Khôn Theo Chiều Đứng Để Sống Theo Chiều Ngang

Châm ngôn 1:1-9  Châm ngôn của Sa-lô-môn, con trai Đa-vít, vua Y-sơ-ra-ên: 2Để học biết sự khôn ngoan và lời khuyên dạy, Để hiểu rõ những lời thông sáng, 3Để nhận lãnh lời khuyên dạy sáng suốt, Để sống ngay thẳng, công minh và chính trực; 4Giúp cho người đơn sơ trở nên khôn khéo, Người trẻ tuổi thêm tri thức và thận trọng. 5Người khôn ngoan sẽ nghe và tăng thêm kiến thức, Người hiểu biết sẽ tìm được lời hướng dẫn, 6Để hiểu biết châm ngôn, ẩn dụ, Lời nói của người khôn ngoan và câu đố bí ẩn của họ. 7Kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu tri thức, Còn kẻ ngu muội xem thường sự khôn ngoan và lời khuyên dạy. 8Hỡi con ta, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, Đừng từ bỏ khuôn phép của mẹ con; 9Vì những lời ấy sẽ như một vòng hoa xinh đẹp trên đầu con, Như dây chuyền trang sức cho cổ của con.
Chúng ta hãy mở ra trong sách Châm ngôn đoạn 1. Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu một loạt đề tài mới trong sách này. Chúng ta sẽ xem từ câu 1 đến câu 9, phân đoạn này liên hệ đến bốn lãnh vực chính trong cuộc sống.
Không nghi ngờ gì cả, đây là cuốn sách duy nhất và thực tiển nhất trong tất cả mọi sách trong Kinh Thánh. Có người nói rằng Thi-thiên là sách bảo cho chúng ta biết được làm thế nào để giao thông cùng Đức Chúa Trời, giúp chúng ta biết sống trong đời sống tin kính và hiến dâng. Sách Châm ngôn thì bảo cho ta biết cách làm thế nào để giao hảo với con người, giúp chúng ta trong đời sống thực tế. Nếu như quý vị có những mối xung đột với tha nhân đang lớn dần lên theo thời gian, thì từ trong sách Châm ngôn này, quý vị sẽ có được những cơ hội tìm ra những nhận thức sâu sắc về các biện pháp thuộc phía mình cần thiết để giải quyết nan đề, về những gì có thể giúp đỡ được cho người khác, cùng các mục tiêu khác nữa nhằm giải quyết cho sự xung đột ấy!
Trước hết, chúng ta thấy rằng sách Châm ngôn có tên gọi được rút ra từ trong câu thứ nhất đoạn thứ nhất.
Châm ngôn của Sa-lô-môn, con trai Đa-vít, Vua Y-sơ-ra-ên:
Tôi không biết vì nguyên do nào đó không rõ, có một số học giả Kinh Thánh gặp phải khó khăn trong việc không biết ai là tác giả của sách Châm ngôn. Điều này dường như rất là đơn giản! Tên tác giả của nó nằm ở ngay trong câu 1 đấy thôi! Đó là Sa-lô-môn, con vua Đa-vít, là Vua của Y-sơ-ra-ên! Điều đó thậm chí càng làm cho việc tìm hiểu cách chính xác về tiểu sử của cá nhân này càng được thu hẹp hơn. Sa-lô-môn là vị vua thứ ba, là một trong ba vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử của dân tộc Y-sơ-ra-ên.
Bây giờ chúng ta hãy giải thích về từ: Châm ngôn, là đề tựa của sách. Từ này có nghĩa là: “Tượng trưng cho một điều gì đó.” Nó nói đến một ý tưởng so sánh, một điều gì đó giống với một điều khác. Nó chuyển đạt một tư tưởng tương tự. Đó là ý nghĩa của từ Hê-bê-rơ nguyên thủy được dịch là “châm ngôn.” Trong La-tinh là Pro verba hay vertum, mà chúng ta trích ra từ bản Vulgate. Prova có nghĩa là “dành cho” hay “thay thế cho,” còn verba có nghĩa là “các lời.” “Điều gì đó dùng để thay thế cho những lời nói.” Và chúng ta biết đó đúng là sự thật khi đọc sách Châm ngôn.
Sách Châm ngôn chứa đầy những lời nói thông thái và thẳng thắn được trình bày một cách ngắn gọn, nhưng được dùng để điều chỉnh đời sống của một con người tin kính. Sách Châm ngôn chứa đựng lời khuyên thánh thiện từ thiên thượng. Thế cho nên, nếu được tóm gọn trong một định nghĩa thì tôi có thể nói rằng, từ ỏChâm ngônõ có nghĩa là: “Một câu nói tóm tắt được nêu ra để điều chỉnh một con người tin kính!” Một người nào đó đã nó rất đúng rằng sách Châm ngôn chứa đầy những câu nói ngắn gọn, được rút ra từ những kinh nghiệm rất lâu dài!
Trong Sách này, không những chứa đựng những lời nói của Sa-lô-môn, mà còn có những lời nói của nhiều người khác nữa! Danh tánh những người này không được tiết lộ cho chúng ta. Có lẽ có đến hàng tá người hay nhiều hơn thế nữa, có liên quan vào trong tiến trình biên tập này! Tuy nhiên Sách Châm ngôn chứa đầy những câu nói thông đạt thứ chân lý mạnh mẻ và đặc biệt mà nó được khuếch đại để trở cả nên một bộ sách, chứ không phải chỉ một câu đơn giản.
Từ câu thứ nhất chúng ta đã đề cập khá nhiều về tên gọi của Sách này! Nội dung của Sách cũng lại rất quan trọng đối với chúng ta! Sách Châm ngôn chứa đựng nhiều lời trình bày sâu nhiệm ở bên trong, nhưng lại có vỏ bọc ở bên ngoài. Thường thì chúng ta thấy sách Châm ngôn chứa đựng những câu thơ mà chúng ta gọi là ỏsong đối thi,õ hay từng cặp hai câu thơ đối với nhau! Trong giây lát đây chúng ta sẽ thấy được cấu trúc đó. Những câu ỏsong đối thiõ chẳng hạn như,
Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận; Còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm. (15:1)
Hoặc
Sự kiêu ngạo chỉ sanh ra điều cãi lộn; Còn sự khôn ngoan ở với người chịu lời khuyên dạy. (13:10)
Đó là một song đối thi. Và những câu thơ như vậy đầy dẫy trong sách này, đặc biệt kể từ đoạn 10 trở đi.
Tôi tìm thấy trong sách Châm ngôn có ba loại song đối thi như vậy. Do đó tôi xin được minh họa tất cả ba loại câu thơ này trong Sách ấy.
(1) Trước tiên, có những cặp câu thơ tương phản. Xin hãy xem đoạn 13 câu 1. Những cặp câu thơ tương phản. Những câu thơ này được viết thành hai phần, và mỗi phần của chúng lại khác biệt với nhau. Chúng ở trong sự tương phản. Thường thường chúng liên kết với nhau bằng chữ “Nhưng,” hay chữ “Song.”
Con khôn ngoan nghe sự khuyên dạy của cha; Song (tương phản với điều đó) kẻ nhạo báng không khứng nghe lời quở trách.
Quý vị thấy một kẻ hay nhạo báng và quý vị muốn quở trách hắn, nhưng rồi quý vị thấy rằng điều ấy giống như việc nói với một bức tường gạch trơ trơ. Hắn không chịu lắng nghe lời quở trách ấy! Cần phải có một tinh thần chấp nhận sự dạy dỗ, để đáp lại theo đường lối đúng đắn đối với lời quở trách ấy. Tuy nhiên, câu châm ngôn lại cho thấy rằng: “Con khôn ngoan nghe sự khuyên dạy của cha.”
Chúng ta xem thêm đoạn 13:18 ngay phía dưới của trang Kinh Thánh này.
Ai chối sự khuyên dạy sẽ bị nghèo khổ và sỉ nhục; Nhưng kẻ nào nhận tiếp lời quở trách sẽ được tôn trọng.
Đây là những tư tưởng tương phản để cho thấy tất cả hai mặt của một vấn đề. Cả hai mặt đều được xem xét và suy nghĩ đến. Khi quý vị đọc đến sách Châm ngôn, quý vị nên suy nghĩ về mặt tích cực, suy gẫm về nó, và ôn lại nó trong tâm trí của mình, tưởng tượng ra nó, nhân cách hóa nó, rồi quay ngay trở lại và thực hiện ngay chính điều được nói trong phần sau của câu châm ngôn ấy. Sự tương phản được nêu ra để minh họa lẽ thật trong tư tưởng của tác giả bằng chính ý tưởng tương phản ấy.
(2) Tiếp theo chúng ta nói đến những song đối thi bổ sung. Những câu thơ này nhằm bổ túc ý nghĩa cho những câu thơ khác. Xin chúng ta hãy mở đến với đoạn 14 câu 10. Thông thường thì câu thơ bổ sung có từ “và” hoặc “thế nên.”
Lòng nhìn biết sự cay đắng của lòng; Một người ngoại không chia vui với nó được.
Dầu trong lúc cười cợt lòng vẫn buồn thảm; Và cuối cùng sự vui, ấy là điều sầu não.
Ông Jerry Levis có một câu khẩu hiệu mà ông luôn treo tại mỗi phòng tắm. Câu khẩu hiệu ấy là: “Có ba sự kiện thực tế: đó là Đức Chúa Trời, sự ngu xuẩn của loài người (tội lỗi), và tiếng cười. Vì hai điều đầu vượt quá sự nhận thức của chúng ta, nên chúng ta hãy làm bất cứ điều gì có thể được đối với sự kiện thứ ba!” Mỗi nhớ đến câu này là tôi nhớ lại Ch 14:13. Thậm chí trong tiếng cười của một diễn viên hài, thậm chí trong niềm vui nông cạn và trống vắng đó, vẫn có một nổi sầu muộn và đau đớn ẩn chứa ở bên trong.
(3) Bây giờ chúng ta hãy xem đến đoạn 16 câu 3 - một trong những câu Châm ngôn được ưa chuộng nhất. Đó là một song đối thi bổ sung cho nhau. Ch 16:3,
Hãy phó các việc mình cho Đức Giê-hô-va, Thì những mưu ý mình sẽ được thành công.
Khi tôi đưa ra tư tưởng này cho quý vị, tôi muốn nói thêm rằng tôi có một ý kiến nhằm giúp cho quý vị làm ra một cuốn sổ tay ghi chép, để dùng cho sự áp dụng và soi rọi riêng tư cho mỗi người chúng ta. Thích hợp hơn, đó không nên là một cuốn sổ có gáy đóng bằng ghim xoắn ốc, mà phải là cuốn sổ mở và các trang giấy của nó có thể gắn thêm vào hay tháo ra cách dễ dàng, tức là cuốn sổ tay nhỏ mà các tờ giấy của nó có thể tháo rời ra được. Và với cuốn sổ tay này, cho dù bất kỳ kích cở nào mà quý vị chọn, thì cũng chỉ nên bằng với kích cở của cuốn Kinh Thánh của quý vị mà thôi. Quý vị có thể bắt đầu với sự nghiên cứu riêng tư của quý vị về sách Châm ngôn, bằng cách tìm và chép ra những câu châm ngôn tương phản mà chúng đáp ứng được cho nhu cầu nào đó về các từng trải trong cuộc sống của mình. Mỗi một bậc vĩ nhân mà tôi từng đọc biết về cuộc sống Cơ-đốc-nhân của họ, dường như đều có giữ riêng một cuốn sổ nhật ký châm ngôn. Thế thì quý vị cũng nên có một cuốn sổ nhật ký châm ngôn, hay một cuốn sổ tay nhằm để soi rọi riêng tư cho cuộc đời mình! Và rồi quý vị sẽ khám phá ra rằng, khi trải qua nhiều thời gian nghiên cứu sách Châm ngôn, thì sẽ tìm thấy được nhiều câu nêu lên tôn chỉ cho đời sống đầy súc tích mà chúng có thể chỉ ra được nhu cầu trực tiếp trong tấm lòng quý vị vào lúc nào đó trong ngày, hay ngay chính trong giây phút mà quý vị đang đọc chúng!
Đây là một tư tưởng nói đến ý nghĩa bổ sung: “Hãy phó thác việc mình cho Đức Giê-hô-va, thì những mưu ý của mình sẽ được thành tựu.” Phần sau của câu 3 bổ túc cho phần thứ nhất.
Tiếp theo là có những câu Châm ngôn mang tính so sánh. Đó là những câu rất sống động, đầy sự tượng hình. Tôi nghĩ rằng đó chính là từ ngữ đúng để áp dụng cho chúng. Chúng ta hãy xem đến đoạn 15 câu 16. Thường thường những câu này được liên kết với nhau bằng các từ “Thà/tốt hơn” hay: “Thà/hơn là” hay “như / thế.” Hãy xem 15:16,
Thà có ít của mà kính sợ Đức Giê-hô-va, Còn hơn là tài sản nhiều mà bối rối cặp theo.
Rồi nó lại được tiếp tục kèm theo ngay sau đó một câu có tính so sánh khác.
Thà một món rau mà thương yêu nhau, Còn hơn ăn bò mập béo với sự ganh ghét cặp theo.
Cũng hãy xem đoạn 25 câu 24. Tôi không muốn quý vị không biết đến câu này. Đây là một câu châm ngôn có tính so sánh, và thưa quý vị, nó cũng còn thêm nữa, Ch 25:24,
Thà ở một góc trên mái nhà, Hơn là ở chung nhà với người đờn bà hay tranh cạnh.
Tin lành ở xứ xa đến, Giống như nước mát mẻ cho người khát khao.
Thật là những từ sống động, đầy tượng hình! Quý vị có bao giờ ra đi xa nhà, ở một nơi không có ai quen biết cả, và quý vị sống trong một thời! Quý vị cảm thấy dường như tất cả mọi người đã quên lãng quý vị rồi! Thế nhưng bổng nhiên quý vị nhận được một lá thư từ một người nào đó yêu thương quý vị không? Nó thật giống như một thứ nước mát cho một linh hồn đang khao khát! Khi quý vị đang khát mà lại nhận được một ly nước mát thì cũng đủ tốt rồi! Nhưng ở đây khi người đó lại mang nước mát đến cho quý vị không phải chỉ vì lòng tốt, nhưng lại bằng tình yêu! Đó cũng giống như việc quý vị ra đi rời xa khỏi nhà, mà có một ai đó gởi đến cho quý vị một lá thư đầy yêu thương, và bảo cho quý vị biết rằng họ nghĩ đến và thương nhớ quý vị rất nhiều! “Giống như nước mát cho người khát khao.” Đây là những sự so sánh đầy hình ảnh!
Bây giờ tôi xin đề nghị với quý vị một phương cách giúp cho việc nghiên cứu được thấu đáo hơn. Nếu như quý vị là một người nghiên cứu nghiêm túc và có thời giờ, thì quý vị có thể khởi sự ở đoạn 1 rồi đọc suốt cả Sách Châm ngôn. Quý vị nên xử dụng một tờ giấy và chia nó làm ba cột: tương phản, bổ túc và so sánh, rồi hãy tìm ra những câu châm ngôn thuộc ba thể đó viễt vào các cột trên. Sau khi đã đọc và đã viết ra những câu châm ngôn này, thì quý vị sẽ khám phá được một sự dạy dỗ rất lớn lao và một hiểu biết rất sâu xa trong cuộc sống của mình.
Cũng có một đôi điều khác nữa mà tôi muốn chia xẻ với quý vị ở đây về Sách Châm ngôn, rằng trong Châm ngôn có đề cập đến đầy đủ tất cả các loại người. Nhiều năm qua, tôi đã thực hiện một nghiên cứu liên quan đến lời khuyên trong sách Châm ngôn và thấy rằng Sách bao gồm đến 180 loại người khác nhau! Nó bao gồm 46 loại người nam đặc biệt, 23 loại người nữ đặc biệt và nhiều loại con trẻ khác nhau. Trong số 180 loại người này, cũng có một số loại người khác không được qui định rõ là thuộc người nam hay người nữ, mà chỉ là tất cả những loại người khác.
Thưa quý vị, sống chung quanh chúng ta, ngay bây giờ đây là biết bao nhiêu là loại người khác nhau và Sách Châm-ngôn sẵn sàng giúp cho quý vị phân biệt được mọi loại người đó. Bởi vậy, Châm ngôn không phải là Sách chỉ dùng cho lý thuyết, mà nó là một Sách rất thực tế cho đời sống của chúng ta!
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với bốn hạng người chính trong sách Châm ngôn, tôi xin phép được triển khai chúng thêm một chút nữa ở đây! Nếu như tôi tổng quát hoá và hạn chế nó lại, thì tôi có thể nói rằng dường như có bốn phương cách khác nhau mà người ta thường dùng để giải quyết những nan đề.
Trước tiên, hạng người thứ nhất khi gặp phải nan đề của mình thì anh ta lại đi vòng quanh nó, hay né tránh nó! Anh ta tự nói với chính mình rằng: “À! Điều đó không thật sự quan trọng. Điều đó không thật sự trầm trọng cho lắm! Ta sẽ phớt lờ nó đi cho rảnh!” Thật giống như con đà điểu! Khi gặp nguy nan thì nó chỉ biết chui đầu vào trong cát để “ẩn mình!” “Ta sẽ tống khứ nó khỏi tâm trí của ta cho rảnh! Nó thật sự sẽ không còn hiện diện trong đó nữa!”
Cũng có một số nan đề mà tự chúng không thể nào điều chỉnh cho đúng được! Các nan đề của loài người thường ở trong dạng này! Rất hiếm có những nan đề và những mối xung đột tự điều chỉnh cho đúng, nếu như không có sự lưu tâm cá nhân dành ra cho chúng. Một chiếc răng bị sưng tấy lên và mưng mủ là hậu quả của chứng sâu răng đã bị bỏ qua lâu ngày và bị phớt lờ đi! Một chiếc xe hơi hoàn toàn trở thành một đống sắt vụn, ấy là hậu quả của việc phớt lờ các nhu cầu bảo trì cho nó kể từ khi nó khởi sự với cặp lốp xe đã bị mòn, hay chỉ với một rắc rối nhỏ trong bộ phận tản nhiệt mà thôi.
Trước đó rất lâu, các nhu cầu này cần phải được bảo trì và điều chỉnh, nhưng tài xế đã phớt lờ đi và không thèm để ý đến chúng. Trải qua thời gian, chiếc xe đã được bọc lại kỹ lưỡng, và đem để trong sân sau hay ở đằng trước nhà và thường nhất là để cạnh đống sắt vụn trong nhà của quý vị, bởi vì người tài xế đã không chịu quan tâm đến nó. Nó chính là một sản phẩm của sự lơ là và chểnh mảng. Anh ta đã đi vòng quanh hay né tránh nan đề. Anh ta đã không chịu giải quyết nó một cách rốt ráo. Thế nên nan đề càng ngày càng gia tăng và điều rắc rối chủ yếu ở bên trong lại càng gia tăng thêm nữa!
Bây giờ lại có một phương cách khác nữa để giải quyết nan đề. Hạng người thứ nhì giống như một viên đạn, anh ta bay thẳng đến nan đề, nhưng chỉ chạm sướt qua nó thôi. Vì đó là sự kiện hơi khó khăn nên anh ta chỉ chạm sướt vào nó, và bắn về phía của điều mà tôi gọi là ngụy trang hay giả tạo. Anh ta tiến với điều đó và trước hết nói rằng: “Đây chính là nan đề.” Nhưng sự thật đó lại là một điều khác.
Những ai hay gặp khó khăn trong vấn đề uống rượu, thường hay đối mặt với sự khó khăn này. Họ tiến đến với vấn đề nghiện rượu của họ, nhưng vì việc này rất dễ để đổ tội cho một người khác, nên họ chỉ chạm lướt qua vấn đề và hướng sự kiện về một con người khác. Chúng ta có khuynh hướng thường làm điều đó khi chúng ta sống trong một thế giới hảo huyền đầy mơ mộng. Khi chúng ta tự nhũ với chính mình rằng kẻ đó không phải là chúng ta. Đó là con người đang gây ra sự oán giận. Chúng ta chạm nhẹ qua vấn đề thực tế, là vấn đề của chính mình rồi chúng ta hướng nó đến một con người khác, chúng ta có lẽ sẽ “đổ thừa” hay muốn kết tội cho kẻ khác!
Chúng ta đề cập đến phương cách để giải quyết nan đề của hạng người thứ ba, hay thật sự chẳng giải quyết gì cả! Đó là con người sẵn sàng tiến thẳng đến với nan đề nhưng rồi lại nói: “Điều này không thể được! Nó chẳng còn có hy vọng gì! Nó đã trải qua quá lâu rồi nên không thể giải quyết được nữa!” Anh ta chỉ đơn giản là quay lại trên lối mòn cũ mà trước đây anh ta đã đi qua, với tình trạng tệ hơn trước và chứa đầy sự căng thẳng đang gia tăng!
Tuy nhiên, còn có hạng người thứ tư. Một người để tâm xem xét kỹ lưỡng nan đề của mình. Một người dám mổ xẻ vấn đề để có thể phân tách nó tỉ mỉ, liên quan đến nó rồi đặt mình vào ngay chính giữa nguyên nhân đó! Thông thường thì chúng ta hay trì hoãn vấn đề lại, và từ chối giải quyết phần trách nhiệm của chúng ta trong những nan đề đó!
Bây giờ tôi muốn quý vị hãy nhìn lại bốn hạng người trên một lát. Xin quý vị hãy lưu ý để thấy rằng trong ba hạng người đầu tiên, nan đề vẫn còn nguyên đó và chẳng được giải quyết gì cả! Đó là một vòng tròn rắn chắc. Những con người này chìu theo thời cơ để mà hành động, hay là những người “xu thời xử thế.” Anh ta nhún vai theo nhiều cách rồi bảo rằng: “ Ô! Điều này quá khó đối với tôi! Không một ai có thể giải quyết nó được!” Hoặc giả bằng nhiều cách nói quẩn quanh, anh ta thật sự không hề giải quyết nó chút nào!
Tuy nhiên còn có hạng người thứ tư. Quý vị thấy rằng anh ta sẽ đối mặt, đương đầu với nó, và rồi xem xét kỹ lưỡng ngay trong chính nan đề. Tôi không có ý nói rằng anh ta không cần lời bàn bạc. Sách Châm ngôn thậm chí cũng khuyến khích về điều đó. Thông thường thì số đông những nhà tư vấn có một nhận xét và sự khôn ngoan rất tinh tường và sâu sắc. Tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ sự thảo luận với những con người khác, là những người có sự khôn ngoan, có những nhận xét sâu sắc và rất khách quan. Tuy nhiên Sách Châm ngôn có đầy dẫy những lời khuyên bảo có thể giúp ích cho quý vị đi theo suốt con đường của hạng người thứ tư nói trên. Nó sẽ không để cho quý vị phải đi vòng quanh, quay trở lại hoặc chỉ chạm nhẹ vào nan đề. Nó sẽ ép quý vị đi thẳng vào trung tâm của nan đề. Châm ngôn chính là loại sách đó.
Để thí dụ, chúng ta hãy xem đến đoạn 6:23,
Vì điều răn là một cái đèn, luật pháp là ánh sáng, Và sự quở trách khuyên dạy là con đường sự sống,
Câu 24,
Đặng giữ con khỏi người đờn bà ác nghiệp, Và khỏi lưỡi dua nịnh của dâm phụ.
Đây là lời khuyên răn trực tiếp đối với những ai có rắc rối với lòng dục vọng.
Lòng con chớ tham muốn sắc nó, . . .
Đó chính là nơi mà dục vọng khởi đầu. Sa-lô-môn nói rằng: “Nếu các ngươi muốn thoát khỏi các rắc rối của dục vọng, thì hãy cất bỏ tư tưởng đó trong lòng ngươi. Đừng nên suy gẫm về người nữ đó. Đừng tơ tưởng về hình bóng của nàng ta trong tâm trí của mình. Đừng phát triển tính đê tiện của các tư tưởng ngươi bằng những sự tưởng tượng của lòng ngươi!”
. . . Đừng để mình mắc phải mí mắt nó.
Đừng nhìn chăm vào cô ta. Đừng để cho mình phải bị mắc bẩy vì đôi mắt của nàng. Một người đàn bà lẵng lơ thường tiết lộ chính bản chất đó của mình bằng chính đôi mắt của nàng ta, tức là cái cách mà cô ta nhìn ngắm. Rồi Sa-lô-môn tiếp tục hay thậm chí để cảnh cáo quý vị.
Vì tại kị nữ có người nông nổi chỉ còn một miếng bánh mà thôi; Người dâm phụ vẫn lừa sẵn linh hồn quí báu.
Trước đây tôi có dịp nghe kể lại về một người rất sáng chói, rất thông minh, học thức cao, giữ một địa vị quan trọng trong một hãng lớ. Nhưng có điều là anh ta không thể thắng được sự đòi hỏi của dục vọng mình. Anh ta không thể chiến thắng được sự đòi hỏi của xác thịt. Cho nên cuối cùng thì anh bị đuổi khỏi công việc của mình. Tôi tin rằng nhiều người trong quý vị cũng từng chứng kiến những trường hợp đau thương như thế.
Một vị đỡ đầu mô tả về một sinh viên sáng chói mà mình chịu trách nhiệm giúp đỡ rằng: “Ô, người thanh niên tài sáng, sáng chói, một người trẻ vĩ đại có thể chinh phục thế giới, nhưng không thắng được sự cám dỗ.”
Đó cũng chính là sự mô tả về một số quý vị thính giả đang nghe đài. Dù quý vị là những người lớn tuởi, hay quý vị là những thanh niên trẻ. Điều này cũng là lời cảnh cáo cho cá nhân tôi mỗi khi bắt đầu một ngày mới. Khi quý vị nghiền ngẫm điều đó ở trong lòng, thì vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi quý vị kinh nghiệm được nó. Sa-lô-môn nói rằng: “Đừng làm điều đó!” Đoạn 6:27,
Há có người nào để lửa trong lòng mình, Mà áo người lại chẳng bị cháy sao?
Há có ai đi trên than lửa hực, Mà chơn mình lại chẳng bị phồng chăng?
Kẻ nào đi tới cùng vợ người lân cận mình cũng vậy; Phàm ai đụng đến nàng ắt chẳng được khỏi bị phạt.
Đó là điều mà quý vị gọi là điều răn trực tiếp. Trước giả tiến đến với nan đề rồi nói: “Đừng để cho lòng ham dục đó nổi lên và nảy nở trong lòng các ngươi. Đừng nhìn chăm chú vào cô ta. Nếu như các ngươi làm như vậy thì các ngươi sẽ bị thiệt mất công ăn việc làm. Các ngươi sẽ bị tan nhà nát cửa!” Thật ra ông ta muốn nói rằng: “Há các ngươi đặt than lửa đỏ trong lòng mình mà lại không bị cháy chăng? Há các ngươi chơi đùa với than lửa đỏ mà chính mình lại không bị phỏng chăng?” Sách Châm ngôn có các lời răn dạy như thế!
Và bây giờ, chúng ta hãy tiến đến với điều nằm ở tâm điểm của vấn đề, đó là điều mà tôi muốn chia sẻ với quý vị hôm nay và đó cũng chính là mục đích của Sách Châm ngôn này. Và những mục đích đó đã được trình bày cho chúng ta trong sáu câu đầu tiên của Sách: Tại sao chúng ta lại cần có Sách này? Với lý do gì mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta Sách Châm ngôn? Chúng tôi cũng xin nêu ra cho quý vị một thứ màu sắc của nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, bởi vì nó sẽ giúp mở ra được nhiều cánh cửa cho sự hiểu biết của chúng ta! Chúng ta sẽ gặp nhiều từ ngữ rất hiểm hóc, mà ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta khó có thể phân tách chúng cho đầy đủ được, và chúng ta rất cần biết rõ chúng có ý nghĩa như thế nào! Tác giả thật sự muốn nói về điều gì qua từ ngữ đó? Nếu quý vị xem xét kỹ lưỡng hơn thì sẽ lưu ý thấy rằng bắt đầu từ câu thứ 2 cho đến câu thứ 6, chúng ta thấy Sách có chứa đựng năm mục đích. Câu 2 cho chúng ta mục đích thứ nhất. Thật ra thì nó áp dụng cho cả mục đích thứ nhất lẫn thứ nhì.
(1) Trước tiên là mục đích thứ nhất là đem lại sự tôn kính và sự vâng phục cho tấm lòng. Đem lại sự tôn kính và sự vâng phục cho tấm lòng. Quý vị lưu ý thấy Sa-lô-môn nói rằng sách này được ban cho là “để người ta hiểu biết sự khôn ngoan và lời điều khuyên dạy.” Chúng ta hãy xem xét cho kỹ lưỡng về hai từ đó. Từ “khôn ngoan” truyền tải được tư tưởng đó trong từ ngữ Hê-bê-rơ, để mang Đức Chúa Trời vào trong tiêu điểm đúng. Có người nào đó đã mô tả rằng sự khôn ngoan như là một khả năng nhìn vào trong cuộc sống từ quan điểm của Đức Chúa Trời. Bản Kinh Thánh Berkeley nói rằng điều đó có ý nói đến: “Sự thông minh trong tâm linh và trong thực tiển được hòa hợp trong các nguyên tác điều khiển vũ trụ của Đức Chúa Trời!” Sách Châm ngôn sẽ ban cho chúng ta lòng kính trọng đối với Chúa.
Thưa quý thính giả thân mến của tôi, ngay hôm nay chúng ta phải cần có lòng kính trọng đó. Nó sẽ dần dần phát triển thành sự kính sợ Chúa. Đó không phải là nổi kính sợ đầy run rẫy nhưng là một niềm kính trọng và tôn quý sâu xa. Đó chính là điều mà Thi 111:10 có nói đến,
Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự khôn ngoan; . . .
Bởi thế, khi học hỏi về sách Châm ngôn, chúng ta sẽ thấy có sự tôn kính dành cho Chúa! Tác giả hứa điều đó ở đây. Tác giả cũng nói rằng quý vị sẽ “nhận lãnh điều khuyên dạy.” Ngày nay chúng ta thường nghĩ đến sự khuyên dạy khi một người dạy cho kẻ khác về tri thức. Chúng ta nghĩ về điều này như là một sự truyền thông về các sự kiện. Nhưng đó không phải là điều mà Sa-lô-môn nghĩ đến trong tư tưởng của ông. ở đây từ “Sự khuyên dạy” có nghĩa là “Sự kỹ luật.” Và nó cũng còn truyền đạt ý tưởng đưa ra những lời cảnh cáo, sự nghiêm phạt, lời khiển trách. Khi quý vị nghiên cứu về Sách Châm ngôn, quý vị sẽ nhận được sự khuyên dạy để biết làm thể nào đọc biết về những sự cảnh cáo của Đức Chúa Trời. Đó là điều mà Tác giả muốn nói đến. Quý vị sẽ nhận được những bước đi đặng dẫn đến một đời sống biết vâng lời.
Chúng ta vừa đọc đến một điều như thế khi xem đến những câu nói về việc lấy những than lửa đỏ đặt trong lòng mình. Nếu ai làm như thế thì chính mình sẽ bị phỏng mà thôi! Đó là một sự cảnh cáo. “Đừng làm điều đó! Nếu làm như vậy thì các ngươi là một con người ngu dại!” Sa-lô-môn muốn nói rằng: “Vì các ngươi không phải là kẻ bịnh hoạn, không phải là người bị chỉ dẫn sai đường, nhưng nếu các ngươi làm như vậy thì các ngươi là người ngu dại.” Thế rồi ông ta nói rằng, nếu quý vị muốn biết sự khôn ngoan và lời khuyên dạy thì quý vị sẽ tìm thấy điều đó trong Sách này - là sự tôn kính và sự vâng lời trong mỗi tấm lòng.
(2) Bây giờ đến mục đích thứ hai, cũng ở trong câu 2, cung cấp sự phân biệt tinh tường cho mắt. Tôi rất lấy làm cảm kích về phương cách mà câu văn này được viết ra: “Để phân biệt những câu châm ngôn nói về sự hiểu biết.” Từ ngữ ỏphân biệtõ có nghĩa là “phân tách, phân biệt.” Chúng ta thường dùng từ “gọi ra.” Điều này có ý nghĩa là đi vào trong một số rất nhiều sự kiện, để phân biệt ra một số ít cần thiết nào đó, nhằm mục đích đem nó ra khỏi số đông hổn độn kia! Đó cũng là ý tưởng nói đến việc hiểu rõ được chiều sâu của vấn đề rắc rối nào đó. Theo nghĩa đen thì nó có ý nói rằng: “Nhận xét thấu suốt về những câu nói đầy sáng suốt.” Đó được gọi là lối “chơi chữ.” Và đó cũng là lý do tại sao tôi đã đề nghị dùng câu: cung cấp sự phân biệt tinh tường cho mắt, như đã nói ở trên đây. Bởi vì chúng ta đọc được các câu nói, chúng ta đọc được các từ ngữ. Tác giả bảo rằng: “Chúng ta sẽ phân biệt những câu nói về sự nhận xét thấu đáo.”
Chúng ta hãy tạm giữ Châm ngôn tại đây để xem đến sách 1 Các Vua đoạn 3 câu 3. Tôi nghĩ rằng quý vị sẽ tìm thấy một minh họa chính xác cho sự kiện này ngay trong cuộc đời của Sa-lô-môn. 1 Các Vua, câu 3 đoạn 33 là một câu văn vĩ đại nói về lúc mà Đức Chúa Trời đã cất nhắc Sa-lô-môn lên nắm ngôi vua. Đức Chúa Trời đã phán bảo Sa-lô-môn hãy trình bày cho Ngài biết về điều gì mà ông ta mong muốn nhất. Rất khôn ngoan, Sa-lô-môn đã cầu xin Chúa những điều chính đáng. Ông đã không cầu xin Chúa ban cho ông sự giàu có, không cầu xin Chúa ban cho ông được chiến thắng kẻ thù, hay sự nổi danh. Ông chỉ cầu xin Chúa ban cho ông sự khôn ngoan. IVua 3:3,
Sa-lô-môn kính mến Đức Giê-hô-va, và đi theo các luật lệ của Đa-vít, cha mình; . . .
Bây giờ chúng ta xem câu 9. Đây là lời cầu xin của vua,
Vậy, xin ban cho kẻ tôi tớ Chúa tấm lòng khôn sáng, để đoán xét dân sự Ngài và (xin chú ý đây là chữ chúng ta đang nói) phân biệt (để phân biệt, để phân tách, để khám phá, để có cái nhìn sáng suốt) điều lành điều dữ; vì ai có thể đoán xét dân rất lớn này của Chúa?
Một trong những dấu hiệu trưởng thành của một Cơ-đốc-nhân đầy thông tuệ, ấy là một con người biết phân biệt rõ ràng giữa điều đúng và điều sai. Với tư cách là một phụ huynh gương mẫu, quý vị đã làm tốt bổn phận của mình, nếu quý vị biết đặt các con cái trưởng thành của mình vào trong vòng xã hội, những đứa con đã học biết tường tận về điều đúng và điều sai. Cho nên trong Ch 1:2, đó là điều ông ta đang nói đến trên phương diện rất thực tiển: “Quyển Sách này sẽ ban cho các ngươi có được một hiểu biết sâu sắc và phân biệt về những gì đúng và sai một cách thấu đáo.” Các bậc phụ huynh nào quan tâm đến các tiêu chuẩn của con cái họ, thì phải nên trở thành những người nghiên cứu Sách này. Sách Châm ngôn có liên quan đến lãnh vực dạy dỗ con cái như chúng ta đã thấy trong các phần nghiên cứu trước đây.
(3) Bây giờ chúng ta hãy tiến đến lý do thứ ba mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trong Sách này. Chúng ta đã biết đến hai lý do mà Đức Chua Trời ban cho chúng ta qua Sách này. Thứ nhất, đem lại sự tôn kính trọng và sự vâng phục cho tấm lòng. Thứ hai, cung cấp sự phân biệt tinh tường cho mắt. Và bây giờ là lý do thứ ba: Để phát triển sự cảnh tỉnh trong bước đi. Đó là điều được nói đến trong câu 3, để phát triển sự cảnh tỉnh trong bước đi.
Để nhận lãnh điều dạy dỗ theo sự khôn ngoan, . . .
Từ ngữ “nhận lãnh” gợi lên ý tưởng về tính năng động và tính luân chuyển. Đó là một từ chuyển động. Đó là một từ được dùng để chỉ về việc hái nho, và đem những trái nho đó theo với quý vị. Đó là từ được dùng trong Thi-thiên 78 đề cập đến sự kiện Đức Chúa Trời đem Đa-vít ra khỏi các chuồng chiên.
Ngài cũng chọn Đa-vít là tôi tớ Ngài, Bắt người từ các chuồng chiên:
Ngài đem người khỏi bên các chiên cho bú, Đặng người chăn giữ Gia-cốp, là dân sự Ngài, Và Y-sơ-ra-ên, là cơ nghiệp Ngài.
Như vậy, người chăn giữ họ theo sự thanh liêm lòng người, Và lấy sự khôn khéo tay mình mà dẫn dắt họ.
Đức Chúa Trời “đã bắt người.” Đó là một từ chuyển động, đó là một từ mang tính di chuyển. Bởi thế nên tôi đề nghị một ý tưởng về bước tiến như đã nói ở trên. “Nhận lấy sự khuyên dạy,” là một từ ngữ giống như từ “kỹ luật” trong câu 2. “Để nhận lấy những kỹ luật, những lời cảnh cáo trong bước tiến hàng ngày.” “Thái độ khôn ngoan” đó được mô tả theo ba từ sau đây: “công nghĩa, công bình và công chính.”
Không cần phải nói thì quý vị cũng đã biết rằng chúng ta đang sống trong bột thế giới đầy xấu xa và hư hoại. Quý vị hẳn cũng biết rằng đó là một điều thực tế! Nếu chỉ trong một giây lát mà quý vị rời khỏi nơi này, một giây lát mà quý vị rời khỏi ngôi nhà Cơ-đốc-giáo, thì quý vị sẽ tức khắc đi vào trong một bầu không khí bao quanh bởi một thứ tinh thần dơ dáy, đồi bại và vô giá trị. Và ngay khi quý vị rời khỏi bầu không khí tươi đẹp của mối thân hữu Cơ đốc-nhân, thì quý vị sẽ bị lộ ra và trộn lẫn trong công việc kinh doanh, trong công việc bán mua, trong việc dạy dỗ, học hành, trong những môi trường bất khiết và sẽ bị công kích dữ dội bởi mọi hình thái độc ác của thế gian này! Sa-lô-môn nói rằng: “Các ngươi hãy nắm vững Sách Châm ngôn để các ngươi có thể được báo động khi phải bước vào trong những gì có thể làm băng hoại cuộc sống của các ngươi!”
Tôi hy vọng rằng quý vị sẽ không hiểu lầm tư tưởng của tôi, nếu giả sử tôi trích ra một câu thành ngữ từ sách Châm ngôn cho chúng ta trong thời đại ngày nay, thì thành ngữ đó sẽ là: “Châm ngôn đang tiếp tục tiến tới.” Nó vẫn đi ngay bên cạnh quý vị. Nó vẫn cứ dai đẳng đi theo không dứt.
Có một tín hữu nói với tôi rằng, ông ta đã có lần trông thấy một gã thanh niên mặc một chiếc áo đen dài tay mà phía sau lưng có viết câu này: “Chúa Giê-su vẫn tiếp tục tiến tới!” Tôi đã nghĩ đến điều đó giống như ý nghĩa của câu thành ngữ mà tôi vừa mới nói trên đây! Còn tại đây thì tôi đang nói với quý vị rằng: “Châm ngôn đang tiếp tục tiến tới!” Vâng nó đúng y như vậy. Nó chẳng bao giờ đầu hàng và tôi chưa bao giờ thấy rằng Châm ngôn thất bại. Khi nào tôi áp dụng đúng theo những gì mà Châm ngôn đã dạy, thì tôi thấy rằng chính tôi sẽ được ban phước và được cảnh tỉnh. Nhưng nếu tôi phớt lờ nó đi thì tôi sẽ phải trả giá cho nó. Thế nên Châm ngôn sẽ buộc chúng ta phải cảnh tỉnh trên bước đi của mình. Chúng ta cần đến điều đó lắm!
(4) Lý do thứ tư mà chúng ta được ban cho Sách này, nằm trong câu 4, để lập nên sự suy xét khôn ngoan và mục đích cho cuộc sống. Tôi nghĩ rằng nó là điều có nhiều ý nghĩa đối với một đối tượng trong câu 4 là con người khờ khạo. Hãy xem đến điều đó,
hầu ban cho người ngu dốt được sự khôn khéo, . . .
Từ ngữ “ngu dốt” là một thuật ngữ có nghĩa đen là “mở rộng ra đối với tất cả mọi điều.” Từ đó mà chúng ta có được từ từ ngữ “nhẹ dạ, cả tin,” hay là đơn sơ, chất phát. Sa-lô-môn bảo cho quý vị rằng, nếu như quý vị là con người nhẹ dạ, cả tin và chơn chất, nếu như quý vị thiếu mất sự nhận xét thấu suốt và minh mẫn. Nhưng nếu quý vị mở rộng lòng tin cho mọi điều xảy đến, thì Châm ngôn sẽ đặt vào trong quý vị một nghị lực và sức sống. Nó sẽ ban cho quý vị những sự hiểu biết thấu đáo, tinh tường.
Bây giờ xin chúng ta hãy xem đến câu thứ 10 trong đoạn thứ nhất này.
Hỡi con, nếu kẻ tội nhân kiếm thế quyến dụ con. . .
Điều thú vị đối với tôi là từ “quyến dụ” được chuyển dịch từ tiếng Hê-bê-rơ rất giống như cách dịch của từ “ngu dốt” như đã nói ở trên đây. Nó được dịch từ chính từ ngữ nguyên gốc. Chúng ta có thể nói rằng: “Nếu kẻ tội nhân cố làm cho con thành một con người ngu dốt cả tin. Trước mặt những kẻ tội nhân đang kiếm thế khiến cho con trở thành ngu dốt cả tin thì chớ khứng theo!” Đây chính là từ đã được áp dụng cho Sam-sôn, lúc mà các quan trưởng Phi-li-tin đi đến nhà Đa-li-la và nói với nàng rằng: “Hãy rán dụ dỗ hắn. Hắn rất chơn chất và cả tin! Hắn sẽ mắc bẩy thôi! Hắn có những đôi mắt nhưng không nhìn biết cách tinh tường được!” Thế nên đối với tôi điều đó rất có ý nghĩa, ấy là đến sau cùng, khi đã bắt được ông ta, điều đầu tiên họ đã làm là móc đôi mắt của Sam-sôn đi. Họ đã không muốn đôi mắt ham mê sắc dục đó còn tồn tại trong xứ Phi-li-tin.
Vả lại, nếu như chúng ta đơn sơ chơn chất, nếu chúng ta gặp rắc rối vì sự nhẹ dạ, cả tin thì Sa-lô-môn bảo rằng chúng ta sẽ nhận được “sự khôn ngoan và cẩn trọng.” Điều đó nghe thật thích thú quá phải không quý vị? Ai trong quý vị ở đây muốn trở thành con người “khôn ngoan và thận trọng”? Tôi nghĩ rằng tất cả các người trẻ sẽ đứng xếp hàng để xin nhận được tờ quảng cáo: “Thông tin để biết làm thể nào trở thành con người khôn ngoan và thận trọng trong năm học tới,” nếu như chúng ta tuyên bố sẽ phát ra thông tin đó thì đây chẳng phải sẽ là điều hấp dẫn lắm sao?
Tôi đã kiểm tra từ ngữ này và thấy nó có nghĩa là “trấn lột, làm cho trần truồng.” ý nghĩa đó đã không giúp cho tôi thấy được toàn thể vấn đề. Bởi vậy, tôi đã đi xa hơn một chút và thấy nó có nghĩa rằng: “đi sâu xuống tận căn bản của các sự việc chẳng hề được che đậy một chút gì.”
Một người khi hiểu thấu về Sách Châm ngôn và lượm lặt các câu văn, thì người đó có thể thấy được vượt trên bề mặt. Anh ta có thể thấy tận phía bên dưới. Anh ta có thể thấy được sự kiện cả giữa hai dòng kẻ. Người ấy có thể thấy được những lời nói nhỏ đầy tinh tế, mà chúng không bao giờ được ghi ra bằng dòng tít lớn. Anh ta có thể đọc nó và thật sự hiểu được nó trong văn chương của mình. Anh ta có thể nắm bắt được ý nghĩa của đoạn văn. Trong việc xử dụng văn nói thân mật đương thời, anh ta có thể hiểu được nó đang ở vị trí nào! Đó là sự thận trọng đầy khôn ngoan.
Ngày nay tất cả chúng ta đều muốn có điều đó. Chúng ta không những muốn có sự thận trọng đầy khôn ngoan, nhưng cũng thật sự muốn thấy được nó chứa đựng những gì trong đó. Nếu quý vị là con người đơn sơ chất phát hay là người nhẹ dạ cả tin, thì Sách Châm ngôn sẽ giúp cho quý vị biết cách làm thể nào để biết được những vấn đề căn bản, những sự kiện bóc trần, nguyên sơ không che đậy, không bị sai đường, lạc lối vì những hình thái ngu trang của chúng ở bên ngoài.
Quý vị cũng hãy lưu ý đến điều mà Châm ngôn có nói: “cho giới trẻ.” Đây là một từ dùng chỉ về trẻ con trong bất kỳ thời kỳ nào từ thuở mới sinh, cho đến độ tuổi có thể lập gia đình. Cũng giống hệt như từ ngữ đã được triển khai trong Ch 22:6, “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theoà.” Điều này dùng để nói đến bất kỳ độ tuổi nào của giới trẻ. Xin các bậc phụ huynh xin hãy nghe điều này - bất kỳ độ tuổi nào của giới trẻ, miễn là chúng vẫn còn đang sống trong tổ ấm gia đình. Bất kỳ độ tuổi nào! Sách Châm ngôn được ban cho quý vị để giúp quý vị hiểu cách làm thể nào để dạy dỗ tuổi trẻ, tuổi thanh xuân, tuổi mới lớn đặng giúp cho chúng có thể biết được kiến thức cùng sự thận trọng, khôn ngoan. Từ ngữ “sự thận trọng, khôn ngoan” có nghĩa là “mục đích”, mà theo nghĩa đen có nghĩa là “mục đích trong đời.”
Nếu như tôi được phép để đưa ra một từ ngữ mô tả về một người trẻ chưa được cứu trong thời đại ngày nay, thì chắc tôi sẽ dùng từ “vô mục đích.” Người trẻ ấy thật sự không hề có bất kỳ mục đích nào. Nếu có dịp nào đó, quý vị chận họ lại và hỏi rằng: “Các kế hoạch trong tương lai của đời bạn là gì?”, hẳn anh ta trả lời rằng: “ ờ! . . ờ, tôi cũng không bết nữa!” Và đây sẽ là một câu trả lời kinh khủng cho một câu hỏi trực tiếp như sau: “Bạn nghĩ gì về nghề nghiệp mà bạn sẽ đương đầu, vào cuối năm này?” - “ồ! . . .tôi. . . tôi không biết! Tôi chưa bao giờ suy nghĩ về điều đó cho kỹ càng!” Rất hiếm người trong giới trẻ có thể nói rằng: “Tôi xin trình bày về những kế hoạch và những suy nghĩ của tôi cho tương lai là. . .”
Thậm chí ngay trong vòng những người trẻ trong Hội thánh lại cũng chẳng có được mục đích tương lai cho chính bản thân mình! Sách Châm ngôn sẽ vẽ nên một mủi tên hướng đến các mục tiêu trong cuộc đời của các bạn thanh niên. Nó sẽ chỉ cho các bạn biết nục tiêu nào là đúng, rồi để cho Chúa hướng dẫn các bạn tiến đến với các mục tiêu đó, rồi nó cũng sẽ ban cho các bạn thứ kỹ luật đặng thực hiện tốt các mục tiêu này. Đó là những gì mà Sách Châm ngôn sẽ làm cho quý vị. Nó sẽ cất bỏ sự vô mục đích trong cuộc đời thanh niên. Chao ôi! Chúng ta cần điều đó biết bao!
(5) Bây giờ là lý do thứ năm, cho biết tại sao Sách Châm ngôn được ban cho chúng ta. Lý do thứ năm: giúp nuôi dưỡng và trau dồi tính sắc bén của trí tuệ. Tôi cho rằng các sinh viên ngày nay yêu thích điều này hơn bất kỳ người nào khác. Nuôi dưỡng và trau dồi tính sắc bén của trí tuệ. Chúng ta hãy xem đến câu 6.
Để hiểu biết châm ngôn, thí dụ, . . .
Trước giả vẫn còn cho chúng ta thấy lý do tại sao Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sách Châm ngôn. Lý do thứ năm là điều mà có thể chúng ta rất cần.
Để hiểu biết châm ngôn, thí dụ, Và lời của người khôn ngoan, cùng câu đố nhiệm của họ.
Một bản đã dịch là “những lời nói đen tối của họ.” Điều này càng khiến cho nó có ý nghĩa và liên quan một cách trực tiếp hơn đối với Sách này! Tôi nghĩ rằng đây chính là tiến trình mà trước giả muốn nói đến và rồi ông đã trở lại đúng ngay vào trọng tâm của Sách này! Từ câu 1 đến câu 6 là một loại nhập đề, rồi tiếp theo đó ông ta lại bắt đầu nêu lên cho chúng ta biết về những gì mà Sách sẽ triển khai. Tuy nhiên ngay trước khi dọn cho chúng ta món ăn chính của Sách, mà phương châm của nó lại nằm trong câu 7. Ông ta như muốn nói rằng: “Sách này sẽ giúp cho các ngươi suy nghĩ một cách sâu sắc. Nó sẽ ban cho các ngươi một khía cạnh sắc bén trong sức mạnh tư duy!” Một số quý vị đã gặp phải vài rắc rối và khó khăn trong sự tập trung nghiên cứu. Quý vị đã gặp phải những lằn ranh giới hạn tuyệt đối! Quý vị đã gặp rắc rối khi phải suy nghĩ một cách sâu xa cùng tác giả. Thế thì xin quý vị hãy nhìn đến câu này. Hãy đọc cùng chính câu đó đến 12 lần. Quý vị đã làm như vậy rồi! Quý vị đã hoàn tất điều đó rồi! Tuy nhiên quý vị đang tự hỏi: “Tác giả đang cố nói đến điều gì trong thế giới này đây?”
Tôi sẽ không có ý ám chỉ về những câu bùa chú từ trong Sách Châm ngôn đâu, nhưng tôi chỉ muốn tin đến những gì mà tác giả nói đến. Bởi vì những ai nghiên cứu đến Sách Châm ngôn thì đều phát triển được tính cách sắc bén trong lối tư duy.
Cố Thủ tướng Churchill của Anh có lần đã yêu cầu mô tả về các bản tường trình đến từ nước Nga - những lời hứa mà họ đã thực hiện, những báo cáo, những đòi hỏi về quyền lợi. Nghe xong, Churchill đã xử dụng những từ này: “Từ ngữ của người Nga thật là bí hiểm và rối rắm, gói ghém trong nhiều điều bí mật, ẩn chứa những câu đố khó giải ở bên trong!” Tuy nhiên tôi nghĩ rằng Churchill có đủ nhận thức để hiểu được chúng một cách thấu đáo, tinh tường.
Thưa quý khán giả là các bạn sinh viên, học sinh! Tôi nghĩ rằng trong niên học tới đây các bạn sẽ gặp những bài viết, những giáo trình tối nghĩa và khó hiểu như thứ tiếng Nga hiểm hóc kia. Chúng là những từ rối rắm, bí hiểm hay là những câu đố khó giải đáp. Chúng sẽ rất sâu sắc và tất nhiên chúng sẽ là như vậy. Chúng ta hãy suy nghĩ đến một mức độ khác sâu xa hơn. Cơ-đốc-giáo Tin Lành trong một vài nguyên nhân nào đó, vẫn cứ tới một số lãnh vực bề ngoài mà thôi. Và rất hiếm khi chúng ta bị thách đố để phải suy nghĩ sâu xa. Thế nên khi chúng ta bước vào trong học đường, nơi có nhiều công cụ tinh thần hay những sản phẩm trí tuệ đang áp dụng, thì chúng ta liền chịu thẩm thấu ngay những thứ tư tưởng đó chẳng khác chi một miếng bông thấm nước. Chúng ta cần phải suy nghĩ cặn kẻ, sâu sắc và thấu đáo. Và tôi chỉ muốn đề nghị rằng nếu quý vị muốn trở thành người nghiên cứu sâu sắc về Sách Châm ngôn thì xin cứ tiếp tục phát triển thêm hơn về điều đó nữa!
Mời quý vị có Kinh Thánh bên cạnh xin mở nhanh cùng xem trong Thi thiên 119. Đây là một lời hứa lớn lao dành cho chúng ta. Tôi chỉ muốn lưu ý ở đây rằng làm thể nào mà Lời Chúa và việc trở thành người nghiên cứu trung thành với nó sẽ giúp cho quý vị có được một tâm trí tốt đẹp hơn. Nó không nhất thiết sẽ ban cho quý vị một chỉ số thông minh cao hơn, tuy nhiên nó sẽ giúp cho quý vị nhuần thấm và hiểu rõ thông tin hơn khi đưa mắt nhìn vào các trang sách được in. Thi 119:97. Đa-vít nói,
Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy.
Các điều răn Chúa làm cho tôi khôn ngoan hơn kẻ thù nghịch tôi, (Hãy gạch dưới câu này) Vì các điều răn ấy ở cùng tôi luôn luôn.
Tôi có trí hiểu hơn hết thảy kẻ dạy tôi, (hãy gạch dưới câu này, nhất là các bãn vẫn còn đi học) Vì tôi suy gẫm các chứng cớ Chúa.
Tôi thông hiểu hơn kẻ già cả, . . .
Một người nghiên cứu cẩn thận về Kinh Thánh là một người luôn suy gẫm về Lời Chúa, biết dành thì giờ để giao thông với Chúa hoặc sớm, hoặc trưa, hoặc chiều hay tối, thường xuyên đặt tâm trí vào trong Kinh Thánh. Điều đáng ghi nhận ở đây là người ấy sẽ nhận được một sự nhận xét tinh tường hết sức lớn lao! Như Gióp có nói rằng: “Tuổi thọ được tăng thêm!”
Người tôn trọng chẳng phải khôn ngoan, Bực lão thành chẳng thông hiểu sự công bình.
Chỉ trở thành một con người gìa cả, điều đó không có nghĩa là quý vị sẽ trở nên được khôn ngoan hơn. Việc trở nên một con người nghiên cứu sâu sắc về Kinh Thánh hứa hẹn rằng bạn sẽ được khôn ngoan hơn. Khôn ngoan hơn kẻ thù của quý vị. Nhận định sâu sắc hơn cả những bực thầy. Quý vị sẽ có được sự hiểu biết vượt xa hơn cả tuổi tác của mình. Câu 101.
Tôi giữ chơn tôi khỏi mọi đường tà, Để gìn giữ lời của Chúa.
Quý vị cũng sẽ để ý thấy Đa-vít có nói rằng: “Ta đã thay đổi đường lối của ta để giữ theo đường lối của Ngài. Ta đã không xây bỏ các điều răn Ngài vì chính Chúa đã dạy cho ta các điều răn đó.” Đó mới chính là điều kín nhiệm.
Càng sống lâu hơn thì tôi càng tin rằng có một sự kiện như thế xảy ra khi chức vụ giảng dạy Kinh Thánh mà lại không cặp theo chức vụ giảng dạy của Đức Chúa Trời! Chúng ta có thể can dự vào việc học hỏi Kinh Thánh, tuy nhiên thường thì Đức Chúa Trời không phải là giáo sư của chúng ta. Đa-vít nói rằng: “Ta thay đổi đời sống của ta vì Đức Chúa Trời đã dạy dỗ ta! Ta đã không học Lời Chúa qua dòng chử và mực in trên trang giấy. Ta đã không học hết câu này đến câu khác chỉ vì duyên cớ hay ho của ý nghĩa mỗi câu. Nhưng ta đã biết rằng chính Đức Chúa Trời đang đảm trách công việc dạy dỗ đó. Ngài chính là giáo sư lớn và ta là học trò của Ngài.”
Tôi chỉ cho quý vị câu Kinh Thánh đó bởi vì tôi mong muốn quý vị thấy rõ được toàn thể mục tiêu của Sách Châm ngôn. Trước khi chúng ta kết thúc sứ điệp này về Sách Châm ngôn, xin quý vị hãy mở nhanh xem qua các câu trong Châm ngôn đoạn 1: câu 7, 8 và 9. Xin quý vị hãy lưu ý đến ba điều đã được đề cập đến theo nguồn gốc của thông tin: Đức Chúa Trời (câu 7), người cha của quý vị (8), người mẹ của quý vị (câu 8). Có một Đức Chúa Trời, và từ Đức Chúa Trời mà có sự tôn kính, có sự hiểu biết về khôn ngoan. Kẻ ngu dại thì lại khinh bỉ điều đó. Từ người cha của quý vị có sự sửa phạt. Đó là điều có cùng ý nghĩa như trong các câu 2 và 3. Từ người mẹ của quý vị sẽ có sự khuyên dạy bằng lời. Từ ngữ Torah (Ngũ Kinh Cựu-ước) là một từ rất quen thuộc với đa số chúng ta, trong tiếng Hê-bê-rơ từ này dùng để thay cho từ “luật pháp,” đôi khi trong tiếng Việt, chúng ta có thể dịch là “phép tắc.” “Chớ bỏ qua các phép tắc của mẹ con,” tức là “các luật lệ của bà, các lời dạy dỗ của bà, việc nắm giữ lẽ thật Kinh Thánh của bà và truyền đạt chúng lại cho các con mình!”
Khi chúng ta tóm tắt lại về Sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời, sự chỉ dẫn của người cha, sự răn dạy của người mẹ, thì chúng ta sẽ có được những gì? Câu 9. Chúng ta sẽ có được một,
Vì ấy sẽ như một dây hoa trên đầu con, Giống như những vòng đeo quanh cổ của con.
Sách Châm ngôn là Sách hòa trộn tất cả những lời dạy dỗ từ các bậc thầy của chúng ta, và đó cũng chính là mục tiêu của cuốn Sách vĩ đại này!