Phần lớn người ta khi rơi vào hoàn cảnh như thế đều giận dữ, nhưng ta không nên giận nếu ta hiểu được tình yêu của Chúa và biết rằng Chúa đã cung cấp một con đường để ta thoát khỏi nỗi khốn khổ này. Điều đáng ngạc nhiên là một số cuộc đời đã bị tàn phá qua sự giận dữ và cay đắng như thế. Một số người thì không biết nên làm gì, còn rất nhiều cơ đốc nhân, là những người biết rõ hơn thì lại không chịu chọn làm điều đúng. Họ sống theo cảm xúc, thay vì sống vượt trên cảm xúc để làm điều tốt đẹp hơn. Họ tự giam mình trong ngục tù của những cảm xúc tiêu cực và sống què quặt thay vì sống cuộc đời mãn nguyện và đầy sức sống.
Phải công nhận là phần lớn người ta đều giận dữ, nhưng có một cách tốt hơn : họ có thể làm ơn cho bản thân và học tha thứ. Họ có thể rũ bỏ nỗi thất vọng và tái dâng mình cho Chúa. Họ có thể hướng về tương lai thay
vì quay đầu lại quá khứ. Họ có thể học từ lỗi lầm và cố gắng không tái phạm sau này. Dù phần lớn chúng ta không rơi vào hoàn cảnh éo le như Susanna, nhưng chắc chắn có rất nhiều chuyện làm cho chúng ta nổi giận...nào là chuyện con chó của người hàng xóm, chuyện chính quyền, chuyện thuế má, chuyện không được tăng lương như mong muốn, chuyện kẹt xe, chuyện ông chồng bỏ giày dép lộn xộn và bỏ áo quần trong phòng tắm bừa bãi, hay chuyện con cái vô ơn về những gì cha mẹ đã làm cho chúng. Rồi có những người nói những lời khiếm nhã với chúng ta mà không bao giờ xin lỗi, có những bậc cha mẹ không dành tình thương nào cho con cái, họ có những ông anh bà chị được cha mẹ cưng, có những lời buộc tội không có chứng cứ và danh sách này thì còn dài. Đây là những cơ hội bất tận để chúng ta hoặc là nổi giận hoặc là tha thứ và tiếp tục sống.
Phản ứng tự nhiên là bực bội, là vấp phạm, là cay đắng, giận dữ và không tha thứ. Nhưng chúng ta đang làm tổn thương ai khi cứ còn ấp ủ những cảm xúc tiêu cực này? Có phải người đã gây ra sự vấp phạm chăng? Đôi khi thì họ cũng bị tổn thương nếu chúng ta loại họ khỏi cuộc sống của chúng ta qua cơn giận, nhưng thường thì họ không biết, không hay là chúng ta đang giận họ! Chúng ta sống mà lúc nào cũng bực bội và bị dằn vặt bởi sự vấp phạm ngay trong suy nghĩ của chúng ta. Có bao nhiêu lần bạn để thì giờ tưởng tượng là bạn sẽ nói với người làm bạn nổi giận nhưng trong lúc đó thì bạn lại bực bội với bản thân mình? Khi chúng ta cho phép mình nghĩ vậy, chúng ta làm hại bản thân hơn là chính người đã làm chúng ta tổn thương.
Nghiên cứu y học cho biết cơn giận có thể là nguyên do của nhiều chứng bệnh, từ bệnh ung bướu cho đến việc bày tỏ thái độ xấu. Ít ra thì giận dữ làm mất đi thì giờ quý giá của chúng ta. Mỗi giờ mà chúng ta giận là mỗi giờ mà chúng ta phí phạm mà không bao giờ lấy lại được. Trong trường hợp của cô Susanna và gia đình của cô thì họ đã phí đi nhiều năm tháng. Hãy nghĩ đến biết bao nhiêu thì giờ dành để kể lể về chuyện này mà họ đã đánh mất do những cơn giận xảy ra giữa vòng họ. Cuộc đời khó lường đoán trước được; chúng ta không biết chúng ta còn được bao nhiêu thì giờ dành cho người thân. Thật xấu hổ khi chúng ta đánh mất những kỷ niệm và mối quan hệ đẹp đẽ do chúng ta nổi giận. Trước đây tôi đã phí nhiều năm tháng trong giận dữ và cay đắng do những bất công xảy đến cho tôi trong những năm tháng đầu đời. Tôi có thái độ vô cùng tiêu cực và điều này ảnh hưởng đến cả gia đình tôi. Người hay giận luôn trút cơn giận của họ lên người khác vì điều gì bên trong chúng ta sẽ bày tỏ ra bên ngoài. Chúng ta có lẽ suy nghĩ rằng chúng ta sẽ đè nén cơn giận trong lòng để không ai thấy nhưng rốt cuộc nó cũng tìm cách buông ra.
Nhiều chuyện xảy đến cho chúng ta thật bất công, nhưng Chúa sẽ bù đắp cho chúng ta nếu chúng ta tin cậy và vâng lời Ngài. Ước muốn báo thù là điều bình thường, nhưng chúng ta không nên để nó kiểm soát chúng ta. Chúng ta thì muốn người ta phải trả giá cho những gì họ gây ra, nhưng còn Chúa thì hứa Ngài sẽ làm chuyện này cho chúng ta. Vì chúng ta biết Đấng đã phán: “Sự báo thù thuộc về Ta; chính Ta sẽ báo ứng,” lại bảo: “Chúa sẽ xét đoán dân Ngài.” Hêbơrơ 10:30
Câu Kinh Thánh này cùng các câu Kinh Thánh tương tự đã khích lệ tôi bỏ qua giận dữ và cay đắng mà tin cậy. Chúa báo trả cho tôi theo cách của Ngài. Tôi hết lòng khích lệ bạn hãy có một bước nhảy đức tin mỗi khi bạn cảm thấy mình bị người ta bạc đãi. Những người mà chúng ta cần tha thứ thường không xứng đáng để thứ tha và đôi khi họ cũng không muốn được tha thứ. Họ có thể không biết là họ đã làm chúng ta vấp phạm, hoặc giả là họ cũng không quan tâm tới, nhưng Chúa bảo chúng ta hãy tha thứ cho họ. Chuyện này hơi bất công quá, ngoại trừ sự kiện rằng Chúa cũng làm điều tương tự cho chúng ta khi Ngài bảo chúng ta làm vậy cho người khác. Ngài tha thứ chúng ta nhiều lần và vẫn cứ yêu thương chúng ta vô điều kiện.
Nếu tôi để thì giờ nhớ lại tất cả những lỗi lầm mà tôi đã phạm và tôi không chỉ cần Chúa tha thứ mà cũng cần người khác tha thứ thì tôi thấy mình được khích lệ để tha thứ. Nhà tôi rất là bao dung và thương xót tôi suốt những năm tháng mà tôi đang vất vả để được chữa lành khỏi những lạm dụng mà tôi gánh chịu hồi còn nhỏ. Tôi tin rằng “người bị tổn thương hay làm thương tổn người khác.” Tôi biết tôi đã làm tổn thương gia đình tôi và không thể xây dựng mối quan hệ lành mạnh được, nhưng rõ ràng là tôi không có chủ đích làm chuyện đó. Đây là hậu quả của sự đau đớn và sự ngu dốt của chính tôi. Tôi đã bị tổn thương, và lúc đó tôi chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thôi. Tôi bị tổn thương nên tôi cũng làm thương tổn người khác. Tôi thật sự cần sự thông cảm, sự góp ý đúng lúc và sự tha thứ dồi dào, và Chúa đã làm việc qua nhà tôi để giúp tôi những điều này. Bây giờ tôi cố nhớ lại là Chúa thường muốn làm việc qua tôi để làm điều tương tự cho người khác.Bạn có bao giờ cần sự tha thứ từ Chúa hay từ con người không? Tôi đoan chắc là bạn cần. Nhớ những lúc như thế thì nó sẽ giúp bạn tha thứ khi bạn cần thứ tha.