Lúc đó vào cuối năm 1952, chiến tranh gieo tang tóc đau thương trên khắp đất nước Triều Tiên. Mùa đông tại Triều Tiên năm đó thật kinh khiếp: trời lạnh buốt xương, thực phẩm thì khan hiếm; bao nhiêu người chết vì lạnh, vì đói. Hôm đó là đêm Giáng Sinh, trên cánh đồng lớn tuyết phủ trắng xóa, một thiếu phụ trẻ có thai gần đến ngày sinh, lê từng bước chậm chạp, cố gắng đi đến nhà một vị giáo sĩ mà nàng tin là có thể giúp nàng trong giờ đứa con đầu lòng ra chào đời. Chồng của thiếu phụ vừa mới tử nạn trong chiến trận. Bây giờ còn một mình, không biết nương nhờ vào ai, nàng nghĩ đến gia đình vị giáo sĩ đầy tình thương, hy vọng gia đình này sẽ giúp nàng khi đứa con ra đời.
Trời đã tối, để đi đến nhà vị giáo sĩ, người đàn bà trẻ phải đi qua chiếc cầu bắc ngang trên một con suối. Nhưng khi nàng vừa đi đến đầu cầu thì một cơn đau dữ dội bất ngờ tràn đến. Cơn đau quặn thắt khiến thiếu phụ gập người lại và ngã xuống trên tuyết. Nàng thầm nghĩ: Không, con mình không thể ra chào đời giữa trời tuyết giá như thế này! Nói xong nàng cố gượng dậy để đi tiếp, nhưng cơn đau không giảm mà lại càng gia tăng. Không một người nào qua lại trên cánh đồng vắng vẻ để nàng có thể cầu cứu. Biết không thể đi ngay được, thiếu phụ cố gắng lết đến bên dưới chân cầu, nghĩ rằng khi cơn đau giảm bớt nàng sẽ tiếp tục đoạn đường dẫn đến nhà vị giáo sĩ. Nhưng thiếu phụ đáng thương không ngờ rằng tại dưới chân cầu đó, trong giá tuyết cô đơn một mình, nàng đã sinh một đứa con trai.
Đứa bé ra đời quá bất ngờ, thiếu phụ không có chăn mền để đắp cho con. Với tình thương vô bờ bến của người mẹ, nàng cởi chiếc áo ngoài rồi luôn cả áo trong để quấn cho con. Sau đó, vì mệt và mất sức, nàng nằm xuống bên con và thiếp đi.
Sáng hôm sau, là ngày lễ Giáng Sinh, một nữ giáo sĩ lái xe đi qua chiếc cầu nhỏ để đem thức ăn đến cho một gia đình nghèo trong vùng. Khi chiếc xe đến giữa cầu thì hục hặc vài tiếng rồi tắt máy, thì ra xe hết xăng. Vị nữ giáo sĩ hơi bực bội trong lòng vì xe không chạy được nữa mà phải ngừng giữa trời tuyết và hỏng cả chương trình của bà trong ngày hôm đó. Bà lầm thầm trong miệng: Chúa ơi, sao con phải vất vả quá như vầy! Và nói thầm với chính mình: Bây giờ đành phải đi bộ thôi chứ không còn cách nào khác. Nói xong, bà giáo sĩ xuống xe và bắt đầu bước đi. Ngay lúc đó bà nghe có tiếng con nít khóc, tiếng khóc nhỏ và thật là yếu ớt. Thoạt đầu bà nghĩ: Ồ, không phải tiếng trẻ con khóc đâu, làm gì có trẻ con nào ở đây trong trời tuyết như vầy! Nhưng là phụ nữ, trực giác cho bà biết đó là tiếng con nít khóc, đúng ra, đó là tiếng khóc của một đứa bé sơ sinh. Vị nữ giáo sĩ yên lặng chú ý nghe một lần nữa, thì nhận ra tiếng khóc đó từ dưới chân cầu vang lên. Bà liền chạy xuống bên dưới chân cầu, chỗ phát ra tiếng khóc, và vô cùng kinh ngạc khi thấy có một em bé mới sinh, cuốn rốn còn nối liền với bà mẹ, nhưng người mẹ thì đã chết từ bao giờ.
Động lòng trước hoàn cảnh thương tâm của đứa bé, vị nữ giáo sĩ đem bé về nuôi, nhận làm con và đặt tên là Soo Park. Dù phải chăm sóc hằng trăm đứa bé khác trong viện mồ côi, em Soo Park được bà yêu thương cách đặc biệt. Vài năm sau, khi em đã hiểu biết, bà kể lại cho em nghe bà đã tìm thấy em ở đâu, trong hoàn cảnh như thế nào. Bà thường nói với Soo Park: Con biết không, mẹ con thương con vô cùng, mẹ con đã hy sinh, chịu lạnh để con được sống. Bà cũng cho Soo Park biết rằng mọi việc đã xảy ra trong chương trình của Đức Chúa Trời, Chúa muốn cứu em nên xe của bà đã bị hết xăng khi đi đến giữa cầu. Nếu chiếc xe hết xăng trước đó hay sau đó thì bà đã không tìm thấy em.
Em Soo Park tiếp tục lớn lên trong tình thương của người mẹ nuôi. Thấm thoát em được mười hai tuổi. Sinh nhật thứ mười hai của em nhằm đúng vào ngày lễ Giáng Sinh. Em xin bà giáo sĩ cho em đi thăm mộ của mẹ, vì em chưa được đến thăm lần nào. Bà giáo sĩ đưa em đến nghĩa trang nơi mẹ em được chôn. Ngày hôm đó tuyết cũng phủ trắng khắp nơi, tuyết phủ đầy trên ngôi mộ của mẹ em. Em Soo Park đến quỳ bên mộ, yên lặng một hồi lâu. Rồi em đứng lên, cởi chiếc áo choàng đang mặc trên người, phủ lên mộ mẹ; em lại cởi lớp áo trong, phủ thêm lên mộ. Vị nữ giáo sĩ yên lặng theo dõi. Bà thầm nghĩ: chú bé này làm gì vậy, trời lạnh như cắt mà cởi hết áo ra như thế. Chờ thêm vài giây, bà đến gần, đặt tay lên vai Soo Park và nói: Thôi, được rồi, mẹ con trên thiên đàng đã nhìn thấy điều con làm và biết là con yêu mẹ rất nhiều. Thôi, con mặc áo vào đi chứ không rồi bị cảm lạnh bây giờ. Lúc đó, em Soo Park bật lên khóc, em vừa khóc vừa nói với mẹ, người mẹ mà em chưa bao giờ gặp mặt: Mẹ ơi, hôm đó, lúc sinh ra con, mẹ chịu lạnh nhiều hơn con đang chịu bây giờ phải không? Vì thương con, Mẹ đã lấy áo đắp cho con và phải chịu lạnh nhiều hơn thế này phải không Mẹ? Nói xong em ôm mặt khóc nức nở. Người nữ giáo sĩ đỡ em dậy, đưa em ra về.
Thưa quý vị, câu chuyện chúng tôi vừa kể là câu chuyện thật, đã xảy ra trên đất nước Triều Tiên nhiều thập niên trước, và Mục sư Harol Sala đã kể lại trong một chương trình phát thanh Giáng Sinh năm 2000. Câu chuyện nói lên tình thương lớn lao của một người mẹ. Người mẹ trẻ vì thương con đã hy sinh cho con. Bà chết để con được sống. Có lẽ chúng ta nghĩ, trên đời này không có tình thương nào sâu đậm, cao cả và đáng so sánh với tình thương của người mẹ. Nhưng thưa quý vị, tình thương Thiên Chúa dành cho con người chúng ta lớn lao và sâu đậm hơn tình thương của người mẹ. Chính Chúa là Đấng ban cho các bà mẹ tình thương đối với con.
Tình thương của Chúa đã chạm đến trái tim của người mẹ trẻ kia, khiến bà sẵn sàng hy sinh cho đứa con mới ra đời. Chúng ta có thể nói, tình thương của người mẹ giúp chúng ta hiểu được phần nào tình thương Chúa dành cho chúng ta. Thánh Kinh cho biết, tình yêu Đức Chúa Trời dành cho chúng ta lớn hơn, sâu đậm hơn tình mẫu tử. Chúa hứa rằng dù người mẹ có thể quên đứa con nhỏ còn bú, Ngài không bao giờ quên chúng ta.
Sách Ê-sai trong Cựu Ước ghi như sau: Người đàn bà có thể quên con mình đang bú, hay không thương xót con trai một mình sao? Dù người mẹ có thể quên con mình, nhưng chính ta sẽ không quên ngươi (Tiên Tri Ê-sai 49:15).
Tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta không những sâu đậm hơn tình mậu tử nhưng cũng cao cả, lớn lao không bút mực nào diễn tả được. Chúa không chỉ nói yêu chúng ta, nhưng Ngài đã bày tỏ tình yêu đó bằng hành động cụ thể.
Sứ Đồ (Thánh) Giăng viết về tình yêu của Chúa như sau: Tình yêu của Ðức Chúa Trời đã được bày tỏ cho chúng ta qua điều nầy: Ðức Chúa Trời đã sai Con Một của Ngài đến thế gian để chúng ta nhờ Con ấy được sống. Tình yêu ấy thể hiện qua điều nầy: không phải chúng ta đã yêu Ðức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta và sai Con Ngài làm con vật hiến tế chuộc tội chúng ta. (I Giăng 4:9,10 BD 2011)
Thượng Đế đã tỏ tình yêu thương của Ngài cho chúng ta như sau: Ngài sai Con Một của Ngài đến thế gian để chúng ta được sống nhờ Con ấy.Tình yêu thật là thế nầy: Không phải vì chúng ta đã yêu Thượng Đế nhưng vì Thượng Đế đã yêu chúng ta nên sai Con Ngài chịu chết chuộc tội cho chúng ta. (I Giăng 4:9,10 Bản Dịch Phổ Thông)
Thượng Đế đã tỏ tình yêu thương của Ngài cho chúng ta như sau: Ngài sai Con Một của Ngài đến thế gian để chúng ta được sống nhờ Con ấy.Tình yêu thật là thế nầy: Không phải vì chúng ta đã yêu Thượng Đế nhưng vì Thượng Đế đã yêu chúng ta nên sai Con Ngài chịu chết chuộc tội cho chúng ta. (I Giăng 4:9,10 Bản Dịch Phổ Thông)
Một bản Kinh Thánh khác dịch câu này như sau: Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta (Bản Dịch Công Giáo).
Chính vì tình thương đó mà Chúa đã lìa bỏ tất cả vinh quang quyền quý trên thiên đàng để sinh ra làm người, trong thân vị của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu sinh ra làm một em bé yếu đuối, nghèo nàn; để rồi khi được ba mươi tuổi Ngài đã hy sinh chịu chết trên thập tự giá để chúng ta được tha tội và được sự sống vĩnh cửu. Nói đến Giáng Sinh là nói đến tình yêu của Chúa đối với chúng ta, là nói đến Tin Mừng Cứu Rỗi mà Chúa đã đem đến cho nhân loại. Nếu chúng ta chỉ mừng Giáng Sinh với mua sắm, tiệc tùng, quà tặng, ngay cả ca hát nữa mà không tiếp nhận Tin Mừng Cứu Rỗi cho chính mình, không mời Chúa Cứu Thế Giê-xu bước vào cuộc đời chúng ta, ngự trị tấm lòng chúng ta thì Giáng Sinh vẫn thật là vô nghĩa.
Trong đêm Giáng Sinh đầu tiên, thiên sứ đã loan báo với các mục đồng: Này, tôi báo cho các anh một Tin Lành, sẽ là niềm vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay, tại thành Đa-vít đã sinh cho các anh một Đấng Cứu Thế, Ngài là Đấng Cứu Thế, là Chúa (Phúc Âm Lu-ca 2:10, 11).
Chia xẻ những lời này với quý vị hôm nay, chúng tôi không mong ước gì hơn là trong mùa Giáng Sinh này, quý vị sẽ mở rộng tâm hồn, tiếp đón Chúa Cứu Thế Giê-xu, mời Ngài bước vào cuộc đời quý vị. Ngài sẽ tha thứ tội cho quý vị, tiếp nhận quý vị làm con của Ngài, ban cho quý vị sự cứu rỗi và sự sống vĩnh cửu. Kính chúc quý vị một Giáng Sinh tràn đầy hồng ân và ơn lành của Chúa.