Sự sáng tạo trời đất

Mỗi lần ngắm mặt trời, mặt trăng cùng các vì sao, lòng tôi bỗng dâng lên một niềm cảm xúc khó tả. Tôi nghĩ đến Chúa Giê xu: “Ngài cũng đã từng thấy ánh mặt trời mà tôi đang thấy, Ngài cũng từng đi dưới ánh mặt trăng và cũng từng ngắm nhìn ánh sáng của các vì sao”.
Lòng tôi ngập tràn cảm xúc yêu thương, lòng ngưỡng mộ đối với Chúa Giê-xu cùng niềm hạnh phúc khôn tả.

Mấy ai thấu hiểu và đồng cảm với những cảm xúc như vậy, nhưng nếu chúng ta đoán biết được cảm giác của cha mẹ, con cái, vợ chồng hay hai người yêu nhau đang ở cách xa nhau, cùng một thời điểm, họ ngồi ngắm nhìn mặt trăng và các vì sao rồi nhớ về nhau thì chắc hẳn chúng ta sẽ hiểu và cảm thông với cảm giác ấy. Đó là những cảm xúc mà vào những ngày đầu tiên khi mới vừa báp-tem bằng nước và khi tôi suy gẫm về Lời Ngài ở sách Luca đoạn 4, tôi đã cảm nhận được.
“Ngài dạy dỗ trong các nhà hội, mọi người đều ca ngợi Ngài. Đức Chúa Giê-xu về Naxaret là nơi Ngài trưởng dưỡng. Theo thói quen Ngài vào hội đường trong ngày Sabat và đứng đọc Kinh Thánh.  Có người trao cho Ngài sách tiên tri Isa (cũng gọi là Ê-sai). Chúa mở sách tìm thấy đoạn văn chép rằng” (Luca 4:15 -17).
Sách tiên tri Isa là một phần của Kinh Thánh Cựu Ước. Đọc đến đây, tôi bị sốc bất ngờ như điện giật vào người khi nghĩ rằng “ Chình Chúa Giê xu cũng đọc Kinh Thánh Cựu Ước.”
Từ trước đến giờ, dù đã đọc rất nhiều lần phân đoạn Kinh Thánh này nhưng tôi không cảm nhận điều gì hết. Sự nhận biết đó dường như là một động lực đem đến sự khích lệ và thách thức tôi khao khát đọc Kinh Thánh Cựu Ước.
Trước đây, khi có người hỏi tôi rằng “Chị có đọc Kinh Thánh không?”
Tôi liền trả lời “ Dạ có chứ .”
Nhưng câu trả lời của tôi không phải là hoàn toàn đúng vì Kinh Thánh Cựu Ước là phần Kinh Thánh mà tôi ít đọc đến. Thành thật mà nói thì những Cơ Đốc Nhân nào chỉ đọc Kinh Thánh Tân Ước mà thôi thì cũng đồng nghĩa với những tín đồ không đọc Kinh Thánh.
Nhiều người biết rằng Guttenburg là người phát minh ra máy in đầu tiên trên thế giới. Nhưng ít có ai biết quyển sách đầu tiên được in bằng máy in là quyển sách Tân Ước. Và phải có biết bao  nhiêu người đã cầu nguyện cho quyển Kinh Thánh ra đời. Hiện nay chúng ta tìm mua Kinh Thánh rất dễ dàng ở các nhà sách vì hầu như nó được phổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Đó là một điều đáng để chúng ta phải vui mừng và cảm tạ Chúa nhiều vì để có được như vậy thì đã có biết bao nhiêu người từng trải qua những thời điểm khó khăn khi họ tìm đọc Kinh Thánh mà Kinh Thánh thì chưa được in và phổ biến rộng rải như ngày nay. Vì vậy, chúng ta hãy quan tâm đến Kinh Thánh là một quyển sách có giá trị tối ưu và hãy đọc cẩn thận khởi đầu từ trang mở đầu đến trang kết thúc.
Vậy thì trước hết, chúng ta hãy xem câu đầu tiên của Kinh Thánh! ở đó có chép rằng :
“Ban đầu Đức Chúa Trời sáng tạo nên trời đất.” (Sáng thế ký 1:1)
Tôi nghe có người nói rằng ai hiểu được câu Kinh Thánh này thì có thể hiểu được toàn bộ Kinh Thánh. Lần đầu tiên đọc câu này, tôi không lại nghĩ nó quan trọng đến thế! Tôi đã tự hỏi mình “ Có thật Đức Chúa Trời là Đấng tạo nên trời đất hay không?”
Vì trước đây trong suy nghĩ của tôi thì sự hiện diện của Trái Đất, Mặt trời, Mặt trăng và các vì sao là một sự kiện vốn có tự nhiên, không có gì phải giải thích hay tìm hiểu. Nhưng khi nghĩ đến sự vận động tuần tự của các Thiên Thể khiến tôi nghĩ rằng đó không phải là một tồn tại ngẫu nhiên.
Qua một bộ phim khoa học của tác giả Mude tôi biết rằng Mặt Trời lớn đến nỗi nó có sức chứa hơn một triệu trái đất và trong vũ trụ này có rất nhiều vì sao khổng lồ có thể chứa đựng đến năm trăm triệu mặt trời. Các tinh văn giống như những đám mây hay sương mù là những vũ trụ nhỏ có sức chứa trung bình một trăm tỉ ngôi sao và hiện nay người ta đã khám phá được có khoảng một trăm triệu tinh văn tồn tại. Nhưng nhiều người khác lại cho rằng thực tế số tinh văn đó còn lên đến tỉ lẩn như vậy. Đó là con số thống kê của Thiên Văn Học.
Người ta biết được số lượng các ngôi sao còn nhiều hơn số lượng hạt cát trên hành tinh này. Và chúng ta phải khiêm tốn cuối đầu, kính phục trước Đấng Sáng Tạo quyền năng là Đức Chúa Trời vì Ngài đã cho chúng vận động một cách từng tự theo cách của Ngài. Dầu con người có khoe khoang cho rằng mình đã đi đến Mặt Trăng nhưng khi so sánh chỉ mỗi Mặt Trăng với số lượng của những vì sao vô tận thì sự tiến bộ ấy còn quá nhỏ bé, chúng ta không thể cho rằng mình biết hết mọi điều.
Bên cạnh những vì sao vô tận đó, trên trái đất này còn có rất nhiều loại cây, hoa thơm cỏ lạ với nhiều màu sắc khác nhau, cùng nhiều loại trái cây, rau cải. Dưới nước tồn tại nhiều loài cá và nhiều sinh vật sống, hơn nữa còn biết bao nhiêu loài chim trời, loài côn trùng cùng với những thú rừng lớn, bé vẫn tồn tại xung quanh chúng ta. Nghĩ đến cả một môi trường sinh thái như thế chúng ta không khỏi phải ngạc nhiên vì sự kì diệu của Đức Chúa Trời. Làm sao chúng ta có thể cho rằng tất cả những điều đó vốn tự nhiên mà có được? 
Những nhà khoa học càng vĩ đại thì càng thật sự nhận biết một cách khiêm tốn về ý chí và quyền năng sáng tạo của Đức Chúa Trời trong thiên nhiên. Câu Kinh Thánh “Đức Chúa Trời sáng tạo trời đất” là một chân lý hoàn toàn chính xác. Và nếu con người tồn tại vĩ đại nhất trong vũ trụ vô tận thì trên thế gian này không còn gì để tin cậy nữa.
Có người còn nói rằng “Con người là một tồn tại yếu đuối không thể đặt ngón tay mình lên ngọn lửa của cây nến thậm chí dù chỉ một phút.”
Con người không chỉ nhỏ bé và yếu đuối về phần thể xác mà còn cả về mặt tâm linh. Chúng ta không thể ngủ được khi bị người nào đó nói xấu hay xúc phạm. Cũng có thể chúng ta sẽ làm điều dại dột đáng tiếc nào đó khi chúng ta quá giận. Đó là một trạng thái tự nhiên của chúng ta.
Thậm chí chúng ta khó có thể yêu thương người nào đó một cách chân thật. Tấm lòng của chúng ta vốn không thành thật và luôn yếu đuối. Bên cạnh đó, chúng ta có cái nhìn thiển cận nhưng luôn cố ngoi lên cao thậm chí đạp đổ người khác xuống để đạt được điều gì đó. Chính vì thế, tôi cảm thấy hơi lo lắng và băn khoăn khi cho rằng con người bình thường và yếu đuối như vậy lại là một thực thể tồn tại có quyền và xuất sắc nhất. Nhưng một thực tế hiển nhiên ấy là “Đức Chúa Trời sáng tạo trời đất”
Tôi nghĩ rằng, để có thái độ đúng đắn khi suy nghĩ về Kinh Thánh và cuộc sống con người, chúng ta phải suy gẫm thật nhiều lần, phải nếm trải và hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa của câu Kinh Thánh ấy.
Có nhiều người chỉ nghe đến từ “Đức Chúa Trời" thì họ có thái độ cười chế giễu. Và thật sự con người chúng ta không thể nào tin được Đức Chúa Trời một cách dễ dàng. Cũng như khi chúng ta cố tìm hiểu về Đức Chúa Trời trong tầm hiểu biết giới hạn của mình thì chúng ta không thể hiểu Ngài được.
Chúng ta không thể trả lời cho những bí mật của sinh mệnh con người là điều mà mỗi ngày chúng ta nhìn thấy được. Thậm chí có ai giải thích được những bí ẩn của loài hoa cỏ. Có thể chúng ta biện luận rằng” Chúng ta đang từng bước giải thích những bí ẩn đó đây.” Nhưng càng tìm cách để giải thích cho những bí ẩn này thì càng phải đối diện với những bí ẩn mới. Như vậy, với khả năng của con người, để có thể khám phá và giải thích về vũ trụ này một cách hoàn toàn quả là một điều quá xa vời và phi lý biết bao. Đức Chúa Trời là Đấng vĩ đại hơn cả vũ trụ này và tất nhiên con người không thể hiểu được Ngài bằng trí lực của mình.
Tôi có viết một quyển sách nhỏ với tựa đề là “Khi còn ánh sáng”, là quyển sách trình bày những điều căn bản về tín ngưỡng. Trong quyển sách đó, tôi đề cập đến Đức Chúa Trời qua nhiều góc độ khác nhau. Tôi không muốn lập lại những điều sơ đẳng đó lần nữa trong quyển sách này, nhưng xin được lập lại và nhấn mạnh câu này:
Đức Chúa Trời không phải là đối tượng để “hiểu” mà là đối tượng để “tin”.
“Thật  sự có Đức Chúa Trời hay không?” Đó là câu hỏi dành cho phần tâm linh của con người và là một vấn đề thuộc về tín ngưỡng. Tôi hi vọng các bạn không có thái độ cười xòa và trả lời rằng” Làm gì có Đức Chúa Trời”.
Chính tôi cũng đã từng có những câu nói khẳng định rằng:
“Không hề có Đức Chúa Trời”
“Tôi ghét những Cơ Đốc Nhân”
“Tôi thà chết chứ không thể trở thành Cơ Đốc Nhân”
Và tôi cũng đã từng cảm thấy hổ thẹn vì nghĩ đến thái độ kiêu ngạo của mình trước những lời khẳng định đó.
Đức Chúa Trời không chỉ sáng tạo nên vũ trụ và muôn vật mà Kinh Thánh còn bày tỏ rằng Ngài là Đấng sáng tạo nên loài người chúng ta.
“Đức Chúa Trời phán rằng ‘Chúng ta hãy làm nên loài người như hình Ta và theo tượng Ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất và khắp cả đất”” (Sáng thế ký 1:26 ).
Đức Chúa Trời tạo nên loài người như hình thể Ngài và tạo nên người nam và người nữ. Và có chép rằng “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng “Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất”. (Sáng Thế Ký 1:28)
Tôi muốn được thảo luận về câu Kinh Thánh “Đức Chúa Trời tạo nên loài người như hình Ngài”. Câu Kinh Thánh này có ý nghĩa gì? Nó liên quan đến vấn đề thuộc linh của mỗi người chúng ta. Như Chúa Giê-xu nói “Đức Chúa Trời là thần linh”, Đức Chúa Trời không có thân thể. Câu Kinh Thánh trên không có nghĩa là Ngài dựng nên loài người giống thân thể của Ngài, nhưng mang ý nghĩa con người được tạo dựng giống thuộc tính của Ngài. Cho nên những ai nghĩ đến hình hài của con người và đoán rằng Đức Chúa Trời cũng có khuôn mặt như con người là sai. Con người chúng ta được Đức Chúa Trời ban cho một thuộc tính giống Ngài. Ngài chính là khuôn mẫu của thuộc tính loài người.
Năm 1961, anh Mitsuyo, chồng tôi phải nhập viện ở bệnh viện Asahikawa  vì chứng bệnh viêm ruột thừa. Nhìn thấy tôi chăm sóc anh ấy, các bác sĩ, y tá và ngay cả người chủ căn tin của bệnh viện đều ngạc nhiên nói rằng” Chị rất giống cô y tá trưởng của chúng tôi.”
Cô ấy đã qua đời một hay hai năm trước đó. Cô ấy có tính tình rất tốt và luôn được nhiều người yêu mến. Có một người dẫn tôi đến một căn phòng nọ để xem bức ảnh của cô ấy. Quả thật chúng tôi có giống nhau về khuôn mặt nhưng chắc chắn tính tình thì phải khác nhau. Vì có quá nhiều người nói tôi giống cô ấy nên khiến tôi có suy nghĩ ước gì mình được gặp cô ấy trước lúc qua đời. Ít nhiều gì chúng ta cũng cảm thấy dường như mình muốn có một mối quan hệ nào đó gần gũi với những người giống mình. Dù sao đi nữa, tôi nghĩ câu Kinh Thánh “Đức Chuá Trời tạo nên loài người như hình thể Ngài” cũng đề cập đến tình yêu lạ lùng của Đức Chúa Trời đã dành cho con người.
Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo. Ngài có thể tạo nên loài người theo bất kỳ hình thể nào cũng được. Nhưng Ngài đã làm nên chúng ta giống như Ngài. Lý do là sao vậy? Tôi nghĩ có một lý do là vì mục đích Ngài tạo nên loài người là để họ biết ý muốn của Đức Chúa Trời vả thực hành ý muốn đó. Con người tồn tại rất nhỏ bé nhưng cũng có câu nói “Sinh mệnh con người quý hơn cả trái đất này.”
Theo tôi nghĩ, vì sinh mệnh đó trách nhiệm phải thực hành ý muốn của Đức Chúa Trời. Và sự khác nhau giữa sinh mệnh loài người và sinh mệng loài vật là ở chỗ đó.
Kinh Thánh nói một cách rõ ràng:
“Hãy thống trị đất, hãy quản trị tất cả các loài sinh vật”
Qua câu Kinh Thánh này, chúng ta biết Đức Chúa Trời truyền cho con người một sứ mệnh là phải quản trị thiên nhiên theo ý muốn của Ngài. Nói về sức mạnh thì con người không có khả năng quản trị những thú rừng lớn như voi, gấu, hay sư tử được. Tuy nhiên, Ngài phán rằng “Hãy thống trị”
Ngài nói như là, dù không có đủ sức mạnh như thú rừng, nhưng con người được ban cho tình yêu và sự khôn ngoan giống như Ngài đặng quản trị chúng. Chúng ta hay sử dụng từ “như loài người” thực sự mang ý nghĩa là “như loài người giống Đức Chúa Trời. Họ không những là loài được dựng nên bởi sự sáng tạo của Ngài mà còn có ý nghĩa họ phải ý thức được sứ mạng của mình là quản trị thiên nhiên bằng chính tình yêu và sự khôn ngoan của Ngài.
Mỗi ngày trôi qua, khi đọc tin trên báo, tôi thấy rằng dường như chúng ta đang sao lãng và bỏ quên sứ mạng mà Chúa đã đặt để cho chúng ta. Nếu loài người có trách nhiệm phải quản lý thiên nhiên thì họ không nên hủy hoại cây cỏ trên núi, phải giữ cho biển và các dòng sông được trong sạch và càng phải bảo vệ cho bầu không khí của chúng ta luôn trong lành.
Loài người đã quên hẳn bổn phận đó và sống một cách thật ích kỷ. Hậu quả là ngày nay trên hành tinh chúng ta có quá nhiều sự ô nhiễm khác nhau, đất đai bị tàn phá đến nỗi các nhà khoa học tuyên bố mạng sống của trái đất chỉ còn khoảng hai mươi năm. Hơn nữa, loài người luôn đấu tranh với nhau để tranh giành những vũ khí nguy hiểm như bom nguyên tử và bom khinh khí gây nên sự hủy diệt hoàn toàn trên trái đất này. Khi loài người sử dụng sự khôn ngoan và ý chí tự do quý báu của mình thì cũng chính là lúc họ đã tự bóp chết mình. Không tuân theo Đức Chúa Trời thì sự khôn ngoan của con người không thể nào giúp họ thực hiện được sứ mạng của mình.
Nhiều đoạn Kinh Thánh Cựu Ước đề cập đến việc con người đã từ bỏ Đấng sáng tạo để chuốc lấy cho mình sự ô nhục và hậu quả xấu xa tệ hại khôn lường. Kinh Thánh đúng là một quyển sách có giá trị văn học rất lớn và rất sống động.
Miura Ayako
Tìm Kiếm Ánh Sáng