NHÌN MỌI SỰ KHÁC HẲN


“Phần đông thiên hạ có xu hướng nhìn sự vật một cách nông cạn, và họ ít khi chịu khó nhìn sâu vào bên trong bề mặt” Đó là ý kiến của Tiến sĩ Robert Selvendran một nhà nghiên cứu sinh hoá của thảo mộc người Sri-lan-ka. Trong nhiều năm, ông quan tâm đến vấn đề chuyển vị của các hoạt chất làm biến thế (nước và các chất dinh dưỡng) từ các rễ đến với các thành phần trên của cây trà, và gần đây hơn, là thành phần cấu tạo các vách tế bào từ các cơ quan của những loài cây cỏ ăn được.
Ông nói với chúng ta rằng công tác của ông chẳng những khiến ông càng quan tâm hơn đến các phần nằm trong không khí của thảo mộc – và chúng ta đều có thể nhìn thấy ngay – mà cả đến các cơ quan nằm dưới đất, và bình thường thì chúng ta không thấy được, nhưng vốn là những thành phần thiết yếu, chính thức của từng loại cây cỏ nói chung.
Ông giải thích thế nào, khi bị thách thức phải suy tư sâu nhiệm hơn về hai tôn giáo khác nhau, ông đã đi đến chỗ tin nhận Đức Chúa Trời ngay từ lần đầu tiên. Kể từ đó, ông đã nhìn vào thế giới và chính cuộc đời mình theo một cách thật mới mẻ và đầy đủ, trọn vẹn hơn.
Hiện nay, ông ví nhà sưu tầm nghiên cứu khoa học là một Cơ Đốc nhân tận hiến với một cội cây luôn luôn xanh tốt. Đâm rễ trong Chúa Cứu Thế đời sống vô hình “bên trong” của người ấy được nâng đỡ, cả khi gặp nghịch cảnh, nhờ được thông công với Đức Chúa Trời. Còn đời sống “bên ngoài” của người ấy – phần được các đồng nghiệp gia đình và bạn bè nhìn thấy, thì biểu lộ một hình thức và sinh lực do sự hợp nhất thuộc linh của người ấy với Đức Chúa Trời quyết định.
Tiến sĩ Robert Selvendran ra đời tại thị trấn Jaffna, Sri Lanka, và học cấp Tiểu và Trung học tại trường Trung học Jaffa, Vaddukoddai. Sau khi đổ Cử nhân Khoa học hạng Danh dự về Hoá học, với môn Toán học thuần lý là môn học phụ tại Đại học đường Sri Lanka tại Talawakelle với cương vị một phụ tá nghiên cứu trong ngành sinh hoá học. Ông được một học bổng đi nghiên cứu tại Đại học đường Cambridge, Anh quốc, và được thưởng bằng Tiến sĩ năm 1968. Luận án của ông bàn về “Sự biến thể của các thành phần phốt-pho trong lá cây dâu tây”. Nhờ công tác nghiên cứu thành công ấy, ông được giải Broogbank Fellowship of Cambridge University cho hai năm 1967 và 1968. Ông hiện công tác tại viện Nghiên cứu Thực phẩm Norwich Anh quốc với cương vị Trưởng ban Nhân viên Khoa học, và đã trở thành nhân vật có thẩm quyền hàng đầu tiên cấp bậc quốc tế về ngành sinh học thảo mộc, chuyên về ngành hoá học của các vách tế bào của loài thảo mộc có thể sử dụng làm lương thực thực phẩm. Ông đã cho đăng hơn bốn mươi tài liệu sưu tầm nghiên cứu trên nhiều tờ báo khoa học gồm các tờ Biochemical Journal; Carbohydrate Research; Annals of Botany, Chemistry, and Industry, và the Journal of the Sciene of Food and Agicalture. Ông cũng có đóng góp nhiều bài đăng trong các tạp chí cho các sách giáo khoa khoa học. Ông từng gia nhập nhiều cuộc hội thảo quốc tế về các Carbohydrate và sợi thực phẩm tại nhiều quốc gia Âu Châu, Australia, và New-Zealand, và từng thuyết giảng về các vách tế bào và sợi thực phẩm tại nhiều trường đại học Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, một trong những mối quan tâm lớn nhất của Tiến sĩ Selvendran, là mối liên hệ giữa khoa học với Cơ Đốc giáo. Ông lý luận rằng khoa học với Cơ Đốc giáo. Ông lý luận rằng khoa học thiết yếu phải là một hoạt động tôn giáo, có vai trò đặc biệt riêng của nó trong vấn đề giãi bày cõi thiên nhiên và chủ đích của Đức Chúa Trời.
Tôi là một người Sri Lanka. Mãi cho đến năm mười tám tuổi, tôi rất ít quan tâm đến Cơ Đốc giáo và Con Người của Chúa Cứu Thế, mặc dù sự kiện tôi được sinh ra trong một gia đình có danh nghĩa là theo truyền thống Cơ Đốc giáo. Ngay từ năm tôi lên khoảng tám tuổi, tôi đã biết đối với mẹ tôi thì Cơ Đốc giáo là điều có thật, nhưng dường như nó lại rất ít có ý nghĩa đối với cha tôi, lại còn kém hơn nữa đối với chị và các anh trai tôi.
Tôi là con út trong gia đình và lớn lên để trở thành dửng dưng đối với Cơ Đốc giáo. Thật vậy, tôi ghét đi nhóm lại thờ phượng trong nhà thờ, vì những cuộc họp ấy chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi cả, chúng luôn luôn khô khan, gây khó chịu cho tôi. Những buổi tối duy nhất tôi có mặt trong nhà thờ là những đêm mà các nhóm người trong Hội Thánh chuẩn bị cho ban hát nhân lễ Chúa Giáng sinh. Đến với những buổi hát lễ có vẻ thật vui. Chúng tôi được thưởng rất nhiều bánh kẹo khi đến nhà người ta! Nhưng ngoài cái biến cố hằng năm ấy, Cơ Đốc giáo có vẻ chỉ có rất ít điều hứa hẹn cho tôi.
Sở dĩ như thế, có lẽ một phần là vì hồi đó, tôi đang sinh sống trong một ngôi làng mà đa số dân chúng là người theo Ấn giáo và – theo điều tôi thấy thì – sinh hoạt của các Cơ Đốc nhân dường như cũng chẳng khác gì mấy với những người theo Ấn giáo kia. Do đó, tôi nghĩ rằng tôn giáo của một người thì không quan trọng – và phải theo các điều kiện của nơi chốn và thời kỳ mà người ấy được sinh ra rất nhiều. Mà chẳng có ai trong chúng ta lại có chút quyền gì để kiểm soát những việc như thế!
Tôi luôn luôn tránh những giờ cầu nguyện lúc sáng sớm trong trường học, vì chúng có vẻ rỗng tuếch và vô nghĩa. So sánh với việc ấy, tôi thấy sinh hoạt thể thao ngoài trời là cực kỳ hấp dẫn đáng tham gia. Tôi đã dành trọn vẹn số thì giờ rỗi rảnh của mình để chơi thể thao, bắn chim, hái trái dâu và các thứ trái cây khác – phần lớn là trong vườn của những người khác!
Năm tôi được khoảng mười bốn tuổi, tôi trở thành rất nghiêm túc lo học hành. Các môn khoa học khác nhau đã thật sự bắt phục tôi. Tôi đặc biệt quan tâm đến Hoá học, Vật lý học, và các môn Toán học thuần lý và ứng dụng. Chỉ trong một năm, tôi đã được điểm rất cao về các môn ấy và được giải nhất về tất cả các môn. Từ đó trở đi, theo đuổi kiến thức khoa học là điều tối quan trọng đối với tâm trí của tôi.
Tôi đã đỗ thật cao trong kỳ thi vào Đại học và được trực tiếp nhận vào Đại học đường Sri Lanka. Trong năm đầu tiên Đại học, tôi rất giỏi các môn khoa học, được một học bổng, và một bằng danh dự về Hoá học. Tôi thật sự phấn khởi, vì đã tự chứng minh được mình ở cấp bậc đại học. Khoa học dường như đang dành rất nhiều hứa hẹn cho các sinh viên xuất sắc đang muốn vươn lên, và tôi quyết định là sẽ đạt được tột đỉnh.
Ngược lại, tôn giáo nói chung và Cơ Đốc giáo nói riêng hầu như chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi.
Nhưng thái độ dửng dưng đối với Cơ Đốc giáo đó đã phải hoàn toàn thay đổi khi tôi trở về nhà nhân kỳ nghỉ lễ Chúa Giáng sinh. Một trong những bạn thân theo Ấn giáo của tôi bắt đầu nói chuyện với tôi về các đức hạnh của Ấn giáo. Anh ta thách thức tất cả các nền tảng của chính cái danh nghĩa Cơ Đốc nhân của tôi. Thật vậy, anh ta rõ ràng nói bóng gió rằng ông bà nội tôi đã sai lầm ở hai phương diện: họ đã sai lầm khi chối bỏ Ấn giáo của mình để sai lầm tin theo ngoại đạo chỉ vì các giáo sĩ và trường học của các giáo sĩ đã đề nghị “những món lợi nhỏ nhoi”. Anh ta đã nói xấu các Cơ Đốc nhân, Hội Thánh và các hoạt động của Hội Thánh. Anh bạn của tôi cho rằng tôi phải bỏ Cơ Đốc giáo của tôi, để theo Ấn giáo.
Tôi phải nói rằng theo những gì tôi được biết, thì anh bạn Ấn giáo của tôi có vẻ như hoàn toàn có lý. Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời sống, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về tôn giáo, nhất là về Cơ Đốc giáo. Tôi đã kết luận rằng mình phải tìm đến tận “cội rễ” của Cơ Đốc giáo. Tôi phải suy nghĩ cho thật thấu đáo về nó, cân nhắc các chứng cứ, để sau đó, sẽ đi đến một quyết định có vẻ hợp lý nhất.
Tôi nói cho anh bạn của tôi biết các ý định của mình, và anh ta có vẻ rất vui. Anh ta chẳng có chút nghi ngờ nào về các kết quả!
Tôi bắt đầu đọc Thánh Kinh, trước nhất là các sách Phúc Âm. Tôi nhờ một giáo sư mà tôi cho là một Cơ Đốc nhân tận hiến giúp đỡ. Ông ta giải thích cho tôi các hàm ý của sự giáng sinh, cuộc đời, sự chết và sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-xu – Đấng mà các Cơ Đốc nhân tin là Đức Chúa Trời đã mặc lấy hình hài thân xác con người. Ông ta giải nghĩa cho tôi về công tác của Đức Thánh Linh trong đời sống các Cơ Đốc nhân. Ông bảo với tôi rằng Chúa Cứu Thế yêu cả thế gian đến nỗi đã tự phó mạng sống mình để cứu chuộc mọi người như Thánh Kinh đã khẳng định. Ông lưu ý tôi về Gi 3:16 “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời”.
Các quan điểm về Chúa Cứu Thế và Đức Chúa Trời đó, cũng như công dụng của sự chết và sống lại của Chúa Cứu Thế đều là hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Vị giáo sư ấy tiếp tục bảo với tôi rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã yêu tôi và chịu chết thay cho các tội lỗi của tôi, để tôi có thể trở thành một con cái đích thực của Ngài, và được vui hưởng sự thông công với Ngài mãi mãi. Ông ta đặc biệt khích lệ tôi đọc Tân ước kinh.
Trong khi làm theo như thế, tôi cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ tôi. Sự việc dường như hết sức hợp lý là cho rằng nếu Thánh Kinh là quyển sách của Đức Chúa Trời, thì chắc chắn Ngài sẽ giúp tôi thông hiểu nó rõ ràng hơn. Và quả nhiên là Ngài đã làm như thế! Khi tôi cứ tiếp tục đọc, thì nhân vật Giê-xu của lịch sử bắt đầu trở thành sống thật cho tôi. Tôi nhớ thật rõ cái ngày mà tôi đã quỳ xuống để cầu xin Đức Chúa Trời chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với tôi, để tha tội cho tôi nhân danh Chúa Cứu Thế, và nhận tôi làm con cái Ngài.
Ngay sau khi tôi đọc lời cầu nguyện ấy (và thật lòng ước mong như thế), tôi cũng ý thức được rõ ràng tình yêu của Đức Chúa Trời, và quả thật là “các vảy cá” đã rơi khỏi đôi mắt của tôi.
Lúc ấy niềm vui tràn ngập lòng tôi thật phi thường. Trước đó, tôi chưa hề trải nghiệm điều gì giống như thế. Tôi biết chắc chắn rằng Đức Chúa Trời yêu tôi trong Chúa Cứu Thế, và đã nhận tôi làm con cái yêu dấu của Ngài. Từ đó trở đi, đọc Thánh Kinh trở thành một niềm vui thật sự cho tôi. Quả thật là tôi đã không thể bỏ quyển sách ấy xuống.
Khi kể lại giai đoạn ấy của đời sống mình, tôi nghĩ là nó chẳng khác gì sự phấn khởi khi có được những phát kiến khoa học. Phát kiến quan trọng đầu tiên của tôi là ở các cây trà. Và cây trà dường như đã trở thành khác hẳn đối với tôi sau khi tôi tìm thấy một số những điều bí mật của nó. Cũng thế, giờ đây Thánh Kinh dường như có một nhịp đập của chân lý và sự sống thật mới mẻ. Nhân vật trung tâm của nó, Chúa Giê-xu dường như đang phà một hơi thở sống vào cho tôi. Tôi không thể nào kể hết được cho mọi người về những gì Chúa Giê-xu đã và đang làm cho tôi. Chẳng còn có gì khác trên đời này còn có vẻ quan trọng nữa, ngoại trừ việc tôi phải phục vụ Ngài. Trong mọi việc tôi nói hay làm, Ngài phải đứng ở hàng đầu.
Có lẽ bạn ngạc nhiên muốn hỏi về người bạn theo Ấn giáo của tôi. Tôi nhớ là mình đã tìm lại anh ta và kể lại cho anh ta về khám phá của tôi, là tôi đã tự mình tìm được sự thật về Đức Chúa Trời và về thế gian này trong bộ Thánh Kinh. Tôi đã trở thành Cơ Đốc nhân vì những gì Chúa Cứu Thế đã làm cho tôi, và Ngài đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
Lẽ dĩ nhiên là anh bạn của tôi đã từ chối mọi điều đó, xem như chỉ là do óc tưởng tượng viễn vông của tôi mà thôi, cũng như phần đông những kẻ hoài nghi vẫn có xu hướng làm như thế. Nhưng tôi thì biết rằng từng trải đó của tôi là thật. Chúa Cứu Thế đã bước vào đời sống tôi. Ngài đã thay đổi cách nhìn mọi sự việc sự vật tôi. Bất chấp tôi vốn là người như thế nào, giờ đây tôi có một tình yêu thật sự đối với người khác. Tôi đã bắt đầu mong cho mọi người đều được điều tốt lành, và thành thật muốn cho nhiều người khác cũng có được mối thông công đầy tình yêu với Đức Chúa Trời và những người thuộc về Ngài. Cho đến nay, gần hai mươi lăm năm đã trải qua sau ngày tôi cầu xin Chúa Cứu Thế ngự vào đời sống mình, tôi vẫn chưa tìm thấy được một điều gì dù là rất xa xôi, lại có thể so sánh được với niềm vui của người được nhận biết Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, là Chúa và là Cứu Chúa tôi.
Sau khi cuộc cách mạng làm thay đổi nhân sinh quan của tôi ấy xảy ra, tôi đã tiếp tục hoàn tất các học vị về Hoá học của mình. Về sau, tôi đến Đại học đường Cambridge bên Anh quốc để lấy bằng Ph.D. về sinh hoá học của loài thảo mộc. Sau khi lấy bằng Tiến sĩ, tôi làm công tác nghiên cứu nhiều năm trên cây trà. Trong mười năm qua, việc nghiên cứu của tôi tập trung chủ yếu vào tính chất hoá học của các vách tế bào với loài cây cỏ có thể dùng làm lương thực thực phẩm căn cứ đặt tại Viện Nghiên Cứu Lương Thực Phẩm ở Norwich, Anh quốc.
Tôi nhận thấy việc sưu tầm nghiên cứu thật lý thú, nhiều đòi hỏi, kích thích, và đầy phấn khởi. Công tác nghiên cứu của tôi đã đưa tôi đến nhiều quốc gia để tham gia các buổi họp mặt khoa học, và tôi đã được nhiều điều bổ ích khi đến thăm nhiều phòng thí nghiệm khác.
Tôi có thể khoe khoang là mình đã thực hiện được nhiều phát kiến trong lãnh vực của mình, nhưng chẳng hề có khám phá nào, trong số đó có thể so sánh được với phát kiến quan trọng nhất mà tôi từng thực hiện được. Việc đó đã xảy ra vào tháng Mười Hai 1958, lúc tôi phát giác được rằng Chúa Cứu Thế quả thật là Cứu Chúa và là Đức Chúa Trời tôi – và chẳng những Ngài chỉ là Cứu Chúa tôi, mà còn là Cứu Chúa của cả thế gian nữa.