NHỮNG HÌNH ẢNH QUA KÍNH VẠN HOA

Khám phá những yếu tố hình thành cá tính bạn.
Khí trời mùa thu tại Bắc kinh quang đãng và tươi mát, nhưng tôi cảm thấy ngột ngạt. Đập vào mắt tôi ở khắp nơi là những  người Trung Hoa với mái tóc đen. Họ đầy dẫy trên những  con đường và chen chúc nhau trên các vỉa hè - Một số đi bộ, số khác đi xe đạp. Đằng sau thành phố hiện đại là Tử Cấm Thành với những tòa nhà có mái lọng, lợp ngói vàng cùng những màu sắc sáng sủa, tương phản với những màu xanh, đỏ, vàng chói chang của thời cổ xưa. Người Trung Hoa vào thời kỳ hậu cải cách của những năm 80 mặc những chiếc áo màu nâu xám và quấn khăn đen. Họ nhìn tôi với bộ mặt trầm buồn khi tôi dạo chơi dọc theo dòng người dường như bất tận. Một câu hỏi chợt dấy lên trong tôi “Tôi là ai?” Có phải tôi – một người phụ nữ Mỹ trong trang phục Tây phương ở giữa những đám người của quốc gia đông dân nhất thế giới? Tôi là ai trong cái vòng lẩn quẩn sống chết của nhân loại?

Có thể bạn không hiểu được mức độ cảm xúc của tôi tại Trung hoa vào lúc ấy, nhưng khi đang cuốn theo công việc thường nhật, có bao giờ bạn đặt câu hỏi rằng mình là ai? Có thể tạm gác qua những ngày đi làm của bạn và bạn xem như mình là người mẹ trọn thời gian, khi thay tả lót hoặc buộc dây giày cho con, bạn có khi nào tự hỏi “Tôi là ai?”
Có thể bạn là một người phụ nữ đi làm và sống độc thân. “Tôi là ai?” một câu hỏi chợt dậy lên khi ăn buổi tối thứ bảy một mình hoặc khi một người bạn có gia đình của bạn báo tin rằng cô ấy sắp có con? Nếu bạn ở độ tuổi trung niên, có thể sẽ làm việc nội trợ trọn thời gian, đứa con út của bạn đang ở trường và đang khám phá thế giới mới mẻ cho riêng nó, còn bạn, có khi nào đặt câu hỏi “Mình là ai?”
Lời giải đáp cho câu hỏi thuộc mọi lứa tuổi nầy đặt nền tảng cho cách sống hài hòa với cảm xúc. Nếu bạn không thỏa lòng về cá tính mình hoặc từ chối mình, những cảm xúc trên thật vô ích. Cô đơn, sợ hãi sẽ lan tràn làm bạn rối rắm. Khi bạn nhận biết và chấp nhận chính mình, bạn sẽ kinh nghiệm những cảm xúc tích cực và sự yên ổn nội tâm.
Trong tôi cũng đã bắt đầu hình thành thắc mắc như vậy nhiều năm trước đây khi mới cắp sách đến trường.
ĐIỀU GÌ BÊN TRONG CÁI TÊN?
Người chị đang dạy cấp một cùng đi với tôi ngang qua tám dãy nhà để đến tòa nhà rộng lớn bao quanh bởi dây trường xuân, nơi tôi ghi danh để học lớp vở lòng. Tôi nhớ rõ sự náo nức cùng với cảm giác lạ lẫm khi bước vào phòng học, ở đây hầu như khác hẳn với lớp Trường Chúa Nhật nhỏ bé, ấm cúng với những bạn cùng năm tuổi như tôi. Tôi lo lắng, mình là ai giữa đám trẻ đông đúc nầy?
Tôi đứng xếp hàng chờ phiên mình đến bàn làm việc của giáo viên. Cuối cùng cũng đến lượt mình và tôi buột miệng: “Em tên là Sue Huffman. Hiện đang ở tại số 314 đường Altgeld”. Cô giáo đưa mắt vào tờ đơn xin nhập học, nhìn vào mắt tôi và mỉm cười, rồi nhẹ nhàng điền vào chỗ trống của tờ đơn.
Tên tôi có một nét đặc trưng khiến giáo viên dễ nhận ra. Cái tên phân biệt tôi với mọi đứa trẻ khác trong căn phòng đông đúc nầy. Nhiều năm sau tại Trung quốc, cái tên cũng đem đến sự phân biệt đối với tôi. Sau hằng giờ dài đăng đẳng đứng xếp hàng tại cổng sân bay, tôi đã gặp nhân viên di trú. Anh ấy phỏng vấn tôi, nhìn vào tên tôi trong giấy thông hành để rồi chấp thuận cho tôi được vào Trung Quốc. Cứ như thế, tên tôi là một dấu ấn phân biệt tôi với mọi người khác trên hành tinh nầy.
Cho dù thích hay không, bạn vẫn gắn chặt với cái tên của mình. Tên bạn bày tỏ chính bạn là ai -  Một cá thể độc đáo bên cạnh mỗi một con người khác trên đất nầy.
YẾU TỐ LIÊN TƯỞNG.
Điều gì đến với tâm trí khi bạn nghe người khác gọi tên mình?
Khi bạn nghe thấy hoặc nghĩ đến tên mình có thể là một hình ảnh phức tạp hiện ra trong tư tưởng bạn. Giống như xoay chuyển kính vạn hoa, nhiều hình ảnh đa dạng về chính mình lướt qua trong trí, gợi lên những cảm xúc khác nhau. Mọi điều bạn tin về chính mình được phản ảnh trong tấm hình nầy.
Có thể bạn sẽ hình dung về vẻ bên ngoài của mình trước hết. Khi nhìn mình qua gương nhiều lần, sẽ đưa bạn đến sự minh định hình ảnh của chính bạn trong tâm trí.
Bạn thấy cái mũi có nét nghệ sĩ, cái cằm nhọn, hay đôi má đầy đặn của mình? Tôi hình  dung về gương mặt mình trước, sau đó là mái tóc đen và những vết tàn nhang.
Bạn nghĩ gì về thân hình mình? Quá thấp, quá cao, hay quá mập?
Chúng ta thường có khuynh hướng phóng đại những khuyết điểm bề ngoài mình như là những vết nhơ của nhân cách. Xã hội chúng ta thường chú trọng đến vẻ đẹp bề ngoài. Nền văn hóa ngày nay cho rằng chúng ta phải hơn là những bộ xương bọc da. Kích thước và hình dáng thân thể là điều đáng quan tâm. Những nhà quảng cáo thổi phồng tầm quan trọng của sự hấp dẫn giới tính cùng với cơ thể cường tráng. Làn da rám nắng được trang điểm nhẹ nhàng là tiêu chuẩn thời thượng.
Đối với một số phụ nữ, ý tưởng nầy có thể trở thành sự thúc đẩy. Susan, người phụ nữ thỉnh thoảng cùng tôi đánh quần vợt, chơi vài hiệp vào năm buổi sáng trong tuần, ăn trưa, sau đó, dành cả buổi chiều tại suối nước khoáng. Cuộc sống của bà ấy hoàn toàn tùy thuộc vào vóc dáng bên ngoài. Bà ta không cho phép bất cứ điều gì làm hỏng thời khóa biểu nghiêm nhặt đó, như là cuộc gặp bất thường sau buổi ăn trưa, hoặc cuộc đi mua sắm không dự tính trước. Khi nhìn sâu vào điều được bà ấy quan tâm, cái giá trị con trong người theo bà nghĩ chính là thể xác. Sự chi phối về hình dáng bên ngoài của bà ấy trả lời cho: Tôi là ai?
Nhưng bản thân bạn có giá trị hơn là một khuôn mặt trong tấm gương. Hãy nghĩ về tên mình và vô số những hình ảnh liên quan đến nó. Sự xoay kính vạn hoa và những kinh nghiệm gia đình, những câu chuyện cùng xoắn lại với nhau, thêm vào những yếu tố khác tạo ra bức tranh độc đáo của chính bạn. Những hình ảnh về tâm tính cha mẹ sẽ chợt lóe lên trong tâm trí bạn. Bạn có thể giống về cách nói và hành vi đặc trưng của riêng họ, có những điệu bộ thường thấy nơi họ.
Hình ảnh về chính bạn được tạo nên bởi sự tổng hợp. Bạn đang nói hoặc dùng từ giống nhau, hay chiên bánh nhân nướng cùng một cách mà mẹ bạn đã làm.
Khi hình dung đến đôi tay mẹ tôi, tôi nhớ đến cách bà trang trí bánh nhân kem với một sự chính xác. Nhìn sâu hơn về hình ảnh nầy, tôi thấy đôi tay khéo léo của bà ngoại khi làm bánh bích quy, rồi đến đôi tay tôi hiện ra trước mắt- Những ngón tay và khớp ngón giống y như mẹ và bà ngoại, ngay cả thao tác cũng y như họ.
YẾU TỐ GIA ĐÌNH.
Như những đặc tính bên ngoài của cha và mẹ pha trộn thành hình ảnh chính bạn, thì những cảm xúc của bạn cũng đến từ sự pha trộn nầy. Lòng tự trọng hoặc cảm nhận về mình là điều kín giấu trong đời sống.
Đặc biệt là lòng tự trọng của bạn được yên nghỉ trên giá trị và khả năng chính bạn. Những cảm xúc nầy trên một khía cạnh, được hình thành từ những phản ứng mà bạn nhận được từ những mối quan hệ gần gũi, khởi đầu từ cha mẹ, cùng với sự chấp nhận của họ đối với bạn.
Bạn cảm thấy gì khi mình là hình ảnh của cha và mẹ? Bạn có những cảm xúc tiêu cực gì về hình ảnh gia đình? Cha mẹ có tạo cho bạn sự thỏa mãn ấm áp? Chăm sóc bạn đến mức độ nào? Nghe những câu chuyện kể về những năm tháng đầu đời là một phương cách hiểu được tình cảm của gia đình đối với bạn. Xem quyển nhật ký của mẹ ghi chép về mình, bạn sẽ hiểu về bản thân và hiểu những người khác trong gia đình nghĩ gì về mình.
Những câu chuyện mà mẹ kể vào những năm thơ ấu đã nâng cao giá trị của tôi. Tôi thường yêu cầu bà kể đi kể lại câu chuyện đặc biệt về mình. Tôi nhận thấy rằng điều nầy mang đến cho tôi cảm giác tự tin.
“Khi ấy, con còn bé lắm, chỉ mới 20 tháng và thường chơi trên sân nhà. Hôm đó, trời nắng chói chang”, bà kể lại “Cha con muốn đưa chiếc xe hơi đến dưới bóng cây và không biết rằng con đang chơi gần bánh xe. Con té sấp trên đường đi của chiếc xe hơi khi nó lăn bánh về phía trước. Trong cú va chạm đó, ba con ngỡ mình đã đụng vào một món đồ chơi, nhưng ông chợt nhìn thấy thân thể rũ liệt, bất động của con. Ba liền bế con lên và chạy lao vào nhà, từ cửa sau xuống những bậc thang, đến tầng hầm, nơi mà mẹ đang đóng hộp những quả anh đào. Ba nắm tay mẹ và hốt hoảng hét lên: “Anh vừa mới cán phải con!” Ba mẹ lao ngay vào bệnh viện.
Trong phút chốc, mẹ tôi đã thuật lại chi tiết sự quan tâm của từng thành viên trong gia đình khi tôi bị tai nạn. Bà luôn nhấn mạnh một điều rằng: “Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho đời tôi một mục đích”. Tôi biết cách không nghi ngờ rằng mình thât quan trọng đối với gia đình và hơn thế nữa, tôi cảm nhận mình có một mục đích.
Có thể bạn không có một câu chuyện đặc biệt nào để tạo ra cảm xúc mình gần gũi với gia đình, nhưng những sự kiện đặc biệt gợi nhớ cho bạn cảm biết giá trị của mình là gì? Chẳng hạn khi cha bạn dẫn bạn đi chơi, bạn có nhớ cảm xúc mình khi đó không?
Tôi nhớ những lúc cùng đi với ba đến hiệu cắt tóc nam để tỉa gọn mái tóc và đến cửa hàng bách hóa chọn mua vật dụng, dừng lại một lúc để ngốn ổ bánh mì kẹp thịt tại một cửa hàng cà phê trong thị trấn, vẫn là một kỷ niệm khó quên. Đó là chiếc bánh mì kẹp thịt đầu tiên và ngon nhất mà tôi từng ăn. Tôi vẫn còn nhớ mùi hấp dẫn của món ăn nầy.
Bạn có nhớ sự ôm ấp, vỗ về của cha hoặc mẹ đối với mình, có nhớ khi được nghe kể một câu chuyện hay khi đang trên đường lái xe về quê trong một buổi tối mùa hè? Khi ngồi bên họ, bạn có cảm giác ấm áp của tình yêu và sự an tâm hay không?
Nếu những câu chuyện và ký ức mờ nhạt, thì còn có những bức ảnh của gia đình. Nó phản ánh mối quan hệ giữa bạn với gia đình. Chắc hẳn trong tập ảnh lưu niệm có một tấm chụp mẹ bạn rạng rỡ, đang bế bạn trong tay.
Một trong những tấm ảnh gia đình  mà tôi thích là tấm chân dung chụp chung của chị em tôi. Cả hai chúng tôi đều mặc váy bằng vải phin có viền xếp nếp và cột tóc có ruy băng. Cánh tay chị choàng qua vai tôi với cử chỉ yêu thương, bảo vệ. Bức ảnh nói lên sự chăm sóc của mẹ dành cho chúng tôi và chứa đựng sự vui thỏa.
Điều nầy cho tôi một dấu ấn trong mối quan hệ với chị gái tôi, bày tỏ sự quan tâm của chị đối với tôi. Khi biết mình được cha mẹ và mọi người trong gia đình quý trọng, giúp chúng ta xác định được giá trị bản thân. Những thông tin đến từ họ sẽ chuyển vào lòng và trí, hình thành sự tự tin trong chúng ta.
Có thể bạn không có một gia đình ấm cúng và nâng đỡ lẫn nhau như tôi. Có lẽ bạn lớn lên trong một gia đình đổ vỡ, hoặc có người cha nghiện rượu và những nhu cầu tình cảm không được đáp ứng. Nếu bạn khi còn là đứa trẻ đã sống cách bất cần hoặc đè nén tình cảm, thì tình cảm bạn có thể bị tổn thương như Mary.
Mary được một cặp vợ chồng không con nhận nuôi, cả hai đều rất chú tâm đến nghề nghiệp. Họ ít có thì giờ để trò chuyện hoặc quan tâm đến cô. Một vài người bảo mẫu quan tâm đến nhu cầu thể chất, nhưng không ai có mối quan hệ như là một người mẹ thật sự đối với cô. Mary nay là một phụ nữ 25 tuổi, ngoại hình khá thu hút nhưng đầy tự ti. Cô cảm thấy cô đơn, khó gần gũi thân mật với chồng, e ngại khi bộc lộ về mình.
Như trường hợp của Mary, có lẽ cha mẹ bạn cũng đã không biểu lộ cho bạn biết những suy nghĩ của họ. Điều quan trọng là ý thức về giá trị của mình, khi đó bạn có thể tự khẳng định mình.
YẾU TỐ BẠN ĐỒNG LỨA.
Trong lứa tuổi thiếu nhi, những hành vi và lời khen chê của bạn đồng lứa góp phần tạo nên cảm xúc của mỗi chúng ta.
Những lời bình phẩm tiêu cực như là “Bạn mập” hay “quần áo bạn mặc quá xấu” hoặc những hành động khiến bạn cảm thấy mình bị loại trừ sẽ dần dần tạo nên sự tự ti.
Trong ký ức, tôi luôn nhớ đến sự lúng túng, ngượng ngập của một cô bạn mập mạp 12 tuổi. Cô không biết làm thế nào để tránh được giờ tập thể dục của lớp. “Hồi học lớp sáu, tôi thật vụng về”, cô nói, “và sự nặng nề của cơ thể càng làm tôi chậm chạp thêm. Khi chạy tiếp sức, các bạn nữ lằm bằm vì tôi thuộc nhóm của họ. Sự việc càng tệ hại hơn khi giáo viên cho tắm vòi sen sau đó. Đám nữ sinh đều nhìn thấy nhau khi tắm, và một tiếng cười khúc khích cùng lời chê bai về thân thể mập béo của tôi. Tôi không hiểu sao các bạn lại quá thô bạo với người khác. Tôi không thể nào quên sự sỉ nhục nầy”.
Thiếu niên thường tìm sự chấp nhận từ nơi bạn đồng lứa. Dù được chấp nhận hay bị từ chối đều để lại những dấu ấn trong tâm trí của mỗi người.
Một số thiếu niên hầu như có thể làm bất cứ điều gì để khẳng định mình. Chúng có thể sơn lên tóc, mặc những chiếc áo kỳ quặc, đeo dây chuyền như một cái dây xích quanh cổ. Một người càng cảm thấy mình kém thiếu chừng nào, thì càng cần sự chấp nhận của người khác chừng ấy. Nhu cầu khẳng định mình ở tuổi thiếu niên rất mạnh, nó có thể là động cơ khiến cô ấy làm những việc táo bạo.
Một cô gái 17 tuổi xinh đẹp đến gặp tôi và thú nhận những hành động vi phạm đạo đức mà mình đã dám làm hầu cho được người khác chấp nhận. Cô ngồi bó gối ở góc ghế, mút vào những đầu ngón tay cách bối rối. Cô bắt đầu câu chuyện trong sự bất an của một kẻ phạm tội. Với giọng nhỏ nhẹ, cô nói: “Cha mẹ nói yêu thương em nhưng dường như chẳng bao giờ dành thì giờ cho em. Khi còn là một đứa trẻ ở trường, em cảm thấy bị từ chối bởi nhóm bạn cùng lớp. Khi lên 24 tuổi, em bắt đầu dùng ma túy như một số bạn nữ khác, chỉ để được nhập vào nhóm của họ”.
Cô dừng nói,lục tìm trong ví chiếc khăn tay, rồi úp mặt xuống đôi tay và khóc nức nở. Cô thú nhận tiếp trong tiếng thổn thức: “Em thật xấu hổ và rất khó khăn để nói lên điều nầy”. Cô bộc bạch: “Em chấp nhận chung sống với một người đàn ông lớn tuổi để có được những liều ma túy mà em không có khả năng mua”. Linda ngưng nói và trông cô có vẻ nhẹ nhõm. Rồi cô kể tiếp: “Em cảm thấy mình giả dối khi vẫn có mặt tại nhà thờ, và cha mẹ em không hề hay biết việc em thường vắng nhà vào buổi tối. Em bị mặc cảm tội lỗi vì biết rằng đây là điều sai trái. Em rất muốn được các bạn nữ chấp nhận cho dù phải ngủ chung với người đàn ông mà em ghét”. Cô lau mũi, hắng giọng, rồi nói cách bình tĩnh: “Em vừa quen một người bạn trai trẻ đẹp, muốn cưới em. Em muốn cắt đứt liên hệ với người đàn ông đó nhưng em sợ ông ta”. Nước mắt lại trào ra, cô nói: “Em đến gặp cô để hỏi rằng, em phải nên nói như thế nào với người muốn cưới em? Em có nên kể hết mọi sự? Liệu em có thể được tha thứ không?
Thật là một sự trả giá không đáng có! Khi bạn hồi tưởng lại thời thơ ấu và thiếu niên, bạn có bị đè nặng bởi những kỷ niệm đau buồn? Bạn đã phải hy sinh điều gì để được chấp nhận?
YẾU TỐ KHẢ NĂNG.
Xoay tiếp kính vạn hoa, bạn có thể nhận ra chân dung mới về chính mình – là những khả năng phong phú trong chúng ta. Hãy nhớ lại cảm giác thú vị khi bạn tập nhảy dây, huýt sáo, hoặc đọc sách báo. Việc phát triển những khả năng nầy tạo ra sự tự tin và làm tăng giá trị bản thân. Mỗi thành công là một bước thử nghiệm về khả năng, cứ thế tạo nên lòng tự trọng bản thân. Ban hài lòng về mình mỗi khi tiến bộ trong việc học tập để rồi khám phá ra lĩnh vực xuất sắc của mình.
Những thành quả chúng ta đạt được dựa vào sự phát triển của những khả năng độc đáo, là một phần của con người chúng ta. Chúng đem đến cho chúng ta nét khác biệt, độc đáo giữa xã hội con người. Chúng ta mong ước có một điều gì đó mang dấu ấn riêng của bản thân. Chúng ta muốn người khác hiểu rằng: Tôi đang hiện diện.
Bạn có năng khiếu gì? Nghệ thuật, âm nhạc, thể thao, quản lý hay khoa học? Khám phá đúng khả năng đặc biệt tạo sự tự tin, mặt khác, nuôi dưỡng tài năng phát triển tính tự trọng.
Đáng buồn là tiềm năng chúng ta bị ngăn trở bởi những cảm xúc. Sợ hãi và xung đột có thể ngăn một phụ nữ phát triển tiềm năng và học những kỹ năng mới.
Nếu một phụ nữ không kiên định, cô ấy sẽ e ngại về những lời bình phẩm và càng ghét mình khi thất bại. Từ đó tiềm năng của cô không được sử dụng, không được khuấy động. Sự sợ hãi khiến cô không dám mở cánh cửa tiềm năng, đồng thời khóa chặt những cảm xúc quí báu và cơ hội bày tỏ mình.
Emily vừa lập gia đình, và đang tranh chiến với những cảm xúc. Vợ chồng cô sống trong một ngôi nhà lưu động. Cô thích thú khi rời khỏi gia đình, dù hiện phải sống trong một nơi chật hẹp. Trong gia đình, cô bị mẹ mắng chưởi thậm tệ vì những vụng về của mình. Nay là một phụ nữ nhút nhát với đôi mắt luôn nhìn xuống, cô kể: “Mẹ tôi luôn la mắng, đánh đập, chưởi rủa, chê bai hoặc đổ trách nhiệm cho tôi là nguyên nhân của mọi điều sai lầm. Bà đòi hỏi sự toàn hảo và nổi cơn giận dữ nếu tôi không ủi cổ áo sơ mi của cha theo đúng ý bà. Trong những năm đầu tuổi thiếu niên, tôi đã khai dối tuổi để nhận một công việc tại siêu thị sau giờ học, chỉ để tránh mặt mẹ và những lời mắng chưởi của bà”.
Vết thương lòng quá sâu, Emily luôn bị trói buộc bởi những cảm xúc và kinh nghịêm tiêu cực khi tiếp xúc với người khác. Sau khi kết hôn, chồng cô thường bối rối vì cô thường kêu khóc trong ban đêm và khẳng định cô cần được giúp đỡ.
Công việc nội trợ đối với thiếu phụ nầy thật khó khăn. Cô cọ rửa nhà xe mỗi sáng và một lần nữa vào buổi chiều trước khi chồng về, để chắc rằng mình làm tốt công việc. Với đôi mắt to đẫm nước mắt, đôi môi cố kềm nén tiếng khóc, cô thì thầm: “Em không biết nấu ăn, vì có nhiều thứ phải học. Vả lại, không có ai dạy cách nấu ăn, và em cảm thấy e ngại”. Cô vừa biết mình có thai và nói rất sợ khi có con. Cô vừa nói vừa lắc đầu: “Em không biết phải làm mẹ như thế nào đây!?”
Cảm xúc tiêu cực là gánh nặng không đáng có. Nó khiến chúng ta cảm thấy bất an. Chúng thường được khắc sâu từ thời thơ ấu, nhưng đôi khi lại xuất hiện kề bên bước tiến của chúng ta. Thi rớt hoặc thua trong cuộc đấu quần vợt, có thể khơi dậy cảm xúc tiêu cực dẫn đến việc chúng ta đặt dấu chấm hỏi về khả năng của mình.
Đối với nhiều người, mức độ tôn trọng hoặc chấp nhận của người chung quanh hình thành nên sự tôn trọng hoặc chấp nhận của họ đối với bản thân. Như thể là hình dáng bên ngoài chúng ta được phản chiếu trong gương soi thì chúng ta có thể thấy được giá trị qua ánh mắt của người chung quanh. Trong đòi hỏi để thỏa mãn lòng tự trọng và chấp nhận của người khác, chúng ta cố gắng ép mình theo tiêu chuẩn xã hội. Từ đó, đưa chúng ta đạt đến những nhu cầu sâu kín của lòng tự trọng bằng nổ lực tự rèn luyện và tự học hỏi.
Khi một phụ nữ không thể xác định độ dài của đại lộ Madison, bà ta có thể cảm thấy mất tự tin. Bà cảm thấy mình dở tệ dù thật ra là người có năng lực trung bình trong một gia đình bình thường. Đây là bi kịch. Nếu cứ tự đo mình bằng thước đo xã hội, chúng ta sẽ luôn cảm thấy mình kém thiếu ở mặt nầy hoặc mặt khác.
Đây là qui luật tự nhiên: Phụ nữ cố sức khai phá tiềm năng mình để trở nên đẹp, cân đối, thông minh hơn. Trong nỗ lực đạt đến sự lý tưởng, họ được đưa đến chỗ thấy được giới hạn của con người. Mỗi chúng ta cảm thấy tự ti về một số phương diện như tính cách, hình dáng bên ngoài, hoàn cảnh xuất thân, hoặc những khả năng của mình. Những cảm xúc nầy là điều bình thường.
TRUNG TÂM XUẤT PHÁT LÒNG TỰ TRỌNG.
Bạn là người tự ái cao? Bởi vì bạn được hấp thụ những tiêu chuẩn cao trong xã hội, hay là tìm được phương cách khác để khẳng định giá trị mình?
Xin cho tôi được chia sẻ với bạn một khám phá theo đuổi và định hướng những cảm xúc tốt khi lập mối tương giao với Đức Chúa Trời đã biến đổi hình ảnh bản thân và cảm xúc về mình.
Nếu tôi đặt trung tâm đời sống mình làm vui lòng Đức Chúa Trời, lòng tự ái tôi sẽ không phụ thuộc vào việc tôi cao, thấp hay là trung bình. Hơn nữa, cảm nghĩ về chính mình thế nào tùy thuộc vào sự đặt để của Chúa dành cho tôi.
Hãy dời trọng tâm của bạn từ người khác đến trọng tâm của bạn là Đức Chúa Trời, như thế có thể thay đổi cách nhìn và cảm nghĩ về mình một cách tích cực. Con người thường có nhiều ý kiến và tiêu chuẩn luôn thay đổi, nhưng khi bạn tin cậy Đấng Sáng Tạo và nhận biết Ngài, bạn sẽ nhìn thấy mình qua tầm nhìn thấu suốt của Ngài.
Thi thiên 139 là một đoạn sách lý tưởng để bạn thấy được giá trị mình trước mặt Đức Chúa Trời. Khi học biết cách mà Đức Chúa Trời quan tâm con người, chúng ta khám phá được những tiếng phán thân mật và yêu thương, chúng ta có thể được yên nghỉ vì được Chúa tiếp nhận mình thay vì cứ cố tìm sự chấp nhận từ con người.
Bạn được yêu thương. Hãy đọc lời Chúa trong  Gie 31:3 “Ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi, nên đã lấy sự nhân từ mà kéo ngươi đến”. Đức Chúa Trời yêu bạn đến nỗi đã ban Chúa Jêsus Christ để giải phóng bạn khỏi tội lỗi, khỏi sự nô lệ đối với con người và dư luận.
Tội lỗi là sự bất tuân Đức Chúa Trời và sống hoàn toàn theo ý riêng mình. Mọi người đều phạm tội, không có ai trọn vẹn. Tội lỗi là sự phân rẽ khỏi Đức Chúa Trơi, nhưng khi Chúa Jêsus chết trên thập tự giá và sống lại từ phần mộ, Ngài đã trả xong hình phạt tội lỗi thay cho bạn. Ngài chết vì cớ bạn.  I Phi-e-rơ 1:18-19 chép “Vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ phụ truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, như huyết chiên con không tì, không vít”.
Câu Kinh Thánh bày tỏ rằng bạn thật quí giá đối với  Đức Chúa Trời .
Tôi hiểu rằng Chúa Jêsus đến không những để trả thay món nợ tội lỗi mà còn dạy chúng ta cách sống. Khi bạn nhận ơn tha thứ Chúa ban, Ngài khiến bạn sống theo những điều  phù hợp với ý muốn Ngài.
Chúa cũng ban cho chúng ta những điều cần thiết để sống có giá trị. Chúa bảo đảm bạn thuộc về Ngài. Sự tha thứ của Chúa phục hồi giá trị bạn. Trong mối thông công của tình yêu với Chúa, bạn có thể nhận được sự chữa lành những vết nội tâm gây ra bơi những kinh nghiệm không tốt đẹp trong thời thơ ấu.
TÍNH CÁCH ỔN ĐỊNH.
Từ đầu chúng ta đã xét qua cá tính, kiểm tra những thông tin thu thập được qua những quyển lưu ảnh của gia đình mình – những kỷ niệm, câu chuyện và sự thành công. Nhưng có lẽ bạn không có những quyển lưu ảnh, câu chuyện gia đình hoặc thành đạt cá nhân. Có thể ký ức bạn toàn là những tình cảm xấu về gia đình, về bạn bè hay cả hai; hoặc có thể những tập kỷ yếu thời thơ ấu bạn chứa đựng toàn là những thuận lợi, nhưng bạn khó nhớ để nhận ra mình trong đó. Khi không có gia đình và bạn bè chung quanh, ai nói cho bạn biết bạn thật sự có giá trị nào đó?
Đức Chúa Trời xác nhận rằng bạn thật có giá trị  qua việc Chúa Jêsus chết thay cho tội lỗi của bạn. Khi nhận sự tha thứ của Chúa, Kinh Thánh cho biết bạn là con Đức Chúa Trời. “Nhưng ai tiếp nhận Ngài (Chúa Jêsus), tức là những kẻ tin Danh Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12). Để tiếp nhận Chúa Jêsus như Đấng Cứu Thế của mình, bạn chỉ cần xưng nhận tội lỗi và cầu xin sự tha thứ của Chúa. Là con cái Chúa, bạn sẽ hưởng mọi đặc quyền trong địa vị mới – mối tương giao toàn hảo và yêu thương cùng Cha trên trời. Tình bạn với những người cùng đức tin cùng sức mạnh bên trong giúp bạn sống cách đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Emily, người mẹ yếu đuối, đã hoàn toàn tiếp nhận món quà cứu rỗi. Ba tháng trước khi sanh con, đã trở nên con cái Chúa. Ngài thay đổi từ bên trong đời sống cô, và điều nầy biểu lộ qua gương mặt cô. Với đôi mắt rực sáng, cô nói: “Biết rằng Chúa yêu em đã cất khỏi em cảm nghĩ rằng mình vô dụng. Em cảm thấy tự do vì biết Chúa quan tâm và cần đến em, mặc dù em không hoàn hảo”.
Một phụ nữ trong Hội thánh đã hướng dẫn Emily học Kinh Thánh hằng tuần và tình bạn giữa họ đã phát triển. Người phụ nữ nầy không những dạy Emily biết Chúa mà còn chỉ cho cô cách trở nên một người đàn bà, người vợ, và người mẹ – thậm chí một người nấu ăn ngon. Mối tương giao với Đấng Christ giải thoát Emily khỏi sự sợ hãi. Sự bình an mới mẻ bên trong được biểu lộ ra bên ngoài, và cô đã trở nên một người hoàn toàn khác.
CHÂN DUNG MỚI.
Khi bước với Chúa Jêsus, nhân cách chúng ta được hoàn thiện. Những nhu cầu trong cuộc sống xã hội – một gia đình gương mẫu hoặc thể chất sung mãn – được ban cho dư dật vì chúng ta đang ở trong Chúa. Chúng ta liên kết những giá trị mình với Chúa và tìm kiếm những điều bên trong hơn là bên ngoài. Chúng ta sẽ tìm những cách tốt nhất để sử dụng ơn Chúa ban hầu phục vụ Chúa hơn là cho chính mình. Khi học theo đời sống của Chúa Cứu Thế, bạn sẽ khám phá trong Ngài  cách sống năng động. Bạn nhận biết rằng Ngài từng có cuộc sống bình thường trên đất với vẻ bề ngoài không thu hút, nhưng Chúa Jêsus chẳng hề bận tâm về điều nầy. “Ngài chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ, khi chúng ta thấy người, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được. Ngài đã bị người ta khinh dễ và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem, chúng ta cũng chẳng coi người ra gì” (Es 53:2-3).
Chúa Jêsus biết Ngài đang ở trong mối tương giao với Cha. Sự kiên định là nền tảng để Ngài bảo vệ Lẽ thật, không sợ hãi khi đối diện với kẻ thù, sẵn lòng hy sinh mạng sống mình.
Khi làm con cái của Chúa, bạn trở nên một người mới (II Cô-rinh-tô 5:17). Đức Chúa Trời tái tạo tấm lòng bạn. Bạn được giống Chúa Jêsus và được Đức Chúa Trời quý trọng. Khi đồng hóa mình với Chúa Jêsus, bạn hoàn thiện hình ảnh bản thân mình. Một phụ nữ mang hình ảnh Đức Chúa Trời, mang đặc điểm riêng trong di truyền, độc đáo về hình dáng bên ngoài, cá tính, khả năng, cùng với đời sống tâm linh đang được biến đổi, mới là một con người đúng nghĩa.
Trong những ngày tâm hồn lắng đọng, tôi nghĩ về chân dung mới và mối quan hệ đặc biệt của tôi với Chúa Jêsus hiện nay, Nếu tôi nhìn thấy mình trong tấm gương và tự hỏi rằng: “Tôi là ai?” Tôi sẽ trả lời: “Tôi là một phụ nữ độc đáo trong vũ trụ, một cá nhân đầy giá trị bởi vì tôi được Đức Chúa Trời yêu thương và hoàn hảo trong Chúa Cứu Thế.
Động lực của mối tương giao với Chúa Jêsus, theo lời một diễn giả: “Ngài thuộc về tôi”, giúp cho một phụ nữ cảm thấy yên lòng. Điều đó giúp có sự tự do để tăng trưởng, khám phá tiềm năng mình, và những phương cách để vận dụng nó. Trên hết, điều nầy giúp cho cô sống hài hòa với cảm xúc.
Tác giả: Sue Burnham