Căn nguyên giận dữ - Sử Dụng Hay Lạm Dụng


Lạm  dụng  tức  là  dùng  sai  hay  dùng  không  đúng.  Khi người cha lạm dụng tình dục một đứa con tức là ông ta lợi dụng đứa con của mình. Khi người mẹ không nói những lời yêu thương với con cái tức là bà đã lạm dụng con cái vì người mẹ này xử sự không đúng. Khi người chồng đánh đập vợ thì người chồng đó là người lạm dụng. Khi ai đó cố kiểm soát người khác thì đó là lạm dụng. Chúa tạo dựng trong chúng ta nhu cầu cần tình yêu, sự chấp nhận và sự tự do; những nhu cầu này là một phần của ADN của chúng ta, và nếu không có nó chúng ta không bao giờ hành xử đúng đắn được.



Tôi thật choáng ngợp khi tôi suy nghĩ về sự lạm dụng trong  xã  hội  chúng  ta  ngày  nay.  
Dường  như  chúng ta sống trong một thế giới đầy giận dữ trong đó người ta giống như quả bom kích nổ chuẩn bị nổ tung bất cứ lúc nào. Người ta rất là ích kỷ và nghĩ đến cái tôi nên họ rất dễ nổi giận. Theo tôi, Chúa là câu trả lời duy nhất cho những vấn nạn mà chúng ta đối diện ngày nay. Chúng ta không thể kiểm soát những gì thế gian làm, nhưng chúng ta có thể quyết định không chạy theo thói đời. Chúng ta nên quyết định ủng hộ Chúa và đường lối của Ngài, và khi chúng ta làm thế thì đời sống chúng ta sẽ trở thành gương sáng cho người khác. Nào chúng ta hãy công bố, “Hãy chọn ai mà các ngươi muốn phụng sự . . . nhưng ta và nhà ta sẽ phụng sự CHÚA.” (Giô-suê 24:15)

Bất kỳ sự lạm dụng nào cũng đều khiến cho người ta giận dữ. Bạn có nổi khùng với ai đó lạm dụng bạn không? Có lẽ việc tha thứ cho họ là khởi đầu của tiến trình chữa lành và thay đổi.  Giăng 20:23 ghi  lại  lời Chúa  Giê-su phán dạy các môn đồ rằng họ buộc tội của ai thì tội đó sẽ bị buộc; còn nếu họ tha thứ thì tội đó được tha. Khi chúng ta không chịu tha thứ cho người làm tổn thương chúng ta thì có lẽ là chúng ta muốn giữ lại tội đó trong chúng ta và chính chúng ta sẽ tái phạm nó. Nhiều người có quá khứ bị lạm dụng đã trở thành người lạm dụng. Ít ra là họ hay nổi giận và không thể thay đổi được cho đến khi họ hoàn toàn tha thứ những người đã làm tổn thương họ. Satan luôn tìm cách để xui ai đó làm tổn thương chúng ta, hy vọng rằng chúng ta sẽ sống cuộc đời đầy giận dữ. Nhưng hãy nhớ Truyền Đạo 7:9 : “Vì cơn giận dữ sẵn chờ trong lòng kẻ dại.” Chúng ta dại nếu chúng ta cứ giữ cơn giận mà chúng ta cảm nhận khi ai đó làm tổn thương chúng ta. Hãy làm ơn cho bản thân và hãy tha thứ.

Vào năm 1985, bà ngoại của Bill Pelke tên là Ruth bị bốn cô thiếu nữ giết chết. Bà cụ là một cơ đốc nhân tuyệt vời, hay mở các buổi học Kinh Thánh tại nhà bà. Một tối nọ, như thường lệ bà mở cửa cho các tín hữu vào, mong ước dạy Lời Chúa cho họ thì đằng này các cô gái bước vào nhà và giết bà cụ cách dã man. Vào một đêm của tháng Mười Một năm 1986, Bill bắt đầu suy nghĩ những ý tưởng này về bà ngoại của mình.

Vào ngày 2 tháng Mười Một [Pelke kể] tôi suy nghĩ về đời sống và cái chết của bà Nana. Tôi chợt nghĩ đến đức tin của bà. Bà là một cơ đốc nhân tận hiến, và tôi được trưởng dưỡng trong một gia đình cơ đốc. Tôi nhớ lại lời Chúa Giê-su phán nếu chúng ta muốn Cha trên trời tha thứ chúng ta thì chúng ta cần tha thứ cho những ai làm hại chúng ta . . . tôi biết Chúa Giê-su muốn nói là tha thứ là một thói quen, là một lối sống. Hãy tha thứ, hãy tha thứ và tha thứ, và tiếp tục tha thứ . . . Tôi nghĩ có lẽ tôi cố gắng tha thứ cho [Paula Cooper, ả cầm đầu băng đảng mới mười lăm tuổi] về những gì cô ta làm cho bà tôi. Tôi nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ làm vì đây là điều nên làm.Tôi càng nghĩ về bà tôi thì tôi càng được thuyết phục rằng bà tôi chắc có lẽ rất buồn khi Paula bị án tử hình . . . tôi cũng cảm nhận bà tôi muốn ai đó trong gia đình tôi bày tỏ tình yêu và lòng trắc ẩn như bà. Tôi cảm thấy gánh nặng chồng chất trên đôi vai. Dù tôi biết sự tha thứ là điều nên làm, đó là chưa nói đến chuyện yêu thương và trắc ẩn vì bà tôi đã bị giết cách dã man. Nhưng tôi càng được thuyết phục rằng bà tôi muốn thế. Không còn cách nào khác, tôi xin Chúa ban cho tôi tình thương và lòng trắc ẩn đối với Paula Cooper cùng gia đình của cô này và thay mặt bà tôi mà tha thứ cho họ.

Chỉ một lời cầu nguyện ngắn ngủi, nhưng tôi chợt nghĩ ngay đến chuyện viết thư cho Paula và nói cho cô này biết bà tôi là hạng người như thế nào và lý do bà tôi để cho cô ta vào nhà của bà ngay. Tôi muốn chia sẻ đức tin của bà tôi cho cô ấy.

Tôi nhận biết rằng lời cầu nguyện xin Chúa ban tình yêu và lòng trắc ẩn được đáp lời vì tôi muốn giúp Paula và bất chợt tôi biết rằng việc xử tử cô là có tội. Tối đó tôi đã học một bài học giá trị trong đời. Bài học đó là quyền năng chữa lành của hành động tha thứ. Khi lòng tôi được cảm động bởi lòng trắc ẩn thì sự tha thứ xuất hiện. Khi sự tha thứ xuất hiện thì nó đem lại sự chữa lành lớn lao. Chuyện này xảy ra gần một năm rưỡi kể từ khi bà tôi qua đời và mỗi khi tôi nhớ đến bà tôi thì tôi thường tưởng tượng cách mà bà đã chết. Thật là khủng khiếp khi nghĩ đến cái chết kinh hoàng của bà tôi. Nhưng tôi biết khi lòng tôi tràn ngập lòng trắc ẩn và sự tha thứ thì ngay giây phút tôi nghĩ đến cảnh bà tôi chết thì tôi không còn tưởng tượng bà đã chết đau đớn thể nào, trái lại tôi tưởng tượng bà đã sống thể nào, bà bênh vực cho chính nghĩa nào, bà đã tin điều gì và bà là một con người tuyệt vời ra làm sao.

Tha thứ không có nghĩa là tán thành những việc mà cô Paula đã làm, cũng không có nghĩa là cô ta không phải chịu hậu quả nào về hành động của cô. Mà cũng không có nghĩa là tha thứ rồi quên đi. Tôi không thể nào quên được những gì đã xảy ra cho bà tôi, nhưng tôi đã bỏ qua ý định báo thù cô Paula. Tôi cầu mong những điều tốt đẹp đến với cô ta. 

Những câu chuyện như trên thật vô cùng cảm động và câu chuyện cho thấy chúng ta có thể tha thứ bất kỳ ai về bất cứ chuyện gì nếu chúng ta nhìn xuyên qua những gì đã xảy ra cho chúng ta, những gì tốt đẹp sau này sẽ xảy đến cho mọi người liên đới. Chúa đã dạy tôi không chỉ nhìn những gì mà bên gây án đã gây ra cho tôi, nhưng hãy nhìn thấy những gì họ đã gây ra cho bản thân họ và sẵn sàng tha thứ và cầu nguyện cho họ.