bị tổn thương và muốn trả đũa?
  • Tôi vui thích do cơn giận đem đến sức mạnh.
  • Tôi dùng cơn giận như lá chắn bảo vệ trước sự nản lòng và cảm giác vô vị.
2. Hãy cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài tha thứ bạn.
3. Hãy tìm sự tha thứ của Chúa để:
  • Không thổi bùng cơn giận khó kiểm soát.
  • Không căm giận và tìm cách trả thù.
  • Khước từ sự nóng giận.
  • Không đè nén cơn giận vào nơi sâu kín của  lòng.
4. Cầu xin Chúa chỉ cho về những hành động của bạn đối với chồng con hoặc người khác. Hãy tự xét mình. Tôi:
  • Quá đòi hỏi?
  • Quá hay dạy dỗ?
  • Quá ích kỷ?
5. Cầu xin Đức Chúa Trời biến đổi thái độ hay phê bình của bạn bằng bản tánh của Ngài qua lòng yêu thương, nhịn nhục, hiền lành và tiết độ (Ga-la-ti 5:22-23).
6. Bạn có cần xin lỗi một ai đó trong gia đình  không? Nếu có thể, hãy làm ngay bây giờ.
Trước khi bạn cảm thấy nóng giận:
1. Hãy xây dựng sự cảm thông và hòa thuận trong gia đình bạn:
  • Thường trao đổi với chồng.
  • Chân thành bày tỏ cảm xúc của mình.
Ôn hòa bày tỏ những điều chồng làm bạn bị xúc phạm, xem thường hoặc thất vọng một cách đúng lúc, đúng chỗ.
  • Dạy các con biết phân biệt đúng, sai.
  • Hướng dẫn chúng biết tự chủ.
  • Dạy chúng làm theo lời của Đức Chúa Trời, kể cả cách làm thế nào để xử trí với cơn giận.
2. Thuộc lòng những câu Kinh thánh nói về việc kiềm chế cơn giận.
Sau đây là vài câu Kinh thánh điển hình:
  • “Người nào cũng phải mau nghe, chậm nói, chậm giận” (Gia 1:19).
  • “ Ví bằng anh em đương cơn giận thì chớ phạm tội, chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn và đừng cho ma quỷ nhân dịp (Ê-phê-sô 4:26-27).
3. Làm chủ cơn nóng nảy. “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác…” “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy”  (4:31-32).
Bạn cần đặc biệt- làm điều nầy cho:
  • Gia đình bên chồng?
  • Những người cùng làm việc với mình?
  • Hàng xóm hoặc anh em cùng đức tin?
  • Những người trong gia đình mình?
4. Hãy hướng đến sự yêu thương: “Tình yêu thương hay nhịn nhục. Tình yêu thương  hay nhân từ. Tình yêu thương  chẳng ghen tỵ… chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ” (I Cô-rinh-tô 13:4-5).
  • Tái khẳng định tình thương đối với người làm hại bạn (II Cô-rinh-tô 2:7-8),
  • Sẵn lòng tha thứ bảy mươi lần bảy cho kẻ thù nghịch hoặc người ganh ghét bạn (Ma-thi-ơ 18:22).