Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé có tính xấu. Cha cậu cho cậu một cái bao đinh và cho cậu biết mỗi lần cậu nổi giận thì cậu hãy đóng cây đinh lên tường. Ngày đầu tiên cậu bé đã đóng ba mươi bảy cây đinh lên tường. Nhưng từ từ số đinh đóng mỗi ngày giảm dần. Cậu phát hiện ra rằng kiềm chế cơn giận dễ hơn là đóng đinh vào tường. Cuối cùng một ngày nọ cậu bé không còn nổi giận nữa. Cậu khoe với cha mình về việc này, và người cha đề nghị rằng cậu bé mỗi ngày hãy nhổ một cây đinh khi cậu kiềm chế được cơn giận. Nhiều ngày trôi qua cậu bé cuối cùng đã có thể nói với cha rằng cậu đã nhổ hết các cây đinh.
Người cha nắm tay đứa con trai dẫn tới bức tường. “Con ơi, con đã làm giỏi, nhưng xem những lỗ đinh trên tường. Bức tường không còn như xưa. Khi con nói lời nào đó trong lúc giận, nó đã để lại vết thẹo như thế này. Con lấy dao đâm vào ai đó và rồi rút ra, dù con có nói lời xin lỗi bao nhiêu đi nữa, vết thương vẫn còn đó.” Hậu quả của việc giận dai là gì? Nó sẽ làn tổn hại đến mọi lĩnh vực trong đời sống chúng ta. Thân thể, tâm hồn và tâm linh đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Sức khoẻ và các mối quan hệ đều bị tổn hại. Sự thành công trong tương lai cũng có cơ may bị ngăn trở do cơn giận vì giận sẽ thay đổi nhân cách và người hay giận thường thấy khó mà giữ được một công việc nào. Chúng ta không thể nào thành người Chúa muốn chúng ta nếu chúng ta cứ giận dữ hoài.
Tôi tin mọi người trong xã hội đều bị ảnh hưởng bởi cơn giận của chúng ta, nhưng chính chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bất kỳ ai khác, và đó là lý do tôi nói lặp đi lặp lại, “Hãy làm ơn cho bản thân và hãy tha thứ.” Hãy nhớ, dù cơn giận của bạn là do kết quả chánh đáng đi nữa, bạn vẫn không giúp gì được cho bản thân hay thay đổi tình hình nếu cứ giận hoài. Trên mộ bia của một người có ghi: Đây là nơi yên nghỉ của con người đáng thương. Anh là một con người hay giận Lúc nào cũng nổi khùng, nổi điên. Rất vui là anh chết rất trẻ. Ai cũng vui khi một con người hay giận không còn có đó, vì người này gây áp lực lên hết thảy mọi người. Cha tôi là một người hay giận suốt cả đời ông, và cơn giận của ông đã tạo ra bầu không khí căng thẳng khó sống. Mẹ tôi nhiều lần có nói là kể từ khi cha tôi chết bà sung sướng biết bao khi ở nhà một mình bình yên và tĩnh lặng. Mẹ tôi vẫn sống với cha tôi vì bà đã kết ước trong cuộc hôn nhân này, nhưng căng thẳng mà bà chịu đựng đã cướp đi sức khoẻ của bà và cơn giận của cha tôi đã làm hại sức khoẻ của ông.
Căng thẳng, đặc biệt là căng thẳng liên tục, sẽ phá hỏng các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp, tim mạch và bao tử đều bị ảnh hưởng. Người hay giận mau già hơn người hoà thuận: nào là bệnh nhức đầu kinh niên, bệnh về đường ruột, nào là bệnh lo lắng hay bệnh rối loạn miễn nhiễm và danh sách không kể hết được. Sự thật thì người hay giận thường chết sớm hơn người mau tha thứ. Tôi tin đây là lúc phải đối diện sự thật về cơn giận và xử lý nó. Nếu bạn là người hay giận, hãy quyết định giải quyết tận gốc rễ và hợp tác với Thánh Linh để được tự do khỏi nó. Đừng mang mặt nạ hay phớt lờ nó. Hãy đối diện thẳng thắn với nó và hãy xem giận là giận. Nói “tôi giận” nghe có vẻ không thiêng liêng lắm, nhưng nhìn nhận vậy đã là bước đầu để chiến thắng nó. Đây là điều bạn phải làm cho chính bạn. Những người khác sẽ được ích lợi từ tác động tích cực của việc bạn không còn giận nữa, nhưng không ai được ích lợi cho bằng bản thân bạn.
Tới ba mươi tuổi đầu rồi tôi mới mở lòng đối diện sự thật về quá khứ của tôi. Tôi đã bị cha tôi lạm dụng về tình dục. Ông đã vuốt ve tôi từ lúc mà tôi nhớ là tôi đã đủ tuổi để cho ông “quan hệ” với tôi, và năm năm cuối tôi sống ở nhà, ông hãm hiếp tôi ít nhất là hai trăm lần. Tôi biết điều này nghe có vẻ sốc nhưng thật như vậy, nhưng đối diện với sự thật cách thẳng thắn là điều tôi phải làm để vượt qua chuyện này. (Lời làm chứng chi tiết của tôi đã được ghi trong DVD do chức vụ của chúng tôi phát hành.)
Sau khi bỏ nhà đi lúc mười tám tuổi, tôi đinh ninh là nan đề được bỏ lại đằng sau. Dĩ nhiên lúc đó tôi cay đắng và căm thù cha tôi, nhưng tôi không biết là việc này đã làm tổn thương tôi đến mức nào. Khi tôi khởi sự hành trình đối diện với sự thật và bắt đầu tha thứ, tôi cũng không biết là về lâu về dài làm thế sẽ ích lợi cho tôi bao nhiêu. Lúc đầu tôi muốn vâng lời Chúa mà tha thứ. Người hay giận không thể yêu thương phải lẽ, vì điều gì trong chúng ta rốt cuộc sẽ phơi bày ra ngoài. Mọi mối quan hệ của tôi đều bị ảnh hưởng do cơn giận và bực mình của tôi, nhưng lúc đó tôi không biết. Cơn giận đã ăn sâu trong tâm hồn tôi, trong suy nghĩ tôi, trong cảm xúc, trong lời nói và trong tất cả hành động của tôi vì nó là một phần của con người tôi. Giận dữ đã bám theo tôi quá lâu đến nỗi tôi không còn nhận ra đó là cơn giận thật.
Khi tôi học Lời Chúa, Thánh Linh bắt đầu chỉ cho tôi thấy những nan đề của tôi. Trước đó, tôi chỉ nghĩ đến toàn là những gì người khác đã gây ra cho tôi và tôi không hề nghĩ rằng phản ứng của tôi đối với hành động của người ta mới là điều mà tôi cần nhìn ra. Lúc đó tôi cảm thấy đúng khi ganh ghét và bực bội không chỉ cha tôi là người đã làm hại tôi mà còn cả những ai đáng lý có thể giúp tôi mà lại không giúp. Làm sao Chúa lại bảo tôi hay ai khác đã bị lạm dụng phải tha thứ cho vô số lỗi lầm này? Ngài làm được vì Ngài biết điều nào là tốt nhất cho chúng ta. Chúa có một kế hoạch để chúng ta được phục hồi hoàn toàn, và điều gì Ngài bảo chúng ta làm là vì Ngài yêu chúng ta và có ý định ban cho chúng ta điều tốt nhất. Ngài sẽ ban cho chúng ta ân sủng để tha thứ dù việc này chúng ta không thể làm nổi nếu chúng ta không chịu vâng lời Ngài.
Khi tôi nói với bạn về việc sống vượt trên giận dữ và biến sự tha thứ là một lối sống, là tôi nói từ chính kinh nghiệm. Tôi không chỉ biết chuyện này khó làm mà tôi còn biết nó thật giá trị cho bạn một khi bạn đã làm. Vì thế, tôi hết sức khích lệ bạn đừng chỉ đọc cuốn sách để được “điểm” là bạn đọc thêm một cuốn sách nữa mà hãy đọc với một tấm lòng cởi mở sẵn sàng áp dụng điều bạn đọc vào chính đời sống bạn. Chúa có một cuộc đời tuyệt vời được sắp xếp trước và chuẩn bị trước cho mỗi người, và nếu chúng ta hợp tác với Ngài mà làm những gì Ngài bảo chúng ta làm, chúng ta sẽ hưởng được cuộc sống như thế. Nếu chúng ta không hợp tác thì chúng ta sẽ không hưởng được. Chúa vẫn yêu chúng ta, nhưng chúng ta sẽ không có được niềm vui sống trong kế hoạch tốt đẹp của Ngài. Hãy làm ơn cho bản thân và đừng đánh mất một điều tốt lành nào Chúa đã sắp đặt cho bạn.