Tôi Sống Trên Đời Nầy Để Làm Gì?


Tôi Sống Trên Đời Nầy Để Làm Gì?


Mọi Sự Bắt Đầu Với Đức Chúa Trời
Mục đích của cuộc sống bắt đầu với bạn.
Mục đích của cuộc sống đời bạn còn lớn hơn cả sự thành đạt cá nhân, sự bình an trong tâm trí, hay thậm chí hạnh phúc của bạn. Nó lớn hơn cả gia đình, nghề nghiệp, hay cả những giấc mơ và tham vọng rồ dại nhất. Nếu bạn muốn biết vì sao bạn có mặt trên hành tinh này, bạn phải bắt đầu với Đức Chúa Trời. Bạn được sinh ra bởi mục đích của Ngài và vì mục đích của Ngài.
Cuộc tìm kiếm mục đích của cuộc sống đã làm rối trí con người hàng ngàn năm qua. Sở dĩ như vậy là trong cơ bản đó là vì chúng ta thường chọn sai khởi điểm: chính chúng ta. Chúng ta đặt ra những câu hỏi tự cho mình là trung tâm, tôi muốn trở nên như thế nào? Tôi phải làm gì cho cuộc đời mình? Các mục tiêu, tham vọng, ước mơ của tôi cho tương lai là gì? Thế nhưng việc tập chú vào chính chúng ta sẽ chẳng bao giờ giúp chúng ta thấy được mục đích của cuộc đời mình. Thánh Kinh nói rằng, “Chính Đức Chúa Trời hướng dẫn đời sống mọi sinh vật, sự sống của mọi người đều ở trong quyền của Ngài.”
Trái với điều mà nhiều cuốn sách nổi tiếng, các bộ phim cũng như những khóa hội thảo khác nói với bạn, bạn sẽ không bao giờ có thể khám phá được ý nghĩa của cuộc đời mình nếu bạn chỉ nhìn vào chính bản thân mình. Có lẽ bạn cũng đã từng thử điều đó rồi. Bạn không tự tạo chính mình, cho nên không có cách nào để bạn có thể biết rõ lý do bạn được tạo dựng! Nếu tôi đưa cho bạn một phát minh nào đó mà bạn chưa hề nhìn thấy bao giờ, thì bạn sẽ không biết được nó dùng để làm gì, và sự phát minh đó cũng không thể nói với bạn được. Chỉ có người tạo ra nó hoặc tài liệu hướng dẫn sử dụng mới nói rõ mục đích của phát minh đó.

Một lần nọ tôi bị lạc trên núi. Khi tôi dừng lại và hỏi đường đi về khu cắm trại, người ta bảo tôi rằng, “Từ chỗ này anh không đi đến đó được đâu. Anh phải đi từ phía kia núi mới tới được!” Cũng vậy, bạn không thể hiểu được mục đích của cuộc đời mình bằng cách tập chú vào chính bản thân. Bạn phải bắt đầu với Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng bạn. Bạn hiện hữu là do Chúa muốn bạn hiện hữu. Bạn được tạo dựng bởi Đức Chúa Trời và cho Đức Chúa Trời – và cho đến khi bạn sẽ không có ý nghĩa gì. Chính bởi trong Đức Chúa Trời mà chúng ta khám phá được nguồn gốc, bản chất, ý nghĩa, tầm quan trọng, và số phận của chính mình. Mọi con đường khác đều là ngõ cụt.
Nhiều người cố dùng Chúa để xác định bản thân mình. Họ muốn Chúa là một thần tài để phục vụ những mơ ước ích kỷ của họ. Nhưng đó là một sự đảo lộn của tự nhiên và chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại. Bạn được Đức Chúa Trời tạo dựng, chứ không phải ngược lại, và cuộc sống là để Đức Chúa Trời sử dụng bạn cho mục đích của Ngài, chứ không phải để bạn dùng Ngài cho mục đích riêng của mình. Kinh Thánh ghi lại “Chăm chú về chính mình trong những việc này sẽ đưa đến sự chết.” Nêu ra những bước có thể tiên đoán trước nhằm tìm kiếm mục đích của cuộc đời bạn: Tìm hiểu bạn hỏi điều gì: Làm sáng tỏ những giá trị của bạn. Hãy xác định mục tiêu của bạn. Hãy hướng lên. Hãy tin rằng bạn có thể thực hiện được những mục tiêu của mình.Hãy đặt mình vào vòng kỷ luật. Đừng bao giờ bỏ cuộc. Dĩ nhiên, những đề nghị này thường dẫn đến thành công hay đạt được mục tiêu nếu dồn hết tâm trí mình vào đó. Nhưng thành công và làm trọn mục đích cuộc đời của bạn không phải lúc nào cũng giống nhau! Bạn có thể đạt mọi mục đích của cá nhân của mình, thành công vẻ vang theo tiêu chuẩn của thế gian, mà vẫn cứ đánh mất những mụcđích mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng. Bạn cần nhiều hơn là một lời khuyên tự nỗ lực. Kinh Thánh chép, “Tự nỗ lực không giúp ích được gì. Tự hy sinh mới chính là con đường, con đường của ta, để tìm thấy chính các ngươi, và con người thật của các ngươi.”
Cuốn sách nhỏ này không phải sách giúp cho bạn tìm đúng nghề, đạt được những mơ ước hay lập kế hoạch cho đời bạn. Nó cũng không nói về việc làm thế nào để chen thêm các hoạt động khác vào một lịch làm việc quá đầy. Thật ra, nó sẽ dạy bạn làm thế nào để làm việc ít hơn trong cuộc đời – bằng cách tập trung vào những điều quan trọng nhất. Nó nói vềviệc trở thành đúng điều mà Đức Chúa Trời muốn bạn trở thành khi Ngài tạo dựng bạn.
Vậy, thì làm sao bạn có thể khám pháđược mục đích mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng bạn? Bạn có hai chọn lựa. Chọn lựa đầu tiên của bạn là suy đoán. Đây là điều mà hầu hết mọi người chọn. Họ phỏng đoán, ước tính, đưa ra giả thuyết về mục đích của cuộc đời. Khi một người nói: “Tôi luôn nghĩ mục đích của cuộc sống là …,” thì họ có ý nói như thế này, “Đây là suy đoán tốt nhất của tôi.”
Trải hàng ngàn năm, những triết gia nổi tiếng đã thảo luận và suy đoán về ý nghĩa cuộc sống. Triết học là một bộ môn quan trọng và hữu ích, nhưng khi đụng đến vấn đề mục đích của cuộc sống, thì ngay cả những triết gia khôn ngoan nhất cũng chỉ có thể suy đoán.
Tiến sĩ Hugh Moorhead, một giáo sư triết học tại trường đại học Northeastern Illinois, đã từng viết thư cho 250 triết gia, khoa học gia, nhà văn và nhà tư tưởng nổi tiếng nhất thế giới, và hỏi họ: “Ý nghĩa cuộc đời là gì?” Sau đó ông đã cho xuất bản những câu trả lời của họ trong một cuốn sách. Một số người đưa ra những phỏng đoán tốt nhất của họ, một số khác thừa nhận rằng họ tự đặt ra mục đích của cuộc sống, và những người khác thì đủ thành thật để nói rằng họ không biết. Thật ra một số những nhà tư tưởng nổi tiếng đã yêu cầu giáo sư Moorhead trả lời thư và cho họ biết ông đã khám phá được mục đích của cuộc sống chưa!
May thay là có một cách khác ngoài sự suy đoán để biết về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Cách dễ nhất để khám phá ra mục đích của một phát minh là hỏi người phát minh giải thích cho chúng ta. Việc khám phá mục đích cuộc sống của bạn cũng vậy: Bạn có thể tìm thấy những gì Đức Chúa Trời Đấng tạo dựng bạn đã mặc khải trong Lời Ngài, Lời Thánh Kinh. Mặc khải luôn luôn hơn suy đoán.
Đức Chúa Trời không hề để chúng ta trong bóng tối của nghi ngờ và phỏng đoán. Ngài đã bày tỏ rõ ràng năm mục đích cho cuộc đời của chúng ta qua lời Kinh Thánh.Đó chính là Sách Cẩm Nang, giải thích lý do tại sao chúng ta sống, cuộc sống phải như thế nào, phải tránh điều gì, và phải mong đợi điều gì ở tương lai. Nó giải thích điều mà không có một cuốn sách học làm người nào hay một triết lý nào có thể giải thích được. Thánh Kinh chép, “Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời … thể hiện trong các mục đích của Ngài … Đó không phải là sứ điệp mới nhất, bèn là điều đã có từ lâu – điều Đức Chúa Trời đã quyết định để làm cho chúng ta trở nên hoàn hảo nhất.”
Đức Chúa Trời đã không chỉ là khởi điểm của cuộc đời bạn; Ngài còn là cội nguồn của nó. Để khám phá mục đích trong cuộc đời mình, bạn phải tìm đến Lời của Đức Chúa Trời, chứ không phải sự khôn ngoan của đời này. Cũng không phải sự phỏng đoán tốt nhất của thế gian này. Bạn phải xây dựng đời sống của mình trên những chân lý đời đời bất di bất dịch, chứ không phải trên ý kiến của những chương trình TV, tâm lý phổ thông, hay những lớp học dạy về thành công. Thánh Kinh nói rằng, “Chính trong Chúa Cứu Thế mà chúng ta tìm ra được chính mình và cả mục đích của cuộc sống chúng ta. Từ lâu, trước khi lần đầu chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa Cứu Thế và niềm hy vọng nơi Ngài, thì Ngài đã để mắt đến chúng ta, đã chuẩn bị chúng ta cho một đời sống vinh hiển, một phần trong toàn bộ mục đích mà Ngài đang thực hiện trong đời sống mỗi con người.” Câu Kinh Thánh cho chúng ta ba ý tưởng trong việc tìm kiếm mục đích của chính mình.
Thứ nhất, bạn khám phá được nguồn gốc và mục đích của mình qua mối tương giao với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nếu bạn không có mối tương giao đó, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách bắt đầu mối tương giao đó.
Thứ hai, Đức Chúa Trời đã suy nghĩ về bạn từ rất lâu trước khi bạn nghĩ đến Ngài. Mục đích Ngài dành cho cuộc đời bạn từ lâu có trước khi bạn hoài thai. Ngài đã có một kế hoạch trước khi bạn hiện hữu, mà không có ý kiến của bạn! Bạn có thể lựa chọn nghề nghiệp, người bạn đời, các sở thích, và nhiều điều khác nữa trong cuộc đời mình, nhưng bạn không thể tự tạo dựng mục đích cho mình.
Thứ ba, Mục đích của đời bạn phùhợp với mục đích rộng lớn hơn mà Đức Chúa Trời đã vạch ra cho cõi đời đời. Đó là tất cả những gì cuốn sách này sẽ nói đến.
Văn sĩ Andrei Bitov, một tiểu thuyết gia người Nga, lớn lên dưới một chế độ vô thần. Nhưng một ngày ảm đạm, thê lương nọ Đức Chúa Trời đã khiến ông chú ý. Ông hồi tưởng, “Vào năm tôi hai mươi bảy tuổi, lúc đang đi xe điện ngầm tại Leningrad (bây giờ là St. Petersburg), lòng tôi tràn ngập niềm tuyệt vọng đến nỗi tôi thấy như cuộc đời đã thình lình chấm dứt, tương lai không còn nữa, chứ đừng nói đến ý nghĩa của cuộc đời. Thình lình, sau tất cả những cảm xúc đó, một ý tưởng xuất hiện: Không có Đức Chúa Trời, cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì. Lập lại ý tưởng đó trong kinh ngạc lớn lao, tôi hình dung mình đang chạy lên những thang cuốn của ga tàu điện ngầm và bước vào ánh sáng của Đức Chúa Trời.”
Có thể bạn đã từng cảm nhận rằng mình đang ở trong bóng tối và không thấy được mục đích của cuộc đời bạn. Xin chúc mừng bạn, bạn sắp bước ra ánh sáng rồi đấy. Xin bạn cứ tiếp tự đọc thêm.
Đề tài suy ngẫm. Nếu không có Đức Chúa Trời thì kết quả là mọi sự đều do may rủi và đời sống không có mục đích gì hết. Tất cả bắt đầu với Đức Chúa Trời.

CÂU HỎI GIÚP BẠN SUY NGHĨ
1.       Bạn có bao giờ tự hỏi hoặc nghi ngờ về mục đích của đời bạn không?
2.       Cách nào đã tìm biết mục đích của đời bạn song bạn không tìm ra được?
3.       Bạn nghĩ tại sao người ta đã tìm cách tìm hiểu mục đích của đời mình song không đến với Thượng Đế là Đấng tạo ra mình?

Bạn Không Phải Là Một Tình Cờ
Bạn không phải là một tình cờ.
Việc ra đời của bạn không phải là một nhầm lẫn hay rủi ro, và sự sống của bạn cũng không phải là một may rủi trong thiên nhiên. Cha mẹ của bạn có thể không tính trước về sự ra đời của bạn, những điều đó không có nghĩa là Đức Chúa Trời không có một chương trình cho bạn. Ngài hành động trong những lỗi lầm và sai quấy của con người. Ngài không hề ngạc nhiên khi bạn ra đời. Thật thế, Ngài trông đợi điều đó.
Không phải là định mệnh, cũng không phải là tình cờ, không phải may mắn, không phải ngẫu nhiên mà bạn đang thở ngay trong lúc này đây. Bạn hiện đang sống vì Đức Chúa Trời muốn tạo dựng bạn! Thánh Kinh chép rằng, “Chúa sẽ làm trọn mục đích Ngài dành cho tôi”.
Đức Chúa Trời đã vẽ nên từng chi tiết nhỏ trên thân thể của bạn. Ngài cũng đã cẩn thận khi lựa chọn chủng tộc, màu da, màu tóc và mọi đặc tính khác của bạn. Ngài đã tạo dựng thân thể bạn cách thật đặc biệt theo điều Ngài muốn. Ngài cũng quyết định những tài năng bẩm sinh mà bạn có cũng như những nét đặc thù trong cá tính của bạn. Kinh Thánh chép, “Ngài biết rõ bên trong lẫn bên ngoài, Ngài biết từng cái xương trong thân thể tôi; Ngài biết chính xác tôi được dựng nên thế nào, được nhào nặn ra sao từ chỗ không có gì”.
Vì Đức Chúa Trời tạo dựng bạn với một mục đích, nên Ngài cũng quyết định khi nào bạn sẽ ra đời và sẽ sống bao lâu. Ngài có kế hoạch trước cho những ngày tháng trong cuộc đời bạn, lựa chọn chính xác thời điểm bạn ra đời và qua đời. Thánh Kinh chép, “Chúa thấy tôi trước khi tôi sanh ra và sửa soạn mỗi ngày của đời tôi khi tôi bắt đầu thở. Mỗi ngày của tôi được ghi vào sách của Ngài.”
Đức Chúa Trời cũng hoạch định việc bạn sẽ sinh ra ở đâu và sống ở đâu cho mục đích của Ngài. Chủng tộc hay quốc tịch của bạn cũng không phải là điều tình cờ. Đức Chúa Trời không để cho một chi tiết nào rơi vào ngẫu nhiên cả. Ngài hoạch định mọi điều đó vì mục đích của chính Ngài. Kinh Thánh chép, “Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp nơi trên đất, định trước thì giờ đời người cùng giới hạn chỗ ở” không có điều gì trong cuộc đời bạn là tuỳ tiện. Tất cả đều có mục đích.
Đáng ngạc nhiên hơn cả là việc Đức Chúa Trời quyết định bạn sẽ được sinh ra như thế nào. Bất luận bạn ra đời trong hoàn cảnh nào, hoặc cha mẹ của bạn là ai, thì Đức Chúa Trời vẫn có một kế hoạch khi tạo dựng bạn. Bất luận cha mẹ của bạn làngười tốt, xấu, hay bình thường. Đức Chúa Trời biết rõ hai người đó có đúng cấu tạo di truyền cần thiết để tạo nên “bạn” theo ý muốn Ngài. Họ có chuỗi DAN mà Đức Chúa Trời muốn dùng để tạo nên bạn. Dù có những người cha, người mẹ không hợp pháp, nhưng không hề có những đứa con không chính đáng. Nhiều đứa trẻ ra đời ngoài dự định của cha mẹ, nhưng điều đó không có nghĩa là Đức Chúa Trời khôngcó kế hoạch cho chúng. Mục đích của Đức Chúa Trời đã tính trước những lỗi lầm ngay cả tội lỗi của con người. Điều này không có nghĩa là Đức Chúa Trời đã tạo dựng hay chấp nhận tội lỗi. Ngài không làm điều đó, nhưng điều này Đức Chúa Trời có thể hoán cải mọi hoàn cảnh và sử dụng những hoàn cảnh đó cho chính Ngài. Vì vậy dẫu bạn sinh ra trong hoàn cảnh nào, bạn có thể vui mừng vì cớ Ngài có thể tạo dựng chính bạn.
Đức Chúa Trời không bao giờ làm một việc gì cách tình cờ, và Ngài không hề nhầm lẫn. Ngài có lý do cho mỗi điều mà Ngài tạo dựng nên. Từng cành cây, mỗi con vật đều được Đức Chúa Trời hoạch định, và mỗi con người chào đời cùng với mục đích của Đức Chúa Trời. Động cơ khiến Đức Chúa Trời tạo dựng nên bạn chính là tình yêu thương của Ngài. Kinh Thánh chép: “Từ rất lâu trước khi sáng thế, Ngài đã nghĩ đến chúng ta, đã xem chúng ta là tâm điểm của tình yêu Ngài”.
Đức Chúa Trời đã nghĩ đến bạn thậm chí trước khi Ngài tạo dựng thế giới. Trên thực tế, đó chính là lý do tại sao Ngài tạo dựng nên thế giới! Đức Chúa Trời thiết kế môi trường hành tinh này để chúng ta có thể sống tại đây. Chúng ta là tâm điểm của tình yêu thương Ngài, và là điều quý nhất trong toàn bộ sự tạo dựng của Ngài. Kinh Thánh chép: “Đức Chúa Trời quyết định ban cho chúng ta sự sống qua lời chân lý của Ngài để chúng ta trở nên điều quan trọng nhất trong tất cả những gì Ngài tạo dựng” Đức Chúa Trời yêu bạn và đánh giá bạn cao đến thế!
Đức Chúa Trời không hề tuỳ tiện; Ngài lập kế hoạch rất chính xác. Các nhà vật lý, sinh học và các khoa học gia khác càng nghiên cứu nhiều về vũ trụ bao nhiêu, thì chúng ta càng hiểu rõ hơn nó thích hợp một cách kỳ diệu cho sự sống của chúng ta như thế nào, thế giới được tạo dựng với những đặc điểm chính xác có thể giúp con người sống được.
Tiến sĩ Michael Denton, chuyên viên nghiên cứu cao cấp về di truyền phân tử người tại đại học Otago, Tân Tây Lan, đã kết luận, “Mọi bằng chứng hiện có trong các ngành khoa học sinh vật đều ủng hộ điều này …vũ trụ được thiết kế đặc biệt, thật thích hợp cho sự sống và con người như thể đây là mục đích căn bản của nó, một thực tại mà mọi phương diện đều có ý nghĩa của nó dựa trên tâm điểm này.” Kinh Thánh cũng đã nói về điều đó từ nhiều ngàn năm trước:
“Đức Chúa Trời tạo dựng trái đất, Ngài không tạo dựng để nó trống không nhưng tạo dựng để cho loài người sinh sống.”
Tại sao Đức Chúa Trời lại làm mọi điều này? Tại sao Ngài phải làm mọi việc phức tạp là tạo dựng một vũ trụ cho chúng ta?Bởi vì Ngài là Đức Chúa Trời của tình yêu thương. Loại tình yêu này thật không thể đo lường được, nhưng về cơ bản rất đáng tin cậy. Bạn được tạo dựng như một vật đặc biệt của tình yêu thương Đức Chúa Trời! Đức Chúa Trời tạo dựng bạn để Ngài có thể yêu thương bạn. Đây là một chân lý mà trên đó bạn nên xây dựng đời sống bạn.
Kinh Thánh nói với chúng ta, “Đức Chúa Trời là tình yêu.” Kinh Thánh không nói Đức Chúa Trời có tình yêu. Nhưng nói Ngài chính là tình yêu! Tình yêu chính là bản chất của Đức Chúa Trời. Có tình yêu thương trọn vẹn trong mối quan hệ của Ba Ngôi,cho nên Đức Chúa Trời không cần tạo dựng nên bạn. Ngài không hề cô đơn. Nhưng Ngài tạo dựng bạn để bạn có thể bày tỏ tình yêu thương của Ngài. Chúa phán, “Ta đã gánh vác các ngươi từ lúc mới sanh, bồng ẵm các người từ trong lòng mẹ. Cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng ẵm các ngươi. Ta đã tạo dựng các ngươi, thì ta cũng sẽ chăm sóc các ngươi nữa.
Nếu không có Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta chỉ là “sự tình cờ”, kết quả của sự ngẫu nhiên trong vũ trụ. Bạn có thể ngừng đọc sách này, vì cuộc sống không có mục đích hay ý nghĩa. Sẽ không có chuyện đúng sai, và không hề có hy vọng sau những năm ngắn ngủi trên đất này. Cuộc sống chỉ là một hiện hữu vô nghĩa và chết sẽ chấm dứt tất cả.
Nhưng có một Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo dựng bạn với một lý do, và cuộc đời bạn có một ý nghĩa sâu đậm! Chúng ta chỉ có thể khám phá được ý nghĩa và mục đích
đó khi chúng ta xem Chúa là trọng tâm của cuộc đời mình. “Cách chính xác duy nhất để hiểu chính chúng ta là nhờ vàobản chất của Đức Chúa Trời và những gì Ngài đã làm cho chúng ta”.
Đề tài suy gẫm. Bạn không phải là một ngẫu nhiên.
CÂU HỎI GIÚP BẠN SUY NGHĨ
1.       Những biến cố hay kinh nghiệm nào trong đời bạn cho bạn có cảm nghĩ là bạn đã được tạo dựng với mục đích?
2.       Bạn có bao giờ cảm thấy Thượng Đế rất yêu bạn và yêu chính bạn không?
3.       Đời sống của bạn sẽ thay đổi như thế nào nếu mỗi ngày bạn bắt đầu cuộc sốngvới niềm tin chắc là Đức Chúa Trời rất yêu bạn và có một mục đích cho bạn?

Điều Gì Thúc Đẩy Đời Sống Bạn?

Cuộc đời của mỗi con người điều được thúc đẩy bởi một điều gì đó.
Hầu hết các tự điển điều định nghĩa thúc đẩy là “hướng dẫn, điều khiển hoặc định hướng.” Khi bạn lái xe, đóng đinh hoặc đánh quả bóng golf, bạn đang hướng dẫn, điều khiển và định hướng ngay trong thời điểm đó. Động cơ thúc đẩy cuộc đời bạn là gì?
Ngay lúc này đây, bạn có thể đang bị thúc đẩy bởi một nan đề, một áp lực, hoặc một kỳ hạn nào đó. Bạn có thể đang bị lèo lái bởi ký ức đau khổ, một nỗi sợ kinh hoàng, hoặc một niềm tin vô thức nào đó. Có hàng trăm hoàn cảnh, giá trị và những tình cảm có thể thúc đẩy cuộc đời bạn. Sau đây là năm điều phổ thông nhất trong số đó:
Nhiều người bị thúc đẩy bởi mặc cảm tội lỗi. Họ sống cả đời loanh quanh với những nuối tiếc hoặc cố gắng che đậy sự xấu hổ của mình. Những người bị mặc cảm tội lỗi thúc đẩy luôn luôn bị ký ức điều khiển. Họ để cho quá khứ của mình điều khiển tương lai họ. Họ thường tự trừng phạt mình một cách vô ý thức khi ngầm phá hỏng thành công của chính mình. Khi Ca-in phạm tội, mặc cảm tội lỗi của ông đã phân cách ông ra khỏi sự hiện diện củaĐức Chúa Trời, và Chúa phán, “Ngươi sẽ lưu lạc và trốn tránh, trên mặt đất. ”Đó là điều mô tả hầu hết mọi người thời nay – lang thang trong cuộc sống mà không có mục đích gì.'
Chúng ta là sản phẩm của quá khứ chính mình, nhưng chúng ta không cần phải làm tù nhân cho nó. Mục đích của Đức Chúa Trời không hề bị giới hạn bởi quá khứ của bạn. Ngài đã biến một kẻ sát nhân Môi-se thành một nhà lãnh đạo, và một kẻ hèn nhác tên Giô-đê-ôn thành một anh hùng can đảm, Ngài cũng có thể làm những điều thật kỳ diệu trong phần còn lại của cuộc đời bạn.Đức Chúa Trời là Đấng ban cho con người những khởi đầu mới. Kinh Thánh chép: “Phước thay cho kẻ tội lỗi được tha … Hạnh phúc thay cho kẻ xưng nhận lỗi lầm và được Chúa tha thứ hoàn toàn.”
Nhiều người bị thúc đẩy bởi lòng oán giận. Họ cứ bám lấy những đau khổ của mình mà không bao giờ vượt qua được. Thay vì thoát khỏi nỗi đau của họ bằng sự tha thứ, họ nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong tâm trí mình. Một số người bị thúc đẩy bởi lòng oán giận thường “câm lặng” và đè nén cơn giận của họ, trong khi đó có một số người “nổi điên” và trút đổ nỗi điên tiết của mình lên những người khác. Cả hai phản ứng nầy đều không lành mạnh và không ích lợi gì. Lòng oán giận khiến bạn đau đớn nhiều hơn là những người mà bạn oán giận. Trong khi người có lỗi với bạn có lẽ đã quen chuyện đó và tiếp tục sống, thì bạn cứ ôm lấy nỗi đau của mình, ghi nhớ mãi quá khứ.
Bạn hãy để ý: những người đã làm bạn đau khổ trong quá khứ không thể tiếp tục làm bạn đau khổ nữa trừ khi bạn cứ tiếp tục bám lấy nỗi đau bằng lòng oán giận. Quá khứ của bạn đã qua rồi! Không một điều gì có thể thay đổi được. Bạn đang tự làm mình đau khổ bằng sự cay đắng mà thôi. Vì lợi ích của chính bạn, hãy học từ kinh nghiệm đó, và rồi bỏ nó đi. Lời Chúa phán rằng, “Lo lắng cho đến chết với những bất bình làm ngu muội là một điều bạn không nên làm.”
Nhiều người bị thúc đẩy bởi sự sợ hãi. Những sợ hãi này có thể là kết quả của một kinh nghiệm đau buồn, những mong muốn không thực tế, lớn lên trong một gia đình khắt khe, hoặc bị khuyết tật do di truyền. Dù với bất cứ lý do nào, thì những người bị sợ hãi lèo lái thường bỏ lỡ những cơ hội lớn, vì họ sợ không dám bước ra ngoài. Thay vào đó họ muốn an toàn tránh mạo hiểm và cố gắng duy trì nguyên trạng.
Sợ hãi là một nhà tù tự tạo khiến bạn không thể trở thành điều mà Đức Chúa Trời muốn bạn trở thành. Cách duy nhất để chiến thắng sợ hãi là chống cự nó với những vũ khí thiêng liêng của đức tin và tình yêu. Kinh Thánh chép: “Tình yêu chân thật phá tan sợ hãi. Vì sợ hãi làm cho người ta què quặt, một đời sống sợ sệt: sợ chết sợ đoán phạt, điều này chưa thành hình hoàn toàn trong tình yêu.”
Nhiều người bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa vật chất. Ước muốn tìm kiếm của họ trở nên mục tiêu của đời họ. Sự thúc đẩy con người ta luôn muốn có nhiều hơn đặt nền tảng trên những quan niệm sai lầm rằng: có nhiều hơn thì sẽ hạnh phúc hơn, quan trọng hơn, và an toàn hơn, nhưng cả ba điều đó đều không đúng sự thật. Của cải chỉ mang lại hạnh phúc ngắn ngủi. Bởi vì vật chất thì không thay đổi và cuối cùng chúng ta trở nhàm chán với nó và thế là chúng ta muốn có những gì mới hơn, lớn hơn, tốt hơn.
Quan điểm cho là khi tôi có nhiều hơn tức là tôi sẽ trở nên quan trọng hơn cũng chỉ là chuyện hoang đường. Giá trị của bản thân và giá trị thực tại không giống nhau. Giá trị của bạn không thể quyết định bằng những gì bạn có, và Chúa phán rằng những thứ có giá trị nhất trong cuộc đời không phải là vật chất.
Một quan niệm sai lầm phổ quát nhất về tiền bạc đó là có nhiều tiền hơn thì sẽ được an toàn hơn. Không. Sự giàu có thể mất đi trong phút chốc bởi tác động của nhiều yếu tố khác nhau ngoài tầm kiểm soát của bạn. Sự an ninh thật chỉ có thể tìm thấy nơi những gì không thể lấy khỏi bạn được – đó chính là mối tương giao của bạn với Đức Chúa Trời.
Nhiều người bị thúc đẩy bởi nhu cầu được chấp nhận. Họ để cho những mong ước của cha mẹ, người bạn đời, con cái, thầy giáo hay bạn bè kiểm soát cuộc đời họ. Nhiều người trưởng thành vẫn đang cố gắng tìm sự chấp nhận nơi những người cha người mẹ mà họ không thể nào làm cho hài lòng được. Những người khác thì bị lèo lái áp lực của những người đồng trang lứa với mình, luôn luôn lo lắng về điều người khác có thể nghĩa về mình. Thật không may là hễ ai chạy theo đám đông thì thường lạc mất trong đó. Tôi không biết mọi chìa khoá dẫn đến thành công, nhưng một trong những chìa khoá dẫn đến thất bại chính là cố gắng làm vừa lòng mọi người. Để chính mình bị điều khiển bởi những quan điểm của người khác là con đường chắc chắn đưađến chỗ đánh mất những mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn. Chúa Giê-xu phán, “Chẳng ai được làm tôi hai chủ.”
Có nhiều động cơ khác thúc đẩy cuộc đời của bạn, nhưng tất cả đều dẫn đến cùng một ngõ cụt: tiềm năng bị lãng phí, căng thẳng không cần thiết và một đời sống không thoả mãn.
Vì vậy không có gì quan trọng hơn lànhận biết mục đích của Đức Chúa Trời cho đời bạn, và không điều gì có thể bù đắp được nếu bạn không biết đến mục đích đó – không phải thành công, giàu có, danh tiếng hay khoái lạc. Không có mục đích, đời là một cử động vô nghĩa, một hoạt động vô định hướng, và một loạt những biến cố vô lý. Không có một mục đích, cuộc sống thật tầm thường, nhỏ nhặt và vô dụng.
Cuốn sách nhỏ này giới thiệu cho bạn 5 mục đích mà bạn đã được tạo dựng, nhưng trước hết chúng ta sẽ nhìn những lợi ích thực tiễn của một đời sống theo mục đích.
Biết rõ mục đích khiến cuộc đời bạn có ý nghĩa. Chúng ta được tạo dựng với một ý nghĩa. Đó là lý do tại sao nhiều người đã thử nhiều phương pháp không đáng tin cậy, chẳng hạn như chiêm tinh hay tâm linh học, để khám phá nó. Khi cuộc sống có ý nghĩa, bạn có thể chịu đựng hầu như mọi sự; nếu không có ý nghĩa, thì không thể chịu đựng bất cứ việc gì.
Không có Đức Chúa Trời, cuộc sống không có mục đích, và nếu không có mục đích, thì cuộc sống thật vô nghĩa. Mà nếu vô nghĩa thì sự sống không có chút quan trọng và hy vọng nào. Trong Kinh Thánh, nhiều người đã tỏ rõ tình trạng tuyệt vọngnày. Ê-sai nói, “Ta đã lao lực vô mục đích, đã hao sức vô ích và không kết quả.” Gióp nói, “Cuộc đời kéo những chuỗi ngày lê thê vô vọng.”và “Tôi đã chán sự sống. Tôi sẽ chẳng sống mãi. Xin Chúa để tôi ở một mình; vì các ngày tôi chỉ là hư không”. Thảm kịch lớn nhất không phải là sự chết, bèn là sống mà không có mục đích.
Một thanh niên ở độ tuổi hai mươi đã viết như thế này, “Tôi cảm thấy thất bại vì tôi đang tranh đấu để trở thành một cái gì đó, mà thậm chí tôi cũng chẳng biết nó là gì. Tất cả những gì tôi biết về việc phải làm như thế nào là cứ tiếp tục sống. Một ngày nào đó, nếu tôi khám phá được mục đích của tôi, thì tôi mới bắt đầu cảm nhận rằng mình thật sống.”
Hy vọng là điều cần thiết cho cuộc đời bạn cũng như không khí và nước. Bạn cần có hy vọng để vượt qua. Tiến sĩ Bernie Siegel khám phá rằng ông có thể tiên đoán bệnh nhân ung thư nào của mình sẽ thuyên giảm bệnh tình chỉ với một câu hỏi, “Ông có muốn sống đến một trăm tuổi không”. Những ai cảm nhận sâu sắc mục đích của cuộc đời sẽ trả lời có và họ là phần lớn những người sống sót. Hy vọng bắt nguồn từ một mục đích.
Nếu bạn cảm thấy vô vọng, hãy chờ đó! Những thay đổi lạ lùng sẽ diễn ra trong cuộc đời bạn khi bạn bắt đầu sống với mục đích. Chúa phán, “Ta biết Ta có một chương trình cho con, một chương trình tốt đẹp cho con, không phải chương trình hại con. Ta sẽ ban cho con hy vọng và một tương lai.” Có thể bạn cảm thấy rằng mình đang đối diện với một hoàn cảnh không thể vượt qua nổi, nhưng Kinh Thánh nói như vầy: “Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng”.
Biết rõ mục đích khiến cuộc sống của bạn đơn giản hơn. Nó xác định điều bạn không làm. Mục đích của bạn trở thành một tiêu chuẩn để bạn đánh giá những việc làm nào là quan trọng và những việc nào là không quan trọng. Bạn chỉ cần hỏi cách đơn sơ: “Việc làm này có giúp tôi làm thành những mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời tôi hay không?”
Không có một mục đích rõ ràng, bạn sẽ không có nền tảng để dựa vào đó mà quyết định, phân phối thì giờ, và sử dụng các tài nguyên của mình. Bạn sẽ có khuynh hướng quyết định theo hoàn cảnh, áp lực, và tâm trạng của bạn ngay thời điểm đó. Những người không biết rõ mục đích của mình luôn cố làm quá nhiều việc – và điều đó dẫn đến sự căng thẳng, mệt mỏi cũng như xung đột.
Bạn không thể làm hết mọi điều mà những người khác muốn bạn làm. Bạn có vừa đủ thời gian để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Nếu không thể làm trọn mọi điều đó, thì có nghĩa là bạn đang cố làm nhiều hơn điều Chúa muốn bạn làm (hay có lẽ bạn đang xem truyền hình quá nhiều). Đời sống theo đúng mục đích dẫn tới một lối sống đơn giản và một lịch làm việc lành mạnh. Kinh Thánh chép, “Một đời sống khoe khoang, phô trương là một đời sống trống rỗng; một đời sống đơn sơ và ngay thẳng là một đời sống đầy trọn.” Nó cũng dẫn đến sự bình an trong tâm trí: “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình an trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài.”
Biết rõ mục đích giúp bạn tập trung cuộc đời của mình. Nó giúp tập trung nỗ lực và sức lực của bạn vào những điều quan trọng. Bạn sẽ kết quả khi biết gạn lọc.
Bản chất của con người là hay bị xao lãng bởi những vấn đề nhỏ. Chúng ta theo đuổi những điều tầm thường trong cuộc đời mình. Thi hào Henry David Thoreau nhận định rằng con người có cuộc sống “tuyệt vọng âm thầm,” nhưng ngày nay nó được diễn ta cách rõ ràng hơn là sự xao lãng vu vơ. Nhiều người giống như những con quay hồi chuyển, cứ quay tròn một cách điên cuồng mà chẳng đi đến đâu cả.
Không có mục đích rõ ràng, bạn sẽ liên tục thay đổi định hướng, nghề nghiệp, các mối quan hệ, Hội Thánh hay những việc bên ngoài khác – với hy vọng rằng mỗi thay đổi sẽ giải quyết sự bối rối hoặc khoả lấp khoảng trống vắng trong lòng bạn. Bạn nghĩ rằng, Có lẽ lần này mọi chuyện sẽ khác, nhưng nó không thể giải quyết được nan đề thật của bạn – sự thiếu tập trung và không có mục đích. Kinh Thánh chép,“Đừng sống cẩu thả, thiếu suy nghĩ. Nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào”.
Sức mạnh của sự tập trung có thể thấy trong ánh sáng. Ánh sáng khuyếch tán có rất ít tác động hay năng lượng, nhưng bạn có thể tập trung năng lượng ánh sáng khi hội tụ nó lại. Với một thấu kính hội tụ, các tia nắng mặt trời sẽ tập trung lại và đốt cháy cỏ hoặc giấy. Khi ánh sáng được tập trung nhiều hơn nữa chẳng hạn như một tia lazer, nó có thể cắt đứt thép. Không có điều gì mạnh mẽ cho bằng đời sống tập trung, một đời sống có mục đích. Những người đàn ông, đàn bà đã có ảnh hưởng lớn trong lịch sử là những người có đời sống tập trung nhất. Chẳng hạn như sứ đồ Phao-lô, người đã loan truyền Cơ­ đốc giáo trên khắp đế quốc La-mã. Bí mật của ông chính là một đời sống tập trung.Ông nói, “Tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy”
Nếu muốn cuộc đời mình có kết quả, bạn hãy tập trung nó lại! Hãy thôi nhún nhảy. Đừng cố gắng làm mọi việc. Hãy làm ít việc hơn. Hãy bỏ bớt đi thậm chí cả những việc tốt, và chỉ làm chững điều gì quan trọng nhất mà thôi. Đừng bao giờ nhầm lẫn giữa hoạt động và hiệu suất. Bạn có thể bận rộn mà không có một mục đích nào, nhưng vấn đề ở đây là gì? Phao­lô nói, “Chúng ta hãy tập trung vào mục tiêu đó, hỡi những ai muốn nhận lãnh, mọi điều mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta”
Biết rõ mục đích sẽ thúc đẩy cuộc đời của bạn. Mục đích luôn tạo nên nhiệt thành. Không có gì tiếp thêm nghị lực nhiều cho bằng một mục đích rõ ràng. Trái lại, nhiệt huyết sẽ tản mạn đi khi bạn thiếu một mục đích. Một việc đơn giản như là ra khỏi giường cũng trở thành vấn đề lớn. Thường thì những việc vô nghĩa, chứ không phải có quá nhiều công việc, khiến chúng ta kiệt sức, và mất đi niềm vui.
Văn sĩ George Bernard Shaw viết, “Đây chính là niềm vui thật của cuộc sống: hết lòng sống vì mục đích mà bạn đã tự xác định mình là người dũng mãnh; làm một nguồn năng lực tự nhiên thay vì trở thành một căn bệnh ích kỷ, đau buồn, than thở và phàn nàn rằng thế giới đã không hết lòng làm cho bạn vui.”
Biết rõ mục đích chuẩn bị bạn cho cõi đời đời. Nhiều người sống cả đời cố gắng tạo nên một di sản bền lâu trên trần gian này. Họ muốn được người ta nhớ đến khi đã qua đời. Tuy nhiên, điều quan trọng thực sự không phải là những gì người khác nói về cuộc đời của bạn, bèn là những gì Đức Chúa Trời nói. Điều con người không nhận thấy là tất cả những thành tựu cuối cùng cũng sẽ qua đi: những kỷ lục bị phá, danh tiếng phai mờ, và những cống hiến bị quên lãng. Khi còn học đại học, mục tiêu của Giáo sư James Dobson là trở thành vô địch quần vợt của trường. Ông cảm thấy tự hào khi chiếc cúp của ông được đặt cách trang trọng trong tủ trưng bày của trường. Nhiều năm sau đó, một người đã gởi cho ông chiếc cúp đó mà họ đã tìm được nó trong thùng rác khi mà trường khởi công xây lại! Giáo sư nói, “Qua dòng thời gian, mọi chiếc cúp của bạn rồi sẽ bị ai đó ném bỏ vào thùng rác!”
Sống để tạo nên một di sản trần tục thật là một mục tiêu thiển cận. Một con người khôn ngoan hơn sẽ dùng thời gian đó để xây dựng một di sản đời đời. Bạn có mặt trên trần gian này không phải để cho người ta ghi nhớ mình. Bạn có mặt ở đây để chuẩn bị cho cõi đời đời.
Một ngày nọ bạn sẽ đứng trước mặt Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ xem xét lại toàn bộ cuộc đời bạn, một kỳ thi cuối cùng, trước khi bạn bước vào cõi đời đời. Kinh Thánh chép, “Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước toà án Đức Chúa Trời … Và mỗi người trong chúng ta sẽ trả lời cho Đức chúa trời công việc riêng của mình.” Thật là may mắn là Đức Chúa Trời muốn chúng ta thi đậu trong kỳ thi này, cho nên Ngài đã cho chúng ta biết trước các câu hỏi. Nhờ Kinh Thánh, chúng ta có thể phỏng đoán rằng Đức Chúa Trời sẽ hỏi chúng ta hai câu hỏi quan trọng:
Thứ nhất, “ Con có mối quan hệ như thế nào với Con ta, là Chúa Cứu Thế Giê-xu?” Đức Chúa Trời sẽ không hỏi về nền tảng tôn giáo hay các quan điểm giáo lý của bạn. Vấn đề quan trọng duy nhất đó là bạn tiếp nhận điều Chúa Giê-xu đã làm cho bạn và bạn có học biết yêu thương, trông cậy Ngài hay không. Chúa Giê-xu phán, “Ta là đường đi, chân lý, và sự sống; chẳng bởi ta không ai được đến cùng cha.”.
Thứ hai, con đã làm gì với cuộc đời mình? Bạn đã làm gì với điều mà Chúa ban cho bạn?” – tất cả những ân tứ, tài năng, cơ hội, sức lực, các mối quan hệ và những tài nguyên mà Chúa ban cho bạn? Bạn có dùng chúng cho riêng mình, hay bạn đã dùng chúng cho những mục đíchmà Đức Chúa Trời đã tạo dựng bạn? Chuẩn bị chính bạn cho hai câu hỏi đó là mục đích của cuốn sách này. Câu hỏi thứ nhất sẽ quyết định bạn sẽ sống đời đời ở đâu. Câu hỏi thứ hai sẽ quyết định bạn làm gì trong cõi đời đời. Đến cuối cuốn sách nhỏ này, bạn sẽ sẵn sàng để trả lời hai câu hỏi này.
Đề tài suy gẫm: Điều gì thúc đẩy đời sống của bạn.
CÂU HỎI GIÚP BẠN SUY NGHĨ
1.       Nếu bạn hỏi người trong gia đình và bạn bè của bạn là điều gì thúc đẩy cuộc đời của bạn thì họ sẽ trả lời như thế nào?
2.       Bạn nghĩ tại sao hầu hết người không được thúc đẩy hoặc hướng dẫn bởi mục đích của đời sống họ?
3.       Tập quán nào, vết thương nào hoặc sợ hãi nào đã ngăn trở bạn sống đúngvà tận hưởng mục đích của Thượng Đế cho đời bạn?

Được tạo dựng Cho cõi đời đời
Cuộc đời này không phải là tất cả.
Cuộc đời trên trần thế chẳng qua chỉ là một cuộc tổng dợt trước cuộc diễn xuất thật. Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn bây giờ sau khi bước qua phía bên kia của sự chết – cõi đời đời. Địa cầu chỉ là hậu trường, là nhà trẻ, là sự nếm thử của cuộc đời bạn trong cõi đời đời. Nó là sự tập luyện trước khi trò chơi thật sự bắt đầu; là sự khởi động trước khi bắt đầu cuộc đua. Đời sống này là sự chuẩn bị cho đời sau.
Nhiều nhất thì bạn sẽ sống được khoảng một trăm năm trên trần gian, nhưng trong cõi đời đời thì bạn sẽ sống mãi mãi. Thời gian của bạn trên đất này, như Văn sĩ Thomas Browne nói, “chỉ là một cái ngoặc đơn nhỏ bé trong cõi đời đời.” Bạn đã được tạo dựng để tồn tại đời đời.
Kinh Thánh chép rằng “Đức Chúa Trời đã đặt cõi đời đời nơi lòng người.” Bản năng bẩm sinh của bạn luôn hướng đến sựbất diệt. Đó là do Đức Chúa Trời đã tạo dựng bạn, theo hình ảnh Ngài, để sống trong cõi đời đời. Dẫu rằng chúng ta biết là mọi người cuối cùng sẽ phải chết một lần, nhưng sự chết luôn có vẻ không tự nhiên và không công bằng. Lý do chúng ta cảm thấy rằng mình phải sống đời đời làvì Đức Chúa Trời đã đặt để khao khát đó trong chính tâm hồn của chúng ta!
Một ngày nào đó tim bạn sẽ ngừng đập.Đó sẽ là cuối cùng của chấm hết cho thể xác cũng như thời gian của bạn trên trần gian, nhưng đó chưa phải là cuối cùng cho bạn. Thân thể trần tục chỉ là nơi tạm trú của tâm linh bạn. Kinh Thánh gọi thân thể trần tục của bạn là “nhà tạm”, nhưng khi đề cập đến thân thể tương lai của bạn trên thiên đàng, Kinh Thánh gọi đó là “nhà đời đời”. Kinh Thánh chép, “Khi nhà tạm mà chúng ta trên đất này, bị phá huỷ, Đức Chúa Trời sẽ xây cho chúng ta một nhà trên trời, nhà chính Ngài dựng nên, sẽ còn lại đời đời
Cuộc đời trên đất này đem đến nhiều lựa chọn, nhưng cõi đời đời chỉ có hai lựa chọn: thiên đàng hay địa ngục. Mối tương giao giữa bạn với Đức Chúa Trời trên trần gian sẽ quyết định mối tương giao giữa bạn với Ngài trong cõi đời đời. Nếu bạn học biết yêu thương và trông vậy Con của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu, thì bạn sẽ được mời đến sống với Ngài trọn cõi đời đời. Trái lại, nếu bạn từ khước tình yêu thương, sự tha thứ và sự cứu rỗi của Ngài, bạn sẽ phải mãi mãi xa cách Đức Chúa Trời trong cõi đời đời.
Giáo sư C. S. Lewis, một giáo sư Đại Học Oxford, đã nói, “Có hai loại người:những người nói với Đức Chúa Trời rằng‘Ý Cha được nên’ và những người mà Chúa nói với họ rằng, ‘Thôi được rồi, cứ làm theo ý ngươi.” Thật đáng buồn là nhiều người sẽ phải sống trong cõi đời đời màkhông có Đức Chúa Trời vì họ đã chọn sống xa cách Ngài trên trần gian này.
Khi bạn hiểu rõ cuộc sống không chỉ có ở đây và bây giờ, và bạn nhận ra rằng cuộc sống này chỉ là sự chuẩn bị cho cõi đời đời, bạn sẽ bắt đầu sống trong ánh sáng của cõi đời đời, và điều đó sẽ thay đổi cách bạn quan hệ, thực hiện nhiệm vụ và đối diện với hoàn cảnh. Thình lình nhiều hoạt động, mục tiêu, và thậm chí những nan đề trước đó có vẻ hết sức quan trọng lại trở nên tầm thường, nhỏ nhặt, và không đáng để bạn chú ý đến. Bạn càng sống gần Chúa bao nhiêu, thì mọi sự khác càng trở nên nhỏ bé bấy nhiêu.
Khi bạn sống trong ánh sáng của cõi đời đời, những giá trị của bạn thay đổi. Bạn dùng thời gian và tiền bạc cách khôn ngoan hơn. Bạn sẽ chú ý nhiều hơn đến các mối quan hệ và nhân cách thay vì sự nổi tiếng hay giàu có hoặc những thành công hay thậm chí các cuộc vui. Những ưu tiên của bạn sẽ được sắp đặt lại. Theo đuổi các trào lưu, thời trang, và những giá trị phổ thông còn là điều quan trọng nữa. Phao-lô nói, “Trước kia tôi coi những điều này như quan trọng, nhưng bây giờ tôi chẳng coi chúng có giá trị gì vì cớ những gì Chúa Cứu Thế đã làm cho tôi.”
Nếu thời gian trên trần thế của bạn là tất cả những gì bạn có cho cuộc đời mình, tôi đề nghị bạn hãy bắt đầu tận dụng nó ngay tức thì. Bạn có thể quên đi chuyện làm lành và sống đạo đức, bạn cũng không cần phải lo về những hậu quả hành động của mình. Bạn có thể nuông chiều bản thân với cái tôi làm trung tâm vì những hành động của bạn không để lại hậu quả lâu dài. Nhưng – và điều này khiến cho mọi sự khác hẳn – sự chết không phải là điểm cuối cùng của bạn! Sự chết không phải là kết thúc của bạn, mà đó là sự chuyển tiếp sang cõi đời đời, cho nên sẽ có những hậu quả đời đời tuỳ theo mọi việc bạn đã làm trên trái đất này. Mỗi hành động trong cuộc đời chúng ta sẽ đánh vào một sợi dây đàn nào đó nó sẽ rung lên trong cõi đời đời.
Điều nguy hại nhất của lối sống hiện đại chính là cách suy nghĩ ngắn hạn. Để tận dụng hết sức cuộc đời mình, bạn phải giữ một khải tượng về cõi đời đời luôn in trong trí bạn và giá trị của nó trong lòng bạn. Cuộc sống ở đây và bây giờ không phải là tất cả! Ngày hôm nay chỉ là phần nổi của tảng băng. Cõi đời đời là toàn bộ phần còn lại bạn không nhìn thấy được bên dưới mặt nước.
Sống trong cõi đời đời với Đức Chúa Trời sẽ như thế nào? Thẳng thắn mà nói, khả năng của bộ não chúng ta không thể hiểu nổi hết sự kỳ diệu và vĩ đại của thiên đàng. Điều đó cũng giống như là cố gắng mô tả Internet cho một con kiến. Hoàn toàn vô ích. Ngôn ngữ con người không thể nào truyền đạt về kinh nghiệm của cõi đời đời. Kinh Thánh chép, “Không một người trên trần gian này đã thấy, nghe hoặc tưởng tượng được những điều tuyệt diệu mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho kẻ yêu mến Ngài.”
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã mô tả cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về cõi đời đời trong Lời Ngài. Chúng ta biết rằng ngay bây giờ Đức Chúa Trời đang chuẩn bị một căn nhà đời đời cho chúng ta. Trên thiên đàng chúng ta sẽ được đoàn tụ với những người chúng ta yêu mến, là những tín hữu khác đã được giải phóng khỏi mọi nỗi đau và sầu khổ, được thưởng vì sự trung tín của chúng ta trên đất, và được chỉ định làm những việc mà chúng ta sẽ vui lòng làm. Chúng ta sẽ không nằm loanh quanh trên các đám mây với ánh hào quang và chơi đàn hạc! Chúng ta sẽ tận hưởng mối tương giao không bao giờ đổ vỡ vớiĐức Chúa Trời, và Ngài sẽ vui hưởng cõi đời đời bất tận với chúng ta. Một ngày nào đó Chúa Giê-xu sẽ phán, “Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất”.
Giáo sư C. S. Lewis đã nêu lên một quan niệm về cõi đời đời trong trang cuối của cuốn The Chronicles of Narnia, một loại tiểu thuyết thiếu nhi gồm bảy cuốncủa ông, như sau: “Đối với chúng ta, đây là điểm kết thúc của mọi câu chuyện … Nhưng đối với họ đó mới chỉ là sự bắt đầu của câu chuyện thật. Cả cuộc đời của họ trên thế gian này … chỉ là trang bìa: bây giờ, cuối cùng thì họ cũng đã bắt đầu Chương Một của Câu Chuyện Lớn, câu chuyện mà chưa ai trên trần gian này từng đọc, câu chuyện kéo dài mãi mãi, và mỗi chương sau lại tốt đẹp hơn chương trước.”
Đức Chúa Trời có một mục đích cho cuộc đời bạn trên trần gian, nhưng mọi sự không chấm dứt tại đó. Kế hoạch của Ngài còn lâu dài hơn cả vài thập kỷ ít ỏi mà bạn sẽ sống trên hành tinh này. Đó không chỉ là “cơ hội của cả một đời”; Đức Chúa Trời đã ban cho bạn một cơ hội vượt quá cuộc đời của bạn nữa. Kinh Thánh chép, “Chương trình của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, mục đích của lòng Ngài còn đời nầy sang đời kia”
Thời điểm duy nhất mà hầu hết mọi người nghĩ về cõi đời đời chính là trong các đám tang, và thường thì đó là những suy nghĩ nông cạn, đa cảm, do thiếu hiểu biết. Có thể bạn cảm thấy không lành mạnh khi suy nghĩ về sự chết, nhưng sự thật là sống mà phủ nhận sự chết cũng như không chấp nhận điều sẽ phải xảy ra mới chính là điều không lành mạnh.  Chỉ có một kẻ dại dột mới sống cả một đời mà không chịu chuẩn bị cho điều mà tất cả chúng ta đều biết rằng cuối cùng sẽ xảy đến. Bạn phải suy nghĩ nhiều hơn về cõi đời đời, chứ không nên thờ ơ đối với nó.
Cũng giống như chín tháng bạn ở trong bụng mẹ mình, đó không phải là một sự chấm dứt, mà là sự chuẩn bị cho cuộc sống, cho nên, cuộc đời này là sự chuẩn bị cho đời sau. Nếu bạn có mối tương giao với Đức Chúa Trời thông qua Chúa Giê-xu, bạn không cần phải sợ sự chết. Nó là cánh cửa dẫn vào cõi đời đời. Nó là giờ khắc cuối cùng bạn còn trên mặt đất, nhưng nó không phải là thời điểm cuối cùng của bạn. Thay vì là điểm kết thúc cuộc sống, nó sẽ là sinh nhật của bạn vào cõi đời đời. Kinh Thánh chép, “Trần thế chẳng phải quê hương, chúng ta trông chờ một quê hương lâu bền trên trời.”
Khi so với cõi đời đời, thời gian của chúng ta trên trái đất chỉ là một nháy mắt, nhưng những hậu quả của nó thì còn lại đời đời. Những việc làm của đời này là số phận của đời sau. Chúng ta cần phải “nhận biết rằng từng giây phút chúng ta còn trong thân thể trần gian này là lúc chúng ta còn ở xa nhà đời đời của chúng ta trên thiên đàng với Chúa Giê-xu”. Nhiều năm trước đây có một câu khẩu hiệu khá phổ biến khích lệ người ta sống mỗi ngày như là “ngày đầu tiên của những ngày còn lại trong đời bạn.” Thật ra, sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời thì mới là khôn ngoan hơn. Giáo sư Matthew Henry đã nói, “Công việc mỗi ngày của chúng ta là chuẩn bị cho ngày cuối cùng của chúng ta.”
Đề tài suy ngẫm: Đời này không phải chỉ chừng này thôi.
CÂU HỎI GIÚP BẠN SUY NGHĨ
1.       Bạn nghĩ tại sao Chúa tạo dựng chúng ta để sống đời đời?
2.       Tại sao chúng ta dành nhiều thì giờ lo cho những gì tạm bợ và dành rất ít thì giờ cho những gì còn lại đời đời?
3.       Bạn đang làm gì bây giờ để chuẩn bị cho cõi đời đời?

Nhìn Cuộc Đời Từ Quan Điểm Của Đức Chúa Trời
Cách bạn nhìn cuộc đời mình sẽ định hình cuộc đời của bạn.
Cách bạn định nghĩa cuộc đời sẽ quyết định số phận của bạn. Cách nhìn của bạn sẽ tác động đến cách bạn đầu tư thời gian, sử dụng tiền bạc, tài năng, và đánh giá các mối quan hệ của mình.
Một trong những cách tốt nhất để hiểu người khác là hỏi họ, “Bạn thấy cuộc sống của mình như thế nào?” Bạn sẽ khám phá rằng mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau cho câu hỏi đó. Tôi đã từng nghe người ta nói rằng cuộc đời là một rạp xiếc, một bãi mìn, một tàu cao tốc lượn lên lượn xuống, một câu đố, một đại hoà tấu, một cuộc hành trình và một bản khiêu vũ. Nhiều người đã nói rằng, “Cuộc đời là một vòng quay ngựa gỗ: đôi lúc bạn lên cao, có khi lại xuống thấp, và đôi lúc thì chỉ đi vòng vòng” hoặc là “cuộc đời là một chiếc xe đạp có mười số, mà đa số chúng ta không bao giờ dùng đến những số đó” hoặc “cuộc đời là một canh bạc: bạn phải chơi với lá bài mình đã nhận.”
Nếu tôi hỏi bạn, bạn hình dung cuộc đời như thế nào, bạn sẽ nghĩ đến hình ảnh gì? Hình ảnh đó chính là biểu tượng về cuộc đời của bạn. Đó là quan điểm về cuộc sống mà bạn có, dù ý thức hay không ýthức, trong tâm trí mình. Đó là cách mà bạn mô tả cuộc sống và cũng là điều mà bạn mong đợi từ nó. Người ta thường thể hiện những quan niệm về cuộc đời họ qua quần áo, nữ trang, xe cộ, kiểu tóc, những biểu chương dán trên xe, thậm chí các hình xâm.
Những biểu tượng âm thầm đó của bạn sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời bạn hơn bạn có thể nhận thấy được. Nó quyết định những mong muốn, những giá trị, các mối quan hệ, những mục tiêu và các ưu tiên của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn nghĩ cuộc đời là tiệc liên hoan, giá trị chủ yếu trong đời sống bạn sẽ là vui chơi thoả thích. Nếu bạn nhìn đời như một cuộc đua, bạn sẽ đề cao tốc độ và có lẽ phần lớn thời gian bạn sẽ rất vội vã. Nếu bạn nhìn cuộc đời như một cuộc chạy đường trường, bạn sẽ đề cao sự chịu đựng. Nếu bạn xem cuộc đời là một trận chiến hay một trò chơi, chiến thắng sẽ rất quan trọng đối với bạn.
Quan điểm của bạn về cuộc đời là gì? Có thể bạn đang xây dựng cuộc đời mìnhtrên một biểu tượng sai lầm. Để làm thànhnhững mục đích Đức Chúa Trời định cho bạn, bạn cần phải thách thức sự khôn ngoan thông thường và thay thế nó bằng những quan niệm trong Kinh Thánh liên quan đến cuộc sống. Kinh Thánh chép, “Đừng khuôn rập theo tiêu chuẩn của đời nầy, nhưng hãy để Đức Chúa Trời biến hoá từ bên trong bởi sự đổi mới của tâm thần mình, lúc ấy bạn mới hiểu được ý muốn của Đức Chúa Trời.”
Kinh Thánh nêu lên ba biểu tượng dạychúng ta về cách Đức Chúa Trời nhìn cuộc sống: Cuộc sống là một thử nghiệm, cuộc sống là sự uỷ thác, và cuộc sống là một phân vụ tạm thời. Những ý tưởng này chính là nền tảng cho đời sống theo đúng mục đích. Chúng ta sẽ tìm hiểu hai quan niệm đầu tiên trong chương này và quan niệm thứ ba trong chương kế tiếp.
Cuộc sống trên trần gian là một thử nghiệm. Đây là một hình ảnh về cuộc đời được thấy trong các câu chuyện xuyênsuốt Kinh Thánh. Đức Chúa Trời liên tục thử nghiệm nhân cách, đức tin, sự vâng phục, tình yêu thương, sự liêm chính, và trung thành của con người. Những từ ngữ như thử thách, cám dỗ, sàng lọc, và thử nghiệm xuất hiện hơn 200 lần trong KinhThánh. Đức Chúa Trời thử thách Áp-ra­ham khi bảo ông đưa đứa con trai mình làY-sác. Đức Chúa Trời thử thách Gia-cốp khi ông phải làm thêm nhiều năm nữa để cưới Ra-chên làm vợ.
A -đam và Ê-va đã thất bại trước thử thách của họ tại vườn Ê-đen, và Đa-vít đã nhiều lần thất bại trước thử thách của Đức Chúa Trời. Nhưng Kinh Thánh cũng nêu cho chúng ta nhiều tấm gương về những con người đã vượt qua các thử thách lớn, chẳng hạn như Giô­sép, Ru-tơ, Ê-xơ-tê, Đa-ni-ên.
Nhân cách vừa được phát triển, vừa được thể hiện qua những thử nghiệm, và trọn cả cuộc đời là một thử thách. Bạn luôn luôn ở trong thử nghiệm. Đức Chúa Trời không ngừng nhìn xem phản ứng của bạn trước người khác, các nan đề, thành công, tranh chấp, bệnh tật, chán nản, và thậm chí thời tiết! Ngài cũng xem xét những cử chỉ đơn giản nhất chẳng hạn như khi bạn mở cửa cho người khác, khi bạn nhặt một mẩu rác lên, hoặc khi bạn tỏ ra lịch sự trước một thư ký hoặc người hầu bàn.
Chúng ta không biết tất cả những thửnghiệm mà Đức Chúa Trời sẽ đem đến cho bạn, nhưng chúng ta có thể đoán trước một số, dựa trên Kinh Thánh. Bạn sẽ gặp thử thách trước những thay đổi lớn, những lời hứa chậm thực hiện, những vấn đề nan giải, những lời cầu nguyện chưa được nhận, sự chỉ trích không đúng, và thậm chí cả những thảm họa vô nghĩa. Trong cả cuộcđời, tôi thấy Đức Chúa Trời thử nghiệm đức tin tôi qua các nan đề, thử nghiệm niềm hy vọng của tôi với cách tôi quản lý tài sản của mình, và thử nghiệm tình yêu thương của tôi bằng cách tôi đối xử với người khác.
Một thử thách rất quan trọng đó là cách bạn phản ứng khi bạn không thể cảm nhận sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong cuộcđời mình. Đôi lúc Chúa cố tình ẩn mặt, và chúng ta không cảm nhận được sự gần gũicủa Ngài. Một vị vua tên là Ê-xê-chia đã kinh nghiệm thử thách này. Kinh Thánh chép: “Đức Chúa Trời tạm lìa bỏ người đặng thử người, để cho biết mọi điều ở trong lòng người.” Ê-xê-chia có một mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời, nhưng đến một thời điểm quan trọngtrong cuộc đời ông, Đức Chúa Trời đã để ông một mình nhằm thử thách nhân cách của ông, để bày tỏ một chỗ yếu đuối và để chuẩn bị ông cho trách nhiệm lớn lao hơn.
Khi bạn hiểu rằng cuộc đời là một thử nghiệm, bạn nhận ra rằng không có điều gì là không quan trọng trong cuộc đời bạn. Thậm chí một biến cố nhỏ nhất cũng có ý nghĩa đối với sự phát triển nhân cách của bạn. Mỗi ngày là một ngày quan trọng, và mỗi giây là một cơ hội để tăng trưởng, làm sâu sắc hơn nhân cách của bạn, để bày tỏ tình yêu thương,hay để nương cậy thuộc vào Đức Chúa Trời.
Một số thử thách có vẻ như quá sức cho bạn chịu đựng, trong khi có những thử thách khác thì với bạn hầu như không đáng kể. Nhưng tất cả những điều đó điều có liên hệ đến cõi đời đời.
Tin đáng mừng là Đức Chúa Trời muốn bạn vượt qua được những thử nghiệm trong cuộc sống, vì Ngài không bao giờ để cho những thử nghiệm đó lớn hơn ân điển mà Ngài đã ban cho bạn để đối phó. Kinh Thánh chép: “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.”
Mỗi khi bạn vược qua thử nghiệm, Đức Chúa Trời lưu ý và có kế hoạch ban thưởng cho bạn trong cõi đời đời. Kinh Thánh chép: “Phước cho người nào chịu đựng mỗi khi bị thử thách vì sau cơn thử luyện sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Ngài đã hứa cho kẻ yêu kính Ngài”.
Cuộc sống trên trần gian là sự uỷ thác. Đây là biểu tượng thứ hai của Kinh Thánh về cuộc sống. Thời gian của chúng ta trên trần gian này cùng với sức lực, sự khôn ngoan, các cơ hội, các mối quan hệ, và các tài nguyên đều là những món quà từ Đức Chúa Trời mà Ngài đã giao phó cho chúng ta là những người quản gia của bất cứ điều gì Đức Chúa Trời là Chúa của mọi sự và mọi người trên trần gian. Kinh Thánh chép: “Đất và mọi vật trên đất, thế giới và những người sống trên đó đều thuộc về Chúa".
Chúng ta chẳng hề thực sự sở hữu bất cứ điều gì trong khoảng thời gian ngắn ngủi chúng ta sống trên trần gian này. Đức Chúa Trời chỉ cho chúng ta mượn trong lúc chúng ta còn ở đây. Đó là tài sản của Đức Chúa Trời trước khi chúng ta đến, và Đức Chúa Trời sẽ cho người khác mượn sau khi bạn chết. Bạn chỉ được tận hưởng nó một lúc mà thôi.
Khi Đức Chúa Trời tạo dựng A-đam và Ê-va, Ngài tin cậy và giao phó tạo vật của Ngài cho họ và chỉ định họ làm những người quản lý tài sản của Ngài. Kinh Thánh chép: “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: ‘ Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng.”
Công việc đầu tiên Đức Chúa Trời giao phó cho con người là quản trị và chăm sóc tạo vật của Ngài trên đất. Vai trò này chưa bao giờ bị lấy lại. Nó là một phần trong mục đích của chúng ta ngày nay. Mọi thứ chúng ta tận hưởng phải được xem như là những điều Đức Chúa Trời đã ký thác vào tay chúng ta. Kinh Thánh chép: “Điều gì ngươi có mà không đến từ Đức Chúa Trời? Vậy nếu tất cả điều ngươi có đến từ Đức Chúa Trời thì tại sao ngươi khoe khoang là mình đã tạo thành được?”
Nhiều năm trước đây, một đôi vợ chồng nọ đã để cho tôi dùng căn nhà xinh đẹp trênbờ biển của họ tại Hawaii để nghỉ hè. Đó là một cơ hội mà chúng tôi không thể nào tự lo được, và chúng tôi đã tận hưởng dịp tiện đó. Họ nói với chúng tôi rằng, “Hãy xem như đây là nhà của ông bà nhé!” và tất nhiên chúng tôi đã làm như thế! Chúng tôi bơi trong hồ bơi, ăn thức ăn trong tủ lạnh, dùng khăn tắm và bát đĩa, và thậm chí nhảy lên giường đùa với nhau! Nhưng chúng tôi biết rõ rằng đấy không phải thực là đồ của chúng tôi, nên chúng tôi rất thận trọng khi sử dụng mọi thứ. Chúng tôi tận hưởng những tiện nghi trong căn nhà đó mà không hề sở hữu nó.
Bản chất của chúng tôi thường cho rằng: “Của trời cho, ai lo mà giữ!” nhưng các Cơ-đốc nhân thì sống theo một tiêu chuẩn cao hơn: “Vì Chúa sở hữu nó, nên tôi phải hết sức cẩn thận khi dùng.” Kinh Thánh chép: “Người được giao phó một vật gì có giá trị phải tỏ ra xứng đáng với sự tín nhiệm đó” Chúa Giê-xu thường đề cập đến cuộc sống như là một sự ủy thác và kể nhiều câu chuyện để minh họa trách nhiệm của chúng tôi đối vớiĐức Chúa Trời. Trong câu chuyện về các ta-lâng, một thương gia đã giao phó tài sản của mình cho những người giúp việc khi ông đi xa. Lúc trở về, ông đánh giá trách nhiệm của mỗi người và ban thưởng tuỳ theo đó. Người chủ nói: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín một ít việc, ta sẽ trao người trách nhiệm nhiều việc hơn. Hãy đến chia sẻ niềm vui chủ ngươi”.
Đến cuối cuộc đời bạn trên trần gian này, bạn sẽ được thẩm định và ban thưởng tuỳ theo cách bạn sử dụng những gì Chúagiao phó. Điều đó có nghĩa là mọi điều bạn làm, mọi công việc lặt vặt đơn giản hằng ngày, đều có ảnh hưởng đến đời đời. Nếu bạn xem mọi sự như là sự tin cậy, Đức Chúa Trời hứa có ba phần thưởng cho bạn trong cõi đời đời. Trước hết, bạn sẽ được Đức Chúa Trời xác nhận: Ngài sẽ phán,“”Được lắm! Làm rất tốt!” Kế đến, bạn sẽ được thăng cấp và lãnh trách nhiệm lớn hơn trong cõi đời đời: “Ta sẽ giao phó ngươi coi sóc nhiều điều.” Sau đó bạn sẽ được vui mừng khi chủ mời: “Hãy đến chia sẻ niềm vui của Chúa ngươi.”
Nhiều người không nhận ra rằng tiền bạc vừa là một thử nghiệm vừa là sự ủy thác từ nơi Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời dùng tài chánh để dạy chúng ta tin cậy nơi Ngài, và đối với nhiều nguời, tiền bạc là thách thức lớn hơn hết. Đức Chúa Trời nhìn xem cách chúng ta sử dụng tiền bạc để thử xem chúng ta đáng tin cậy đến mức nào. Kinh Thánh chép: “Vậy nếu các ngươi không trung tín về của cải đời này, có ai đem của cải thật trên thiên đàng giao cho các ngươi?”
Đây là một chân lý rất quan trọng. Đức Chúa Trời phán rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa cách tôi sử dụng tiền bạc và chất lượng đời sống thuộc linh của tôi! Cách tôi quản lý tiền bạc của mình (“của cải đời này”) quyết định việc Đức Chúa Trời có thể ban cho tôi bao nhiêu phước hạnh thiêng liêng (“của cải thật”). Tôi muốn hỏi bạn điều này: Cách bạn quản lý tiềnbạc có làm ngăn trở Đức Chúa Trời làm thêm nhiều điều khác trong cuộc đời bạnkhông? Đức Chúa Trời có thể ký thác của cải thiêng liêng cho bạn không?
Chúa Giê-xu phán: “Vì ai được ban cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai đã được giao phó nhiều, thì bị đòi lại nhiều hơn”. Cuộc sống là một thử nghiệm và là một uỷ thác, và Chúa ban cho bạn
nhiều bao nhiêu, thì trách nhiệm mà Ngài mong muốn nơi bạn càng lớn bấy nhiêu.
Đề tài suy gẫm: Cuộc sống là một thử nghiệm và là một uỷ thác.
CÂU HỎI GIÚP BẠN SUY NGHĨ
1.       Cho đến bây giờ bạn có thể dùng biểu tượng nào để diễn tả đời sống của bạn? Bạn mô tả đời sống như thế nào?
2.       Bạn có thể suy nghĩ về một kinh nghiệm trong quá khứ nào mà bạn cho làThượng Đế thử nghiệm bạn?
3.       Nếu bạn thử sống theo “chân lý” lànhững gì bạn có là do Thượng Đế cho mượn, thì ý tưởng đó sẽ thay đổi cái nhìn về tài sản bạn có như thế nào?

Cuộc Sống Là Một Phân Vụ Tạm Thời
Cuộc sống trên đất là một phân vụ tạm thời.
Thánh Kinh có rất nhiều biểu tượng dạy về bản chất ngắn ngủi, tạm thời, thoáng qua của cuộc sống trên trần gian. Cuộc sống được mô tả như một làn sương, một người chạy nhanh, một hơi thở và một làn khói. Thánh Kinh chép: “Vì chúng ta sanh ra hôm qua, và các ngày chúng ta trên đất thoáng qua như một cái bóng”.
Để tận dụng tối đa cuộc đời mình, bạn không được quên hai chân lý này: Thứ nhất, nếu đem so sánh với cõi đời đời, cuộc sống là cực kỳ ngắn ngủi. Thứ hai, trần gian chỉ là nơi trú tạm thời mà thôi. Bạn sẽ không ở đây lâu, cho nên đừng quá gắn bó với nó. Hãy xin Chúa giúp bạn nhìn cuộc sống trên trần gian này giống như cách Ngài nhìn. Đa-vít đã cầu nguyện như vầy: “Lạy Chúa, xin hãy giúp cho con thấy thời gian con sống trên đất ngắn ngủi đến mực nào. Xin giúp con biết là con chỉ ở đây một khoảnh khắc nữa mà thôi".
Thánh Kinh thường hay so sánh cuộc sống trên trần gian vơi việc sống tạm ởnước ngoài. Đây không phải là căn nhà vĩnh viễn hay đích đến cuối cùng của bạn. Bạn chỉ đi ngang qua, chỉ ghé thăm trái đất này mà thôi. Thánh Kinh dùng những khái niệm như người khách lạ, kẻ đi đường, người ngoại quốc, người lạ, người khách, người hành hương để mô tả ngắn gọn cuộcsống ngắn ngủi của chúng ta trên đất. Đa­vít nói: “Tôi là người khách lạ trên đất”, và Phi-e-rơ giải thích, “Nếu anh em gọi Đức Chúa Trời là Cha, hãy sống như người khách trọ trên đất”.
Tại California, nơi tôi sống, nhiều người đã từ các nơi khác trên thế giới đổ dồn về đây làm việc, nhưng họ vẫn giữ quốc tịch của quê hương mình. Họ bắt buộc phải có thẻ lưu trú dài hạn (gọi là “Thẻ Xanh”) mới được phép làm việc ở đây vì không phải là công dân. Cơ-đốc nhân cũng phải có những thẻ xanh thuộc linh để nhắc nhở chúng ta về quốc tịch trên thiên đàng. Đức Chúa Trời phán rằng các con cái Ngài phải suy nghĩ về cuộc đời khác hơn cách suy nghĩ của người không tin. “Họ chỉ suy nghĩ đến đời sống trên đất này. Nhưng chúng ta là côngdân trên trời; nơi Đức Chúa Giê-xu đang sống”. Những tín hữu thật luôn ý thức rằng cuộc sống vài năm trên hành tinh này không phải là tất cả.
Nguồn gốc của bạn ở trong cõi đời đời, và quê hương của bạn là thiên đàng. Khi bạn nắm bắt được lẽ thật này, bạn sẽ không còn lo lắng về chuyện “có đủ mọi thứ” trên trần gian này. Chúa rất thẳng thắn nói về mối hiểm họa của lối sống ở đây và bây giờ cũng như việc chấp nhận những giá trị, những ưu tiên và những lối sống của thế gian chung quang chúng ta. Khi chúng ta đùa giỡn với những cám dỗ của thế gian này, Đức Chúa Trời gọi đó là tội ngoại tình thuộc linh. Thánh Kinh chép: “Bạn lừa dối Đức Chúa Trời nếu tất cả những gì bạn muốn là ý muốn riêng của bạn. Theo đòi với thế gian trong những cơ hội bạn có, bạn trở nên kẻ thù của Đức Chúa Trời và đường lối của Ngài”.
Hãy tưởng tượng nếu bạn được cử làm đại sứ cho đất nước của mình trên một quốc gia thù nghịch. Có lẽ bạn sẽ phải học một ngôn ngữ mới và chấp nhận một phong tục cũng như những khác biệt về văn hoá để trở nên lịch sự và hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Là một đại sứ, bạn sẽ không thể cô lập mình khỏi kẻ thù. Để làm tròn nhiệm vụ, bạn phải liên lạc và quan hệ với họ.
Nhưng giả sử bạn trở nên thật quen thuộc với đất nước xa lạ này và bạn cảm thấy yêu mến nó, yêu thích nó hơn là quê hương của mình. Lòng trung thành và cam kết của bạn sẽ thay đổi. Vai trò một người đại sứ sẽ bị thỏa hiệp. Thay vì đại diện cho quê hương của mình, bạn bắt đầu hành động như kẻ thù. Bạn là kẻ phản bội.
Thánh Kinh chép: “Chúng ta là đại sứ của Chúa Cứu Thế”. Đáng buồn là nhiều Cơ-đốc nhân đã phản bội vua của họ và vương quốc của Ngài. Họ đã dại dột kết luận rằng vì họ sống trên trái đất, nên đây là nhà của họ. Không. Thánh Phierơ nói: “Hỡi các bạn, thế gian này không phải là quê hương của các bạn. Vì vậy đừng sống để làm thoả mãn bản ngã riêng mà quên mất linh hồn”. Đức Chúa Trời cảnh cáo chúng ta đừng để mình quá gắn bó với những điều chung quanh chúng ta vì chúng thảy đều tạm bợ.
Thánh Kinh bảo với chúng ta rằng:
“Những ai thường xuyên sử dụng vật chất của trần gian nên dùng chúng vào chuyện tốt mà đừng gắn bó vào chúng vì hiện trạng của thế gian và những vật trong đó sẽ qua đi”.
Việc trái đất không phải là quê hương của chúng ta lý giải vì sao, là những người theo Chúa Giê-xu, chúng ta gặp phải nhiều khó khăn, đau buồn và bị ruồng bỏ trong thế gian này.  Nó cũng giải thích lý do tại sao một số lời hứa của Đức Chúa Trời có vẻ như chưa được thực hiện, một số lời cầu xin chưa được nhận, và một số hoàn cảnh tỏ ra bất công. Đây chưa phải là kết thúc của câu chuyện.
Để giữ mình khỏi quá gắn bó với thế gian. Đức Chúa Trời cho phép chúng ta cảm nhận được khá nhiều bất mãn và không thoả lòng trong cuộc sống – những khao khát sẽ không bao giờ được thành tựu trong cõi đời này. Chúng ta không hoàn toàn hạnh phúc ở đây vì chúng ta không được định là sẽ ở đây! Đây không phải là căn nhà cuối cùng của chúng ta; chúng ta được tạo dựng cho một điều gì đó tốt hơn nhiều.
Con cá chẳng bao giờ vui thú khi sống trên đất, vì nó được tạo dựng để sống dưới nước. Một con chim ưng không bao giờ có thể thoả lòng nếu nó không được phép bay. Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa lòng hoàn toàn trên trần gian này, vì bạn được tạo dựng không chỉ cho trần gian. Bạn sẽ có những giây phút hạnh phúc ở đây, nhưng không gì có thể sánh với điều mà Đức Chúa Trời đã hoạch định cho bạn.
Nhận thức rằng cuộc đời trên trần gian chỉ là tạm bợ sẽ giúp thay đổi hoàn toàn những giá trị của bạn. Những giá trị đời đời, chứ không phải tạm bợ, sẽ trở thành những yếu tố giúp bạn quyết định. Giáo sư C. S. Lewis đã nhận xét, “Tất cả những gì không thuộc về cõi đời đời thì đời đời vô dụng.” Thánh Kinh chép: “Bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy .
Thật là một sai lầm chết người khi cho rằng mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn là sự thịnh vượng về vật chất, hoặc sự thành công, theo quan niệm phổ thông. Đời sống dư dật không có liên quan gì đến sự dư dật về vật chất, và trung thành với Đức Chúa Trời không bảo đảm sự thànhcông. Đức Chúa Trời chú tâm đến nhân cách của bạn hơn là sự vui thoả của bạn. Ngài chú tâm đến điều bạn có thể trở nên hơn là làm cho đời sống bạn dễ dàng. Nên nhớ rằng cuộc sống là một sự thử nghiệm.
Thánh Phao-lô là người trung tín, nhưng ông chết trong tù. Giăng Báp-tít là người trung tín, nhưng ông bị chặt đầu. Hàng triệu người trung tín khác đã tuận đạo, mất tất cả, hoặc khi chết đi chẳng còn lại gì để phô trương theo mắt của thế gian. Nhưng kết thúc cuộc đời không phải là chấm dứt tất cả! Trong con mắt Đức Chúa Trời, những người anh hùng đức tin vĩ đại nhất không phải là người được thịnh vượng, thành công, và quyền lực trong cuộc đời này, bèn là những người xem cuộc đời là một phần việc ngắn ngủi và phục vụ cách trung tín, mong đợi phần thưởng được hứa trước của họ trong cõi đời đời. Thánh Kinh chépvề bảng vàng danh dự của Đức Chúa Trời như sau: “Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉ trông thấy và chào mừng những điều từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất … Nhưng họ trông đợi một quê hương tốt hơn ở trêntrời; nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn màxưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành” .
Thời gian bạn sống trên trần gian này không phải là toàn bộ câu chuyện về cuộc đời bạn. Bạn phải chờ đến thiên đàng mới xem được những chương còn lại.
Có một câu chuyện xưa kể về một giáo sĩ đã về hưu và trở về quê hương, nước Mỹ, trên cùng một chiếc tàu mà tổng thống Mỹ đang đi. Những đám đông hò reo, một toán quân dàn chào, một tấm thảm đỏ, các băng rôn, và các hãng thông tấn chào đón vị tổng thống trở về, nhưng vị giáo sĩ thì rời tàu mà không ai chú ý đến. Cảm thấy tự ti và oán giận, ông bắt đầu than phiền với Chúa. Và rồi Chúa nhẹ nhàng nhắc nhở ông, “Nhưng con của ta, con chưa về nhà mà.”
Bạn sẽ không ở thiên đàng hai phút trước khi bạn thốt lên, “Tại sao tôi lại quá chú trọng vào những điều tạm bợ đó? Tôi đã nghĩ gì? Tại sao tôi lại lãng phí quá nhiều thời giờ, năng lực và tâm trí cho những thứ không bền lâu?
Khi cuộc sống trở nên khó khăn, khi bạn chìm ngập trong nỗi nghi ngờ, hay khi bạn tự hỏi không biết sống cho Chúa có xứng đáng để mình nỗ lực hay không, hãy nhớ rằng bạn chưa về nhà. Khi cái chết đến, đó không phải là lúc bạn rời nhà ra đi – đó là lúc bạn sẽ đi về nhà.
Đề tài suy gẫm: Đời sống là một phân vụ tạm thời
CÂU HỎI ĐỂ GIÚP BẠN SUY NGHĨ
1.       Nếu điều duy nhất còn lại đời đời là mối tương giao của bạn với Đức Chúa Trời, thì điều này có ảnh hưởng gì đến giá trị, ưu tiên, của cải và thì giờ làm việc của bạn?
2.       Nếu Thượng Đế chú ý đến phẩm chất hơn là sự thoả mãn của bạn, chân lý này thay đổi cách bạn đối phó và đáp ứng lại vấn đề của đời bạn như thế nào?
3.       Bạn có biết ai lên thiên đàng không? Dựa trên những gì bạn đọc và biết, bạn hãy tưởng tượng họ muốn nói gì với bạn?

Nguyên Nhân Của Mọi Sự?
Mọi sự đều vì Đức Chúa Trời.
Không những bạn được tạo dựng cho Ngài nữa. Mục đích tối hậu của vũ trụ làđể bày tỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời.Đó là lý do mọi sự hiện hữu, kể cả bạn,Đức Chúa Trời đã tạo dựng mọi sự, kể cả chính bạn vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, thì không có gì cả.
Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là gì? Đó chính là Đức Chúa Trời. Đó là bản chất, đặc tính và quyền năng của Ngài.
Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ở đâu? Hãy nhìn xung quanh. Mọi sự được Đức Chúa Trời tạo nên đều phản ánh sự vinh hiển của Ngài theo một cách nào đó. Chúng ta nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi, từ những dạng sống nhỏ nhất cho đến dãy Ngân Hà vĩ đại, từ những buổi hoàng hôn và các ngôi sao cho đến những cơn bão và cácmùa. Sự sáng tạo bày tỏ vinh hiển của Đấng Sáng Tạo. Bạn có thể học biết nhiều về bản chất của Đức Chúa Trời. Bạn có thể nhìn xung quanh. Qua thiên nhiên, chúngta biết được rằng Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng, Ngài thích tính cách đa dạng, yêu vẻ đẹp, tổ chức, khôn ngoan và sáng tạo. Thánh Kinh chép: “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Làm sao bạn có thể biết Đức Chúa Trời giống như thế nào? Xuyên suốt lịchsự, Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự vinh hiển của Ngài cho con người bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng hình ảnh rõ ràng nhấtvề Đức Chúa Trời được thể hiện qua Chúa Cứu Thế Giê-xu con của Ngài. Thánh Kinh cho biết trong quá khứ Đức Chúa Trời phán cùng qua các đấng tiên tri trong nhiều lúc và qua nhiều cách khác nhau. Nhưng bây giờ Ngài đã phán qua con Ngài… Con Ngài thể hiện vinh quang của ĐứcChúa Trời và bày tỏ Đức Chúa Trời giống như thế nào”
Chúa Giê-xu phán: “Ta là sự sáng của thế gian.” Nhờ Chúa Giê-xu chúng ta biếtrõ Đức Chúa Trời giống như thế nào. Thánh Kinh chép: “Con là sự chói sáng của vinh hiển Đức Chúa Trời.”Có nhiều hiểu biết về Đức Chúa Trời mà chúng ta không thể nào rõ cho đến khi Chúa Giê­xu đến thế gian này. Chúa Giê-xu đến để chúng ta hiểu vinh hiển của Đức Chúa Trời. Thánh Kinh cho biết: “Ngôi Lời trở nên con người, ở giữa chúng ta, và chúng ta thấy sự vinh hiển của Ngài…, vinh hiển đầy ân điển và chân lý.”
Tất cả mọi con người Đức Chúa Trời tạo dựng đều được truyền phải thừa nhận vinh hiển của Đức Chúa Trời, tôn cao, ca ngợi và thể hiện vinh hiển Ngài, và sống cho vinh hiển Ngài. Tại sao? Vì Đức Chúa Trời đáng được vinh hiển! Chúng ta phải dâng cho Ngài tất cả mọi danh dự. Vì Đức Chúa Trời tạo dựng mọi vật, Ngài đáng được tất cả vinh hiển. Thánh Kinh chép:“Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Ngài đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa Ngài đã tạo dựng mọi vật”.
Trong toàn cõi vũ trụ này, chỉ có haitạo vật của Đức Chúa Trời là không chịu dâng vinh hiển cho Ngài: đó là các thiên sứ sa ngã (ma quỷ) và chúng ta (con người). Không dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời đó chính là “tội lỗi”. Toàn bộ tội lỗi, xét về cội nguồn của nó, là sự thất bại trong việc dâng vinh hiển lên cho Đức Chúa Trời, vinh hiển mà Ngài đáng nhận lãnh. Tội lỗi là yêu bất cứ điều gìkhác hơn là yêu Đức ChúaTrời. Không chịu dâng sự vinh hiển lên cho Đức Chúa Trời là một hành động phản nghịch kiêu ngạo, và đó chính là tội lỗi đã khiến Sa­tan sa ngã – và cả chúng ta nữa. Đứng về nhiều phương diện tất cả chúng ta đã sống vì vinh hiển của riêng mình, chứ khôngphải của Đức Chúa Trời. Thánh Kinh chép: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời".
Không ai trong chúng ta đã từng dâng cho Đức Chúa Trời toàn bộ sự vinh hiển mà Ngài xứng đáng nhận từ chính cuộcđời chúng ta. Đây là tội lỗi lớn nhất và cũng sai lầm lớn nhất mà chúng ta vấp phải. Mặt khác, sống vì vinh hiển của Đức Chúa Trời là thành công lớn nhất chúng ta có thể đạt được trong cuộc đời này. Chúa phán, “Họ là con dân của Ta, ta đã dựng nên họ để dâng vinh hiển cho Ta”, vì vậy dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời là mục tiêu tối hậu của mục đích thứ nhất trong cuộc đời chúng ta.
Chúa Giê-xu nói với Đức Chúa Cha trên thiên đàng: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho con làm” Chúa Giê-xu tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách làm trọn mục đích của Ngài trên đất. Chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời cũng bằng cách đó. Khi tạo vật nào làm thành mục đích của nó, nó dâng vinh hiển lên cho Đức Chúa Trời. Các loài chim dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời khi chúng bay lượn, kêu chiêm chiếp, làm tổ, và làm những việc khác của loài chim mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng. Ngay cả loài kiến nhỏ mọn cũng mang vinh hiểncho Đức Chúa Trời khi nó làm trọn mục đích của nó. Đức Chúa Trời tạo kiến để làm kiến và Đức Chúa Trời tạo dựng bạn để làm chính bạn. Thánh Irenaeus nói: “Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời chính là con người hoàn toàn sống động!”
Cuốn sách “Sống Theo Đúng MụcĐích” giải thích một cách chi tiết làm thế nào bạn có thể thực hiện năm mục đích của Đức Chúa Trời cho đời bạn. Tôi hy vọng rằng bạn sẽ tìm cuốn sách đó để đọc.
Sau đây là tóm tắt của năm mục đích.
1. Bạn dâng hiến cho Đức Chúa Trời bằng cách tìm biết và yêu mến Ngài. Mục đích đầu tiên của đời bạn là thờ phượng. Đó là nhiệm vụ đầu tiên của bạn trên trái đất này. “ Một số người đã xao lãng điều quan trọng nhất trong đời sống.Họ không biết Đức Chúa Trời.”
Bạn có thể biết nhiều điều, nhưng nếubạn không biết Đức Chúa Trời một cách cá nhân thì bạn không biết lý do mà bạn được tạo dựng.
Thờ phượng không phải là chỉ đến nhà thờ. Thờ phượng là một lối sống khi chúngta tận hưởng Đức Chúa Trời, khi chúng ta yêu thương Ngài và dâng chính chúng ta để làm trọn mục đích của Ngài. Chúngta thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách chúng ta tận hưởng Ngài. Giáo sư C.S.Lewis đã nói: “ Khi Đức Chúa Trời ban lệnh cho chúng ta tôn vinh Ngài.” Đức Chúa Trời muốn sự thờ phượng của chúng ta phát xuất từ sự yêu thương, sự tạ ơn và lòng vui mừng chứ không phải là nhiệm vụ. Khi bạn sử dụng đời sống của bạn cho sự vinh hiển Đức Chúa Trời tất cả những gì bạn làm là một hành động của sự thờ phượng. Thánh Kinh nói: “ Hãy sử dụng thân thể của bạn như là dụng cụ để làm điều gì thích hợp đem vinh hiển về cho Đức Chúa Trời.”
Cho đến khi bạn thực hiện và làm trọn mục đích đầu tiên này bạn sẽ không thể làm trọn bốn mục đích kia.
2. Bạn dâng hiến cho Đức Chúa Trời bằng cách học yêu thương những người khác trong gia đình của Ngài. Mục đích thứ hai này thường được gọi là thông công. Đó là cách chúng ta chuẩn bị cho cõi đời đời lúc tất cả những người chấpnhận Chúa Giê-xu con Đức Chúa Trời sẽ thông công mãi mãi đời đời. Khi bạn dâng hiến cả đời sống mình cho Chúa Giê-xu, bạn trở thành một phần tử của gia đình Ngài. Đời sống mà Đức Chúa Trời dành cho bạn tận hưởng không những chỉ tin mà thôi. Mà bạn cần thuộc về Ngài nữa. Tại sao? Vì cớ yêu thương là một trong những bài học lớn nhất mà Đức Chúa Trời muốn bạn học trên trái đất này trước khi bạn vào cõi đời đời. Thánh Giăng viết :
“Tình yêu thương chúng ta cho nhau, chứng tỏ rằng chúng ta đã đi từ cõi chết đến sự sống.”Thánh Paolô cũng viết: “Các bạn hãy chấp nhận lẫn nhau vì vậyĐức Chúa Trời được vinh hiển.?” Trách nhiệm lớn thứ hai của bạn là học yêuthương như Chúa đã yêu thương. Vì Đức Chúa Trời là tình yêu và Ngài muốn bạn giống Ngài. Vì vậy liên hệ đến một Hội Thánh địa phương như một gia đình thiêng liêng của bạn là điều thiết yếu. Bạn không thể làm trọn mục đích thứ hai của đời bạn một mình. Ngài đã tạo dựng chúng ta để chúng ta cần nhau. Chúa Giê­xu phán rằng: “Bằng cớ bày tỏ chúng ta thật biết Ngài là: “ Như ta yêu các ngươi thế nào, thì các ngươi cũng yêu nhau thế ấy.” Nhờ đó mà mọi người biết rằng các ngươi là môn đệ ta nếu các ngươi yêu nhau.”
3. Bạn dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời bằng cách trở nên giống Chúa Cứu Thế. Một khi chúng ta được sanh lại trong gia đình của Đức Chúa Trời qua sự ký thác hoàn toàn chúng ta cho Chúa Cứu Thế, Đức Chúa Trời muốn chúng ta trưởng thành trong đời sống thiêng liêng. Việc đó như thế nào? Sự trưởng thành thiêng liêng là trở nên giống Chúa Giê-xu trong cách chúng ta suy nghĩ, xúc cảm và hành động. Bạn đào tạo phẩm cách của mình giống Chúa Cứu Thế bao nhiêu thì bạn đem vinh hiển về cho Đức Chúa Trời bấy nhiêu. Kinh Thánh chép: “Khi Thánh Kinh của Chúa vận hành trong đời sống của chúng ta, chúng ta trở nên giống như ngài và thể hiện vinh quang Ngài hơn nữa.”
Đức Chúa Trời ban cho bạn một đời mới và bản chất mới khi bạn chấp nhận Chúa Giê­xu làm quản lý (Chúa) của đời bạn rồi phầncòn lại của đời bạn trên đất Đức Chúa Trời muốn tiếp tục tiến trình đổi mới nhân cách bạn Kinh Thánh chép: “Hãy đầy dẫy trái của sự cứu chuộc, đó là những điều tốt đã được bày tỏ trong đời sống của bạn bởi Chúa Cứu thế Giê-xu. Vì điều này sẽ đem nhiều vinh hiển và ca ngợi về cho Đức Chúa Trời”.
Đức Chúa Trời sử dụng nhiều dụng cụ khác nhau, những người khác nhau, Thánh Kinh, hoàn cảnh, thời điểm, để đào tạo đời sống thiêng liêng của bạn và chuẩn bị bạn cho cõi đời đời.
4. Bạn dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời bằng cách phục vụ người khác. Đây là cách bạn thực hành cho cõi đời đời. Trên thiên đàng chúng ta sẽ tận hưởng việc phục vụ Chúa, vì vậy một trong năm lý do mà Chúa đặt để chúng ta trên đất này là tạo cho chúng ta cơ hội để chúng ta thực tập. Dĩ nhiên cách duy nhất để chúng ta phụcvụ Đức Chúa Trời (Đấng chúng ta không thấy) là phục vụ những người khác (những người chúng ta thấy được). Đó là lý do tại sao Chúa ban cho bạn một số tài năng.
Bạn được Đức Chúa Trời ban cho những tài năng, ân tứ, kỹ năng để phục vụ Ngài bằng cách phục vụ người khác.
Thánh kinh gọi mục đích thứ tư này là hầu việc giữa người khác, đó là sự phục vụ của bạn. Trái với quan niệm thôngthường Đức Chúa Trời ban cho mỗi người một chức vụ, nơi bạn có thể phục vụ, và cách Đức Chúa Trời ban cho bạn phục vụ không phải là ngẫu nhiên.
Đức Chúa Trời ban cho bạn khả năng không phải để làm trọn mục đích ích kỷ của mình. Ngài ban cho bạn để làm lợi cho những người khác, như Ngài ban cho người khác khả năng để làm lợi ích cho bạn. Thánh Kinh nói : “Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người trong các bạn một số ân tứ từ kho tàng ân tứ thiêng liêng rộng lớn của Ngài. Hãy quản lý các ân tứ đó, để sự giàu có của Đức Chúa Trời có thể tuôn tràn qua bạn. Bạn được gọi để giúp đỡ người khác không? Hãy làm điều này với tất cả năng lực và sức mạnh Chúa ban cho bạn. Vì vậy Chúa sẽ được vinh hiển
5. Bạn dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời bằng cách nói với những người khác về Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không muốn tình yêu thương và những mục đích của Ngài cứ được giữ kín. Một khi chúng ta đã biết chân lý, Ngài mong muốn chúng ta chia sẻ nó với những ngườikhác. Đây là một đặc quyền lớn – đặc quyền giới thiệu Chúa Giê-xu cho những người khác, giúp họ khám phá được mục đích của mình, và chuẩn bị họ cho cõi đời đời. Kinh Thánh chép: “Ân điển của Đức Chúa Trời đem nhiều người về với ChúaCứu Thế… Đức Chúa Trời sẽ nhận được vinh hiển nhiều hơn”.
Sống trọn quãng đời còn lại của bạn vìsự vinh hiển của Đức Chúa Trời đòi hỏi phải có sự thay đổi trong các ưu tiên, lịch làm việc, các mối quan hệ của bạn, cũng như mọi việc khác. Đôi khi nó có nghĩa là phải lựa chọn con đường khó thay vì con đường dễ dàng. Ngay chính Chúa Giê-xu cũng phải tranh đấu với vấn đề này. Khi biết rằng Ngài sắp phải chịu đóng đinh Ngài kêu lên : “Hiện nay tâm thần ta bối rối; ta sẽ nói gì? Lạy Cha, Cha có thể cứu con khỏi giờ này không? Nhưng vì chính lý do này mà con đã đến giờ này. Lạy Cha xin hãy làm sáng danh Cha…”
Chúa Giê-xu đứng ở ngã ba đường. Ngài làm thành mục đích của mình và dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời hay Ngài sẽ thối lui và sống một cuộc đời an nhàn tự mãn? Bạn cũng đối diện với cùng một lựa chọn đó. Bạn sẽ sống vì mục đích riêng của bạn, an nhàn, và khoái lạc của riêng mình, hay bạn sẽ sống quãng đời còn lại vì sự vinhhiển của Đức Chúa Trời, biết rằng Ngài đã hứa ban cho bạn những phần thưởng đời đời? Kinh Thánh chép: “Ai cầm giữ sự sống mình thì sẽ mất, nhưng ai từ bỏ sự sống mình sẽ nhận được sự sống thật và sự sống đời đời”.
Đã đến lúc phải giải quyết vấn đề này. Bạn sống cho ai – chính bạn hayĐức Chúa Trời? Có thể bạn sẽ lưỡng lự, không biết mình có đủ sức để sống cho Đức Chúa Trời hay không. Đừng lo lắng.Đức Chúa Trời sẽ ban cho bạn điều bạn cần nếu bạn lựa chọn sống cho Ngài. Kinh Thánh chép: “ Tất cả những gì đi vào đời sống làm vừa lòng Đức Chúa Trời đã được ban cho chúng ta một cách kỳ diệu. Đây là đời sống chúng ta biết một cách cá nhân qua Đấng đã mời gọi chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời”
Bạn đừng nghĩ rằng bạn phải trả lời tất cả những câu hỏi trước khi bạn dấn thân. Bạn luôn luôn có nhiều câu hỏi trong suốt phần còn lại của đời bạn. Tôi đã theo Chúa Cứu Thế Giê-xu trên 40 năm mà tôi vẫn còn những câu hỏi và những nghi ngờ về những điều tôi đọc trong Kinh Thánh. Nhưng những câu hỏi này không ngăn trở tôi tận hưởng mối tương giao giữa tôi với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tôi không cần phải hiểu máy xe làm việc như thế nào để có thể sử dụng chiếc xe. Tôi không cần phải hiểu dạ dày tôi tiêu hoá như thế nào để tận hưởng một món ăn. Cũng một lẽ ấy tôi mong ước rằng người nào đã chỉ cho tôi cách tôi mời Chúa Giê-xu vào đời sống tôi trước khi tôi còn những câu hỏi nghi ngờ. Bạn cũng có thể tiếp nhận Ngài như vậy. Ngay bây giờ, Đức Chúa Trời đang mời gọi bạn sống cho vinh hiển của bạn bằng cách làm trọn mục đích mà Ngài đã tạo dựng bạn. Đó mới thực sự là cách sống duy nhất. Mọi thứ khác chỉ đơn thuần là hiện hữu. Cuộc sống thật bắt đầu bằng sự cam kết dâng trọn đời sống của bạn cho Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nếu bạn chưa chắc mình đã làm điều này thì, tất cả những gì bạn cần làm là nhận và tin. Kinh Thánh hứa rằng: “Nhưng hễ ai tin nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cáiĐức Chúa Trời”.  Bạn có chấp nhận lờimời của Đức Chúa Trời không?
Trước hết, hãy tin. Hãy tin rằng Đức Chúa Trời yêu thương bạn và tạo dựng bạn vì mục đích của Ngài. Hãy tin rằng bạn không phải là một sự tình cờ. Hãy tin rằng bạn được tạo dựng để sống đời đời.Hãy tin rằng Đức Chúa Trời đã chọn bạnđể tạo một mối tương giao với Đức ChúaGiê-xu, Đấng chết trên thập giá cho bạn. Hãy tin rằng bất luận bạn đã làm gì, thì Đức Chúa Trời vẫn muốn tha thứ cho bạn. Xin Ngài tha thứ và giúp đỡ bạn thay đổi thì Ngài sẽ làm.
Thứ hai, hãy tiếp nhận. Hãy tiếp nhận Chúa Giê-xu vào cuộc đời bạn, để Ngài làm Chúa( quản lý, chủ) để Ngài kiểm soát đời bạn, hãy nhận Ngài làmChúa Cứu Thế (Đấng đã chết để đền lại cho những điều mà bạn đã làm sai lầm). Hãy tiếp nhận sự tha thứ của Ngài. Hãy tiếp nhận quyền năng để giúp bạn làm trọn mục đích của đời sống. Thánh Kinh chép: “Ai chấp nhận và tin cậy con Ngài thì sẽ nhận lãnh đời sống hoàn toàn và mãi mãi.” Bây giờ dù bạn đang đọc cuốn sách này ở đâu, tôi cũng mời bạn cúi đầu và thầm dâng lên lời cầu nguyện, một lời cầu nguyện sẽ thay đổi bạn đời đời:
“Lạy Chúa Giê-xu, con tin nơi Ngài và con xin tiếp nhận Ngài. Cảm ơn Chúa đã chết trên thập tự giá để đền trả tội lỗi cho con. Với tất cả lòng thành con xin Ngài ngự vào đời con và giúp con biết Ngài, tin cậy và yêu mến Ngài”.  Bạn hãy làm đi.
Nếu bạn thật lòng trong lời cầu nguyện đó, thì xin chúc mừng bạn! Chào mừng bạn gia nhập vào gia đình của Đức Chúa Trời! Bây giờ bạn đã sẵn sàng để khám phá và bắt đầu sống theo mục đích củaĐức Chúa Trời cho đời bạn. Tôi khích lệ bạn nói với người khác về điều này. Bạn cần được giúp đỡ. Xin liên lạc với địa chỉ trong sách nhỏ này, bạn sẽ nhận được tài liệu để giúp cho bạn trong hành trình thiêng liêng mới này…
Đề tài suy ngẫm. Bạn muốn sống cho ai? Cho Chúa hay cho chính bạn?
CÂU HỎI GIÚP BẠN SUY NGHĨ
1.       Bạn có dâng lên Chúa bài cầu nguyện trên chưa?
2.       Nếu bạn chưa mở đời sống mình cho Chúa Cứu Thế thì bạn còn chờ đợi gì nữa?
3.       Bạn có người bạn nào mà bạn có thể chia xẻ quyết định của bạn tin theo Chúa Cứu Thế Giê-xu và bắt đầu sống một đời sống có mục đích? Hãy viết tên các người bạn đó xuống ở đây và báo cho họ biết quyết định của bạn?

Bạn có thể tìm đọc sách” Sống Theo Đúng Mục Đích”. Một cuốn sách bán chạy nhất trong những năm qua để biết thêm về đời sống được thúc đẩy bởi mục đích.
Nguon Hy Vong International