Học biết cách kiểm soát hay từ bỏ.
Ai là chủ cuộc đời bạn?
Một ông chủ khó tính, một người chồng hay đòi hỏi, hoặc một người thân
có quyền thế chăng? Bạn có đang là nạn nhân của một người thích chỉ huy
không? Hãy xem tình huống sau đây để thử bạn có nhận ra mình trong đó
không.
Donna
vừa biết được thế nào là sự khống chế một cách tế nhị. Đưa tay vuốt tóc
với vẻ bực tức, cô mô tả sự khống chế của mẹ đối với cô. Điều đó đang
có ảnh hưởng tai hại đến cuộc hôn nhân của cô vốn chỉ vừa mới được chín
tháng.
Ban
đầu Donna nói nhỏ nhẹ như thể cô sợ ai đó có thể nghe thấy. "Tôi không
biết phải làm gì với mẹ tôi. Tôi yêu mẹ tôi và muốn đối xử tốt với mẹ".
Sau rồi giọng cô lớn dần lên. "Nhưng tôi muốn bà dọn đi nơi khác hoặc để
yên cho tôi. Bà lúc nào cũng có mặt ở đó như là cái bóng của tôi vậy.
Khi tôi đi làm về, vừa bước vào cửa thì điện thoại reo. Bà muốn kiểm
soát tôi, hỏi tôi làm những gì trong ngày như thể tôi còn là một đứa trẻ
không bằng. Có khi bà kể về những điều xấu cha tôi đã làm trong ngày
khiến bà phật ý. Sau giờ ăn tối, bà ghé qua nhà, đang lúc vợ chồng tôi
sắp sửa nghỉ ngơi. Thậm chí bà còn gọi điện cho tôi trong giờ làm việc
để nói ba cái chuyện đâu đâu".
Cô
lớn giọng, lấy tay đấm vào không khí: "Cuộc đời tôi không thuộc về tôi.
Mẹ tôi can thiệp vào hôn nhân và việc làm của tôi. Tôi cảm thấy bà luôn
lảng vảng đâu đó, ngay cả trong phòng ngủ riêng tư của chúng tôi. Chúng
tôi thấy ngại khi sinh hoạt vợ chồng; luôn luôn có sự hiện diện vô hình
của mẹ tôi!"
Nước
mắt lưng tròng, Donna mô tả phản ứng của chồng cô: "Anh ấy nói tôi phải
cắt đứt sự ràng buộc và đề ra giới hạn cho mẹ tôi, nếu không thì phải
đến khuya anh ấy mới về nhà, hay không về luôn cũng không chừng. Thế
nhưng tôi không thể cắt đứt được. Tôi còn mang ơn bà. Bà đã chi tiền cho
đám cưới của chúng tôi từ khoản tiền tiết kiệm của bà và còn mượn tiền
để mua tặng tôi một chiếc xe làm quà mừng đám cưới. Bà cứ nói mãi với
tôi là bà rất ghét cha tôi. Tôi là đứa con duy nhất của bà, và nếu bà
không có tôi thì trên đời sẽ không có ai nữa!”
ĐẤU TRANH GIÀNH QUYỀN LỰC
Người
điều khiển là người có quyền trên bạn, và mẹ của Donna chính là một
người như thế. Bà lợi dụng lòng biết ơn một cách tế nhị để kiểm soát và
chế ngự con gái. Đây chính là một trong những cách tranh giành quyền lực
diễn ra thường xuyên quanh chúng ta và giữa vòng chúng ta.
Phần
lớn những cuộc tranh giành quyền lực đều mang tính chất ngấm ngầm và
nham hiểm, nhưng khi chúng ta còn nhỏ thì sự tranh giành đó dễ thấy hơn:
Đứa to con và hung hãn nhất thì có quyền chỉ huy bằng sức mạnh. Nếu
chúng ta muốn chơi với đứa mạnh đó thì phải chìu theo ý nó. Nhưng chúng
ta vốn không ưa gì điều đó, cũng như Donna đối với thái độ của bà mẹ
vậy.
Sau
bao nhiêu thử thách và sai lầm, chúng ta thường phát hiện ra những cách
thức không cần dùng sức mạnh mà vẫn đương cự hay hóa giải được sức
mạnh. Có thể chúng ta cũng biết được cách để giành lấy quyền lực về
mình. Chẳng hạn khi tặng cho đứa bạn gái to con và hung hãn một con búp
bê với màu sắc rực rỡ mà nó ưa thích, thì nó không còn bắt nạt chúng ta
mà lại còn chiều ý chúng ta nữa. Chúng ta học biết chơi trò chơi quyền
lực ngay từ thuở nhỏ. Trong chúng ta có người đã thắng được cuộc chơi,
đã trở thành tay sành sõi.
Nhưng
kinh nghiệm thương đau trước một người thủ lãnh nào đó luôn để lại dấu
ấn trong tình cảm chúng ta. Donna phải vật vã với nỗi lo sợ và bực bội
đối với người mẹ độc tài và cả nỗi lo sợ bị chồng bỏ rơi. Chỉ cần bước
thêm một bước nữa là rơi vào sự cay đắng. Khi chúng ta chịu đựng sự độc
tài của một người cầm đầu, có thể chúng ta cảm thấy mình vô dụng và sinh
nản lòng.
Thế
thì tại sao chúng ta lại chìu theo ý của người đó? Có nhiều lý do. Nếu
ai đó có khả năng làm hại chúng ta về thể chất, tiền bạc, hay tình cảm,
thì chúng ta vì sợ mà phải chìu theo những đòi hỏi của họ. Cũng có thể
vì lòng kính trọng mà chúng ta chấp nhận người khác có quyền trên chúng
ta. Hoặc cũng có thể là chúng ta tình nguyện làm theo yêu cầu của người
kia vì bị người kia thuyết phục.
Người
chủ công ty hay nhà cầm quyền chính là những người có uy tín và quyền
lực lớn. Chúng ta vâng theo và làm báo cáo cho họ để lãnh lương; chúng
ta đóng thuế để khỏi bị phạt hay bị mất uy tín.
Người
nắm quyền lực trong tay thì một là vì họ có đủ sức mạnh để buộc người
khác nghe theo, hai là vì họ được giao cho uy quyền một cách hợp pháp.
Có người chủ dùng lời thuyết phục và uy tín của mình để làm thay đổi cả
một cộng đồng.
Lắm
khi người lãnh đạo, cả nam lẫn nữ, đều quá chìm đắm trong quyền lực mà
thiếu sự quan tâm đối với cấp dưới. Các ông, bà chủ công ty thường hay
nhắm mắt bưng tai trước những lời kêu van của những người mà trước kia
họ đã từng yêu mến.
Tôi
nhớ có một bà trong thành phố chúng tôi. Bà vừa trở thành nạn nhân của
người chủ trong hiệp hội của bà. Là người làm việc tình nguyện, bà đã để
mắt tới vị trí cao nhất – chủ nhiệm quỹ lạc quyên ba ngày trong năm cho
một bệnh viện. Đó là một vị trí đáng mơ ước: Địa vị, uy tín, quyền lực.
Khi đó bà sẽ chỉ huy hàng trăm người tình nguyện khác. Suốt 15 năm bà
làm công việc lạc quyên này, tình nguyện làm cả những việc tẻ nhạt và
nhàm chán. Bà tiến từng bước từ năm này sang năm khác bước lên bậc thang
danh vọng.
Cuối
cùng bà đã sẵn sàng. Bà "xứng đáng" chức chủ nhiệm. Nhưng năm đó vị tân
chủ tịch của ban phụ nữ có chồng là một bác sĩ danh tiếng, đã phá lệ và
chỉ định một người bạn riêng của bà ta vào chức vụ chủ nhiệm. Mười lăm
năm khó nhọc của người nữ tình nguyện viên này đã hoài công vô ích.
Trong
trường hợp đó bạn sẽ làm gì? Chấp nhận nỗi thất vọng, hờn dỗi, chống
lại, hay lao vào trò chơi quyền lực, tìm một cách nham hiểm nào đó để
đánh bại bà chủ tịch phụ nữ?
Bạn
đi đâu làm gì thì cũng gặp người cấp trên, và có thể đôi khi bạn mơ có
một phép mầu nào đó để đánh đổ quyền lực của họ. Bạn mơ tưởng phải chi
người chủ của tôi bị đổi đi nơi khác, phải chi bà chủ tịch phụ nữ này bị
thay thế đi cho rồi. Khi ấp ủ những giấc mơ ấy, bạn được khích lệ dốc
sức đánh đổ nhân vật đầy quyền lực kia. Mục đích của bạn có thể chuyển
thành việc giành quyền lực cho riêng mình. Ý tưởng được làm người lãnh
đạo có thể ám ảnh bạn và bủa vây bạn trong một mạng lưới quyền lực đầy
kiêu ngạo.
NHỮNG CHIẾN THUẬT CỦA QUYỀN LỰC
Quyền
lực là một thứ gây nghiện. Vị thần quyền lực lôi cuốn mọi người không
phân biệt nam nữ bởi sự hứa hẹn giàu sang, uy tín và cảm giác tự hào.
Trong quyển Tôn giáo quyền lực, Cheryl Forbes leo dần lên đến đỉnh cao của khát vọng quyền lực.
Từ
ngày đầu tiên sáng thế, đàn ông cũng như đàn bà cũng đều đương đầu với
vấn đề quyền lực. Chính cái khát vọng muốn có quyền năng – như Đức Chúa
Trời – đã khiến Ađam và Eva bất tuân lệnh Chúa. Satan đã hiểu ngay từ
đầu tiếng gọi của quyền lực là lớn lao đến mức nào. Nó đã bị quăng khỏi
thiên đàng chỉ vì mong ước có quyền lực lớn hơn điều mình có…
Các
tổ phụ, quan xét, thầy tế lễ, vua chúa, tiên tri của Cựu ước và các sứ
đồ của Tân ước trong đó kể cả Phaolô đều là những con người bất toàn
luôn phải tranh chiến để khỏi trở thành nô lệ cho vị thần thứ cấp là
quyền lực, để được trở thành con cái của một Đấng lớn hơn, là Đức Chúa
Trời Quyền Năng.
Để
phục vụ cho vị thần thứ cấp này, con người chúng ta nam cũng như nữ đã
cố làm quá sức mình để mong giành lấy thành công. Họ có sẵn những phương
tiện. Giành lấy quyền lực là mục tiêu của nhiều sách vở, trong đó có
cuốn Làm thế nào để thành công trở thành một thói quen
của tác giả Mark R. Douglas. Douglas nói rằng quan trọng nhất phải có
thái độ tự đánh giá cao chính mình – nói trắng ra là xem mình giỏi hơn
người khác. Ăn mặc để gây ấn tượng với những người cần chinh phục, khẳng
định chính mình, và không bao giờ nói không, là một số những chiến thuật được kiến nghị. Những công cụ quyền lực có hiệu quả nhất được kể đến là sự gian dối và lợi dụng.
Khẩu
hiệu của kiểu giành giật quyền lực này là phô trương giả dối. Ai trong
chúng ta đã từng chú ý đến những bao bì mẫu mã hấp dẫn và những lời hứa
hẹn ngọt ngào, để rồi phát hiện món hàng chất lượng tồi và kết quả thì
đáng thất vọng?
Nịnh
hót, tức là nói những gì người khác muốn nghe, là một thủ thuật thông
dụng để giành lấy quyền lực. Có gì làm cho chúng ta mất cảnh giác cho
bằng những lời khen ngợi về vẻ đẹp bề ngoài hay trí thông minh của chúng
ta? Bạn còn nhớ kinh nghiệm lần trước đối với kẻ đã có mưu đồ dùng lời
ngon ngọt để moi ra từ bạn những thứ mà họ cần không? Có thể anh ta cần
tiền của bạn; có thể anh ta cần thân xác của bạn – hay cả hai cũng nên.
Nhiều thiếu nữ và đàn bà trẻ cô đơn khao khát tình yêu đã bị lừa gạt bởi
những lời đường mật của bọn sở khanh.
Một
người phụ nữ có cõi lòng tan nát đã kể lại trong nước mắt. "Anh ấy nói
yêu tôi và sẽ tôn trọng tôi nếu tôi hiến dâng cho anh ấy. Nhưng tôi đã
bị lạm dụng như một món đồ chơi rồi sau đó bị gạt bỏ để giành chỗ cho
một món đồ chơi mới. Bây giờ anh ấy không thèm nhìn mặt tôi, chẳng chút
quan tâm đến tôi hay đến đứa con sắp sinh của chúng tôi".
Những
mong ước tự nhiên không kềm chế có thể làm nẩy sinh một sự khao khát
quyền lực để thỏa mãn những mong ước đó. Các môn đồ của Chúa Giêxu ngày
xưa cũng không ngoại lệ. Khi Chúa Giêxu sắp phải chịu chết thì các bạn
thân nhất của Ngài lại bàn đến quyền lực và tranh cãi với nhau xem ai có
được nhiều quyền lực nhất. Dường như điều chính yếu mà họ quan tâm là
sẽ được lợi lộc gì khi cộng tác với Chúa Giêxu.
Đàn
ông thì dùng sức mạnh hay nịnh hót để đạt đến quyền lực, còn đàn bà thì
cũng có cách của mình. Một bé gái cũng biết làm nũng với cha bằng những
câu ngây thơ nhưng rất có sức mạnh. "Ba ơi, con yêu ba. Con ao ước được
ba mua con búp bê này cho con".
Phụ
nữ cũng có khả năng áp dụng chiến thuật tương tự đối với bạn trai,
chồng, hay người cạnh tranh với mình trên thị trường. Những thủ thuật
khêu gợi như cười duyên, kéo váy, ẹo gót chân, và bao nhiêu cách đá lông
nheo khác – là những trò mà phụ nữ hay dùng.
Ve
vãn trong khuôn khổ hôn nhân là điều cho phép: Đó là những dấu hiệu bật
đèn xanh của vợ đối với chồng, cho thấy cô ấy sẵn sàng cho chuyện chăn
gối. Tuy nhiên nếu khêu gợi chồng vì mục đích riêng – muốn thao túng
chồng trong lòng bàn tay – thì lại là một công cụ quyền lực của người
phụ nữ. Người phụ nữ nào dùng giới tính của mình để có được đặc quyền
hay những gì mình muốn thì người đó đã làm sai lẽ thật. Cô ta đã lạm
dụng nữ tính của mình vốn đã được tạo dựng một cách đặc biệt chỉ để có
được những lợi ích giả dối.
Phụ
nữ thường dùng nữ tính của mình để giành quyền lực trong nơi làm việc
cũng như trong khuê phòng. Màu sắc, kiểu mẫu, chất liệu vải của một
chiếc áo dài, áo cánh, váy, hay vớ cũng có thể thu hút sự chú ý và cho
phép cô ta tiếp cận với những người quyền thế. Người phụ nữ săn tìm
quyền lực có thể có hoặc không phạm tội tà dâm. Nhiều cô dùng sự mời mọc
giới tính một cách khôn khéo bằng lời hay bằng cử chỉ nhưng không hề có
ý định hiến thân, chỉ để lợi dụng các ông cho một mục đích nào đó mà
thôi.
Bạn
có nhớ chuyện Đalila đã lừa dối Samsôn thế nào để nhằm giành được những
tin tức quan trọng liên quan đến sức mạnh siêu nhiên của ông không?
Nhiều phụ nữ khác tương tự đã được mô tả trong Châm Ngôn. Họ lừa gạt đàn
ông nhằm mục đích riêng tư. Ch 7:21
viết: "Nàng dùng lắm lời quyến dụ hắn, làm hắn sa ngã vì lời dua nịnh
của môi miệng mình". Không phải chỉ đàn ông mới nói lời đường mật, đàn
bà cũng có thể có tham vọng ích kỷ không kém.
Một
số phụ nữ dùng nước mắt thay vì lời gợi tình để làm xiêu lòng nam giới
khi các bà muốn có một điều gì đó. Bạn có mau nước mắt không? Có khóc vì
lòng hay thương xót không? Nước mắt của bạn có phải là biểu hiện sự
quan tâm hay niềm vui vì người khác không? Hay nước mắt chỉ là công cụ
để giành quyền lực?
Tôi
nhớ có một cô gái sống ở tầng dưới ký túc xá trường tôi. Cô ta to con
với một khuôn mặt ngây thơ và đôi mắt to xanh biếc. Một buổi chiều khi
chúng tôi đến nhóm trong phòng cô ta để cầu nguyện, cô nói, "Các bạn
biết không, chắc mình bị rớt một môn, nhưng hôm nay mình nghĩ là đã
giành được cảm tình của giáo sư rồi. Mình tin chắc ông sẽ cho mình đủ
điểm đậu".
Cô
cười khúc khích một cái rồi nói, "Mình đã đến nói chuyện với giáo sư,
và để nước mắt chảy dài trên má rơi xuống cả bàn giáo sư nữa. Ông lật
đật rút khăn tay ra đưa cho mình. Ông nói sẽ xem lại bài của mình và coi
có thể làm gì được".
Có
nhiều cách giả dối để kiểm soát người khác. Bạn có bao giờ thấy một
người đàn bà có khả năng nhưng lại giả bộ đang tuyệt vọng để mong người
khác quan tâm đáp ứng nhu cầu của mình không? Bạn có gặp một người đàn
bà mượn cớ bệnh để được ưu ái không? Tôi từng thấy có một bà khách hàng
rất thông minh xảo quyệt đã giật dây ba nhân viên cửa hàng cùng một lúc.
Bà giả vờ tìm một món gì đó hay ra vẻ do dự trong quyết định của mình.
Các nhân viên kia chìu theo ý bà răm rắp. Họ tìm khắp các gian hàng và
cả phòng trong để kiếm món đồ đặc biệt mà bà yêu cầu, chỉ để làm vừa
lòng bà khách "tội nghiệp" kia.
Phụ
nữ trong nơi làm việc thì đấu tranh giành quyền lực theo kiểu khác và
có thể dùng những chiến thuật khác. Chúng ta từng thấy đàn bà tham vọng
và đàn ông ghen tỵ cùng tranh giành một địa vị đỉnh cao. Chúng ta có bao
giờ rơi vào tình trạng vì quá ao ước một địa vị nào đó đến nỗi chẳng từ
những phương pháp sai trái nào nhằm đạt được kết quả không?
NGUỒN GỐC QUYỀN LỰC ĐÍCH THỰC
Chúng
ta mỗi người đều sống dưới một quyền lực chính đáng nào đó ở trần gian –
một người chủ theo một nghĩa nào đó. Ngược lại mỗi người trong chúng ta
cũng đều có phạm vi ảnh hưởng của mình trong cương vị mà mình phụ
trách. Phạm vi đó có thể là gia đình bạn. Bạn có khả năng ảnh hưởng trên
mọi người trong gia đình – để làm nâng cao hay giảm sút giá trị của họ.
Gia đình bạn cũng là chiến trường quyền lực; trong đó bạn có thể mang
lại vẻ đẹp và thiết lập trật tự hoặc là để cho mọi sự rối tung lên. Có
thể bạn có ảnh hưởng trong nơi làm việc – ảnh hưởng bạn có thể dùng để
giúp chính mình cũng như người khác phát huy tiềm năng mà Đức Chúa Trời
đặt để trong mỗi người, hay ảnh hưởng bạn có thể dùng để phục vụ cho
những lợi ích vị kỷ của mình.
Một
số vùng ảnh hưởng đòi hỏi chúng ta phải phấn đấu giành lấy học vị hay
chức vụ. Bất luận chúng ta phấn đấu thế nào để mong ngoi lên trên bậc
thang quyền lực thì năng lực của chúng ta cũng chỉ có giới hạn thôi.
Không ai có được hết mọi sự. Không ai, ngoại trừ Đức Chúa Trời, là Đấng
có quyền lực tối cao. Biết được điều đó sẽ giúp cho chúng ta hành xử
quyền lực của mình một cách có trách nhiệm.
Nhà văn Alexander Solzhenitsyn đã nói:
“Quyền
lực là một chất độc mà mọi người đều biết đến trải qua mấy ngàn năm
nay. Phải chi đừng ai có quyền lực vật chất chế ngự trên người khác!
Nhưng đối với những người tin vào sức mạnh tể trị trên tất cả chúng ta,
và do đó ý thức được những giới hạn của chính mình, thì quyền lực không
nhất thiết là điều xấu xa. Tuy nhiên đối với những kẻ không biết gì đến
thế lực nào bên trên mình, thì quyền lực là một chất độc chết người. Đối
với họ, không có thuốc nào chữa khỏi”.
Một trong những lời cầu nguyện của vua Đavít cũng nói đến nguồn gốc đích thực của quyền lực mà Solzhenitsyn ám chỉ đến.
"Hỡi
Đức Giêhôva! sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi
đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc
về Ngài. Đức Giêhôva ôi! Nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa
tể của muôn vật. Hoặc sự giàu có, hoặc sự vinh quang, đều do Chúa mà
đến, và Chúa quản trị trên muôn vật; quyền năng và thế lực ở nơi tay
Chúa; tay Chúa khiến cho được tôn trọng và ban sức mạnh cho mọi người.
Bây giờ, Đức Chúa Trời chúng tôi ôi! Chúng tôi cảm tạ Chúa và ngợi khen
danh vinh hiển của Ngài" (ISu 29:11-13).
Tạo
vật bày tỏ quyền năng tối cao của Đức Chúa Trời; Ngài đã tạo dựng trời
và đất chỉ bằng lời phán. Sau đó Ngài tạo dựng người nam và người nữ đầu
tiên. Chúng ta chứng tỏ quyền năng sáng tạo của Đức Chúa Trời mỗi khi
chúng ta nhận lấy sự sống mới.
Cùng
với quyền năng mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ qua thiên nhiên, còn có quyền
năng bày tỏ qua sự phục sinh của Chúa Giêxu. Sứ đồ Phaolô thường nhắc
đến điều đó. "Phép tối thượng của năng lực mình… Ngài đã tỏ ra trong
Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại" (Eph 1:19-20).
Đức
Chúa Trời đang hành xử quyền năng Ngài một cách hoàn hảo. Ngài không
giống như những ông chủ của đời này có nhiều khiếm khuyết; Ngài không
bao giờ dùng quyền lực của Ngài để làm hại hay lợi dụng chúng ta. Quyền
năng Ngài luôn hướng về những mục đích tốt lành chớ không phải xấu xa (Gie 29:11 Ro 8:28), và cũng không hề có tính ích kỷ. Ngược lại, quyền năng đó hy sinh chính mình Ngài (Eph 5:25-33). Đức Chúa Trời là "ông chủ" hoàn hảo và do đó Ngài là gương mẫu trọn vẹn cho chúng ta khi thi hành quyền lực.
Bạn
có dây vào những cuộc tranh giành quyền lực không? Phải chăng bạn săn
tìm uy quyền vì khi có được thì bạn cảm thấy mình quan trọng? Tôi xin
khuyến khích bạn thực hiện bước đầu tiên để rời xa vị thần quyền lực.
Hãy hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời! Hãy xưng ra và đặt những thủ thuật
quyền lực ích kỷ của bạn dưới chân Ngài! Bạn sẽ tiến dần trên con đường
trở nên một người nữ quyền lực đích thực.
QUYỀN NĂNG THAY ĐỔI.
Khi
bạn trở thành con cái Đức Chúa Trời, cũng chính quyền lực đã tạo ra sự
sống và đã đưa Chúa Giêxu từ kẻ chết sống lại, sẽ ngự ở trong lòng bạn
qua thân vị của Đức Thánh Linh. Ngài là nguồn quyền lực cho phép bạn
sống một cuộc đời sung mãn và có kết quả cho Đức Chúa Trời. Tôi đã từng
thấy Ngài thay đổi nhiều đời sống – nhiều khi trong những trường hợp
thật là hi hữu.
Chẳng
hạn như Jamie. người Do Thái, cao, mảnh khảnh. Với mái tóc dài, thẳng,
và đen mượt, cô mặc chiếc váy đầm len màu xanh nước biển. Độc thân, hơn
hai mươi tuổi, với một đứa con trai bốn tuổi, cô nói chuyện rất nhanh
nhẩu, đôi mắt nâu long lanh, những ngón tay thon thả vẩy trong không
khí: "Em đã từng có một cuộc đời xấu xa ích kỷ, theo đuổi hạnh phúc
nhưng không bao giờ đạt được. Ngược lại, em còn dan díu ngày càng nhiều
với những con người và lối sống đáng tởm. Tối thứ tư vừa rồi, lần đầu
tiên em đã thấy hình ảnh xấu xa và cuộc sống nhơ nhớp của chính mình.
Bạn trai còn ngà ngà say của em vẫn đang nằm trên giường, không ngớt nói
những lời tục tỉu và nằng nặc đòi làm chuyện đó ngay trước mặt con trai
em. Em còn chưa say, nên ý thức rất rõ những gì đang diễn ra, và chính
em cũng không ngờ lúc đó em bảo anh ta mặc quần áo và cuốn xéo khỏi
phòng em. Anh ta tự ái, la lối chửi rủa, nhưng rồi cũng đi".
Gương
mặt trắng trẻo của cô đỏ ửng lên. Cô ngồi dựa lưng vào ghế và thở một
hơi dài. "Thật đáng tởm khi thấy cách bạn trai em xử sự – đối với con
trai em khi phải chứng kiến cảnh ấy thì thật là kinh khủng. Vậy mà đó là
cách sống của em từ khi lên 17 tuổi, mãi cho đến tối thứ tư vừa rồi em
mới thấy rõ sự bại hoại của mình. Em tuyệt vọng quì gối xuống bên giường
và kêu cầu: Chúa ơi,nếu Ngài có mặt ở đây, thì xin Ngài
giúp con. Con là đứa xấu xa thế đấy. Con căm ghét cuộc đời con. Xin Ngài
tha tội cho con. Xin Ngài chỉ cho con một con đường khác phải theo".
Cô
nói rất hăng say. Nhiều lần cô phải mỉm cười qua nước mắt. "Tối thứ tư
đó em ngủ rất ngon", cô nói nhỏ, rồi tiếp tục: "Đến sáng thứ năm, em
tỉnh dậy và cảm thấy mình thanh sạch. Em biết mình là một con người mới
dù lúc đó em chưa hiểu gì. Thật là kỳ diệu như thể thân thể em vừa được
chữa lành bệnh phung vậy. Em với tay lấy ra từ trong ngăn kéo bàn trang
điểm quyển Kinh Thánh mà một người bạn thời trung học đã tặng em nhiều
năm về trước. Em đọc sách Tin Lành Giăng từ đầu tới cuối. Khi đọc xong,
em tin chắc Chúa Giêxu là Đấng Mêsi, là Chúa Cứu Thế. Giây phút đó đối
với em thật là một bước ngoặc. Tim em đập rộn lên vì hồi hộp, và em muốn
kêu gào lên cho cả thế giới biết điều mà em cảm nhận được. Em nhấc máy
điện thoại, gọi cho mẹ em và nói, "Má, má đã từng dặn con đừng đọc Tân
Ước, và con chưa bao giờ đọc mãi cho đến sáng hôm nay. Nhưng má ơi, má phải đọc mới được. Má cần biết Chúa Giêxu là Đấng Mêsi.
“Mẹ
em trả lời, ‘Con giỡn mặt với ai chớ giỡn mặt má sao được! Đời sống của
con như thế mà còn lên giọng với má nữa sao?’ Và mẹ em gác máy. Em thấy
tiếc cho mẹ, nhưng niềm vui tràn ngập trong lòng đến nỗi em biết rằng
không gì có thể làm mất đi được.
"Tối
thứ sáu, bạn trai em quay trở lại, và em không thể chờ đợi hơn nữa,
liền nói cho anh nghe về những thay đổi của em và giữa chúng em cần phải
xem lại mối quan hệ. Nhưng anh ta chẳng quan tâm. Anh ta chửi mắng em
rồi bước ra khỏi cửa. Dầu vậy em vẫn không thấy buồn. Em không thấy
tuyệt vọng – không như trước kia em cần có anh ta. Niềm vui của em vẫn
còn.
"Ngày
thứ bảy, em soạn hết quần áo rồi mang đến nhà người chị. Em ngỏ ý với
chị là muốn đổi số quần áo này lấy một chiếc áo đầm. Quần áo của em
tượng trưng cho đời sống cũ. Em muốn để nó lại phía sau và mặc những
quần áo mới – để phản ảnh tấm lòng mới. Chị cho em chiếc áo đó, và em
mặc đi nhà thờ.
"Em
tìm trong trang vàng của cuốn niên giám để kiếm một nhà thờ nào gần, và
đã tìm thấy nhà thờ này. Em chỉ muốn nói cho các bạn biết tin mừng của
em. Em đã là một người vừa được đổi mới. Em muốn thấy những gì Đức Chúa
Trời có thể làm cho đời sống mình để có thể dạy lại cho con trai mình
biết sống theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Em hy vọng các bạn đây có người
sẽ hiểu em.
QUYỀN NĂNG ĐỂ YÊU.
Chúng
ta cũng từng như Jamie đã trải qua kinh nghiệm theo Chúa Giêxu, và
quyền năng của Đức Chúa Trời đã giúp chúng ta trưởng thành về mặt tình
cảm cũng như sức mạnh thuộc linh trong những lĩnh vực chúng ta đã bàn
đến ở trên:
Biết mình là ai.
Lớn lên và trưởng thành.
Kiểm soát nỗi lo lắng.
Xua tan cơn thất vọng.
Chế ngự lòng nóng giận.
Vượt qua cảm xúc nhất thời.
Bây
giờ chúng ta sẽ sang một lĩnh vực cuối cùng nữa: Phát xuất ra quyền
năng của Đức Chúa Trời. Bắt đầu là phải đầu phục sự kiểm soát của Ngài –
làm theo những gì Ngài truyền dạy trong Lời Ngài như một phần trong
cuộc sống theo Chúa của chúng ta. Khi chúng ta đọc hay nghe giảng Lời
Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh luôn thành tín, cáo trách về những việc
làm sai trái của chúng ta. Đôi lúc chúng ta bị cáo trách khi nghe làm
chứng hay nghe một bài giảng.
Mấy năm trước tôi có gặp một bà ở Newcastle, Anh quốc, có thể nói bà là một điển hình về người phụ nữ đầu phục
sự cáo trách của Đức Chúa Trời. Sau khi anh Dave giảng xong, bà bước
lên phía tòa giảng và nói, "Chị Burnham, tôi cần nói chuyện với chị". Bà
khóc rất nhiều nên rất khó nghe được tiếng nói của bà.
Tôi nói, "Mary, điều gì làm chị đau lòng vậy?"
Bà
trả lời, "Tôi lập gia đình được hai năm và tôi là người hay cằn nhằn.
Tôi cằn nhằn chồng tôi khi anh ấy muốn đi thăm bạn bè trong ngày thứ
bảy. Tôi tranh cãi và xin anh ở nhà giúp tôi làm những việc này nọ trong
căn hộ. Tôi nghĩ anh nên giúp tôi lau nhà và sửa chữa đồ đạc. Mà còn
nữa, mấy tháng trước tôi đã hứa với chị tôi là sẽ giữ hộ đứa cháu trai
hai tuổi sau giờ học của cháu cho đến giờ đi ngủ. Tôi làm thế trái với ý
muốn của chồng tôi, và sự cãi vã của chúng tôi càng tăng thêm. Chúng
tôi cãi nhau đến độ tôi không biết anh ấy có còn yêu tôi nữa hay không".
Bà
lại khóc sướt mướt, rồi tiếp: "Tối nay tôi mới nhận ra sự ích kỷ của
mình qua bài giảng của Mục sư. Tôi nhận ra cung cách hay áp đặt của
mình. Tôi cần Đức Chúa Trời giúp cho không cằn nhằn và nắm quyền trên
anh ấy nữa. Tôi cần phải bắt đầu yêu thương anh ấy".
Đêm
hôm đó, Mary đã quyết định ngưng sống một cuộc đời thất bại. Khi xưng
ra lỗi lầm của mình, bà đã kinh nghiệm được quyền năng yêu thương của
Đức Chúa Trời tràn ngập trong lòng mình. Bà nhận ra rằng khi đầu phục
Đức Chúa Trời thì quyền năng của Ngài được bày tỏ. Ngài giúp chúng ta
làm điều lành, hướng dẫn năng lực tình cảm của chúng ta, và đem đến cho
chúng ta sự hanh thông trọn vẹn.
Chúng
ta cần quyền năng biến đổi của Đức Chúa Trời ở đâu nhiều nhất nếu không
phải là trong mối quan hệ gần gũi ở gia đình? Mâu thuẫn nảy sinh là do
chúng ta có khuynh hướng dùng sức lực của mình vào việc kiểm soát những
người thân sống chung với mình. Nhưng điều chúng ta cần là nhận lấy
quyền năng của Đức Chúa Trời để yêu thương người thân của mình mới phải.
Thánh
Linh Đức Chúa Trời có thể làm thay đổi quan hệ của chúng ta với người
khác. Khi chúng ta đầu phục Đức Chúa Trời, như Mary, thì Đức Thánh Linh
sẽ ban cho chúng ta sự khao khát và sức mạnh từ bên trong để làm theo ý
muốn của Ngài. Chúng ta chỉ cần thực hiện theo là được. Kết quả là trái
thuộc linh (Ga 5:22-23) có thể nẩy nở trong đời sống gia đình chúng ta. Trái đó sẽ như thế nào?
Hiền lành là đối xử dịu dàng. Đó là một lời nói nhỏ nhẹ cho người đang chán chường. Đó là lời khích lệ cho người đang ngã lòng.
Nhịn nhục
là sự tận tụy quên mình, chăm lo cho con nhỏ. Đó là lắng nghe tiếng con
trẻ, vượt qua khỏi lời nói, đến tận đáy lòng của trẻ. Đó là luôn có mặt
khi người chồng cần đến mình nhất.
Vui mừng là chia sẻ sự quan tâm lẫn nhau.
Tiết độ là bình tĩnh khi có sự bất đồng.
Trung tín
là sự hiện diện nhiệt tình và cởi mở khi người thân cần đến chúng ta –
ngay cả trong những lúc người thân quay mặt đi khỏi chúng ta.
Người
thân của bạn trong gia đình có thể là mẹ già hay bố chồng. Có thể là
bạn có một đứa con khuyết tật hay một người chị em tật nguyền cùng sống
chung dưới một mái nhà với chồng con của bạn. Dường như mỗi mặt của trái
Thánh Linh được dành riêng để đáp ứng nhu cầu cụ thể của người phụ nữ
trong việc chăm sóc con cái và lo cho gia đình.
QUYỀN NĂNG PHỤC VỤ
Bạn
có nhận ra quyền năng của Đức Chúa Trời trong đời sống mình đang khi
làm những công việc thường nhật không? Bạn có nhận lấy linh lực của Ngài
để thay đổi thái độ từ chỉ trích châm biếm đến dịu dàng, quên mình, để
chăm sóc người khác không? Dù bạn làm gì đi nữa thì cũng nên làm vì
Chúa. Không có việc nào quá nhỏ mọn đến nỗi Ngài không xem là quan trọng
hay không quan tâm đến. Ngài muốn phân xuất quyền năng Ngài qua bạn để
giúp bạn làm đẹp lòng Ngài, dù bạn đang ở cương vị nào đi nữa.
Bước
đầu tiên là hãy tránh đừng chơi trò chơi quyền lực. Khi bạn lợi dụng
người khác vì mục đích ích kỷ của mình hay giật dây họ làm điều gì có
lợi cho mình thì bạn đã giành lấy quyền chỉ huy rồi. Bạn đã chen vào chỗ
của Đức Chúa Trời và giành lấy quyền chỉ huy của Ngài khi bạn nịnh hót
người khác hay giành công của người khác, để tôn cao mình lên. Sử dụng
phương tiện ích kỷ để đạt đến quyền lực, là làm hại đến công việc Chúa
và khiến cho bạn mất đi năng lực từ bên trong. Mỗi người chúng ta đều
cần có năng lực để làm trọn công việc trong lĩnh vực của mình, nhưng
phải là quản lý giỏi trong lĩnh vực đó, dùng quyền lực đó một cách đúng
đắn vì lợi ích của người lãnh đạo hay phục vụ.
Ai
cũng có ân tứ. Có thể bạn có một kỹ năng nào đó trong hội họa hay âm
nhạc. Có thể bạn có trực giác rất nhạy hay có khả năng giải thích và
giảng dạy. Có thể bạn giỏi trong việc tổ chức và lãnh đạo. Có thể bạn có
năng khiếu sáng tạo. Hoặc có thể bạn có khả năng đưa ra một lời ân hậu
để khích lệ và an ủi những người đang đau khổ.
Đức
Chúa Trời tạo ra mỗi người với những kỹ năng, ân tứ khác nhau và rất đa
dạng. Khi sự đa dạng này được đưa vào cùng một thân thể Đấng Christ thì
sẽ đạt được sự thăng bằng (ICo 12:1-31 và Eph 4:1-32). Khả năng của mỗi người vạch ra chức năng công việc của người đó trong thế gian và trong thân thể của Đấng Christ (IICo 10:13).
Đức Thánh Linh thêm sức cho bạn làm trọn điều đó. Ngài sẽ giúp bạn sử
dụng ân tứ của mình để chăm sóc và yêu thương, chớ không phải để áp đặt
người khác. Một khi bạn đã nhận ra chức vụ cụ thể của mình, thì hãy xin
Đức Chúa Trời ban cho bạn có cơ hội để thi hành.
QUYỀN NĂNG ĐỂ LÀM CHỨNG
Có
một công việc Đức Chúa Trời ban cho mỗi người làm môn đồ của Ngài.
Chúng ta được truyền dạy phải chia sẻ sứ điệp về chương trình của Đức
Chúa Trời cho cả nhân loại. Chúa Giêxu đã phán, "Vậy hãy đi môn đồ hóa
muôn dân" (Mat 28:19). Trước khi trở về trời, Chúa Giêxu đã hứa sẽ ban Đức Thánh Linh để giúp cho chúng ta có thể làm chứng về Ngài (Cong 1:8).
Bạn
có sợ khi phải nói cho người khác biết rằng Đấng Christ đã chết vì họ
không? Nếu bạn ngại thì xin nhớ lại câu nói của Phaolô: "Bởi vì lời
giảng về thập tự giá thì những người hư mất cho là điên dại; song về
phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa
Trời" (ICo 1:18).
Khi chúng ta chia sẻ Lẽ thật bất chấp sự sợ hãi, chúng ta sẽ được phần
thưởng là sự bình an trong lòng vì chúng ta đã tôn cao Đức Chúa Trời và
có lẽ đã giúp được ai đó bước vào sự tương giao với Đấng Christ.
Tôi
còn nhớ có lần tôi thấy rất sợ đi làm chứng. Tôi dự một buổi họp mặt ở
một khu riêng biệt trong thành phố cùng với sáu tình nguyện viên khác
của bệnh viện. Trước thời điểm đó thì mọi người đều tiếp nhận tôi.
Chúng
tôi ngồi trong những chiếc ghế nệm êm ái sau bữa ăn trưa và nói chuyện,
ngờ đâu câu chuyện lại xoay sang đề tài "sanh lại". Thời đó người ta
hay nhạo báng câu nói đó, nhưng tôi được thúc giục phải giải thích ý
nghĩa của nó theo Kinh Thánh và chia sẻ với họ qua kinh nghiệm của tôi
thế nào là được tái sanh bởi Thánh Linh Đức Chúa Trời. Cả sáu người bọn
họ đều ngạc nhiên và tò mò.
Một
bà tử tế nhất cố gắng bênh vực cho tôi. Bà nói, "Tôi nghĩ đều chị muốn
nói là chị được tái sanh với một cách nhìn tươi mới, giống như sau khi
khỏi bệnh người ta mới nhận ra nét đẹp của một đóa hoa". Tôi bắt đầu cảm
thấy rất nóng mặt và khó chịu, nhưng tôi vẫn nói, "Không, còn hơn thế
nữa kia. Được sinh lại là được trở nên mới từ bên trong nhờ đức tin nơi
Đấng Christ".
Và
một người có vai vế nhất trong nhóm nói: "Ồ chị Sue, hôm nay chị làm
trò cười cho thiên hạ rồi đấy". Có ai đó khều chân của bà ta để trên ghế
sofa, nhưng lúc đó bà ta thay đổi tư thế, đặt chân xuống đất, vươn mình
tới nhìn thẳng vào mặt tôi. Bà ta nói với giọng nhạo báng: "Tôi không
tin là chị có thể suy nghĩ như thế".
Bầu
không khí lạnh băng, và không lâu sau đó tôi xin cáo biệt. Khi lái xe
về nhà, ban đầu tôi cảm thấy cô đơn và rất nản lòng. Nhưng khi lái xe về
đến nhà, tôi có một cảm giác ấm áp về sự hiện diện của Đức Chúa Trời và
một niềm an ủi sâu kín trong lòng. Đó là kết quả của sự đầu phục ý chỉ
của Đức Chúa Trời.
Khi
làm chứng về Chúa cho người khác, chúng ta luôn nhờ cậy vào quyền năng
cáo trách tội lỗi của Đức Thánh Linh để trình bày quan điểm của Đức Chúa
Trời về tội lỗi cho người ta nghe. Ngài sẽ chỉ cho họ thấy họ cần có
một Cứu Chúa. Tôi phải nhờ cậy Đức Thánh Linh để cáo trách bạn bè tôi
như Ngài đã cáo trách dân sự trong ngày lễ Ngũ Tuần khi Phierơ rao giảng
và ba ngàn người hưởng ứng sứ điệp của ông (Cong 2:41).
Dĩ nhiên sẽ có người không chịu nghe lời cáo trách của Đức Thánh Linh.
Hoặc là họ xem thường sự thúc giục của Ngài, hoặc họ không muốn vâng
theo.
Charles Colson, người từng là cố vấn đặc biệt cho tổng thống Nixon, bị sa thải trong vụ Watergate. Trong quyển Yêu Thương Đức Chúa Trời, ông đã mô tả tâm trạng khó quên mà ông đã trải qua khi nghe nói về sự tin Chúa của một người bạn:
“Đêm
đó sau khi từ giã bạn tôi và ngồi một mình trong xe, tội lỗi của tôi –
không chỉ Watergate, mà là sự xấu xa trong tôi – hiện ra ngay trước mắt
tôi bởi sự cáo trách của Đức Thánh Linh một cách mạnh mẽ và đau đớn. Lần
đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình ô uế, nhưng tôi không thể trốn
chạy. Tôi bất lực như tên trộm bị đóng đinh trên cây thập tự ngày ấy, và
những gì tôi nhìn thấy trong lòng tôi thật là xấu xa đến nỗi tôi chỉ
còn biết kêu cầu Đức Chúa Trời giúp đỡ tôi”.
Colson đã mất địa vị quyền lực, nhưng ông tìm được Đấng cội nguồn của quyền lực.
QUYỀN NĂNG ĐỂ VÂNG LỜI
Khi
chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời và nhờ cậy sự giúp đỡ của Ngài – dù khi
người khác gọi chúng ta là ngu dại – thì quyền năng của Ngài sẽ được
bày tỏ. Có thể đó là quyền năng bắt phục tội lỗi, quyền năng thêm sức
khi chúng ta yếu đuối, hay quyền năng dẫn dắt khi chúng ta tìm kiếm lời
giải đáp. Nhưng dù trong trường hợp nào thì quyền năng đó cũng làm trọn ý
định của Đức Chúa Trời.
Tôi
nhớ một lần trong đời tôi đã học được bài học đó. Chức vụ học Kinh
Thánh ở hội thánh miền Trung Tây của chúng tôi khởi đầu có khó khăn,
nhưng thay vì chìu theo cảm xúc của mình, tôi vẫn tiến lên nhờ cậy Đức
Chúa Trời.
Một
ngày tháng Giêng lạnh giá, một bà đã gọi điện cho tôi để hỏi xem tôi có
muốn dạy bà và người bạn chưa tin Chúa của bà học Kinh Thánh không. Tôi
chưa bao giờ hướng dẫn học Kinh Thánh cả, nhưng tôi vẫn nói, "Vâng, tôi
chắc sẽ làm được điều đó".
Tôi
chẳng biết tí gì về phương pháp học Kinh Thánh. Thế là tôi soạn sẵn
mười trang ghi chép và tính chia sẻ với họ tất cả những gì tôi đã viết
ra. Ngày thứ tư sau đó, tôi đưa đứa con trai Jonathan bốn tuổi đến nhà
trẻ và lái xe mười dặm trên đường đóng băng để đến nhà người đàn bà kia.
Tôi trải giấy má của tôi ra bàn ở nhà bếp. Nhưng rốt cuộc tôi chẳng dạy
gì được bao nhiêu. Trẻ nhỏ chơi đùa dưới chân chúng tôi, điện thoại
reo, và đủ mọi thứ cản trở khác kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ.
Tôi
nản lòng khi nhìn đồng hồ. Đến giờ phải đi rồi. Tôi phải đi đón
Jonathan. Khi tôi về đến nhà, con gái của tôi nằm khóc trên ghế sofa bởi
một sự cố xảy ra ở trường lúc chiều. Và câu Tại sao lại hôm nay? thoáng qua trong trí tôi.
Sau
khi nghe con tôi kể lại và an ủi nó, tôi dẫn nó đi cửa hàng tạp hóa
trước bữa ăn tối. Ở cửa hàng, một người láng giềng nhìn thấy tôi và kêu
lên, "Con chó nhà chị chạy rong trong vườn nhà chúng tôi hồi chiều nay,
chúng tôi không thích thế đâu nhé!" Giọng nói hằn học của chị ta làm tất
cả khách hàng đều nghe thấy. Tôi bứt rứt tự nghĩ, "Sao con chó con lại
xổng nhỉ?" Và tôi lại tự hỏi, Tại sao lại hôm nay chứ?
Tôi thấy lúng túng, bực mình, và nản chí. Khi sửa soạn bữa tối, tôi vừa làm vừa nói với chính mình và với Đức Chúa Trời, Sue, sao ngươi lo cái chuyện học đó làm gì? Và "Chúa ôi, ý Chúa như thế nào? Ngài có muốn con cố gắng hướng dẫn học Kinh Thánh như vậy không?"
Khi
tôi rửa chén sau bữa ăn, tôi nghĩ miên man đến cách giải quyết từng sự
kiện xảy ra trong ngày. Tôi soạn ra một kế hoạch mời hai bà kia đến nhà,
để tôi có thể vừa trông các con, Jonathan, và cả con chó nữa.
Càng
suy nghĩ, tôi càng tin rằng sẽ tìm được một cách hữu hiệu để áp dụng
cho buổi học Kinh Thánh. Quyền năng bình an của Đức Chúa Trời tràn ngập
lòng tôi. Sự chán nản tan biến. Tôi để cho Đức Chúa Trời giải quyết các
sự cố của buổi chiều không may đó, và lớp học Kinh Thánh lại bắt đầu.
Việc tôi nhờ cậy Đức Chúa Trời đã làm cho quyền năng Thánh Linh Ngài
được bày tỏ.
Tôi
tìm được sức mạnh và sự dẫn dắt để thử lại một lần nữa. Buổi học Kinh
Thánh tiến triển tốt. Điều đó xảy ra nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời
làm việc qua đời sống chúng ta – những người phụ nữ biết đầu phục Ngài
và nhờ cậy Ngài. Chúng ta đã thấy Lẽ thật Kinh Thánh trong câu "Đức Chúa
Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô
cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng" (Eph 3:20).
Bạn
có muốn làm một người phụ nữ quyền lực thật sự không? Bạn có thể làm
được điều đó – nhờ Đấng Christ, là nguồn quyền lực đích thực.
Sau đây là lời cầu nguyện của tôi cho bạn:
Lạy
Cha trên trời, con cầu xin Ngài bởi sự giàu có vinh hiển Ngài, bằng
quyền lực của Thánh Linh Ngài, xin làm vững lòng người chị em đang đọc
bài này, để Đấng Christ có thể ngự trong lòng chị qua đức tin. Và con
cũng cầu nguyện để chị được châm rễ vững bền trong tình yêu thương, được
nhận quyền năng, cùng với các thánh đồ, để hiểu thấu chiều rộng, chiều
dài, chiều cao, và chiều sâu của tình yêu thương Đấng Christ, và để biết
tình yêu ấy vượt quá mọi sự hiểu biết- hầu cho chị được đầy dẫy trọn
vẹn bản tánh của Đức Chúa Trời" (theo 3:16-19).
Bạn
dùng quyền lực như thế nào? Một cách ích kỷ chăng? Hay với tình yêu
thương? Sau đây là bản trắc nghiệm sẽ giúp bạn đánh giá các yếu tố quyền
lực trong đời sống mình. Bạn nên xem lại danh sách này vài tuần một lần
để kiểm tra xem cơ chế quyền lực của bạn tiến triển như thế nào. Hãy tự
đặt câu hỏi:
Bảng trắc nghiệm.
1. Tôi có cố gắng kiểm soát người khác bằng một trong những chiến thuật gian dối sau đây không?
Có Không
Nịnh bợ
Mua chuộc M
Ve vãn V
2. Tôi cần quyền năng của Đức Thánh Linh hành động trong đời sống tôi như thế nào?
Hàn gắn quan hệ.
Hướng dẫn tôi.
An ủi tôi.
Cáo trách và kéo một người thân yêu đến với Đấng Christ.
Lý do khác: ……………………………………………………………………
3. Điều gì đang ngăn trở quyền năng của Đức Thánh Linh trong đời sống tôi?
Đầu phục tội lỗi.
Tự kiểm soát đời mình thay vì nhờ cậy Đức Chúa Trời.
ờ Kiểm soát người khác vì mục đích ích kỷ hay bằng phương pháp gian dối.
Làm buồn lòng Đức Thánh Linh (4:30).